Bạn có thuộc trong 10 nhóm phụ huynh như thế ?

0

Nghề giáo cũng như mọi nghề khác, đều có vui, buồn. Quan hệ thầy cô với phụ huynh là một quan hệ đặc biệt để giúp các con được học tập tốt nhất và phát triển đầy đủ nhất. Yêu nghề mình làm sẽ mang lại hiệu quả công việc tốt hơn. Nhưng thầy cô cũng ngại 10 kiểu phụ huynh.

1. Nhóm “con mình là nhất”

Vâng, con bạn thật đặc biệt nhưng trẻ nào trong lớp cũng vậy. Và chắc chắn, con bạn không đặc biệt đến nỗi chúng không phải làm bài tập ở nhà, đi học đúng giờ hay tuân theo các quy định ở lớp. Các thầy cô giáo cũng có con. Ở nhà, con cái cũng là cả thế giới với họ nhưng khi trẻ đến trường, bố mẹ cũng phải đủ thực tế để chấp nhận rằng các quy định áp dụng cho mọi trẻ, không có ngoại lệ. Những cha mẹ coi con mình là nhất luôn cố gắng thuyết phục các thầy cô rằng đứa con quý giá của họ không bao giờ làm sai điều gì.

Con mình không bao giờ sai

2. Nhóm “phó mặc cho trường”

Tất cả bố mẹ đều muốn con họ học tốt hơn ở trường nhưng phụ huynh kiểu này muốn con có điểm cao hơn, cải thiện khả năng đọc mà chính họ không cần nhúng tay vào bất cứ việc gì. Chẳng hạn, dù cô giáo đã giải thích là nếu muốn con đọc tốt hơn, bố mẹ cần đọc cùng con vào buổi tối nhưng bố mẹ đó vẫn tìm kiếm những cách khắc phục nhanh hơn hay các giải pháp khác mà chính họ không cần tham gia vào.

3. Nhóm “thật quá sốt sắng”

“Đó là một buổi tan học bình thường, nhưng thay vì chấm điểm cho học sinh như dự định, tôi phải lên gặp hiệu trưởng. Tôi bối rối vì không biết lý do là gì. Hóa ra, tôi là nạn nhân của một phụ huynh quá ‘nhiệt tình’. Phụ huynh này có chút không hài lòng với một việc xảy ra trong lớp tôi nhưng chị ấy bỏ qua bước nói cho tôi biết mà đến gặp thẳng hiệu trưởng. Tôi không có lỗi và có thể giải thích rõ ràng với sếp, nhưng thực sự tôi cảm thấy mệt mỏi và thất vọng khi phụ huynh không trực tiếp nói chuyện với mình trước mà hành động như vậy”, một cô giáo chia sẻ.

Rõ ràng, câu chuyện này khá quen thuộc, và qua đó, bạn có lẽ nên rút kinh nghiệm nếu không muốn bị liệt vào danh sách “những phụ huynh hay gây rắc rối”.

Gặp thẳng Hiệu trưởng

4. Nhóm “quay như chong chóng”

Phụ huynh này xuất hiện ở mọi nơi có con họ. Họ thường ở lại rất lâu nơi cuối lớp sau khi những bố mẹ khác đã ra về. Họ dường như không bao giờ có thể để con cái tự làm điều gì, từ việc buộc dây giày, tự làm thủ công hay mắc vài lỗi nhỏ.

5. Nhóm “ẩn tựa vô hình”

Phụ huynh kiểu này ít khi thầy cô thực sự được nhìn thấy và như là tránh gặp giáo viên. Tất nhiên, các thầy cô biết các phụ huynh phải đi làm và rất bận rộn nhưng ít ra bạn cũng cần dành chút thời gian để gặp ít nhất một năm 1-2 lần giáo viên hay liên hệ qua điện thoại chứ.

6. Nhóm “không có giới hạn”

Bạn có từng gửi tin nhắn cho giáo viên lúc 11h đêm chỉ để kiểm tra xem lịch ngày mai của con bạn thế nào không? Nếu có, bạn có thể thuộc nhóm “phụ huynh vô giới hạn” không nhận được cảm tình từ thầy cô giáo của con. “Mỗi lần kiểm tra email, tôi đều thấy 1 và có khi  6 thư từ bố mẹ này. Những phụ huynh này lại không hề viết ngắn đâu, mỗi tin nhắn, lá thư của họ như một chương sách. Nếu tôi đi đâu đó vào 5 phút nghỉ giữa giờ hay giờ ăn trưa, tôi có thể tin chắc bố mẹ này sẽ tìm tôi để nói chuyện sau đó. Không phải là cách nói của họ thế nào, vấn đề họ quan tâm sao, mà là thời gian. Chúng tôi cũng còn nhiều việc khác phải làm”, một giáo viên kể.

Gọi bất kể lúc nào

7. Nhóm “thể hiện tranh quyền”

Cha mẹ này là một “cặp đôi thảm họa” – họ chia sẻ trách nhiệm nuôi con nhưng tranh cãi nhau về mọi thứ khác. Họ dường như ở trong một cuộc đua xem ai trông tốt nhất trong khi làm cho “nửa kia” trông tệ nhất. Họ không bao giờ nhìn về một hướng và rõ ràng, việc giao tiếp về những gì xảy ra ở trường với con họ là thất bại. Trong cuộc đua này, đứa trẻ luôn là kẻ thua cuộc.

8. Nhóm ” bà chủ, ông chủ”

Phụ huynh kiểu này mang khả năng kinh doanh vào lớp học, và họ muốn đảm bảo rằng vị trí của người dạy dỗ con cái họ hàng ngày tại trường phải là ở dưới họ. Họ không coi giáo viên là đối tác mà là một nhân viên dưới quyền. Trong thâm tâm, họ nghĩ “Tôi đóng tiền, tôi có quyền” và giáo viên chẳng khác gì người phục vụ cho con cái họ.

Tôi đóng tiền, tôi có quyền

9. Nhóm “ác cảm trong lòng”

Không rõ điều gì đã xảy ra trong quá khứ khiến cho những phụ huynh này có ác cảm với các thầy cô giáo, đôi khi còn thù ghét trong lòng. Bố mẹ này tin rằng đây chỉ là một công việc dự phòng hay những người chọn nghề này chỉ vì sẽ được nghỉ vài tháng hè. Hay tệ hơn, họ nghĩ rằng những người làm nghề dạy học chỉ cố nghĩ mọi cách để đày đọa con họ. Dù lý do là gì, rõ ràng các phụ huynh kiểu này luôn đổ tất cả lỗi (mà họ nhìn thấy ở con) lên giáo viên. Như vậy thì có lý do gì để họ được yêu mến.

10. Nhóm “hành động quá khích”

Những bố mẹ này luôn để ý từng vấn đề nhỏ ở trường, thổi phồng lên và lặp đi lặp lại thường xuyên cho tới khi họ đạt được như ý. Họ có thể dùng nước mắt, la hét… nhưng luôn sao cho thật kịch tính. Tất cả sẽ không chấm dứt cho tới khi hội đồng nhà trường phải vào cuộc và mỗi phụ huynh ở sân trường đều nhắc tới sự việc như một sự bất công.

(Theo Parenting)/VnExpress