Soạn bài Sóng của Xuân Quỳnh | Ngữ văn 12

0

Soạn bài Sóng của Xuân Quỳnh | Ngữ văn 12 chi tiết giải đáp các câu hỏi trong sách giáo khoa để các bạn hiểu và nắm được kiến thức trong bài. Cùng tham khảo nhé!

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

Soạn bài Sóng của Xuân Quỳnh | Ngữ văn 12
Soạn bài Sóng của Xuân Quỳnh | Ngữ văn 12

Tham khảo thêm: 

1. Soạn bài Sóng phần tác giả

– Xuân Quỳnh (1942 – 1988), tên đầy đủ của bà là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.

– Sinh ra ở một làng quê nghèo tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

– Bà được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình yêu của Việt Nam và là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc nhất của Việt Nam.

– Xuân Quỳnh thường hướng ngòi bút của mình viết những tình cảm gần gũi, bình dị, đơn thuần, trong sáng của đời sống gia đình và cuộc sống hàng ngày, thể hiện những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, đằm thắm, thiết tha.

– Xuân Quỳnh vinh dự được nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2011.

– Một số tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh:

Các tập thơ có: 

  • Chồi biếc (năm 1963), 
  • Hoa dọc chiến hào (năm 1968), 
  • Lời ru trên mặt đất (năm 1978), 
  • Chờ trăng (năm 1981), 
  • Tự hát ( năm 1984). 

Trong đó có một số bài thơ đặc biệt nổi tiếng như: Thuyền và biển, Tiếng gà trưa,  Sóng, Thơ tình cuối mùa thu…

Một số tác phẩm dành cho thiếu nhi: 

  • Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi, viết năm 1981), 
  • Bầu trời trong quả trứng (thơ văn thiếu nhi, viết năm 1982)…

2. Soạn bài Sóng Xuân Quỳnh phần tác phẩm

A. Hoàn cảnh sáng tác

– Sóng được Xuân Quỳnh viết năm 1967 nhân dịp chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (tỉnh Thái Bình), đây là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu và là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

– Bài thơ in được trong tập thơ Hoa dọc chiến hào ( viết năm 1968).

B. Bố cục

Gồm 4 phần như sau:

  • Phần 1. Gồm 2 khổ thơ đầu: Những nhận thức về tình yêu qua hình tượng sóng.
  • Phần 2. Hai khổ tiếp theo: Trăn trở về nguồn gốc của tình yêu.
  • Phần 3. Ba khổ thơ tiếp theo: Thể hiện nỗi nhớ, lòng thủy chung son sắt của người con gái trong tình yêu.
  • Phần 4. Phần còn lại: Khát vọng về một tình yêu trường tồn, bất diệt.

C. Thể thơ

Bài thơ “Sóng” được viết theo thể thơ ngũ ngôn (thể thơ năm chữ).

D. Ý nghĩa nhan đề

– Sóng là hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ, gửi gắm những tư tưởng, tình cảm của tác giả.

– “Sóng” và “em” tuy hai mà một, lúc thì tách đôi ra để soi chiếu cho nhau, lúc lại hòa nhập lại thành một để tạo ra sự cộng hưởng.

– Tác giả đã mượn hình ảnh “sóng” để bộc lộ cảm xúc, cung bậc tình cảm của trái tim người con gái đang đắm chìm trong tình yêu với những bản tính vốn có.

⇒ Qua nhan đề, tác giả đã cho thấy hình tượng trung tâm của toàn bộ bài thơ cùng với những ý nghĩa, những tâm tư, tình cảm được gửi gắm trong đó.

3. Hướng dẫn luyện tập giải câu hỏi trong SGK

Câu số 1 (trang 156 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Bài thơ có âm điệu, nhịp điệu xao xuyến, rộn ràng, được tạo ra bởi các yếu tố:

– Thể thơ ngũ ngôn với những câu thơ ngắn gọn, thường không ngắt nhịp, nối vần qua các khổ thơ có liên kết, giọng thơ sôi nổi tha thiết, nhịp thơ lúc nhịp nhàng, lúc dồn dập 

– Vần thơ: linh hoạt, đa dạng bằng các vần chân, vần cách, gợi ra những hình ảnh các đợt sóng nối tiếp nhau.

Câu số 2 (trang 156 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Hình tượng “sóng mang” vừa mang nghĩa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng, gợi lên âm hưởng sóng biển: dạt dào mà nhẹ nhàng, êm dịu.

– Hai hình tượng “sóng” và “em” luôn song hành diễn tả sự chân thực trong tình yêu đôi lứa.

  • Trong khổ thơ thứ nhất và thứ 2, sóng được đặt trong những trạng thái đối cực, hình ảnh: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ gợi sự liên kết với trạng thái tâm lí của tình yêu.

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

  • Hành trình di chuyển của sóng chính là khát vọng đi tìm cái rộng lớn, cao cả – biển cả.

Khát vọng chinh phục tình yêu cũng là khát vọng muôn đời của con người.

– Khổ thứ 3 và khổ thứ 4, qua hình tượng sóng, tác giả nhận thức về tình yêu của mình – tình yêu sánh ngang biển lớn, cuộc đời.

Tác giả đặt câu hỏi hoài nghi, băn khoăn, trăn trở về nguồn cội của sóng, của tình yêu thương nhưng lại cũng bất lực.

– Khổ thơ thứ 5 và 6: Nỗi nhớ trong tình yêu được so sánh với những liên tưởng độc đáo, thú vị.

Nỗi nhớ da diết, mãnh liệt trong lòng người con gái đang yêu thể hiện được sự thủy chung son sắt, niềm tin vào tình yêu- cuộc sống, tình yêu nào rồi cũng tới bến bờ hạnh phúc.

– Khổ 8: Câu thơ mang màu sắc triết lí, diễn tả sự lo âu, trăn trở, băn khoăn.

Sự khao khát có được hạnh phúc hiện tại, ý thức sâu sắc về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh của tình yêu

– Khổ 9: Niềm mong ước chân thành được hòa mình vào biển lớn, với tình yêu và cuộc đời.

Câu số 3 (trang 156 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Hai hình tượng “Sóng” và “em” có quan hệ tương đồng, hình tượng sóng ẩn dụ cho tình yêu cũng như tâm hồn của nhân vật “em”:

a) Quan hệ tương đồng giữa “sóng” và “em”:

– “Sóng” là một thực thể với nhiều tính chất đối lập như: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ. Ẩn sâu trong hình ảnh “sóng” đó là hình ảnh “em”, bản tính của sóng cũng giống như là tính khí của “em” trong tình yêu.

– “Sóng” và “em” tuy hai mà một, lúc thì phân tách, lúc thì sánh đôi để diễn tả tâm trạng, cảm xúc thay đổi của người phụ nữ trong tình yêu.

b) Kết cấu bài thơ: Bài thơ có kết cấu song hành, hình tượng con sóng của biển cả và hình tượng  con sóng lòng của người phụ nữ luôn song hành.

c) Nét tương đồng đó là:

– Bản tính và khát vọng cao cả của sóng và em:

  • Con sóng không chấp nhận không gian chật hẹp  của“sông”, “không hiểu” nổi sóng nên quyết tâm “tìm ra tận bể” khoáng đạt, để tìm lại chính mình.
  • Hình tượng Em cũng vậy, cũng khát khao, mong muốn tìm được tình yêu để được yêu thương và thấu hiểu, được là chính mình. Bản chất muôn đời của sóng từ “ngày xưa” đến “ngày sau” không hề thay đổi. Đó cũng chính là khát vọng của “em”: được sống trong tình yêu ngọt ngào bằng cả tuổi trẻ.

– Những nỗi niềm của em về sóng biển, về tình yêu:

  • Khi đối diện với “muôn trùng sóng bể”, “em” đã có những suy tư, nỗi niềm, khát khao nhận thức bản thân, người mình yêu và “biển lớn” tình yêu.
  • “Em” băn khoăn, trăn trở về khởi nguồn của “sóng” rồi lại tự lý giải bằng quy luật của tự nhiên, nhưng rồi lại nhận thấy rằng khởi nguồn của sóng và thời điểm bắt đầu tình yêu thật bí ẩn.

– Nỗi nhớ, lòng thủy chung một lòng của sóng và em:

  • “Sóng” nhớ đến bờ: thể hiện nỗi nhớ bao trùm không gian (cả dưới lòng sâu – hay trên mặt nước), dằng dặc theo thời gian (cả ngày tới đêm), nhớ đến nỗi “không ngủ được”.
  • “Sóng nhớ bờ” cũng chính là “em” nhớ tới “anh”, nỗi nhớ của “em” cũng như sóng, bao trùm không gian, thời gian, thậm chí là luôn thường trực trong tiềm thức, trong suy nghĩ và ngay “cả trong mơ còn thức”.

– Khát vọng tình yêu vĩnh cửu, trường tồn của “em”: Sóng chính là biểu tượng cho tình yêu mãnh liệt mà trường tồn bất diệt bởi vậy mà “em” cũng khát khao được “tan ra” “thành trăm con sóng nhỏ” để có thể được sống hết mình trong “biển lớn tình yêu”, để tình yêu trường tồn, vĩnh cửu. Đó cũng là khát khao của em mong muốn được hiến dâng và hy sinh cho tình yêu muôn thuở.

Câu số 4 (trang 157 SGK ngữ văn 12 tập 1):

Bài thơ như lời bộc bạch của một tâm hồn người phụ nữ đang yêu:

– Tâm hồn sôi nổi, mạnh mẽ luôn khao khát được yêu thương.

– Là người thấu hiểu và chung thủy một lòng với tình yêu

– Tâm hồn bộc trực, thành thực, thẳng thắn bày tỏ tình yêu nhưng vẫn mang vẻ nữ tính, chung thủy.

4. Phần luyện tập

Có rất nhiều bài thơ so sánh tình yêu với hình tượng sóng và biển, có thể kể đến:

  • Biển (nhà thơ Xuân Diệu)
  • Khúc thơ tình người lính biển (nhà thơ Trần Đăng Khoa)
  • Thuyền và biển (nhà thơ Xuân Quỳnh)
  • Hai nửa vầng trăng (nhà thơ Hoàng Hữu)
  • Chuyện tình biển và sóng (nhà thơ Trần Ngọc Tuấn)
  • Biển, núi, em và sóng (nhà thơ Đỗ Trung Quân)…

Trên đây là bài soạn chi tiết nhất về bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh, mong rằng với những lời giải chi tiết như thế này sẽ giúp các bạn có bài chuẩn bị cho bài học một cách tốt nhất.