Phân tích tác phẩm Trao duyên (trích “Truyện Kiều”) – Môn Ngữ văn – Lớp 10

0

Trong vô vàn những đoạn trích của Truyện Kiều dài 3254 câu thơ lục bát có một đoạn trích các em được học trong chương trình trung học Phổ thông đó là đoạn trích “Trao duyên”. Có lẽ những đoạn trích trong chương trình trung học Cơ sở tiêu biểu cho nghệ thuật tả cảnh ngụ tình như đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” và “Cảnh ngày xuân” hay tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật như là “Chị em Thúy Kiều”.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Vũ Mạnh Hải (giáo viên môn Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đi phân tích một đoạn trích tiêu biểu đại diện cho miêu tả phân tích diễn biến tâm lí nhân vật của Nguyễn Du chính là đoạn trích “Trao duyên”.

Mục lục

I. Giới thiệu chung
   1. Vị trí đoạn trích
   2. Kết cấu đoạn trích

II. Đọc hiểu đoạn trích
    1. Kiều trao duyên và thuyết phục em
    2. Kiều trao kỉ vật và dặn dò em
    3. Kiều trở về thực tại trong tâm trạng đau đớn tột cùng

III, Kết luận

I. Giới thiệu chung

1. Vị trí đoạn trích

Trong hoàn cảnh gia đình lâm nguy, giữa chữ tình và chữ hiếu, Thúy Kiều đã quyết định làm tròn chữ hiếu và đành lỡ hẹn với chữ tình. Nhưng tình yêu gắn với nghĩa trong khi đã trót thề hẹn đính ước cho nên Thúy Kiều không thể lỗi hẹn với chàng Kim, đang trong mối tơ vò thì Thúy Vân chợt tỉnh giấc lại gần hỏi chị, lúc này Thúy Kiều mới nảy ra ý định nhờ em trả nghĩa cho chàng Kim. 

Đoạn trích được trích từ câu 723 đến 756 của tác phẩm Truyện Kiều, thuộc phần 2 “Gia biến và lưu lạc”

2. Kết cấu đoạn trích

Chia làm 3 phần:

  • Phần I: Thúy Kiều trao duyên và thuyết phục em (12 câu đầu)
  • Phần II: Thúy Kiều trao kỉ vật và dặn dò em (14 câu đầu)
  • Phần III: Thúy Kiều trở về thực tại trong tâm trạng đau đớn tột cùng (14 câu đầu)

II. Đọc hiểu đoạn trích 

1. Kiều trao duyên và thuyết phục em

“Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim ,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sòng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?

Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.”

  • Hoàn cảnh trao duyên:

“Cậy”_ “Chịu”, “Lạy_Thưa” là những từ ngữ Nguyễn Du sử dụng đắc địa và hiệu quả rõ ràng. 

“Cậy” ở đây không những là nhờ vả mà còn trông mong tin cậy. “Chịu” ngoài thể hiện ý nghĩa nhận lời còn mang sắc thái nài ép, bắt buộc.

“Lạy_Thưa” là hành động cử chỉ lời nói bất thường của chị khiến Thúy Vân không thể không chú ý và có linh cảm đó là một việc hệ trọng chị sắp nói.

Như vậy, cảnh huống trao duyên qua ngôn ngữ cử chỉ lời nói của Thúy Kiều với Thúy Vân được thể hiện rất rõ và chỉ vài từ ngữ tác giả đã tái hiện được hoàn cảnh trao duyên.

  • “Đứt gánh” thể hiện sự mong muốn trao duyên cho em. Nàng đưa ra những lí do như: Nàng đã trót đính ước với chàng Kim rồi tai họa ập đến quá nhanh không kịp sắp xếp bên hiếu bên tình cho vẹn toàn, Thúy Vân “Ngày xuân em hãy còn dài” chỗ chị em tình máu mủ ruột thịt nên hãy giúp chị thực hiện lời thề. Như vậy, Thúy Kiều đã đưa ra những lí do thuyết phục để trông cậy trao duyên cho em.
  • Cuối cùng Thúy Kiều khẳng định sự tin tưởng và hàm ơn em vô cùng nếu Thúy Vân giúp nàng chuyện này.

“Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Ở phần này chúng ta vừa thấy sự khó xử của đôi bên, vừa thấy sự tài tình trong cách sử dụng ngôn từ trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của nhà văn Nguyễn Du. 

⇒ 12 câu thơ đầu là lời nhờ cậy, giãi bày, thuyết phục của Thúy Kiều với Thúy Vân trước một sự việc hệ trọng mà nàng sắp thực hiện.

2. Kiều trao kỉ vật và dặn dò em

“Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

“Chiếc thoa”, “bức tờ mây”, “Phím đàn”, “mảnh hương nguyền” là những kỉ vật gắn với kỉ niệm ngọt ngào mà Kiều muốn trao cho em để làm vật tin nhưng làm “vật của chung” để thấy sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, lời nói và hành động từ đó thể hiện sự lưu luyến khó khăn trăn trở, trao duyên mà không trao tình của Thúy Kiều.

“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ gió cây,
Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân! “

  • “Hồn, hiu hiu, dạ đài, thác oan,..” những từ ngữ này cho thấy Thúy Kiều coi mình như đã chết, sống không còn ý nghĩa gì vì tình yêu tan vỡ. 
  • “Mang nặng lời thề” thể hiện sự thủy chung son sắt không bao giờ quên với chàng Kim 
  • Thúy Kiều vẫn mong mỏi sự chia sẻ đồng cảm thấu hiểu từ chàng Kim 

Qua ngôn ngữ, cử chỉ hành động của Thúy Kiều ta thấy sự đau đớn tột đỉnh của nàng.

⇒ 14 câu thơ tiếp là một khối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều: trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé và chua chát.

3. Kiều trở về thực tại trong tâm trạng đau đớn tột cùng

“Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

  • “Bây giờ” xác định thực tại phũ phàng đổ vỡ “trâm gãy”, “gương tan” tình duyên tan vỡ
  • “Tơ duyên ngắn ngủi”, “muôn vàn ái ân”, “kể làm sao xiết” khẳng định vẻ đẹp của sự lãng mạn thủy chung, sắt son cho chàng Kim 
  • Thúy Kiều cảm thấy duyên phận bạc bẽo nổi trôi nàng phó mặc, buông xuôi số phận đồng thời than tiếc, xót xa cho tình yêu 
  • “Ôi, hỡi” thể hiện tột cùng nỗi đau, tâm trạng dồn nén cảm xúc 
  • Thúy Kiều tự nhận là kẻ phụ tình nhưng đó là khẳng định tình yêu bền vững và chung tình 

→ Tâm trạng của Thúy Kiều: vật vã, đau đớn rồi ngất đi trong tiếng kêu thảng thốt, ai oán.

⇒ Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hường về tình yêu của mình và Kim Trọng

III. Kết luận

  • Đoạn trích “Trao duyên” thể hiện tài sử dụng ngôn ngữ, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật của Nguyễn Du
  • Về nội dụng, đoạn trích cho ta thông điệp tình yêu là sự hi sinh trao tặng và khẳng định sự thủy chung son sắt trong tình yêu của Thúy Kiều, đó là tình yêu bất tử được lột tả qua những cung bậc xúc cảm của nhân vật.

Hy vọng với bài viết kèm video giảng dạy của Thầy Vũ Mạnh Hải (giáo viên môn Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) về đoạn trích “Trao duyên” sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn văn lớp 10.