Soạn bài Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão) – Môn ngữ văn – Lớp 10

0

Lịch sử văn học Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng với lịch sử dân tộc, phản ánh chặng đường của dân tộc suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Trong đó, thời đại nhà Trần với hào khí Đông A hào hùng đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong nhiều sáng tác văn thơ.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Phạm Hữu Cường (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đi phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão, như một sáng tác tiêu biểu thể hiện hào khí Đông A bất khuất quật cường của dân tộc Việt Nam. 

Mục lục

I, Tìm hiểu chung
   1. Tác giả
   2. Tác phẩm

II, Đọc hiểu văn bản
    1. Hình ảnh người tráng sĩ và quân đội thời Trần
    2. Nỗi lòng tác giả

III, Tổng kết

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

    • Phạm Ngũ Lão (1255–1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.
    • Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam).
    • Ông là người văn võ song toàn
    • Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.
    • Về sáng tác: Ông sáng tác ít nhưng để đời với hai bài thơ đó là bài Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được sáng tác trước cuộc kháng chiến quân Mông – Nguyên lần thứ 2 (1285) của quân đội nhà Trần

b. Nhan đề

Nhan đề: “Thuật” là kể, bày tỏ nỗi lòng, “Hoài” là nỗi lòng => “Thuật hoài” nghĩa là bày tỏ nỗi lòng.

c. Thể loại

Thất ngôn tứ tuyệt luật Đường

d. Bố cục

Bài thơ gồm 2 phần:

      • Phần I: Hình ảnh người tráng sĩ và quân đội thời Trần (2 câu đầu)
      • Phần II: Nỗi lòng tác giả (2 câu sau)

II. Đọc hiểu văn bản

1. Hình ảnh người tráng sĩ và quân đội thời Trần

Phiên âm:

“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.”

Dịch nghĩa:

“Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.”

      • “Hoành sóc” nghĩa là “Cầm ngang ngọn giáo” khắc họa được tư thế hiên ngang, vững chắc của người tráng sĩ.
      • “Non sông” hiện lên không gian rộng lớn mang tầm vũ trụ
      • “Mấy thu” miêu tả thời gian trải dài theo năm tháng

=> Càng làm nổi bật hình ảnh người tráng sĩ đời Trần với tầm vóc lớn lao, hiên ngang, mang vẻ đẹp kì vĩ dẻo dai.

      • “Ba quân” hiện thân cho quân đội nhà Trần thể hiện ý chí, sức mạnh của quân dân lúc bấy giờ
      • “tì hổ” là hình ảnh mang tính chất ước lệ chỉ loài hổ báo => sức mạnh ghê gớm, lớn lao, oai phong lẫm liệt
      • “khí thôn ngưu” (tính cường điệu, so sánh) thể hiện sức mạnh hổ báo nuốt trôi trâu hoặc khí thế phi thường át sao Ngưu.

=> Sức mạnh bách chiến bách thắng – hào khí Đông A

Hai dòng thơ mở đầu: Hình ảnh tráng sĩ (cá nhân) lồng vào hình ảnh ba quân (dân tộc) – sức mạnh dân tộc. Đó là một hình ảnh mang tính lý tưởng và tầm thời đại.

2. Nỗi lòng tác giả

Phiên âm:

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”

 Dịch nghĩa:

“Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

      • “Nợ công danh” => Quan niệm chí làm trai thời phong kiến là làm trai phải có công danh với đời, giang sơn và có khát vọng cống hiến.
      • “thẹn” vì chưa bằng Vũ Hầu để giúp dân, cứu nước, và chưa trả xong nợ nước, chưa lập công danh với đời.=> Vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, khát vọng của người trai thời Trần.

⇒ Việc sử dụng điển cố điển tích cùng với âm hưởng trầm lắng, suy tư hai câu thơ cuối đã thể hiện tâm tư và khát vọng lập công của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm về chí làm trai rất tiến bộ của ông.

III. Tổng kết

      • Với bút pháp Đường thi sắc sảo, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được khát vọng lí tưởng của tráng sĩ thời Trần
      • Thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao đẹp của tác giả
      • Bài thơ ngắn gọn, súc tích; hình ảnh thơ hoành tráng

Hy vọng với bài viết kèm video giảng dạy của Thầy Phạm Hữu Cường (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn văn lớp 10.