Phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) – Môn Ngữ văn – Lớp 10

0

Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, bên cạnh những sáng tác thể hiện khí thế hào hùng, bất khuất thì còn có những bài thơ thể hiện nhân cách sống cao đẹp của các nhà Nho xưa, trong đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Phạm Hữu Cường (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đi phân tích bài thơ Bài thơ Nhàn.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

a. Con người, cuộc đời

  • Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiệu là  Bạch Vân cư sĩ quê ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
  • Ông đỗ Trạng nguyên (1535) làm quan dưới triều Mạc. Sau đó cáo quan về ở ẩn, làm nghề dạy học.
  • Ông là người có học vấn uyên thâm, có tài đoán định tương lai, tính tình thẳng thắn cương trực, được suy tôn là “Tuyết giang phu tử” (Người thầy sông tuyết)
  • Ông được phong tước Trình Tuyến hầu, Trình Quốc công (Trạng Trình)

b. Sự nghiệp văn học

  • Tác phẩm chính:

* Thơ chữ Hán: Bạch Vân am thi tập (gồm 700 bài)

* Thơ chữ Nôm: Bạch Vân quốc ngữ thi tập (gồm 170 bài) 

  • Nội dung: Mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ca ngợi chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. 

2. Văn bản

  •  Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan về ở ẩn.
  •  Ví trí: Tác phẩm “Nhàn” bài thơ Nôm thứ 43 thuộc quyển “Bạch Vân quốc ngữ thi”.
  •  Thể loại: Thơ Nôm Đường luật
  •  Bố cục (2 phần)

Phần 1 (câu 1-2, 5-6): Vẻ đẹp cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Phần 2 (câu 3-4, 7-8): Vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

  •  Nhan đề

– “Nhàn” là một đề tài lớn trong những sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

– “Nhàn” : rảnh rỗi, nhàn hạ, thân nhàn và tâm nhàn

–  Nguyễn Bỉnh Khiêm quan niệm: “Nhàn” là cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, phủ nhận danh lợi, giữ cốt cách thanh cao

II. Đọc hiểu văn bản

1. Vẻ đẹp cuộc sống nhàn

a. Vẻ đẹp cuộc sống lao động

Hai câu 1 và 2

“Một mai/một cuốc/một cần câu

Thơ thẩn dầu ai/ vui thú nào”

  • Số từ “một” điệp lại 3 lần
  • Liệt kê các dụng cụ lao động: “mai”, “cuốc”, “cần câu” là những vật dụng quen thuộc của người dân lao động

=> Đếm duyệt dụng cụ lao động trước khi làm đó là dụng cụ lao động đơn sơ của nhà nông => Nhu cầu công việc giản đơn

=> Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo => Con người đã chuẩn bị chu đáo để bước vào cuộc sống lao động với phong thái ung dung, thanh thản

=> Hình ảnh “lão nông tri điền” giữa chốn thôn quê với cuộc sống chất phác, nguyên sơ, bình dị, thuần hậu, vui thú điền viên => cách lựa chọn thú “nhàn” cao quý của nhà thơ

  • Nhịp 2/2/3 gợi nhịp điệu đều đặn, thong thả, của cuộc sống và trạng thái ung dung, thảnh thơi của nhân vật trữ tình
  • Từ láy “Thơ thẩn” gợi dáng vẻ con người ung dung, chậm rãi, khoan thai, nhàn hạ, thanh thản
  • “dầu ai vui thú nào” ngầm so sánh mình với người đời. Dẫu ai vui thú nào khác, riêng ta vẫn vui với cuộc sống thuần hậu nơi thôn dã.

=> sự kiên định với lối sống đã lựa chọn, không bận tâm với chạy đua danh lợi

Hai câu thơ đầu toát lên cái ung dung, tự tại của một con người đã hòa mình vào chốn cây cỏ, điền viên; phong thái ung dung nhàn hạ; tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng; được sống theo ý thích của mình

=> Triết lý sống nhàn: Tự do lựa chọn cách sống cho chính mình

b.  Vẻ đẹp cuộc sống sinh hoạt

Hai câu 5 và 6

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.”

  • Thức ăn: “thu ăn măng trúc” “đông ăn giá” => đạm bạc, dân dã, dễ tìm
  • Sinh hoạt “xuân tắm hồ sen” “hạ tắm ao” => thuần hậu, thanh cao

=> Cuộc sống đạm bac, dân giã, mùa nào thức ấy, hòa mình với thiên nhiên

  • Thời gian bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông thể hiện sự chủ động của con người trước thời gian và khẳng định sự thoải mái, dễ chịu của con người trong môi trường thiên nhiên.
  • Cách ngắt nhịp 4/3; lối liệt kê đan xen, sử dụng tiểu đối => lối sống đạm bạc mà thanh cao => cuộc sống thuần hậu như một lão nông tri điền, tự do, chan hòa với thiên nhiên => bức tranh tứ bình về cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của bậc danh nho.

Qua 2 câu thơ trên bộc lộ rõ quan điểm sống thuận theo tự nhiên, hưởng những thức ăn sẵn có nơi thôn dã không phải mưu cầu, tranh đoạt

=> Triết lý sống nhàn: Sống thuận theo tự nhiên

2. Vẻ đẹp nhân cách

Hai câu 3 và 4

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chao lao xao.”

  • Nghệ thuật đối lập: được sử dụng 3 lần “ta – người” “dại – khôn” “nơi vắng vẻ – chốn lao xao”
  • Nghệ thuật ẩn dụ: “nơi vắng vẻ – chốn lao xao”

=> Quan niệm:

  • Dại là “tìm nơi vắng vẻ” có thiên nhiên tĩnh lặng, thuần khiết và cũng chính là nơi tâm hồn được thảnh thơi, ung dung được là chính mình; nơi đây tưởng là dại mà là khôn.
  • Khôn là “chốn lao xao” nơi cửa quyền danh lợi, bon chen, tranh đoạt địa vị; nơi đây tưởng là khôn mà là dại.

=> Nhân cách sáng ngời của nhà văn: không ham vinh danh phú quý, không thích tranh dành quyền lợi địa vị, muốn sống thanh tịnh cho tâm hồn ở nơi vắng vẻ, hòa hợp với thiên nhiên

Hai câu thơ thể hiện triết lí sống của bậc trí giả: tìm về nơi thiên nhiên yên tĩnh để giữ thanh cao, trong sạch cho tâm hồn

=> Triết lý sống nhàn: Thoát khỏi vong danh lợi

Hai câu 7 và 8

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

  • Hình ảnh “uống rượu cội cây” : thú tiêu dao của bậc thức giả => cái nhìn tỏ tường, tìm đến say chẳng qua là tỉnh
  • Mượn điển tích Thuần Vu Phần (Trung Quốc): công danh, phú quý tựa chiêm bao => triết lí nhân sinh “Phú quý tựa chiêm bao”. Nhà thơ cho rằng công danh phú quý chỉ là giấc chiêm bao, nhân cách mới còn là mãi mãi

=> Một bậc thức giả với trí tuệ vô cùng tỉnh táo, uyên thâm. Hai câu thơ có giá trị tổng kết lối sống “nhàn” đồng thời ẩn chứa, răn dạy kín đáo và nhẹ nhàng.

Với nhà thơ, cái khôn của người thanh cao là quay lưng lại với danh lợi vì danh lợi chỉ là một “giấc chiêm bao”. Trí tuệ đó đã nâng cao nhân cách để nhà thơ từ bỏ “chốn lao xao” mà tìm “nơi vắng vẻ”, nơi tĩnh tại tâm hồn ở chốn đồng quê.
=> Triết lý sống nhàn: Coi thường công danh, phú quý

III. Tổng kết

1. Nội dung

  • Khẳng định quan niệm sống “nhàn”: hòa hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, không màng danh lợi.
  • Khẳng định vẻ đẹp nhân cách và trí tuệ của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

2. Nghệ thuật

  • Từ ngữ, hình ảnh tự nhiên, mộc mạc.
  • Sử dụng đạt hiệu quả nghệ thuật: Đối, điệp, điển tích làm việt hóa thơ Đường
  • Giọng thơ nhẹ nhàng hóm hỉnh

Liên hệ tới một số bộ phận con người hiện đại với cuộc sống xô bồ, chạy theo số đông mà quên đi mất những giá trị thanh bình, cốt lõi của cuộc đời.

Hy vọng với bài viết kèm video giảng dạy của Thầy Phạm Hữu Cường (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) về Bài thơ Nhàn sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn văn lớp 10.

 

TOPCLASS10  GIẢI PHÁP HỌC TẬP TOÀN DIỆN DÀNH CHO 2K8

✅ Chuyển cấp nhẹ nhàng, chinh phục mọi bộ SGK - Bứt phá điểm 9,10

✅ Mô hình học tập 4 bước toàn diện: HỌC - LUYỆN - HỎI - KIỂM TRA

✅ Đội ngũ giáo viên luyện thi hàng đầu 16+ năm kinh nghiệm

✅ Dịch vụ hỗ trợ học tập đồng hành xuyên suốt quá trình học tập