Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” (Nguyễn Trãi) – Môn Ngữ văn – Lớp 10

0

Trong những ngày từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã viết nhiều bài thơ đặc sắc, trong số đó có bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi là bức tranh phong cảnh mùa hè độc đáo nhưng thấp thoáng là niềm tâm sự của tác giả.  Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Phạm Hữu Cường (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đi phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè”.

Mục lục

I, Tìm hiểu chung
   1. Tác giả
   2. Tác phẩm

II, Đọc hiểu văn bản
    1. Cảnh sắc thiên nhiên (3 câu giữa)
    2. Cuộc sống con người (2 câu tiếp)
    3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi (1 câu đầu và 2 câu cuối)
    4. Đặc sắc nghệ thuật

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

  • Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội)
  • Nguyễn Trãi là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn hóa Việt Nam, là một trong những danh nhân văn hoá thế giới.

2. Tác phẩm

Vị trí: “Quốc âm thi tập” là tập thơ Nôm sớm nhất; đặt nền móng, mở đường cho thơ ca trung đại

Nội dung: tập trung thể hiện vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi đó là vẻ đẹp tư tưởng, khát vọng về lí tưởng, nhân nghĩa, tấm lòng yêu nước thương dân, cốt cách thanh cao, ung dung của nhà văn

Nghệ thuật: sử dụng thuần thục thể thơ thất ngôn Đường luật như một thể thơ dân tộc

Tập thơ gồm 254 bài chia thành 4 mục: Vô đề (ngôn chí, mạn thuật, trần tình, thuật hứng, tự thuật…); Thì lệnh môn; Hoa mộc môn; cầm thú môn.

 

2. Bài thơ Cảnh ngày hè

Bài thơ Cảnh ngày hè của tác giả Nguyễn Trãi, là bài thơ số 43 nằm trong số 61 bài thơ của mục Bảo kính cảnh giới (thuộc phần Vô đề của tập thơ Quốc âm thi tập).

II. Đọc hiểu văn bản

1. Cảnh sắc thiên nhiên (3 câu giữa)

“Hoè lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

– Bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, cảnh vật tươi tắn, rực rỡ

+ Hình ảnh thơ: hoa hòe, thạch lựu, hồng liên →  hình ảnh quen thuộc, gần gũi

+ Màu sắc: màu xanh lục của cây hòe, màu đỏ của cây thạch lựu, màu hồng của hoa sen – những màu sắc hài hòa, nên thơ tươi tắn, rực rỡ, căng tràn nhựa sống.

+ Sử dụng các động từ mạnh: “đùn đùn, giương, phun, tiễn” → động từ mạnh thể hiện một sức sống mãnh liệt như có một cái gì đó thôi thúc bên trong, sức sống như ứa căng, tràn đầy.

→ Tác giả cảm nhân thiên nhiên một cách tinh tế; sử dụng những hình ảnh thơ bình dị, gần gũi, quen thuộc, độc đáo và có sự phá cách, khác hẳn với những hình ảnh thơ mang tính ước lệ, tượng trưng vốn thường được sử dụng trong Đường thi

Kết luận

  • Cảnh vật được cảm nhận bằng nhiều giác quan, nhiều góc độ
  • Hiện lên sống động, vui tươi, rực rỡ, đầy sức sống
  • Thể hiện cái nhìn nghệ thuật mới mẻ của nhà thơ

2. Cuộc sống con người (2 câu tiếp)

“Lao xao chợ cá làng ngư
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”

  • ” tịch dương” →  ánh sáng cuối ngày, dát vàng của tán lá hòe. “Chợ” gợi không gian bình dị, là hình ảnh của sự thái bình trong tâm thức của người Việt.
  • “lao xao” “dắng dỏi” → từ láy đảo lên đầu dòng gợi âm thanh tiếng chợ, con người buôn bán, cuộc sống đông vui nhộn nhịp và có phần giàu có
  • ” cầm ve” tiếng ve kêu lúc chiều tà gợi lên cuộc sống nơi thôn dã, âm thanh náo nức như tiếng đàn
  •  Hình ảnh thơ gần gũi: chợ cá làng ngư phủ, lầu tịch dương

→  Bức tranh cảnh ngày hè sôi động, náo nhiệt gắn với cuộc sống của con người

Kết luận

  • Hai câu thơ được tái hiện chủ yếu qua âm thanh, ánh sáng
  • Hiện lên bức tranh bình dị nhưng vui tươi, nhộn nhịp, giàu có, no đủ

3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi (1 câu đầu và 2 câu cuối)

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

  • “Rồi” hay “rỗi”: Thể hiện sự rảnh rỗi, đã xong xuôi, đã qua rồi “ngày trường”
  • “hóng mát” →  ung dung, nhàn rỗi, “đủng đỉnh chiều hôm”
  • “Ngu cầm” chỉ thời vua Nghiêu, vua Thuấn là ông vua tài đức, nổi tiếng là thái bình thịnh trị. Vua Thuấn dạo khúc đàn “Nam Phong” gảy lên để ca ngợi nhân gian “giàu đủ khắp đòi phương”. → ước muốn có tiếng đàn của vua Thuấn để ca ngợi cuộc sống của nhân dân ấm no, vui tươi, tràn đầy âm thanh hạnh phúc.
  • “Dân giàu đủ”, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là điều mà Nguyễn Trãi ước ao.

→ Nguyễn Trãi là nhà thơ vĩ đại có một tấm lòng nhân đạo cao cả, Ông luôn nghĩ đến cuộc sống của nhân dân, ước muốn mang lại cuộc sống thanh bình, thịnh trị, chăm lo đến cuộc sống của nhân dân

Kết luận

  • Dòng thơ đầu của bài thơ thể hiện tâm thái ung dung, thanh thản, tự do, tự tại.
  • Tác giả có tâm hồn tinh tế, rung động cùng một nhịp với thiên nhiên
  • Gắn bó với cuộc sống của người lao động nơi thôn dã
  • Tấm lòng thiết tha với đất nước, với nhân dân

4. Đặc sắc nghệ thuật

  • Việt hóa thể thơ thất ngôn bát cú: câu, nhịp
  • Ngôn ngữ có nhiều từ cổ, nhưng giản dị, hàm súc
  • Sử dụng điển tích điển cố; hình ảnh giàu sức gợi

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn Ngữ văn lớp 10.