Ngữ văn 11: Kiến thức trọng tâm nhất định phải nhớ trong nửa đầu học kỳ I – Kết nối tri thức

0

Bài viết này sẽ gửi tới các em học sinh lớp 11 toàn bộ kiến thức trọng tâm ngữ văn lớp 11 nhất định phải nhớ để có kết quả tốt trong thi giữa kỳ. Nội dung dưới đây được tổng hợp theo chương trình của bộ sách kết nối tri thức, các em cùng theo dõi và ôn tập.

I. Tri thức ngữ văn

Bài Tri thức cần nhớ Nội dung
1 Truyện ngắn Là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại. 

Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế. Do dung lượng bị giới hạn, truyện ngắn đòi hỏi sự chắt lọc, dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút pháp chấm phá trong trần thuật. 

Truyện ngắn hiện đại Là khái niệm thường được dùng để phân biệt với truyện trung đại (truyện ngắn thời trung đại). Tuy có mặt tương đồng về dung lượng với truyện ngắn trung đại nhưng truyện ngắn hiện đại có những đặc điểm riêng. 

– Về đề tài, truyện ngắn hiện đại nghiêng về kể những câu chuyện của đương thời, của đời sống thường nhật, không nhất thiết phải hướng tới những nhân vật và sự kiện kì lạ, phi thương. 

– Về cấu trúc, truyện ngắn hiện đại thường được tổ chức xoay quanh một lát cắt của đời sống, ít thể hiện tham vọng bao quát toàn bộ sự kiện hay số phận nhân vật. 

– Về xây dựng tính cách, truyện ngắn hiện đại quan tâm diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển của câu chuyện. 

– Về nghệ thuật trần thuật, truyện ngắn hiện đại thường có sự chuyển đổi linh hoạt điểm nhìn và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời thường, trong đó việc miêu tả nét riêng của ngôn ngữ nhân vật được đặc biệt chú trọng.

Câu chuyện (còn gọi là truyện gốc) là nội dung của tác phẩm tự sự bao gồm nhân vật, bối cảnh và sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian. 
Truyện kể Gắn liền với câu chuyện nhưng không đồng nhất: nó bao gồm các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn và lớp lời văn nghệ thuật. 

Chú ý đến truyện kể tức là chú ý đến cách câu chuyện được kể như thế nào. 

Điểm nhìn Được hiểu là vị trí để quan sát, trần thuật, đánh giá.

Có thể chia thành nhiều loại: điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật được kể; điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong; điểm nhìn không gian và điểm nhìn thời gian.

Điểm nhìn còn mang tính tâm lí, tư tưởng gắn liền với vai kể của người kể chuyện hoặc hoàn cảnh, trải nghiệm của nhân vật. 

Câu chuyện được kể có thể gắn với một điểm nhìn thấu suốt mọi việc, một quan điểm, một cách đánh giá mang tính định hướng cho người đọc. Nhưng cũng có thể được kể từ nhiều điểm nhìn, gắn với nhiều quan điểm, cách đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, xoay quanh sự việc hay nhân vật. Điều này tạo nên tính đối thoại của tác phẩm và đặt người đọc vào một vai trò chủ động, tích cực hơn trong việc diễn giải và đánh giá. 

Lời người kể chuyện  Gắn với ngôi kể, điểm nhìn, ý thức và giọng điệu của người kể chuyện. 

Chức năng: miêu tả, trần thuật, đưa ra những phán đoán, đánh giá đối với đối tượng được miêu tả, trần thuật cũng như định hướng việc hình dung, theo dõi mạch kể của người đọc.

Lời nhân vật Là ngôn ngữ độc thoại hay đối thoại gắn với ý thức, quan điểm, giọng điệu của chính nhân vật. 
2 Cấu tứ Là một khâu then chốt, mang tính chất khởi đầu của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ nói riêng. 

Trong thơ, cấu tứ gắn liền với việc xác định, hình dung hướng phát triển của hình tượng thơ, cách triển khai bài thơ. 

Yếu tố tượng trưng trong thơ là chi tiết, hình ảnh gợi lên những ý niệm trừu tượng và giàu tính triết lí, đánh thức suy ngẫm của người đọc về bản chất sâu xa của con người và thế giới. 
Ngôn ngữ văn học Là ngôn ngữ biểu đạt đặc thù của sáng tác văn học dựa trên ngôn ngữ chung của đời sống do nhân dẫn sáng tạo nên, thể hiện rõ cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của người viết. 

Tính hình tượng và tính thẩm mĩ là hai tính chất quan trọng nhất của ngôn ngữ văn học. 

3 Cấu trúc VBNL Cấu trúc VBNL bao gồm: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng…

– Luận đề định hướng việc triển khai các luận điểm. 

– Luận điểm làm rõ khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề. 

Yếu tố bổ trợ trong VBNL – Thuyết minh: giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực. 

– Miêu tả: tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan. 

– Tự sự: kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên. 

– Biểu cảm: bộc lộ cảm xúc, tình cảm của người viết làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục. 

 

II. Hệ thống văn bản

Văn bản Nghệ thuật Nội dung
Vợ nhặt 

(Kim Lân)

Cách kể chuyện giản dị, lôi cuốn; tình huống truyện độc đáo, éo le vừa nghịch lý lại vừa hợp lý; đối thoại sinh động như lời ăn tiếng nói hàng ngày ở các làng quê; miêu tả tâm lý nhân vật tự nhiên, tinh tế, chân thực; tái hiện lại một cách chân thực cuộc sống của những người nông dân nghèo trong bối cảnh nạn đói năm 1945.  – Thể hiện tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói năm 1945 và tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân, phát xít. Phần nào thể hiện cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam ngay trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật. Mặc dù cận kề cái đói, cái chết nhưng người nông dân vẫn luôn khao khát hạnh phúc, có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. 

Chí Phèo

(Nam Cao)

– Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình

– Nghệ thuật trần thuật, kết cấu mới mẻ, linh hoạt, phóng túng

– Ngôn ngữ, giọng điệu sinh động

– Cốt truyện độc đáo, các tình tiết giàu kịch tính.

– Sự tàn ác của chế độ phong kiến và thực dân đối với người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Số phận thê thảm của tầng lớp nông dân, họ bị đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa và chỉ có cái chết mới có thể giải thoát cho họ. 

– Lên án xã hội phong kiến tàn bạo đã tàn phá thể xác và tâm hồn của những người nông dân yếu thế, hiền lành, chất phác. Niềm cảm thông sâu sắc, sự xót thương với những con người hiền lành nhưng bị dày vò tha hóa bởi những thế lực đen tối đồng thời khẳng định niềm tin của tác giả vào bản chất lương thiện của người nông dân. 

Cải ơi!

(Nguyễn Ngọc Tư)

– Xây dựng tình huống truyện sáng tạo; ngôn từ bình dị nhưng hàm súc, ý nghĩa sâu xa.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, đặc sắc; lời văn sinh động, đa giọng điệu.

Tác phẩm ca ngợi lòng yêu thương vô hạn của người cha đối với con – dù không phải là con đẻ; ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng. Tác phẩm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; nhất là trong việc quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh.
Nhớ đồng 

(Tố Hữu)

– Hình ảnh gần gũi, quen thuộc, giản dị mộc mạc, đời thường.

– Sử dụng rất thành công biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc.

– Giọng thơ da diết, sâu lắng, khắc khoải trong nỗi nhớ.

– Kết hợp xen kẽ câu kể, câu cảm và câu hỏi tu từ.

Bài thơ là tiếng lòng da diết với cuộc đời, cuộc sống tự do và say mê cách mạng, giàu cảm xúc và tâm trạng của một người chiến sĩ khao khát tự do và hành động.

– Nỗi nhớ đồng quê, con người, biểu hiện tình yêu da diết với cuộc sống bên ngoài nhà tù và bao trùm hơn hết là tình yêu Tổ quốc, khát vọng tự do. 

Tràng giang

(Huy Cận)

– thể thơ 7 chữ, cách ngắt nhịp 4/3, tạo sự cân đối hài hòa.

– + Cách thức miêu tả thiên nhiên bằng những nét chấm phá.

+ Sử dụng thi liệu cổ (mây, sóng, cánh chim, …).

+ Âm điệu thơ trầm buồn.

+ Sử dụng nhiều từ láy nguyên (điệp điệp, song song, dợn dợn), mang nét cổ kính của thơ đường; kết hợp với các từ ngữ cổ điển (đìu hiu, sầu, …).

+ Vận dụng sáng tạo lối diễn đạt và các ý trong các tứ thơ cổ điển, gợi không khí trang nghiêm, trầm mặc của thơ Đường. 

+ Sử dụng các từ ngữ hiện đại: củi, sâu chót vót; dấu hai chấm giữa dòng.

Bài thơ thể hiện sâu sắc, tinh tế tâm trạng của cái tôi bơ vơ trước không gian bao la, rộng lớn và tấm lòng thiết tha của thi nhân đối với quê hương đất nước. 
Con đường mùa đông

(Pushkin)

– Ngôn ngữ thơ giàu sức biểu cảm. 

– Khắc họa nhân vật trữ tình độc đáo. 

– Giàu chất tự sự, độc thoại.

Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc về phong cách nước Nga đồng thời thể hiện tâm hồn nghệ sĩ yêu thiên nhiên, muốn hòa mình vào thiên nhiên của nhà thơ. 
Thời gian 

(Văn Cao)

– Bài thơ viết theo thể thơ tự do, gần như không có vần, nhịp điệu chậm rãi khiến bài thơ có sự giản dị, trầm lắng, dồn nén, hàm súc, giàu chất suy tưởng.

– Bài thơ sử dụng nhiều yếu tố tượng trưng.

– Phát huy hiệu quả phép điệp cấu trúc, điệp từ, điệp ngữ.

Bài thơ thể hiện những suy tư về thời gian và niềm tin mãnh liệt của tác giả vào sự trường tồn của nghệ thuật và tình yêu. 
Cầu hiền chiếu 

(Ngô Thì Nhậm)

Thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước; mang đến nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng đất nước; thể hiện tấm lòng chân thành, vì nước vì dân, trọng dụng người tài của vua Quang Trung. – Lập luận: chặt chẽ, hợp lí, giàu sức thuyết phục.

– Lời lẽ: mềm mỏng, khiêm nhường nhưng ràng buộc khiến kẻ sĩ phải thấy được trách nhiệm của mình.

– Sử dụng nhiều điền cổ, hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng.

Tôi có một ước mơ

(Martin Luther King) 

Văn bản viết ra nhằm mục đích khẳng định quyền bình đẳng của người da đen. Đây là lời kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.

Thể hiện ước mơ được giải phóng, được tự do của người da đen ở Mỹ.

– Sử dụng những hình ảnh, câu văn có sức truyền cảm, lời lẽ đanh thép, sâu sắc.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

– Sự kết hợp các yếu tố tự sự, biểu cảm, miêu tả, và các biện pháp tu từ giúp văn bản giàu cảm xúc, giàu tính hùng biện, tác động sâu sắc vào cảm xúc của người nghe.

Một thời đại trong thi ca

(Hoài Thanh)

Chỉ ra được nội dung cốt lõi của tinh thần thơ mới: cái tôi và nói lên cái bi kịch ngấm ngầm trong hồn người thanh niên hồi bấy giờ. Đánh giá được thơ mới trong cả ý nghĩa văn chương và xã hội. – Kết hợp một cách hài hòa giữa tính khoa học và tính văn chương nghệ thuật. Luận điểm khoa học, chính xác, mới mẻ; triển khai hệ thống luận điểm cũng như nghệ thuật lập luận rất chặt chẽ, logic.

– Có sự kết hợp các phương thức biểu đạt, biện pháp nghệ thuật, kết hợp các yếu tố tự sự, biểu cảm, miêu tả, biện pháp tu từ có khả năng khơi gợi và tạo sức cuốn hút lớn.

Tiếp xúc với tác phẩm

(Thái Bá Vân)

– Các luận điểm trong văn bản triển khai theo một trật tự logic, đi thẳng vào vấn đề, có tính nghệ thuật, hợp tình hợp lí

– Các luận điểm có sự liên kết với nhau, có tính định hướng nhằm giải đáp những vấn đề nhận thức và tư tưởng đặt ra trong tác phẩm (quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng). 

 

III. Tiếng Việt

1. Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

1.1 Ngôn ngữ nói

Ngôn ngữ nói (còn gọi là khẩu ngữ) là ngôn ngữ âm thanh, được tiếp nhận bằng thính giác, gắn liền với hoạt động giao tiếp của con người. 

* Lưu ý: Trong một số trường hợp đặc biệt, ngôn ngữ nói cũng xuất hiện dưới dạng văn bản viết: ghi âm, tin nhắn thoại, …

1.2 Ngôn ngữ viết

– Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết, tồn tại trong các văn bản xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: bản viết tay, đánh máy, …

* Lưu ý: Có những văn bản viết mà nội dung thông tin được truyền tải bằng âm thanh: diễn văn, bản tin truyền hình, …

2. Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc thông thường

2.1 Yêu cầu:

Để nhận ra những hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường trong sáng tác văn học, phải nắm vững những quy ước ngôn ngữ có tính chuẩn mực của tiếng Việt, đồng thời biết thực hiện việc đối chiếu,so sánh các phương án sử dụng ngôn ngữ khác nhau.

2.2 Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc thông thường:

– Tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hóa” đối tượng được nói tới. 

– Sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả. 

– Cung cấp nét nghĩa mới cho từ ngữ nhằm đưa đến phát hiện bất ngờ về đối tượng được đề cập.

– Bổ sung chức năng mới cho dấu câu (khi trình bày văn bản trên giấy). 

III. Viết

1. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (Những đặc điểm trong cách kể của tác giả)

1.1. Yêu cầu: 

– Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện được chọn để phân tích. 

– Nêu được và phân tích một cách cụ thể, rõ ràng về các phương diện nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm. 

– Nêu nhận định, đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục với những phân tích có chiều sâu hay thể hiện góc nhìn mới mẻ. 

– Khẳng định giá trị của tác phẩm được chọn để phân tích. 

1.2. Dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm nghệ thuật bạn sẽ phân tích. Nêu khía cạnh trong nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ. 

– Thân bài: 

+ Căn cứ vào việc xác định các yếu tố làm nên tính nghệ thuật của tác phẩm truyện mà bạn chọn phân tích, triển khai bài viết thành các luận điểm tương ứng. 

+ Khi trình bày, bạn có thể đi theo trình tự: miêu tả yếu tố đó, chỉ ra chức năng, vai trò của nó, đánh giá hiệu quả của nó. 

– Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện. 

2. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ (Tìm hiểu cấu tứ và hình ảnh của tác phẩm)

2.1. Yêu cầu:

– Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ.

– Xác định rõ trọng tâm vấn đề được bàn luận trong bài viết. 

– Xem xét vấn đề một cách toàn diện theo từng khía cạnh cụ thể với những lí lẽ, bằng chứng xác đáng. 

– Đánh giá được nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh của bài thơ cũng như giá trị của chúng trong việc thể hiện những khám phá mới về con người và cuộc sống. 

2.2. Dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu chung về bài thơ và vấn đề chính để bàn luận. 

– Thân bài: Triển khai các ý sau: 

+ Cảm giác chung mà cấu tứ cùng những hình ảnh và cách diễn tả khác lạ trong bài thơ đã gợi cho người đọc.

+ Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ. 

+ Những khả năng hiểu khác nhau đối với một số yếu tố, hình ảnh trong bài thơ. 

+ Điều được làm sáng tỏ qua việc đọc thăm dò và thử nghiệm các cách đọc khác nhau đối với bài thơ. 

+ Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm của văn bản bài thơ. 

– Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả. 

3. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Con người với cuộc sống xung quanh)

3.1. Yêu cầu: 

– Nêu được vấn đề giàu ý nghĩa, gợi mở cách nhìn nhận sâu hơn về mối quan hệ giữa con người với cuộc sống xung quanh. 

– Thể hiện được quan điểm rõ ràng của người viết về vấn đề, thông qua hệ thống luận điểm chặt chẽ, các lí lẽ sắc bén và những bằng chứng phù hợp, sinh động. 

– Dẫn được những ý kiến trái chiều có thể về vấn đề được bạn luận để phản bác nhằm củng cố lập luận của bài viết. 

– Rút ra được ý nghĩa của việc nhận thức đúng về vấn đề. 

3.2. Dàn ý: 

– Mở bài: Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận. Có thể nêu vấn đề thông qua một câu chuyện, một tình huống đời sống, một câu hỏi nhận thức, …

– Thân bài: 

Dùng lí lẽ và bằng chứng để: 

+ Trình bày bản chất của vấn đề xã hội được bàn luận và nêu quan điểm của người viết. 

+ Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề. 

+ Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều. 

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng. 

– Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề (gợi mở suy nghĩ, định hướng hành động, …)

* MỘT SỐ LƯU Ý

Những lưu ý trong việc sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

– Đảm bảo sự nhất quán trong cách dùng từ, đặt câu phù hợp với dạng ngôn ngữ sử dụng, tránh tình trạng lạc phong cách (dùng các phương tiện đặc trưng của ngôn ngữ nói cho văn bản viết và người lại.

Ví dụ: “Chí Phèo phải nói là một truyện ngắn đỉnh cao nhất của Nam Cao. Tác phẩm đã tái hiện quá ư là chân thực tình cảnh khốn khổ của người nông dân trong xã hội cũ”. 

– Trong tác phẩm nghệ thuật truyện, sự mô phỏng ngôn ngữ nói bằng ngôn ngữ viết là một đối tượng nghiên cứu thú vị. Sự cộng hưởng này trong văn bản nghệ thuật tạo ra một số hiện tượng đặc biệt về lời văn như lời nửa trực tiếp, lời độc thoại nội tâm, lời nhại, …

Ví dụ: “Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục? Ai thế nhỉ?

Trên đây là những nội dung kiến thức trọng tâm của môn Ngữ văn lớp 11 trong gần 2 tháng qua. Việc xây hệ thống lại nội dung quan trọng là một bước quan trong để các em gỡ rối và nắm chắc kiến thức hơn.

Xem thêm bài viết liên quan đến các môn học lớp 11 tại đây:

Kiến thức trọng tâm nửa đầu học kỳ I Ngữ văn lớp 11 – Cánh diều

Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Toán lớp 11 – Cánh Diều

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Toán lớp 11 – Chân trời sáng tạo

Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Toán lớp 11 – Kết Nối tri thức