Dọn về làng của Nông Quốc Chấn là bài thơ viết về quê hương trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Các bạn hãy cùng tham khảo bài phân tích “Dọn về làng” hay nhất được Butbi chọn lọc dưới đây để thấy được những mất mát, đau thương trong chiến tranh và những chiến thắng hào hùng, vẻ vang của nhân dân, đất nước ta, cùng với đó là niềm vui giải phóng và niềm tin mãnh liệt của tác giả vào một tương lai tươi sáng.
Tham khảo thêm:
I, Dàn ý phân tích Dọn về làng
1, Mở bài
– Nêu khái quát về nhà thơ Nông Quốc Chấn và phong cách sáng tác của ông.
– Giới thiệu khái quát tác phẩm “Dọn về làng”: Bài thơ viết về quê hương của chính tác giả trong những năm tháng chiến đấu đầy đau thương, mất mát mà rất anh dũng, đồng thời nêu lên ý nghĩa to lớn của kháng chiến thắng lợi đối với đời sống cũng như con người Tây Bắc.
2, Thân bài
a) Niềm vui sướng, hân hoan chiến thắng trong 4 câu thơ đầu:
– Kết quả của cuộc chiến được tác giả diễn tả bằng những hình ảnh sống động, đậm lối tư duy, cách diễn đạt của người miền núi, một vẻ rất chất phác, giản dị, hồn hậu.
– Cao Bằng, Lạng Sơn đã giải phóng, quê hương đã trở về ngày tháng yên bình, đối với mỗi người dân miền núi mà nói đây là niềm hạnh phúc khôn tả, cuối cùng họ cũng được trở lại với ngôi làng yêu dấu để cùng nhau “sửa nhà phát cỏ”, cùng nhau “Cày ruộng vườn, trồng lúa ngô khoai“.
b) Hồi tưởng về quá khứ đầy đau thương mà anh hùng của nhân dân miền núi trong kháng chiến:
* Khổ thơ thứ hai từ “Mấy năm qua quên tết tháng Giêng, quên rằm tháng bảy,” đến câu “Ðường đi lại vắt bám đầy chân“: diễn tả chân thực nỗi khổ cực khi chạy giặc của đồng bào miền núi, sự vất vả, khó khăn khi băng rừng, lội suối trong kháng chiến vẫn còn in hằn trong trí nhớ mỗi người.
* Khổ thơ thứ 3 từ ” Súng nổ kia! Giặc Tây lại đến lùng” đến “Bà loà mắt không biết lối bước đi”:
– Sự cướp bóc, phá hoại phá tàn bạo, điên cuồng của lũ giặc, chúng phá lán, cướp quần áo.
– Hình ảnh người phụ nữ miền núi mạnh mẽ, kiên cường và vô cùng nhạy bén hiện lên một cách rõ ràng, chân thực, họ đã một mình gánh vác cả gia đình trong quá trình chạy giặc đầy hiểm nguy.
* Khổ thơ thứ 4 từ “Làm sao bây giờ: ta phải chống!” đến “Cha ơi: cha không biết nói rồi…”:
– Nói lên sự hi sinh mất mát đầy đau thương trong chiến tranh đang diễn ra ngay trước mắt, hằn sâu vào trong lòng mỗi người dân nơi đây, từng người cha, người anh, người con đang bị bọn giặc bắt đi, bị chúng đánh đập dã man, nhưng trái tim của những con người anh hùng ấy vẫn thét lên những tiếng lòng yêu nước, căm thù lũ giặc khôn cùng.
⇒ Lòng căm hận lũ giặc cướp nước, khiến nhân dân ta rơi vào cảnh lầm than đã trở thành nguồn động lực, là sức mạnh lớn lao để đồng bào miền núi anh dũng, kiên quyết đứng dậy đấu tranh để giải phóng quê hương.
* Khổ thơ thứ 5 từ “Chúng con còn thơ, ai nuôi ai dạy?” đến câu “Băm xương thịt mày, tao mới hả.”:
– Bi kịch tang thương, xót xa của gia đình người phụ nữ Tày là bi kịch của cả một dân tộc.
⇒ Tất cả những nỗi cùng khổ, nỗi gian lao, vất vả khi chạy giặc vượt núi băng rừng, cùng những hi sinh mất mát đẫm máu đã tụ lại và trở thành nỗi căm hờn sâu sắc, đến bước này rồi đồng bào ta sẽ không nhẫn nhịn, không chịu đựng thêm phút giây nào nữa, phải biến nỗi oán hận này thành nguồn độc lực, thành sức mạnh to lớn để giết hết bọn giặc Tây cướp nước, để rồi “Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn/ Băm xương thịt mày, tao mới hả”.
* Đoạn thơ từ “Hôm nay Cao – Bắc – Lạng cười vang” đến “Ruộng sẽ không thành nơi máu chảy từng vũng”:
– Khung cảnh hồi sinh, vươn lên đầy mạnh mẽ với sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người và mảnh đất Tây Bắc.
– Người dân miền núi đang bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới, sau bao nhiêu đau thương mất mát, sau bao lần mưa bom bão đạn thì bầu trời Tây Bắc nay đã xanh trở lại, khắp Cao-Bắc-Lạng nay chỉ có tiếng cười vang, giòn giã, hân hoan trong niềm vui chiến thắng.
* Bốn câu thơ cuối:
– Hình ảnh ẩn dụ mặt trời lên “sáng rõ” đó là hình ảnh tượng trưng cho một khởi đầu mới đầy hy vọng, người con lớn lên sẽ theo ánh mặt trời là cách mạng mà ra chiến trường, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước cùng lời hứa chân thành, sâu sắc mang âm hưởng của người dân tộc miền núi: “Ðuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ”.
– Đó là niềm tin mãnh liệt về một chiến thắng không xa, niềm tin về một một đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, nhân dân khắp nơi sẽ đều được hưởng cuộc sống yên vui, thái bình, sẽ không còn cảnh chết chóc, tang thương của chiến tranh.
3, Kết bài
– Tổng kết giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, nêu lên cảm xúc cá nhân.
II, Sơ đồ tư duy phân tích Dọn về làng
1, Sơ đồ tư duy nội dung bài Dọn về làng
2, Sơ đồ tư duy phân tích Dọn về làng
III, Bài văn mẫu phân tích Dọn về làng hay nhất được chọn lọc
Nông Quốc Chấn là một nhà văn, nhà thơ người dân tộc Tày, ông là một trong số ít những gương mặt văn hóa tiêu biểu, đại diện cho tầng lớp trí thức của dân tộc thiểu số trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến. Đóng góp chủ yếu cho nền văn học Việt Nam của Nông Quốc Chấn đó là thơ, với những cảm xúc chân thành mộc mạc, lời thơ giản dị toát lên hơi thở riêng biệt trong lối tư duy cũng như trong cách diễn đạt của dân tộc miền núi, hình ảnh thơ chân thực, tự nhiên và mang đậm chất núi rừng Tây Bắc. Chiến dịch biên giới thu đông năm 1950 kết thúc thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Hòa vào niềm vui chung của đất nước và của bà con nhân dân miền núi nhà thơ Nông Quốc Chấn đã chắp bút viết lên tác phẩm “Dọn về làng”, bài thơ viết về quê hương của chính tác giả trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, đau thương mà anh dũng, đồng thời nêu lên những ý nghĩa to lớn của kháng chiến thắng lợi đối với đời sống và con người Tây Bắc.
Sau khi chiến dịch biên giới thu đông năm 1950 kết thúc thắng lợi bà con dân tộc Tày vui mừng, hớn hở cùng nhau dọn về làng trong niềm hân hoan, phấn khởi hòa cùng với niềm vui chung của cả dân tộc, điều ấy thể hiện rất rõ ràng ngay từ những câu thơ đầu.
“Mẹ! Cao – Lạng hoàn toàn giải phóng
Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn
Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
Người đông như kiến, súng dày như củi.”
Sự phấn khởi, niềm hân hoan tràn ngập trong những vần thơ, đó là lời của người con sung sướng khi báo tin cho người mẹ “Mẹ! Cao-Lạng hoàn toàn giải phóng“, kết quả của cuộc chiến gian khổ được diễn tả bằng một hình ảnh sống động, đậm lối tư duy và cách diễn đạt của người miền núi, một vẻ rất chất phác, mộc mạc mà hồn hậu. Trong suy nghĩ của họ bọn Tây bị bắt, bị chết nhiều lắm chứ không phải là một con số cụ thể nào đó, mà trong cách liên tưởng mộc mạc của người con đó phải tính là “hàng đàn”, chúng đông như đàn trâu, đàn bò mà họ vẫn thường hay chăn dắt. Hình ảnh vệ quốc quân tiến vào để chiếm lại các đồn cũng được miêu tả bằng các hình ảnh sống động “đông như kiến”, vũ khí tầng tầng lớp lớp như thanh “củi” thân quen mà họ vẫn thường hay lên rừng kiếm về. Cao Bằng, Lạng Sơn nay đã giải phóng, quê hương đã trở về với vẻ yên bình vốn có, đối với mỗi người dân miền núi mà nói đây chính là niềm hạnh phúc khôn tả, cuối cùng họ cũng được trở về với ngôi làng yêu dấu để cùng nhau “sửa nhà phát cỏ”, để “Cày ruộng vườn, trồng lúa ngô khoai“, để được vui vầy cuộc sống ấm êm và để được hưởng những niềm vui trọn vẹn trong những dịp lễ tết. Sau tin báo chiến thắng, Nông Quốc Chấn đã ngược lại dòng hồi tưởng, nhớ về những ngày tháng kháng chiến đầy gian khổ trong quá khứ.
“Mấy năm qua quên tết tháng Giêng, quên rằm tháng bảy,
Chạy hết núi lại khe, cay đắng đủ mùi
Nhớ một hôm mù mịt mưa rơi
Cơn gió bão trên rừng cây đổ
Cơn sấm sét lán sụp xuống nát cửa
Ðường đi lại vắt bám đầy chân.”
Nỗi vất vả khi chạy giặc của nhân dân miền núi được tác giả miêu tả một cách vô cùng thực tế và sinh động, vội chạy giặc đến mức chẳng còn màng đến tết nhất, lễ hội, họ phải vượt đèo lội suối “hết núi lại khe“, phải nói là họ đã chịu mọi “cay đắng đủ mùi”. Những hôm trời nắng đường đi dẫu có chông gai, vất vả nhưng cũng chẳng thấm gì so với những hôm trời đổ mưa “mịt mù”, con người giữa thiên nhiên bao la, rộng lớn, phải chống chọi với bão tố, mưa sa, chống chọi với sự giận dữ điên cuồng của mẹ thiên nhiên nào là những “cơn gió bão trên rừng cây đổ“, nào là những “cơn sấm sét” xé toang cả bầu trời, làm cho chiếc lán mới vừa dựng xong đã vội đổ. Đôi chân trần leo hết núi núi đồi kia, dẫm quanh sỏi đá, nhẵn mòn cả lối đi, lại gặp cả loài vắt hút máu, nghĩ tới thôi mà đã rùng cả mình. Ai đã gây lên nỗi khốn khổ, cùng cực vượt núi băng rừng này, ai đã để đồng bào miền núi phải bỏ làng mà luồn lách vào rừng sâu? Không ai khác đó chính là mũi súng ác độc của lũ giặc ác ôn, tàn bạo.
“Súng nổ kia! Giặc Tây lại đến lùng.
Từng cái lán, nó đốt đi trơ trụi,
Nó vơ hết áo quần trong túi
Mẹ địu em chạy tót lên rừng
Lần đi trước, mẹ vẫy gọi con sau lưng
Tay dắt bà, vai đeo đẫy nải
Bà lòa mắt không biết lối bước đi.”
Kẻ thù độc ác, hung hãn lấy tiếng súng nổ phá tan rừng núi, phá tan cả giấc ngủ của em, chúng lùng sục khắp nơi như những con thú điên cuồng, không tìm thấy người chúng lại đi đốt từng cái lán, cướp cả những mảnh quần áo rách rưới đã cũ mèm. Ôi ghê tởm làm sao lũ giặc đớn hèn. Và cũng chính trong sự cướp phá điên cuồng, bạo tàn của lũ giặc ấy, hình ảnh người phụ nữ dân tộc Tày hiện lên một cách mạnh mẽ, kiên cường, một tay họ đã chèo lái cả gia đình, đó là vẻ đẹp của sự gan dạ, nhạy bén khi “Mẹ địu em chạy tót lên rừng“. Bóng lưng mỏng manh gầy yếu của người mẹ nay trở thành trụ cột của cả gia đình khi đi trước mở đường, lưng thì địu con nhỏ, tay thì vẫy con lớn, tay còn lại thì dắt theo cả người “bà lòa mắt không biết lối bước đi“, có thế mới thấy trong khó khăn, cùng cực thì sức mạnh phi thường của con người mới được khai phá triệt để. Nhưng liệu có thể chạy, có thể trốn như thế được bao lâu, bóng lưng gầy của người mẹ sẽ trụ vững được bao lần, lúc này đây lòng căm hận lũ giặc cướp nước, cướp nhà, khiến nhân dân ta lâm vào cảnh lầm than đã trở thành nguồn động lực, nguồn sức mạnh to lớn để đồng bào miền núi quyết tâm đứng dậy đấu tranh giải phóng cho quê hương.
“Làm sao bây giờ: ta phải chống!
Giặc đã bắt cha con đi, nó đánh,
Cha chửi Việt gian, cha đánh lại Tây
Súng nổ ngay đì đùng một loạt,
Cha ngã xuống nằm lăn trên mặt đất
Cha ơi: cha không biết nói rồi…”
Bởi sự hy sinh, mất mát, bởi sự đau thương xót xa đang diễn ra ngay trước mắt, hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân nơi đây, từng người cha, người anh, người con đang bọn giặc bắt đi, bị chúng tra tấn, đánh đập dã man, nhưng trái tim sắt thép của những con người anh hùng ấy vẫn thét lên những tiếng lòng yêu nước, căm hờn lũ giặc khốn đến tận cùng “Cha chửi Việt gian, cha đánh lại Tây“. Sự nhục nhã càng khiến cho lũ giặc Tây điên cuồng, chúng thẳng tay thảm sát những người con của núi rừng Tây Bắc, hình ảnh “Cha ngã xuống nằm lăn trên mặt đất/Cha ơi: cha không biết nói rồi…” là hình ảnh vô cùng đau thương và ám ảnh trong tâm trí của người ở lại, đặc biệt nó càng trở lên xót xa hơn khi những hình ảnh hãi hùng, ghê rợn ấy lại lọt vào đôi mắt con trẻ, còn gì tàn nhẫn hơn khi đứa trẻ đó chỉ mới nhận thức được rằng “cha không biết nói rồi“.
“Chúng con còn thơ, ai nuôi ai dạy?
Không ai chống gậy khi bà cụ qua đời!
Mẹ ngồi khóc, con cúi đầu cũng khóc.
Sợ Tây nghe, mẹ dỗ “nín”, con im.
Lán anh em rải rác không biết nơi tìm
Không ván, không người đưa cha đi cất.
Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng,
Con cởi áo liệm thân cho bố;
Mẹ con đưa cha đi nằm một chỗ
Máu đầy tay, trên mặt nước tràn…
Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn
Băm xương thịt mày, tao mới hả.”
Đau thương tràn ngập đau thương. Một bi kịch diễn ra khi kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, người vợ thân gầy đau rứt ruột gan vì mất đi người chồng, lũ con thơ dại phải chịu kiếp mồ côi cha, không còn ai nuôi dạy, rồi mai này gia đình sẽ trông cậy vào ai. Nỗi đớn đau, xót xa càng được thể hiện rõ nét trước cảnh đám tang sơ sài, thiếu thốn của người vừa nằm xuống trước mũi súng tàn ác của thằng Tây, không có ván đóng hòm, cũng chẳng có bộ đồ tử tế, tấm khăn phủ mặt là chiếc khăn đội đầu của người vợ bấy lâu, áo liệm cũng chỉ là chiếc áo con đã mặc đến cũ mèm. Và “Mẹ và con đưa cha đi nằm một chỗ“, người về với đất mẹ trong sự lạnh lẽo, đau thương, người ở lại bàn tay vẫn còn nhuốm máu đỏ, đôi mắt nhòe đi vì nước mắt tuôn rơi, còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này nữa? Tất cả những nỗi thống khổ, nỗi gian lao, vất vả chạy giặc vượt núi băng rừng, cùng những hi sinh mất mát đau thương đã tụ lại thành nỗi căm phẫn, uất hận, đến bước này rồi đồng bào ta sẽ không nhẫn nhịn, không chịu đựng thêm một lần nào nữa, phải biến nỗi oán hận này thành sức mạnh để giết hết lũ giặc khốn cướp nước “Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn/Băm xương thịt mày, tao mới hả”. Và cuối cùng với tinh thần anh dũng, quật cường, lòng quyết tâm diệt giặc của nhân dân miền núi Tây Bắc đã quét sạch bóng quân thù, những người nằm xuống cuối cùng cũng có thể yên tâm nhắm mắt, còn người ở lại cuối cùng cũng được trở về với ngôi làng thân yêu, vui vầy, tận hưởng cuộc sống thanh bình.
“Hôm nay Cao – Bắc – Lạng cười vang
Dọn láng, rời rừng, người xuống làng
Người nói cỏ lay trong ruộng rậm
Con cày mẹ phát, ruộng ta quang.
Ðường cái kêu vang tiếng ô tô.
Trong trường ríu rít tiếng cười con trẻ.
Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá.
Mặc gà gáy chó sủa không lo,
Ngày hai bữa rau ta có muối.
Ngày hai buổi không tìm củ pấu, củ nâu
Có bắp xay độn gạo no lâu,
Ðường ngõ từ nay không cỏ rậm,
Trong vườn chuối, hổ không dám đến đẻ con
Quả trên cành không lo tự chín tự rụng,
Ruộng sẽ không thành nơi máu chảy từng vũng“
Có thể nói rằng 15 câu thơ cuối cùng chính là khung cảnh hồi sinh, sự vươn dậy mạnh mẽ với sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người và mảnh đất Tây Bắc. Người dân miền núi nơi đây đang bắt đầu xây dựng cuộc sống mới, sau bao nhiêu tháng ngày gian khổ, sao bao đau thương mất mát, bao lần mưa bom bão đạn, bầu trời Tây Bắc nay đã xanh trở lại, khắp Cao-Bắc-Lạng giờ đây chỉ có tiếng cười vang, giòn giã, hân hoan của niềm vui chiến thắng. Họ đã không cần phải ngày ngày chạy giặc, không cần phải băng rừng lội suối trong rừng sâu, người lớn thì lên nương phát rẫy để chuẩn bị cho một mùa vụ gieo trồng mới, trẻ con ở nhà thì vui đùa vô lo vô nghĩ, thôi không phải giật mình lo sợ vì tiếng súng nổ quanh đây. Trong đoạn thơ này, tác giả đã tái hiện lại một cách chân thực, sinh động, tinh tế cảnh sinh hoạt của người dân tộc Tày, giản dị, đơn sơ, nhưng lại thanh bình hạnh phúc, giống những ngày bọn giặc Pháp chưa đến lùng.
“Mặt trời lên sáng rõ rồi mẹ ạ!
Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà,
Giặc Pháp, giặc Mỹ còn giết người cướp của trên đất nước ta.
Ðuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ.”
Hình ảnh mặt trời lên “sáng rõ” là hình ảnh tượng trưng cho một khởi đầu mới tràn đầy hy vọng, người con lớn lên đi theo ánh mặt trời cách mạng mà ra chiến trường, chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương, đất nước cùng lời hứa chân thành, sâu sắc mang đậm âm hưởng, màu sắc của dân tộc miền núi: “Ðuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ“. Đó là niềm tin vào tương lai, niềm tin về một chiến thắng không xa, niềm tin về một một đất hoàn toàn sạch bóng quân thù, nhân dân khắp nơi đều được hưởng một cuộc sống yên vui, thái bình, sẽ không còn cảnh chết chóc chiến tranh tang thương, sẽ không còn những giọt nước mắt sinh ly tử biệt nào phải rơi xuống, rồi con sẽ lại về bên mẹ đầy tha thiết, chân thành.
“Dọn về làng” là một bài thơ tuyệt đỉnh mang nhiều giá trị hiện thực sâu sắc tái hiện lại quá khứ đau thương, hào hùng của dân tộc đồng thời thể hiện niềm vui mừng phấn khởi tột cùng khi quê hương được giải phóng, núi rừng Tây Bắc nơi đây đã không còn phải nghe tiếng súng của giặc, đồng thời ca ngợi sức sống mãnh liệt tiềm tàng và sự vực dậy hồi sinh nhanh chóng của các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bào nơi đây sau chiến tranh.
Trên đây, với bài phân tích Dọn về làng mà Butbi chia sẻ, mong rằng các bạn sẽ có cái nhìn và cảm nhận mới mẻ hơn về tác phẩm này, đồng thời hiểu được giá trị hiện thực sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm.