Rất nhiều lỗi có thể xảy ra trong quá trình làm bài của bạn, một trong những lỗi thường gặp là sai đề, lạc đề, thiếu dẫn chứng,… Nếu bạn muốn khắc phục được tình trạng này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Với kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi nhiều năm, thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai.vn chia sẻ 5 lỗi sai học sinh thường gặp trong khi làm bài thi môn Ngữ văn.
Phân bố thời gian chưa hợp lý
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút với cấu trúc đề gồm nhiều câu hỏi cùng các ý hỏi nhỏ. Để giành được điểm số cao, học sinh cần hoàn thành toàn bộ các câu hỏi trong đề thi. Muốn vậy, bên cạnh nền kiến thức vững chắc, học sinh cũng cần lưu ý phân bố thời gian hợp lý cho mỗi câu hỏi.
Một số học sinh do mải mê làm những câu mình nắm chắc kiến thức mà quên, thậm chí bỏ qua những câu hỏi khác. Việc trình bày dài dòng, chi tiết ở những câu có điểm số thấp mà không đầu tư cho các câu hỏi có điểm số cao hơn cũng là lý do khiến các em mất điểm.
Ngoài ra, nhiều em viết kỹ phần mở bài, đoạn đầu thân bài dẫn đến thiếu thời gain cho đoạn cuối nên viết vắn tắt, thiếu ý, thậm chí không thể làm trọn vẹn kết bài.
Những điều này khiến học sinh có kiến thức chắc chắn, có thể làm tốt bài nhưng lại không làm kịp.
Không đọc kỹ đề bài
Mỗi câu hỏi trong đề thi đều có những từ khoá quan trọng để học sinh xác định dạng bài, phạm vi kiến thức, các yêu cầu… Nếu không đọc kỹ đề bài, các em sẽ dễ dàng mất điểm với các lỗi dưới đây:
Sai đề, lạc đề: bài làm hoàn toàn sai lệch với các yêu cầu của đề bài. Mắc lỗi này, bài viết sẽ không được điểm.
Viết lan man không trọng tâm: Đây là trường hợp bài viết xác định “đúng” nhưng chưa “trúng” yêu cầu của đề bài, trình bày dài dòng, lan man sang những vấn đề khác mà đề không hỏi. Việc này vừa làm mất thời gian của học sinh vừa khiến bài làm mất điểm.
Bỏ sót các yêu cầu phụ của bài: Do không đọc kỹ đề nên học sinh bỏ qua các yêu cầu phụ trong câu hỏi. Tuy là yêu cầu phụ nhưng nó vẫn mang lại những điểm số quý giá. Bỏ qua những yêu cầu này, bài làm sẽ không thể đạt điểm tối đa.
Trả lời quá vắn tắt
Nhiều học sinh có thói quen đề hỏi gì thì trả lời trực tiếp và rất ngắn gọn mà không dẫn dắt, diễn giải, phân tích, đôi khi câu trả lời cụt ngủn, không đủ chủ ngữ – vị ngữ. Điều này khiến bài làm không thể giành điểm tối đa dù đã trả lời đúng trọng tâm.
Không nêu dẫn chứng cho bài, đoạn văn nghị luận xã hội
Bài nghị luận xã hội luôn xuất hiện trong các đề thi. Bên cạnh hệ thống các luận điểm, lí lẽ, để tăng tính thuyết phục của bài văn học sinh cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Dẫn chứng không cần nhiều nhưng phải được chọn lọc, vừa đảm bảo tính chính xác, tiêu biểu và sát hợp với vấn đề cần nghị luận. Học sinh không nên nêu dẫn chứng kiểu liệt kê mà cần phải phân tích chúng.
Không tuân thủ các yêu cầu về trình bày bài thi
Chữ viết ẩu, khó đọc; bài làm gạch xoá lem nhem; sử dụng và lạm dụng các ký hiệu; bài viết hai màu mực… là những lỗi khiến bài làm của học sinh không được đánh giá cao.
Bên cạnh các lỗi trên, học sinh cũng nên ghi ý ra giấy nháp ngay sau khi đọc đề để tránh bỏ sót ý, lặp ý, đồng thời dành thời gian để soát lại bài, kiểm tra thông tin trên giấy thi, đặc biệt là số báo danh, số tờ để tránh việc thất lạc bài thi.
Nguồn: Thu Ngân – Báo VnExpress