Tóm tắt Tuyên ngôn độc lập lớp 12

0

Với các mẫu Tóm tắt tác phẩm Tuyên ngôn độc lập ngắn gọn, chi tiết nhất dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh nắm được nội dung chính của tác phẩm qua đó dễ dàng hơn trong việc soạn văn lớp 12.

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

Tham khảo thêm:

Tóm tắt Tuyên ngôn độc lập (Mẫu số 1)

Ngày 2/9/1945 chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt lãnh đạo Đảng đứng lên đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” được Bác viết cho ai? Tác phẩm này Người viết để hướng tới “đồng bào cả nước ta” -những người hơn 80 năm qua đã bị đàn áp dưới ách xâm lược của thực Pháp và phát xít Nhật. Không chỉ vậy, bản Tuyên ngôn còn hướng tới các nước thực dân xâm lược – những thế lực thù địch đang có dã tâm cướp nước ta lần nữa, đặc biệt là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng thời Người còn hướng tới toàn thể nhân dân trên toàn thế giới. 

Đầu tiên Người đã đưa ra cơ sở lý luận và cơ sở thực tế cho bản Tuyên ngôn. Về cơ sở lí luận, Bác đã khéo léo trích dẫn về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 cùng với bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp. Về cơ sở thực tiễn Bác đã đưa ra những dẫn chứng xác thực để tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc ta suốt hơn 80 năm qua. Từ đó đập tan luận điệu xảo trá, bộ mặt gian xảo, bẻ gãy ngọn cờ “bảo hộ”của chúng. 

Và cuối cùng  mục đích cao cả nhất, lớn lao nhất của bản Tuyên ngôn chính là: tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ, độc lập, tự do và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới. Cùng với đó là khẳng định lòng quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nhân dân  ta bằng tất cả “tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải”. Tuyên ngôn độc lập đã hội tụ tất cả những vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời còn cho thấy niềm khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam ta.

Tóm tắt Tuyên ngôn độc lập (Mẫu số 2)

“Tuyên ngôn độc lập” – một áng án chính luận mẫu mực – một văn kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự sống còn và vận mệnh dân tộc. Nếu Mỹ có bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776, Pháp có bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 thì dân tộc Việt Nam ta có bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh được tuyên bố vào ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến; khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên thế giới, đó là mốc son chói lọi đánh dấu sự ra đời của một kỉ nguyên mới – một kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Na ta.

Tác phẩm Tuyên ngôn độc lập được Bác triển khai theo ba nội dung lớn rõ ràng, rành mạch. Phần mở đầu: Bác đưa ra cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn, nói về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người dựa vào 2 bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp. Bác dùng chính những lí lẽ đó để làm bản lề vạch ra cho toàn thể nhân dân thấy những việc làm trái với lời tuyên ngôn của chúng. Phần tiếp theo: Bác đưa ra những cơ sở thực tế, đó là những tội ác của Pháp mà chúng đã thi hành ở nước ta suốt hơn 80 năm nay trên các lĩnh vực: từ chính trị, kinh tế đến văn hóa-giáo dục. Tất cả những điều đó đã đập tan luận điệu xảo trá, vạch trần bộ mặt gian xảo của kẻ thù, là những kẻ đã, đang và sẽ nô dịch nước ta trở lại. Phần cuối: Lời tuyên bố đanh thép và khẳng định lòng quyết tâm sắt đá giữ vững nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam ta. Tuyên ngôn độc lập đã hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp về tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời cũng cho thấy khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của đồng bào ta.

Tóm tắt Tuyên ngôn độc lập (Mẫu số 3)

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.” Đó là chân lý mà không ai có thể chối cãi được và cũng là cơ sở để nói về những quyền cơ bản của con người. Ở bất kỳ một bản tuyên ngôn Độc lập nào cũng đều ghi nhận các quyền cơ bản đó, từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 đến Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp Pháp năm 1791.

Trải qua suốt 80 năm bị thực dân Pháp xâm lược, áp bức, chúng đã lợi dụng lá cờ tự do, lợi dụng cái sự bình đẳng và bác ái để cướp và biến nhân dân ta, đất nước ta thành thuộc địa của chúng, chúng muốn cướp nước, áp bức đồng bào ta. Đây là một hành động trái với nhân đạo, chính nghĩa, trái với những lí lẽ mà tổ tiên chúng đã đưa ra trong bản tuyên ngôn. Chúng không cho đất nước ta thống nhất, ngăn cản sự đoàn kết của nhân dân ta bằng cách chúng đã lập ra ba chế độ khác nhau ở ba miền. Xây dựng nhà tù còn nhiều hơn trường học, chúng còn không ghê rợn mùi máu tanh, sẵn sàng chém giết hết những đồng bào yêu nước của ta. Thi hành một loạt các chính sách ngu dân, sử dụng thuốc phiện, rượu để thay đổi người dân, biến dân tộc ta thành kẻ lệ thuộc, chúng bóc lột chúng ta đến tận xương tủy. Nhân dân ta đã nghèo nay lại càng nghèo nàn, thiếu thốn hơn. Chúng cướp ruộng, cướp đất, cướp hầm mỏ, độc quyền in giấy bạc, nhập cảnh, xuất cảnh, còn đặt ra cho ta trăm ngàn thứ thuế vô lý, làm dân ta bần cùng, khốn khổ từ dân cày đến dân buôn, đến các nhà tư sản cũng bị vùi dập. Một chế độ bóc lột vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, lại thêm một lũ xâm lăng đến nữa đó là phát xít Nhật, chúng được bọn thực dân Pháp mở cửa nước ta để cung kính cho chúng vào, và thế là dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích: Nhật – Pháp. Từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu người đồng bào ta đã bị chết đói. Trong vòng 5 năm, Pháp đã bán nước ta cho Nhật hai lần, đến 9/3, Pháp hoàn toàn bị tước vũ khí bởi phát xít Nhật. Trước đó, Việt Minh đã liên tục kêu gọi thực dân Pháp liên minh để cùng nhau chống Nhật nhưng chúng không những không đồng minh mà chúng còn khủng bố Việt Minh. Rồi đến khi thua chạy, bọn Pháp vẫn còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù binh chính trị của ta ở Yên Bái và Cao Bằng.

Nhưng dân ta với tấm lòng nhân nghĩa, khoan dung vẫn giúp, chỉ đường cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, cứu nhiều tù binh Pháp thoát khỏi nhà giam của Nhật, bảo vệ tính mạng và của cải của họ. Từ mùa thu năm 1940 nước ta lại biến thành thuộc địa của Nhật, nhân dân cả nước đã đứng lên, nổi dậy chống lại Nhật và giành lại chính quyền, từ đó lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dân ta đã đánh đổ được các xiềng xích thực dân, phát xít gần 100 năm, và chính thức thành lập lên một chế độ mới chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Chính Phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đại diện cho toàn dân Việt Nam tuyên bố chính thức thoát ly hoàn toàn với Pháp, xóa bỏ mọi hiệp định đã ký kết với Pháp.

Với lời tuyên bố sắt thép cùng tinh thần kiên quyết chống lại những âm mưu xâm lược biến nước ta thành thuộc địa của thực dân Pháp, chống lại quân phát xít. Vậy với những điều trên, chắc chắn dân tộc đó, đất nước đó cũng sẽ xứng đáng có được quyền độc lập, quyền được tự do của dân tộc.

Tóm tắt bài Tuyên ngôn độc lập ngắn gọn

1. Tóm tắt bài tuyên ngôn độc lập văn 12 ngắn gọn (Mẫu số 1)

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản lời của 2 bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Pháp. Hai bản Tuyên ngôn này đã khẳng định và nói lên quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người trên mọi dân tộc. Người đã dùng chính những lí lẽ đó của đối phương để đáp trả lại đối phương, đồng thời nhắc nhở chúng đang đi ngược lại với những gì mà tổ tiên họ để lại. Người đã đặt ba cuộc cách mạng của nhân loại ngang bằng nhau, trong đó cuộc cách mạng chính nghĩa của dân tộc ta đã cùng một lúc phải thực hiện nhiệm vụ của hai cuộc cách mạng Mĩ, Pháp. Đưa một đất nước bé nhỏ sánh với các cường quốc năm châu. Từ quyền con người Người đã nâng lên và mở rộng thành quyền của dân tộc. Đây là một suy luận hết sức quan trọng mà Bác đã khéo léo đưa vào vì đối với những nước thuộc địa nhỏ bé như nước ta lúc bấy giờ thì trước khi nói đến quyền của con người ta phải đòi được quyền của dân tộc. Dân tộc có độc lập thì nhân dân mới có tự do, có hạnh phúc. Đó là đóng góp riêng cao cả của Bác và cũng là của dân tộc ta vào một trong những trào lưu tư tưởng cao đẹp, lớn lao, vừa mang tầm vóc quốc tế lại vừa mang ý nghĩa nhân đạo cho nhân loại trong thế kỉ XX.

Tóm tắt bài Tuyên ngôn độc lập ngữ văn 12 ngắn gọn (Mẫu  số 2)

Mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những lời trích dẫn từ “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ và ” Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp, đây là những lí lẽ không thể chối cãi được để khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam ta. Tiếp đó, bản tuyên ngôn còn đưa ra những dẫn chứng lên án tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam trong suốt hơn 80 năm chúng xâm lược, áp bức chúng ta. Đó là tội ác về kinh tế , chính trị , văn hóa và còn tội bán nước ta hai lần cho Nhật. Bản tuyên ngôn nêu cao tinh thần của cuộc đấu tranh chính nghĩa và thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta. Cuối cùng bản tuyên ngôn được kết thúc bằng lời tuyên bố đanh thép, khẳng định quyền độc lập tự do và ý chí quyết tâm một lòng bảo vệ độc lập tự do của dân tộc ta.

Trên đây là 5 mẫu tóm tắt đầy đủ nội dung chi tiết và mẫu tóm tắt nội dung ngắn gọn nhất của tác phẩm Tuyên ngôn độc lập. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào cảm thấy dễ dàng hơn trong việc nắm bắt nội dung tác phẩm. Cùng butbi.hocmai học tốt nhé!