Muốn theo học ngành Y, bạn không thể bỏ qua những thông tin này

0

Ngành Y là một trong những ngành có địa vị tốt trong xã hội và có mức thu nhập cao. Nếu yêu thích và quyết tâm theo đuổi ngành học này, bạn chắc chắn không thể bỏ qua 4 thông tin quan trọng dưới đây. 

Điểm chuẩn vào các trường đào tạo ngành Y

Vì là ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe nên khâu kiểm soát chất lượng đầu vào luôn được các trường đào tạo ngành Y đặc biệt chú trọng. Do đó, điểm chuẩn xét chuẩn ngành này tại những trường top đầu sẽ khá cao, dao động từ 23-29 điểm.

Tại Việt Nam, các trường đào tạo ngành Y uy tín, có đội ngũ giáo viên, chuyên gia giàu chuyên môn và kinh nghiệm trải dọc từ Bắc tới Nam. Học sinh mong muốn gắn bó với ngành Y sẽ có nhiều lựa chọn để ứng tuyển. Cụ thể:

  • Thí sinh tại miền Bắc có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, trường Đại học Y Dược Thái Bình, trường Đại học Y Dược Hải Phòng…
  • Với miền Trung, trường Đại học Y Dược Huế và trường Đại học Y khoa Vinh là hai trường mà học sinh nên lưu ý.
  • Tại miền Nam, học sinh có thể theo học tại các trường như: Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh…

Với nhóm ngành Y, các trường thường có những tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Hóa học, Vật lí); B00 (Toán, Sinh học, Hóa học); C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh học); D07 (Toán, Tiếng Anh, Hóa học).

Thời gian đào tạo ngành Y

Đối với sinh viên theo học nhóm ngành Y hệ đại học chính quy, thời gian đào tạo sẽ diễn ra trong vòng 5-6 năm. 

Đối với sinh viên theo học hệ cao đẳng, thời gian đào tạo thông thường là 3 năm. Tuy nhiên, thời gian này cũng có thể điều chỉnh ngắn hơn hay dài hơn tùy thuộc vào chất lượng chương trình đào tạo.

Thời gian đào tạo đối với sinh viên theo học hệ trung cấp sẽ tương ứng với trình độ và năng lực của sinh viên. Cụ thể, học viên đã tốt nghiệp THCS sẽ được đào tạo trong 3 năm; học viên học hết THPT nhưng không có bằng tốt nghiệp sẽ đào tạo trong 2 năm 6 tháng. Còn học viên đã tốt nghiệp THPT chỉ cần đào tạo trong 2 năm.

Kiến thức sinh viên ngành Y được học

Khi đăng kí tuyển sinh đầu vào tại các trường đào tạo ngành Y, sinh viên có thể đăng kí học một số chuyên ngành như Y đa khoa, Khúc xạ Nhãn khoa, Răng Hàm Mặt, Y tế công cộng, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật Y sinh…

Trong suốt quá trình học tập, sinh viên sẽ được trải qua những kì thi cam go tại trường và các đợt thực tập đầy thử thách tại bệnh viện, từ đó bổ sung thêm nhiều kiến thức, trau dồi thêm các kĩ năng cần thiết cho công việc sau này.

Sau khi ra trường, sinh viên Y sẽ nắm vững được các kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở; sở hữu phương pháp luận khoa học, nghiên cứu khoa học áp dụng trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh.

Bên cạnh đó, sinh viên còn thu nạp thêm một số kĩ năng như phân tích hiện tượng, cơ chế hoạt động, nguyên lí vận hành của các thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị; vận dụng các kiến thức khoa học tự nhiên để giải thích các hiện tượng bệnh lí; hiểu các đặc điểm giải phẫu, cấu trúc và hoạt động bình thường của cơ thể con người, từ đó giải thích một các triệu chứng bệnh lý của người bệnh; đưa ra hướng điều trị bệnh phù hợp…

Các cơ hội việc làm của sinh viên ngành Y sau khi tốt nghiệp

Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Y ngày càng rộng mở. Sinh viên Y sau khi tốt nghiệp có thể gắn bó với một số nghề nghiệp nổi bật sau đây:

  • Bác sĩ đa khoa là bác sĩ điều trị các bệnh mãn và cấp tính, đưa ra các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn người bệnh phục hồi sức khỏe và kê thuốc cho bệnh nhân. Khác với bác sĩ chuyên khoa hay bác sĩ giải phẫu, bác sĩ đa khoa có thể khám bệnh theo phương pháp tiếp cận toàn diện về thể trạng bệnh nhân.
  • Bác sĩ chuyên khoa có xu hướng chuyên về một lĩnh vực y khoa cụ thể như lồng ngực, phẫu thuật, khoa nhi, tâm thần, khoa sản và phụ khoa… sau khi hoàn tất bằng cấp y tế và đào tạo sau đại học.
  • Bác sĩ nha khoa hay nha sĩ sẽ chuyên về chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến khoang miệng, răng miệng hay thẩm mĩ răng. Đây được đánh giá là ngành nghề có thu nhập “khủng” tương đương với trình độ của bác sĩ. 
  • Y tá là một ngành chuyên nghiệp với nhiều nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống Y – Dược. Cụ thể, y tá thường hợp tác cùng bác sĩ, chuyên viên y tế để chăm sóc, chữa trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh trong cấp cứu và nhiều lĩnh vực y khoa khác nhau.
  • Điều dưỡng viên là một nghề nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe bệnh nhân qua chẩn đoán và điều trị, tăng cường chăm sóc cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
  • Cán bộ Y tế công cộng thuộc trong nhóm khoa học và nghệ thuật phòng bệnh, tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ người dân…
  • Cán bộ Y tế học đường với nhiệm vụ chính là bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh, cung cấp thuốc, giáo dục sức khỏe trong trường học…
  • Hộ sinh là làm việc ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sản khoa và phụ khoa, thường là chăm sóc, phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm nhất để xử lý kịp thời những tai biến xảy ra cho thai phụ.
  • Kỹ sư Y sinh là một nghề ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để tạo ra các phương pháp nghiên cứu và các thiết bị phục vụ y tế. Một số sản phẩm của Kỹ sư Y sinh có thể kể đến như máy CT-cắt lớp, X-quang, trợ tim, nội soi…