Tính hư cấu và phi hư cấu trong văn học

0
Về tính hư cấu và phi hư cấu trong văn học
Văn học nghệ thuật là “tấm gương trên đường lớn” – phản ánh hiện thực khách quan rộng lớn – viết về cái hôm nay ngổn ngang và bề bộn của đời sống con người. Tuy nhiên, nghệ thuật chân chính lại không dung nạp thứ văn chương ”theo đuôi hiện thực” mà đòi hỏi lăng kính chủ quan, đôi mắt mới của người nghệ sĩ. Quá trình nhào nặn lại trên cơ sở hiện thực chính là cách nhà văn sử dụng phương thức hư cấu. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, hư cấu là “vận dụng trí tưởng tượng để tạo nên những nhân vật, những câu chuyện, những tác phẩm nhằm phản ánh cuộc sống và thực hiện những mục đích nghệ thuật nhất định.”
Cùng với sự phát triển của thể loại tiểu thuyết lịch sử, các yếu tố hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non fiction) luôn được nhà văn sử dụng trong quá trình sáng tạo.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: “Sự thật lịch sử và hư cấu đúng là hai vấn đề then chốt của tiểu thuyết lịch sử”. Theo ông, “điều quan trọng ở đây là không khí lịch sử của hoàn cảnh và trung thực với một thời kỳ lịch sử cụ thể”. Hay như ý kiến của Tạ Ngọc Liễn từng nhận được nhiều đồng tình: “Người sáng tác văn học, dù viết một đề tài lịch sử nghiêm túc nhất vẫn có quyền hư cấu, nghĩa là thêm thắt những cái được tưởng tượng ra, không có trong thực tế lịch sử. Với độc giả, việc nhà văn hư cấu chuyện này, chuyện nọ không quan trọng. Điều người đọc quan tâm chủ yếu là qua hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật, họ muốn biết nhà văn nói gì, giải quyết vấn đề gì, những cái đó có phản ánh đúng bản chất lịch sử không?…”
Về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và bộ ba truyện ngắn “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết”
Được đánh giá là một bông hoa nở muộn trên văn đàn, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1986. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông. “Có người lên án anh gay gắt, thậm chí coi văn chương của anh có những khuynh hướng thấp hèn. Người khác lại hết lời ca ngợi anh và cho rằnh anh có trách nhiệm cao với cuộc sống hiện nay” (Lời cuối sách của NXB Đa Nguyên)
Vào năm 1988, bộ ba truyện ngắn Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết ra mắt độc giả và được in trên báo Văn nghệ. Đó cũng là lúc xuất hiện những phản ứng gay gắt, trái ngược trong việc đánh giá, thưởng thức và thẩm định các sáng tác của nhà văn. Một trong những vấn đề được đề cập tới trong các tranh luận là yếu tố hư cấu – phi hư cấu trong các tác phẩm.
Cả 3 tác phẩm đều mượn lịch sử ở thời kì Gia Long với các nhân vật lịch sử (Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm…), cũng như các nhân vật hư cấu được khoác cho cái áo lịch sử (Phăng, cố đạo tây, Đặng Phú Lân, Vinh Hoa, Ngô Khải…)
Về tính hư cấu và phi hư cấu trong các tác phẩm trên
Việc vận dụng kết hợp giữa các yếu tố hư cấu – phi hư cấu làm cho câu chuyện nửa thực nửa hư, nửa đáng tin nửa đáng ngờ. Nó vừa như một truyền thuyết , vừa như một giai thoại. Trong quá trình sáng tác, nhà văn luôn chú trọng đến yếu tố tiền giả định. Trong 3 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp kể trên, tiền giả định là các “cứ liệu lịch sử” thời Gia Long. Tuy nhiên, ta nhận thấy, nhà văn đã sử dụng những tiền giả định này như một phương tiện nghệ thuật nhằm tạo hiệu ứng cho tác phẩm. Cụ thể, nhà văn đã nhào nặn, đã làm khác đi tiền giả định nhằm gây ấn tượng mạnh mẽ, hướng đến những nội dung mới lạ, sâu sắc hơn. Điểm nhìn nhà văn hiện hữu trong vai trò “người kể chuyện không đáng tin cậy”, liên tục di chuyển điểm nhìn trần thuật tạo nên những mảng hiện thực đậm nhạt, khối hư cấu – phi hư cấu đan xen.
Việc sử dụng những chi tiết có thực từ lịch sử xen kẽ với những chi tiết hoàn toàn giả tưởng, ly kỳ hoặc huyền hoặc không phải là một thủ pháp mang tính đặc thù của văn học hậu hiện đại. Tuy nhiên, nếu như các nhà văn hiện đại luôn tìm cách thuyết phục người đọc ở tính như thực của các tình tiết, sự kiện và hướng người đọc đến một tư tưởng nào đó, một khuôn mẫu đã định hình thì các nhà văn hậu hiện đại lại tìm cách phá vỡ những định hình ấy, tìm kiếm những lý giải khác nhau thậm chí là đối lập về tư tưởng. Lịch sử trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp bề bộn các dữ kiện ở nhiều chiều kích, mức độ. Tuy nhiên, nhà văn không hướng người đọc đến một chủ đích mà buộc người thưởng thức phải tự chọn lựa, sắp xếp các cứ liệu có sẵn theo “tầm đón đợi” của chính mình. Hình ảnh một vị anh hùng, một nhân vật lịch sử nhìn từ khía cạnh đời thường không phải là đặc quyền của văn học hậu hiện đại, tuy nhiên cách xử lý dữ liệu, đập vỡ sự ngự trị của “tư tưởng trung tâm” cho phép nhìn nhận lịch sử từ một khuôn mặt khác, phức tạp và chân thực hơn.
Về đánh giá chủ quan
Sự phối hợp linh hoạt giữa các yếu tố hư cấu – phi hư cấu tạo nên bầu không khí hư hư thực thực trong tác phẩm, thách thức sự đón nhận của độc giả. Đó cũng là một lối “sinh sự để sự sinh” thể hiện sự dân chủ trong sáng tạo – tiếp nhận của văn học nghệ thuật: dang tay chào đón sự đối thoại, phản biện, tranh luận…
Chúng ta nói nhiều về các phương tiện truyền thông đại chúng đang thể hiện vị thế lấn lướt các môn nghệ thuật hư cấu khác. Văn chương khác văn hóa nghe nhìn, văn hóa “mì ăn liền” chính ở khả năng hư cấu tưởng tượng tuyệt vời của nó, kích thích mọi giác quan và khai phóng trí não tâm hồn, làm sâu và rộng thêm trái tim con người.
Câu hỏi “Liệu văn học sẽ chết?” không chỉ là một lời nghi hoài mà còn là trăn trở cho những nhà văn chân chính. Văn chương sẽ sống đời, nếu mỗi chủ thể ý thức cao độ “phẩm tiết” của nghề-mình, nỗ lực sáng tạo thứ văn nghệ “kiếm sắc” như thể vàng đã qua thử lửa vậy!
Tài liệu tham khảo:
Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại – Cao Kim Lan
Những nét chính trong phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – Trương Chí Hùng – K. SP
Yếu tố hư cấu và phi hư cấu trong tiểu thuyết Không phải huyền thoại của Hữu Mai – Nguyễn Thị Nga
Nguồn: Rubik văn chương