Trong bài viết dưới đây, Butbi đã tổng hợp được một số mẫu mở bài phân tích bài thơ “Tiếng hát con tàu” hay, ấn tượng nhất, qua đây sẽ giúp các bạn biết viết cho bài văn của mình một cái mở bài trực tiếp / gián tiếp để dẫn dắt người đọc vào phần nội dung phía sau, cùng tham khảo nhé.
Tham khảo thêm:
- Phân tích bài thơ tiếng hát con tàu
- Kết bài tiếng hát con tàu hay
- Soạn bài tiếng hát con tàu chi tiết
- Soạn văn 12 các tác phẩm
1. Các mẫu mở bài Tiếng hát con tàu trực tiếp
Mở bài trực tiếp tiếng hát con tàu mẫu số 1
“Tiếng hát con tàu” của nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên được rút ra từ tập thơ “Ánh sáng và phù sa” ( năm 1960). Thời điểm đó, miền Bắc đã được giải phóng và đang bắt đầu bước vào thời kì xây dựng khôi phục kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 1958-1960, chính quyền nước ta đang khuyến khích nhân dân miền xuôi đi lên vùng miền núi Tây Bắc để xây dựng, đổi mới kinh tế nơi đây. Nhân sự kiện kinh tế đặc biệt đó Chế Lan Viên đã chắp bút viết lên thi phẩm này. Bài thơ là khúc hát nói lên niềm khát vọng được trở về với nhân dân, với đất nước, niềm khát khao được lên đường chung tay góp phần xây dựng đất nước, đồng thời bài thơ cũng thể hiện niềm hân hoan, phấn khích trong tâm hồn của tác giả khi được trở về với mảnh đất Tây Bắc – ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo cho hồn thơ.
Mở bài trực tiếp phân tích tiếng hát con tàu mẫu số 2
Chế Lan Viên là nhà thơ lớn, tiêu biểu với hồn thơ lãng mạn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Con đường sáng tác nghệ thuật của ông trải qua nhiều thăng trầm với những thay đổi, những bước ngoặt lớn trong trong phong cách nghệ thuật và tư tưởng chủ đạo. Những tác phẩm của ông không còn là một thế giới kinh dị, huyền bí như trong Điêu tàn nữa, sau năm 1945, ông đã rẽ hướng tập trung ngòi bút của mình để khai thác đề tài con người và đất nước trong kháng chiến. Thơ ca Chế Lan Viên giàu trí tuệ và suy tư triết lý với những hình ảnh thơ đa dạng, phong phú, độc đáo. “Tiếng hát con tàu” được in trong tập “Ánh sáng và phù sa”, lấy cảm hứng từ một sự kiện kinh tế – chính trị qua trọng có ý nghĩa vô cùng lớn lao đó là: Cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng, phát triển kinh tế nơi miền núi Tây Bắc.
Mở bài phân tích tiếng hát con tàu trực tiếp mẫu số 3
Bài thơ “Tiếng hát con tàu” – Chế Lan Viên được in từ tập thơ “Ánh sáng và phù sa” – tập thơ này được viết vào năm 1960. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu và đỉnh cao nhât trong sự nghiệp văn học của ông và cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của thơ ca Việt Nam từ sau năm 1945. Bài thơ là khúc hát say mê nói lên tâm tư, tiếng lòng của một người con, một người chiến sĩ yêu nước, là tình yêu, là lòng biết ơn, là sự gắn bó với nhân dân, đất nước và của một tâm hồn thơ đã tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tạo mới mẻ cho những tác phẩm của mình.
Mở bài tiếng hát con tàu trực tiếp hay mẫu số 4
Chế Lan Viên (sinh năm 1920 mất năm 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê gốc của ông ở Cam Lộ, Quảng Trị. Ông đã bắt đầu viết thơ từ rất sớm và nổi tiếng với tập thơ “Điêu tàn” (năm 1937). Ông được đánh giá là một nhà thơ lãng mạn tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trước cách mạng tháng Tám, ông đã từng viết: “Với tôi tất cả như vô nghĩa, Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”, và đã từng cầu xin rằng: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh, Một vì sao trơ trọi cuối trời xa”… để ẩn náu cũng như trốn tránh mọi khổ đau, phiền não của cuộc sống. Sau Cách mạng, khi đất nước thay đổi, hồn thơ của ông từ đó cũng thay đổi theo, đó như cuộc hóa thân để hòa nhập với cuộc sống xung quanh và cũng là tìm về với chính mình. Bài thơ “Tiếng hát con tàu” là tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ sự hóa thân ấy của nhà thơ.
Các mẫu mở bài Tiếng hát con tàu gián tiếp
Mở bài gián tiếp tiếng hát con tàu mẫu số 1
Trong những năm 1958 – 1960, đất nước đang nở rộ phong trào vận động nhân dân miền xuôi lên đổi mới và xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc. Nhân sự kiện quan trọng này, Chế Lan Viên đã chắp bút và cho ra đời tác phẩm “Tiếng hát con tàu”. Tác phẩm này không chỉ dừng lại ở việc đánh dấu sự kiện đó mà bài thơ còn là khúc ca thể hiện niềm khát vọng trở về với nhân dân, với đất nước, khát khao được hoà mình vào cuộc sống rộng lớn của Tổ quốc. Đó cũng là tìm về với ngọn nguồn cảm hứng bất tận cho hồn thơ của người nghệ sĩ.
Mở bài phân tích tiếng hát con tàu gián tiếp mẫu số 2
Chắc hẳn với những người yêu thơ Việt Nam không ai là không biết đến cái tên Chế Lan Viên, bởi ông là một nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm để đời, góp phần to lớn cho sự đa dạng kho tàng văn học Việt Nam. Trong số những tác phẩm đó, nổi bật hơn cả là bài thơ “Tiếng hát con tàu” được rút ra từ tập thơ “Ánh sáng và phù sa” (1960). Thơ Chế Lan Viên mang phong cách độc đáo, đầy sáng tạo, giàu trí tuệ và theo khuynh hướng suy tư triết lí, bài thơ Tiếng hát con tàu là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác này.
Mở bài tiếng hay con tàu gián tiếp mẫu số 3
Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của một hồn thơ đi từ “thung lũng đau thương” ra “cánh đồng vui”, đi từ “chân trời của một người” đến với “chân trời của tất cả”, không ai khác đó là Chế Lan Viên – một nhà thơ với con đường nghệ thuật đầy thăng trầm, với những bước ngoặt lớn trong việc thay đổi tư tưởng, phong cách sáng tác. Không còn là những sáng tác đầy thần bí, khinh dị , sau năm 1945 những sáng tác của ông có sự tươi sáng hơn, ngòi bút ấy tập trung viết về con người và đất nước trong kháng chiến. Tiếng hát con tàu là tác phẩm tiêu biểu nhất cho sự thay đổi này.
Các mẫu mở bài tiếng hát con tàu nâng cao dành cho HSG
Mẫu mở bài nâng cao tiếng hát con tàu số 1
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng có một nhận định rất hay, đầy hàm ý về phong trào thơ Mới trong giai đoạn 1932 -1941 rằng: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu…”. Và ông ấy đã nhắc đến một đặc điểm vô cùng độc đáo trong thơ của Chế Lan viên đó là những vần thơ rất đỗi đau đớn buồn thảm, bi thương là những xúc cảm điên loạn trước thực cảnh khốc liệt, hoang tàn, loạn lạc. Để rồi trong một sáng tác của mình ông đã viết rằng
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!”.
Chỉ đến khi nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng tám, thì hồn thơ Chế Lan Viên mới có những sự thay đổi mạnh mẽ, để rồi từ những vần thơ u ám, bi thương, nhà thơ đã hướng ngòi bút của mình về cuộc đời với một tâm hồn nồng nàn sôi nổi. Tất cả những đặc điểm đổi mới ấy ta sẽ gặp nhiều tác phẩm “Tiếng hát con tàu”.
Mở bài phân tích tiếng hát con tàu nâng cao mẫu số 2
“Ôi, một cánh hoa dù hái vô tình
Cũng là vì yêu cuộc đời quá đẹp
Nói chi lời thơ viết trong nước mắt
Chính là mang hạnh phúc đến lòng anh…”.
(trích Khi đã có hướng rồi)
Không biết khi sinh thời Chế Lan Viên đã từng có bao nhiêu “lời thơ trong nước mắt”, nhưng cũng có rất nhiều bài thơ đẹp tựa như “một cánh hoa…”. Và “Tiếng hát con tàu” là một tác phẩm như thế! Được viết vào năm 1960, “Tiếng hát con tàu” được ví như một giỏ phong lan trong tập thơ “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã từng nhận định rằng tập thơ “Ánh sáng và phù sa” đã gây ra một tiếng vang cực lớn, nó như dấu mốc quan trọng của sự chuyển mình trong thơ của Chế Lan Viên nói riêng và của thơ Việt Nam nói chung, trong tập thơ ấy đã xuất hiện một thi pháp mới, một giọng điệu mới, một cách nghĩ và một cách cảm mới. Qủa vậy, Tiếng hát con tàu là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Chế Lan Viên, tác phẩm đã đưa ông bước lên đỉnh cao của sự nghiệp văn học.
Trên đây là các mẫu mở bài Tiếng hát con tàu hay, ấn tượng nhất mà Butbi đã tổng hợp được, mong rằng nó sẽ giúp các bạn có được những lối dẫn dắt vào nội dung cần phân tích trong bài viết của mình.