Kiến thức trọng tâm nửa đầu học kỳ I Ngữ văn lớp 11 – Cánh diều

0

Điểm top Ngữ văn khi nắm được trọng tâm ôn tâm, sau gần 2 tháng học đầu năm, và rất nhiều bài học được diễn ra, phần nhớ phần quên, vậy nên các em học sinh không khỏi lo lắng cho việc bị quên kiến thức đặc biệt là môn văn một học tự do sáng tạo và cảm nhận. Nhận biết được điều đó, đội ngũ giáo viên môn Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI đã tổng hợp lại những nội dung kiến thức quan trọng nhất, khiến môn văn trở nên dễ dàng hơn.

Dưới đây là toàn bộ kiến thức trọng tậm được môn Ngữ văn lớp 11 theo bộ sách Cánh diều được tổng hợp lại đầy đủ nhất, chúc các em học tập và ôn luyện thật tốt!

I. HỆ THỐNG KIẾN THỨC CẦN NHỚ

  1. Tri thức ngữ văn

Bài Tri thức cần nhớ Nội dung
1 Truyện thơ dân gian Truyện thơ dân gian mang các đặc điểm của văn học dân gian: sáng tác tập thể, phương thức lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, mang tính nguyên hợp. 

Cũng như nhiều tác phẩm tự sự bằng thơ, truyện thơ dân gian có sự kết hợp giữa tự sự (yếu tố truyện) và trữ tình (yếu tố thơ).

Truyện thơ Nôm Truyện thơ Nôm là truyện thơ được viết bằng chữ Nôm, phần lớn theo thể thơ lục bát. 

Đặc điểm nổi bật của truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. 

Truyện thơ Nôm vừa phản ánh cuộc sống qua một cốt truyện với hệ thống nhân vật, sự kiện vừa bộc lộ thái độ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, của tác giả. 

Truyện thơ Nôm bình dân Thường khuyết tác giả; thường lấy đề tài, cốt truyện từ truyện dân gian cổ tích; ngôn ngữ nôm na, mộc mạc.
Truyện thơ Nôm bác học Phần lớn có tên tác giả; thường lấy đề tài, cốt truyện từ những tác phẩm cổ của Trung Quốc nhưng được người viết sáng tạo lại một cách độc đáo. Tuy nhiên cũng có tác phẩm do tác giả sáng tạo, hư cấu. 
Lặp cấu trúc (còn gọi là lặp cú pháp, điệp cú pháp) là biện pháp tu từ, theo đó, người viết (người nó) lặp lặp cấu trúc của một cụm từ, một câu nhằm nhấn mạnh nội dung biểu đạt và tạo nhịp điệu, sự liên kết cho các câu văn, câu thơ.  
2 Bối cảnh lịch sử, môi trường gia đình, cuộc đời tác giả với việc đọc hiểu thơ văn Là những yếu tố khách quan có ảnh hưởng tới cuộc đời, con người và sáng tác của tác giả. 

Cuộc đời, con người nhà văn là yếu tố chủ quan tác động trực tiếp tới sáng tác văn chương. 

Tác phẩm là “tấm gương phản chiếu” tác giả và thời đại. 

Đối là biện pháp tu từ, theo đó, người viết (người nó) xếp đặt những từ ngữ hoặc câu có đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp tương tự hoặc tương phản nhau ở những vị trí đối xứng trong câu hoặc trong văn bản đẻ gợi ra một nội dung hoàn chỉnh là nổi bật một ý nghĩa nhất định. 
Trường đối (bình đối) Biện pháp đối thường được thực hiện giữa hai dòng thơ hoặc hai câu văn. 
Tiểu đối Biện pháp đối thực hiện giữa các từ ngữ trong một dòng thơ hoặc một câu văn. 
3 Chủ đề Vấn đề cơ bản đặt ra trong văn bản.
Chủ đề chính Chủ đề quán xuyến toàn bộ văn bản.
Chủ đề phụ Chủ đề được thể hiện qua các nhân vật hoặc tình tiết riêng lẻ. 
Giá trị văn hóa trong văn học Mỗi tác phẩm văn học là sản phẩm của một nền văn hóa, phản ánh giá trị văn hóa cộng động nơi tác phẩm sinh thành.
Triết lí nhân sinh trong văn học Là quan niệm và sự lí giải của nhà văn về các vấn đề chung liên quan đến cuộc sống, số phận con người, sự tồn tại và phát triển của xã hội. 

 

Đặc điểm của truyện thơ dân gian và truyện thơ Nôm

Đặc điểm Truyện thơ dân gian Truyện thơ Nôm
Phân loại – Căn cứ vào sự kết hợp yếu tố tự sự – trữ tình, truyện thơ dân gian chia thành hai nhóm: tự sự-trữ tìnhtrữ tình-tự sự. 

– Căn cứ vào đề tài, chủ đề, truyện thơ dân gian chia thành ba nhóm: tình yêu lứa đôi; những người nghèo khổ, bất hạnh và ước mơ công lí, chính nghĩa. 

– Căn cứ vào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, truyện thơ Nôm được chia thành hai nhóm: Truyện thơ Nôm bình dân truyện thơ Nôm bác học. 
Cốt truyện Ba phần: Gặp gỡ – thử thách – đoàn tụ.  Ba phần: Gặp gỡ – thử thách – đoàn tụ. 
Nhân vật – Phân theo loại: tốt – xấu; thiện – ác.

– Miêu tả qua biểu hiện bên ngoài: diện mạo, hành động, lời nói và qua tâm trạng. 

– Phân theo loại: chính diện và phản diện (chính – tà, thiện – ác, tốt – xấu). 

– Miêu tả qua biểu hiện bên ngoài:diện mạo, hành động, lời nói, … hơn là đối với đời sống nội tâm (cảm xúc, suy tư, ngôn ngữ độc thoại). 

– Tính cách: tĩnh lại,ít có sự vận động và phát triển; những tác động bên ngoài có tác dụng làm rõ hơn tính cách nhân vật. 

Ngôn ngữ Đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh và các biện pháp tu từ. Hay sử dụng ngôn ngữ gián tiếp (lời tác giả). Người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba. 

 

Nghệ thuật Truyện Kiều

* Thể loại: Truyện thơ Nôm, kết hợp được thế mạnh cả tự sự và trữ tình. 

* Cốt truyện: 

– Tiếp thu từ cuốn tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). 

– Ba phần: Gặp gỡ – thử thách – đoàn tụ. 

– Điểm khác biệt của Truyện Kiều so với truyện thơ Nôm: kết thúc tác phẩm về hình thức là có hậu (người tốt được đền bù, kẻ xấu bị trừng phạt) song thực chất là bi kịch. 

* Nội tâm nhân vật: thể hiện qua các mặt: lời người kể chuyện, bút pháp tả cảnh ngụ tình và đặc biệt là lời độc thoại nội tâm. 

* Người kể chuyện: điểm nhìn trần thuật có sự thay đổi, từ người đứng ngoài câu chuyện chuyển thành người trong cuộc, kết hợp người kể chuyện toàn tri và người kể chuyện hạn tri, kết hợp kể với biểu đạt tình cảm.

* Nghệ thuật miêu tả: 

– Thiên nhiên có khi là đối tượng thẩm mĩ, được miêu tả chân thực, sinh động, có khi là phương tiện thể hiện tình cảm với nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”. 

– Nhân vật chính diện được Nguyễn Du miêu tả bằng bút pháp ước lệ, lí tưởng hóa, nhân vật phản diện được miêu tả bằng bút pháp tả thực. 

* Ngôn ngữ: có cả ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ văn học dân gian (ca dao, tục ngữ) và ngôn ngữ bác học kết tinh từ sách vở. Ngôn ngữ vừa bình dị, vừa mang vẻ đẹp cổ điển.

2. Hệ thống văn bản

Văn bản Nội dung Nghệ thuật
Sóng

(Xuân Quỳnh)

Qua hình tượng “sóng”, nhà thơ nêu lên khát vọng về một tình yêu sâu sắc, nồng nàn, thủy chung và bất diệt, gắn với hạnh phúc đời thương. Qua đó, chúng ta cảm nhận được sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.  – Nghệ thuật tạo kết cấu: sự đan xen, song hành của hai hình tượng nghệ thuật. 

– Nghệ thuật xây dựng hình ảnh thơ: nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng như sóng, bờ, biển lớn tình yêu. 

– Nghệ thuật tạo âm điệu thơ qua thể thơ 5 chữ; nhịp điệu câu thơ mô phỏng nhịp của những con sóng; giọng điệu thơ biến đổi nhiều âm sắc, có giọng kể, có thủ thỉ tâm tình, có giọng suy tư. 

Lời tiễn dặn 

(Trích Tiễn dặn người yêu)

– Từ bi kịch tình yêu – hôn nhân của chàng trai và cô gái, phản ánh bi kịch của người Thái trong xã hội trước đây. 

– Từ vẻ đẹp tấm lòng thủy chung và ước nguyện hạnh phúc lứa đôi của chàng trai, cô gái, phản ánh tâm hồn và khát vọng giải phóng khỏi những tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Thái. 

– Đặc điểm của truyện thơ dân gian với sự kết hợp tự sự và trữ tình. 

– Chất dân tộc và màu sắc miền núi được thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện của nhân vật chính trong tác phẩm. 

Tôi yêu em

(A.S. Pushkin)

Bài thơ thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha.  Ngôn ngữ giản dị, trong sáng mà tinh tế hầu như không dùng một biện pháp tu từ nào ngoài điệp ngữ “Tôi yêu em”
Nỗi niềm tương tư 

(Trích Bích Câu kì ngộ)

Diễn tả tâm tư của Tú Uyên sau khi gặp người đẹp ở hội chùa Ngọc Hồ – Ngôn ngữ ước lệ tượng trưng thể hiện tài năng của tác giả.

– Sử dụng từ láy tạo âm điệu nhịp nhàng trong các dòng thơ.

– Ngôn ngữ văn học dân tộc (chữ Nôm) và thể thơ lục bát. 

Hôm qua tát nước đầu đình Hôm qua tát nước đầu đình là bài ca dao về tình yêu, qua đó thể hiện tấm lòng yêu đời, hóm hỉnh, lạc quan của người lao động. + Thể thơ lục bát, hình ảnh quen thuộc, gần gũi với làng quê.

+ Sử dụng hình ảnh thơ độc đáo: chiếc áo.

+ Biện pháp lặp cấu trúc được sử dụng hiệu quả.

+ Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người lao động.

Trao duyên 

(Trích Truyện Kiều)

Đoạn trích thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh của Thúy Kiều khi phải dứt lòng trao lại cho Thúy Vân mối tình đầu tiên. Lời nhờ cậy đầy đau khổ khiến cho Kiều như đứt từng khúc ruột, đồng thời cho thấy nhân cách cao đẹp của Kiều khi hi sinh hạnh phúc cá nhân, quên đi bản thân mình, quên đi mối tình đẹp đẽ của mình với Kim Trọng đề đổi lấy hạnh phúc và sự bình yên cho gia đình.  – Thể thơ lục bát của dân tộc rất giàu nhạc tính cùng với cách ngắt nhịp đầy dụng ý.

– Biện pháp ẩn dụ, điệp từ, vận dụng nhuần nhuyễn các thành ngữ.

Đọc Tiểu Thanh kí Bài thơ thể hiện sự xót thương, đồng cảm và niềm suy tư, xót xa cho số phận của chính của nàng Tiểu Thanh cũng như của chính tác giả, băn khoăn không biết sau này, còn có thể có tri âm tri kỉ không. – Thể thất ngôn bát cú Đường luật, 

– Sử dụng câu hỏi tu từ, cặp hình ảnh đối lập.

Anh hùng tiếng đã gọi rằng (Trích Truyện Kiều) Đoạn trích là khúc ngợi ca phẩm chất anh hùng của Từ Hải ở lí tưởng nghĩa khí và sự cảm thông với số phận của Thúy Kiều. – Thể thơ lục bát

– Sử dụng câu hỏi tu từ và sử dụng biện pháp ẩn dụ.

Thề nguyền 

(Trích Truyện Kiều)

Đoạn trích là khúc ca về tình yêu tự do và sự chủ động trong tình yêu của người nữ. Dù vậy, Kim Trọng vẫn có sự nồng nhiệt trong tình cảm chứ không hề hờ hững. Đoạn thơ vẫn thành công trong việc sử dụng thể lục bát truyền thống với giọng điệu tự sự tâm tình, ấm áp. 
Chí Phèo

(Nam Cao)

– Sự tàn ác của chế độ phong kiến và thực dân đối với người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Số phận thê thảm của tầng lớp nông dân, họ bị đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa và chỉ có cái chết mới có thể giải thoát cho họ. 

– Lên án xã hội phong kiến tàn bạo đã tàn phá thể xác và tâm hồn của những người nông dân yếu thế, hiền lành, chất phác. Niềm cảm thông sâu sắc, sự xót thương với những con người hiền lành nhưng bị dày vò tha hóa bởi những thế lực đen tối đồng thời khẳng định niềm tin của tác giả vào bản chất lương thiện của người nông dân. 

– Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình

– Nghệ thuật trần thuật, kết cấu mới mẻ, linh hoạt, phóng túng

– Ngôn ngữ, giọng điệu sinh động

– Cốt truyện độc đáo, các tình tiết giàu kịch tính.

Chữ người tử tù

(Nguyễn Tuân)

Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó, nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ tấm lòng yêu nước thầm kín.  – Nhân vật được đặt vào một tình huống truyện độc đáo.

– Triệt để sử dụng nguyên tắc đối lập, tương phản của bút pháp lãng mạn.

– Bút pháp lý tưởng hóa và sự hư cấu, sáng tạo độc đáo của nhà văn.

– Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, nhiều từ Hán – Việt, không khí cổ kính, giọng điệu trang trọng.

Kép Tư Bền 

(Nguyễn Công Hoan)

– Tác phẩm là lời cảm thông sâu sắc trước số phận bi kịch của người nghệ sĩ trong xã hội cũ, lên án thực tế xã hội bóc lột vô cảm bấy giờ.

– Gửi gắm suy ngẫm về sứ mệnh của các nghệ sĩ: phải hi sinh bản thân mình để cống hiến những màn trình diễn trọn vẹn.

– Tạo tình huống truyện đặc sắc và hấp dẫn

– Khắc họa số phận và tâm lý nhân vật độc đáo

 

3. Tiếng Việt

3.1 Biện pháp tu từ lặp cấu trúc

  • Khái niệm: (còn gọi là lặp cú pháp, điệp cú pháp) là biện pháp tu từ, theo đó, người viết (người nó) lặp lặp cấu trúc của một cụm từ, một câu.

Lặp cấu trúc thường được dùng nhiều trong phong cách ngôn ngữ chính luận và phong cách ngôn ngữ văn chương.  

  • Tác dụng: nhấn mạnh nội dung biểu đạt và tạo nhịp điệu, sự liên kết cho các câu văn, câu thơ. 

3.2 Biện pháp tu từ đối

  • Khái niệm: là biện pháp tu từ, theo đó, người viết (người nó) xếp đặt những từ ngữ hoặc câu có đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp tương tự hoặc tương phản nhau ở những vị trí đối xứng trong câu hoặc trong văn bản.

Biện pháp đối không chỉ được dùng phổ biến trong văn vần (thơ, phú), văn biền ngẫu (câu đối, chiếu, cáo, hịch, …) mà còn được dùng trong cà văn xuôi, nhất là văn chính luận thời trung đại. 

  • Tác dụng: gợi ra một nội dung hoàn chỉnh, làm nổi bật một ý nghĩa nhất định.
  • Phân loại: Trường đối (bình đối) và tiểu đối. 
  • Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
Ngôn ngữ nói Ngôn ngữ viết
– Phương tiện ngôn ngữ: âm thanh. 

– Phương tiện phi ngôn ngữ: cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mặt, …

Lời nói khó phổ biến rộng và lưu giữ lâu dài, nếu không được ghi âm, ghi hình. 

– Phương tiện ngôn ngữ: chữ viết. 

– Phương tiện phi ngôn ngữ: hình ảnh, kí hiệu, sơ đồ, …

Văn bản viết được phổ biến rộng và lưu giữ rất lâu dài. 

– Có người nói và người nghe, có thể đổi vai cho nhau. – Người viết và người đọc không thể ngay lập tức đổi vai cho nhau. 
– Sử dụng những từ giản dị, dễ hiểu và những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ. 

– Nhờ sự hỗ trợ của bối cảnh giao tiếp, người nói có thể sử dụng câu rút gọn, câu đặc biệt, yếu tố chêm xen dư thừa để người nghe dễ theo dõi. 

– Ngôn ngữ được trau chuốt, hoàn chỉnh. 

– Ngôn ngữ viết ít sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt, các yếu tố chêm xen dư thừa. 

* Lưu ý: Trong thực tế, chúng ta có thể gặp ngôn ngữ nói ở dạng viết (đối thoại của các nhân vật trong truyện, bản ghi các cuộc phỏng vấn, tọa đàm, …) và ngôn ngữ viết ở dạng nói (đọc văn bản, bản tin, báo cáo, …)

II. Viết

1. Viết văn bản nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí. 

1.1. Chú ý: 

– Nhận biết đúng dạng đề bàn về tư tưởng, đạo lí (thông qua một câu danh ngôn hoặc ngạn ngữ, ca dao, … hay nêu trực tiếp tư tưởng, đạo lí)

– Tìm hiểu nội dung cụ thể của tư tưởng, đạo lí ấy, những điều chưa rõ cần giải thích và làm sáng tỏ. 

– Xác định tính thời sự và ý nghĩa của vấn đề tư tưởng, đạo lí đối với xã hội nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. 

– Xác định luận điểm, lí lẽ phải gắn bó mật thiết và xuất phát từ luận đề đã nêu. 

– Dẫn chứng có thể lấy từ đời sống, trong lịch sử và trong tác phẩm văn học. 

– Thể hiện rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận vấn đề; vận dụng được kiến thức và những những trải nghiệm của người viết. 

1.2. Dàn ý

– Mở bài: Nêu vấn đề bằng một trong các cách: phản đề, so sánh, đặt câu hỏi, …

– Thân bài: 

+ Giải thích câu cách ngôn: Là gì? Tại sao?

+ Phân tích: Thể hiện như thế nào?

+ Chứng minh: Bằng chứng cụ thể là gì?

+ Bình luận: Có giá trị và tác động như thế nào?

– Kết bài: Tổng hợp vấn đề bằng cách: tóm lược, phát triển, vận dụng, liên tưởng, …

2. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

2.1. Chú ý:

– Tìm hiểu kĩ về tác phẩm nghệ thuật được phân tích (đặc điểm thể loại, tác giả, hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh thời đại, …)

– Nắm được những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thông qua một số chi tiết cụ thể. 

– Nêu dược nhận xét cá nhân về thành công và hạn chế của tác phẩm. 

2.2. Dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu chung về tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, vở kịch, bài hát) và nêu khái quát điểm đặc sắc. 

– Thân bài: Triển khai các ý cụ thể phân tích tác phẩm nghệ thuật:

+ Phân tích nội dung, ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, vở kịch, bài hát).

+ Phân tích các đặc sắc về hình thức tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, vở kịch, bài hát).

+ Nêu các nhận xét của người viết về thành công và hạn chế của tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, vở kịch, bài hát). 

– Kết bài: Nêu đánh giá khái quát về tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, vở kịch, bài hát): giá trị thời sự, hiệu quả tác động đến người xem (người đọc, người nghe), …

3. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

3.1. Chú ý: 

– Phân tích đề bài và xác định vấn đề có ý nghĩa đặt ra trong văn bản. 

– Đọc kĩ văn bản văn học được nêu trong đề bài. 

– Giới thiệu và phân tích vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. 

– Bàn luận về vấn đề xã hội đó trong đời sống. 

– Thể hiện rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề đã nêu. 

– Vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết. 

3.2. Dàn ý: 

– Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề. 

– Thân bài: 

+ Phân tích vấn đề xã hội được rút ra từ tác phẩm văn học. 

+ Bàn luận vấn đề đó trong đời sống. 

+ Rút ra bài học nhận thức và hành động, bày tỏ thái độ, quan điểm của người viết. 

– Kết bài: Khẳng định lại vấn đề bàn luận. 

* MỘT SỐ LƯU Ý

Những lưu ý trong việc sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

– Đảm bảo sự nhất quán trong cách dùng từ, đặt câu phù hợp với dạng ngôn ngữ sử dụng, tránh tình trạng lạc phong cách (dùng các phương tiện đặc trưng của ngôn ngữ nói cho văn bản viết và người lại.

Ví dụ: “Chí Phèo phải nói là một truyện ngắn đỉnh cao nhất của Nam Cao. Tác phẩm đã tái hiện quá ư là chân thực tình cảnh khốn khổ của người nông dân trong xã hội cũ”. 

– Trong tác phẩm nghệ thuật truyện, sự mô phỏng ngôn ngữ nói bằng ngôn ngữ viết là một đối tượng nghiên cứu thú vị. Sự cộng hưởng này trong văn bản nghệ thuật tạo ra một số hiện tượng đặc biệt về lời văn như lời nửa trực tiếp, lời độc thoại nội tâm, lời nhại, …

Ví dụ: “Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục? Ai thế nhỉ?

Với những nội dung trên các em học sinh có thể dễ dàng tiếp cận kiến thức sau khi sau một thời gian học và không mất quá nhiều thời gian để tổng hợp cũng như tìm đúng nội dung cần học, cần phải nắm vững.

Xem thêm bài viết xem thêm những bài viết liên quan:

Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Toán lớp 11 – Cánh Diều

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Toán lớp 11 – Chân trời sáng tạo

Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Toán lớp 11 – Kết Nối tri thức