Bài viết này sẽ gửi đến các em học sinh trọng tâm kiến thức dùng để ôn thi giữa kỳ môn ngữ văn lớp 10 theo bộ sách Cánh diều. Đội ngũ giáo viên bộ môn Ngữ văn thuộc hệ thống giáo dục HOCMAI đã tổng hợp và biên soạn lại nội dung kiến thức không chỉ dùng để ôn luyện cho thi giữa kỳ mà nội dung kiến thức cần phải nhớ, chúc các em học tập và ôn luyện thật tốt!
I. Hệ thống kiến thức cần nhớ
1. Thể loại và hệ thống văn bản
1.1. Ôn tập kiến thức về thể loại
Thể loại | Thần thoại | Sử thi | Thơ Đường luật |
Khái niệm | Thần thoại là thể loại ra đời sớm nhất trong lịch sử truyện kể dân gian của các dân tộc. Đó là những truyện có nội dung hoang đường, tưởng tượng về các vị thần, những nhân vật sáng tạo ra thế giới,…phản ánh nhận thức, cách lí giải của con người thời nguyên thủy về các hiện tượng tự nhiên và xã hội. | Sử thi (hay còn gọi là anh hùng ca) là tác phẩm tự sự có quy mô lớn, bằng văn vần hoặc văn xuôi kết hợp văn vần, xây dựng những hình tượng hào hùng, kì vĩ để kể về những người anh hùng, những sự kiện lớn có ý nghĩa trọng đại với dân tộc, diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân cổ đại. | Thơ Đường luật là thể loại thơ phổ biến trong văn học các nước khu vực văn hóa Đông Á thời trung đại (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam).
Thơ Nôm Đường luật là thơ Đường luật được viết bằng chữ Nôm (chữ của người Việt sáng tạo trên cơ sở chữ Hán để ghi âm và biểu đạt nghĩa tiếng Việt). |
Một yếu tố hình thức |
|
Thể loại này đã được học ở Trung học cơ sở, ở đây lưu ý thêm: Hình ảnh trong thơ có tính ước lệ, tượng trưng; cách gieo vần và nghệ thuật đối.
Thơ Nôm Đường luật vẫn mang tính quy phạm nhưng cũng có thay đổi về nhịp điệu, phép đối, từ ngữ và hình ảnh mang bản sắc dân tộc. |
|
Văn bản |
|
|
|
1.2. Hệ thống kiến thức về tác phẩm
Bài học | Văn bản | Nội dung | Nghệ thuật |
Bài 1
– Thần thoại |
Hê-ra-clét đi tìm cây táo vàng (Trích thần thoại Hy Lạp). | Đoạn trích kể về hành trình đi tìm những quả táo vàng của Hê-ra-clét – một người anh hùng trong thần thoại Hy Lạp. Qua đó, truyện ca ngợi hình tượng anh hùng – hình mẫu lí tưởng của nhân dân – người có sức mạnh, trí tuệ và ý chí quyết tâm vượt qua thử thách. |
|
Thần Trụ trời (Thần thoại Việt Nam). | Giải thích về sự hình thành của trời, đất và các hiện tượng tự nhiên thông qua nhân vật Thần Trụ Trời – vị thần có công phân tách trời và đất, tạo nên thế giới và các dạng địa hình. |
|
|
Nữ Oa (Thần thoại Trung Quốc) | Cách giải thích, lòng biết ơn của con người thuở sơ khai về vị thần có công lao tạo ra loài người trên mặt đất và cứu con người thoát khỏi nạn diệt vong. |
|
|
Bài 1
– Sử thi |
Chiến thắng Mtao-Mxây (Trích sử thi “Đăm Săn”). | Xây dựng gình tượng nhân vật Đăm Săn trong không gian chiến trận và không gian văn hóa của cộng đồng Tây Nguyên. Qua đó thể hiện mong muốn, hình dung của cộng đồng về một người thủ lĩnh uy dũng, biết bảo vệ và phát triển đời sống của buồn làng. |
|
Ra-ma buộc tội (Trích sử thi “Ra-ma-ya-na” – Van-mi-ki) | Thông qua việc xây dựng 2 nhân vật Ra-ma và Xi-ta với tư cách kép: vừa là những con người cá nhân vừa là những người có vai trò gắn với cộng đồng, đoạn trích ngợi ca mẫu người anh hùng và phụ nữ lí tưởng: Có sức mạnh, trí tuệ; trọng danh dự, đạo đức và luôn bảo vệ những giá trị của cộng đồng. |
|
|
Bài 2
– Thơ Đường luật |
Cảm xúc mùa thu (Đỗ Phủ). |
|
|
Tự tình – Bài 2 (Hồ Xuân Hương). |
|
|
|
Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến). |
|
|
|
Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão). |
|
|
2. Thực hành tiếng Việt
– Lỗi dùng từ
+ Dùng từ không đúng hình thức ngữ âm, chính tả.
+ Dùng từ không đúng nghĩa.
– Lỗi về trật tự từ
+ Sắp xếp từ không phù hợp với quy tắc cấu tạo cụm từ, cấu tạo câu.
+ Sắp xếp từ ngữ không phù hợp với yêu cầu diễn đạt.
3. Viết
3.1. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội.
– Nghị luận về một vấn đề xã hội có thể bàn luận về một tư tưởng, đạo lí,… nhưng cũng có thể phát biểu, trao đổi về một hiện tượng có thực trong đời sống (con người, sự việc,…) hoặc một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Vấn đề xã hội đưa ra bàn luận có thể là hiện tượng tích cực, cũng có thể là hiện tượng tiêu cực hoặc cả hai. Như thế đòi hỏi người viết cần thể hiện được quan điểm của mình, từ đó, phân tích, biểu dương cái tốt, cái đẹp và lên án, phê phán cái sai, vạch trần cái xấu, cái ác,..; nêu lên hướng khắc phục, giúp người đọc hiểu và làm theo cái đúng, có nhận thức và hành động tích cực,…
– Cần chú ý:
+ Tìm hiểu đề, xem lại các tác phẩm đã học liên quan đến vấn đề xã hội đặt ra của đề bài,…
+ Xác định các luận điểm, luận cứ trong bài viết, lựa chọn các dẫn chứng tiêu biểu.
+ Triển khai bài viết đảm bảo sáng rõ ý kiến và hệ thống luận điểm; cấu trúc chặt chẽ; sử dụng các bằng chứng thuyết phục – chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ.
+ Liên hệ, mở rộng, so sánh với thực tiễn đời sống và suy nghĩ của bản thân.
3.2. Viết báo cáo kết quả nghiên cứu một vấn đề.
– Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề là viết thu hoạch sau khi nghiên cứu về một đề tài đã thực hiện. Vấn đề nghiên cứu rất đa dạng, phong phú, có thể là một vấn đề đặt ra trong học tập, gắn với môn học. Nhưng vấn đề nghiên cứu cũng có thể xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, đã và đang đặt ra trong cuộc sống.
– Cần chú ý:
+ Lựa chọn vấn đề cần phải viết báo cáo nghiên cứu tổng kết: Vấn đề liên quan đến các bài đã học hoặc vấn đề có ý nghĩa đặt ra từ cuộc sống.
+ Tiến hành nghiên cứu theo quy trình: Xác định mục đích và cách thức nghiên cứu → thu thập và lựa chọn tài liệu → ghi chép, sử dụng các công cụ tra cứu → tổng hợp kết quả nghiên cứu.
+ Xây dựng dàn ý (đề cương) của báo cáo kết quả nghiên cứu.
+ Trích dẫn đầy đủ, đúng quy cách; Nêu rõ các tài liệu tham khảo.
4. Nói và nghe
– Thuyết trình về một vấn đề xã hội
+ Yêu cầu: Trình bày trước người nghe những ý kiến (nhận xét, đánh giá, bàn luận,…) của em về vấn đề xã hội.
+ Cần lưu ý:
- Lựa chọn vấn đề thuyết trình.
- Xác định thời lượng thuyết trình và đối tượng người nghe để lựa chọn nội dung, cách trình bày phù hợp.
- Chuẩn bị dàn ý bài thuyết trình và các tư liệu, tranh, ảnh, thiết bị hỗ trợ (nếu có).
- Sử dụng ngôn ngữ kết hợp với nét mặt, ánh mắt, giọng điệu,…phù hợp với nội dung bài thuyết trình.
– Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề
+ Yêu cầu: Giới thiệu, thuyết trình trước người nghe về vấn đề đã được nghiên cứu, tìm hiểu.
+ Cần lưu ý:
- Xác định rõ người nghe là ai để có cách trình bày phù hợp.
- Hiểu rõ nội dung vấn đề để có thể trình bày một cách rõ ràng, tự tin, chính xác,…
- Xác định thời lượng trình bày bài thuyết trình và chuẩn bị dàn ý, thiết bị hỗ trợ.
- Trình bày vấn đề theo trình tự ba phần: mở đầu, nội dung và kết thúc; nói rõ ràng, có cảm xúc; biết kết hợp với các yếu tố phi ngôn ngữ và thiết bị hỗ trợ.
- Tiến hành việc chuẩn bị và dự kiến các câu hỏi mà người nghe có thể đặt ra khi thảo luận.
II. Những sai lầm thường gặp
1. Lỗi dùng từ
1.1 Nguyên nhân và ví dụ
– Lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm, chính tả: Do người sử dụng không nắm chắc hình thức ngữ âm, chính tả của từ, lẫn lộn các từ gần âm với nhau.
Ví dụ: “Tôi vừa nghe phong phanh người ta sắp làm đường qua đây” (Từ đúng phải là “phong thanh”)
– Dùng từ không đúng nghĩa: Do người sử dụng không nắm vững ý nghĩa của từ.
Ví dụ: “Không chịu được gian khổ là yếu điểm duy nhất của anh ta” (từ dùng đúng phải là “điểm yếu”)
1.2 Bài tập tự luyện
Bài 1: Lựa chọn từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng trong các câu sau:
- Xơ xác/Xơ sác.
- Đoạn tuyệt/Đoạt tuyệt
- Xúc sắc/Xúc xắc.
- Chỉnh chu/Chỉn chu.
- Xám xịt/Xám sịt.
- Trẻ chung/Trẻ trung.
Bài 2: Phát hiện và sửa lại các lỗi sai của từ trong các câu sau:
- Danh dự Hoa hậu đã giúp cô ấy thực hiện được nhiều dự án cho cộng đồng.
- Dù trải qua nhiều thất bại trên thương trường, anh ấy vẫn quyết đoán làm ăn, thực hiện ước mơ bấy lâu nay.
- Cô ấy là người nữ phụ duy nhất trong đoàn quay của chúng tôi.
- Căn phòng này có hướng nhìn ra biển, không gian có ánh sáng chan chứa.
Hướng dẫn giải bài tập tự luyện
Bài 1: Lựa chọn từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng trong các câu sau:
- Từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng: Xơ xác.
- Từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng: Đoạn tuyệt.
- Từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng: Xúc xắc.
- Từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng: Chỉn chu.
- Từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng: Xám xịt.
- Từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng: Trẻ trung.
Bài 2: Phát hiện và sửa lại các lỗi sai của từ trong các câu sau:
- Danh dự Hoa hậu đã giúp cô ấy thực hiện được nhiều dự án cho cộng đồng.
- Từ được sử dụng không phù hợp về nghĩa: Danh dự.
- Từ thay thế: Danh hiệu.
- Dù trải qua nhiều thất bại trên thương trường, anh ấy vẫn quyết đoán làm ăn, thực hiện ước mơ bấy lâu nay.
- Từ được sử dụng không phù hợp về nghĩa: Quyết đoán.
- Từ thay thế: Quyết chí.
- Cô ấy là người nữ phụ duy nhất trong đoàn quay của chúng tôi.
- Từ được sử dụng không phù hợp về nghĩa: Nữ phụ.
- Từ thay thế: Phụ nữ.
- Căn phòng này có hướng nhìn ra biển, không gian có ánh sáng chan chứa.
- Từ được sử dụng không phù hợp về nghĩa: Chan chứa.
- Từ thay thế: Chan hoà.
2. Lỗi về trật tự từ
2.1 Nguyên nhân và ví dụ
– Nguyên nhân:
+ Chưa nắm vững quy tắc cấu tạo cụm từ, cấu tạo câu.
Ví dụ: “Từ trên cao, họ có thể nhìn thấy tốt hơn so với mặt biểu những gì có ở dưới nước”.
Phát hiện lỗi: Câu này gây khó hiểu vì cụm từ “so với mặt biển” đã xen vào giữa động từ “nhìn thấy” và bổ ngữ “những gì có ở dưới nước”.
Nên sửa lại là: “Từ trên cao, họ có thể nhìn thấy những gì có ở dưới nước tốt hơn so với mặt biển”.
Hoặc có thể sửa là: “So với mặt biển, từ trên cao, họ có thể nhìn thấy những gì có ở dưới nước tốt hơn”.
+ Chưa lưu ý đến khả năng, hiệu quả diễn đạt của câu trong quá trình tạo lập.
Ví dụ: “Liên hoan phim quốc tế Bu-san (Busan) 2021 ở Việt Nam không được giới thiệu một cách rộng rãi”.
Phát hiện lỗi: Câu này sắp xếp vị trí trạng ngữ không phù hợp, gây hiểu lầm là “Liên hoan phim quốc tế Bu-san năm 2021” diễn ra ở Việt Nam.
Nên sửa lại là: “Ở Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Bu-san 2021 không được giới thiệu một cách rộng rãi”.
2.2 Bài tập tự luyện
Bài 1: Nhận diện các cấu trúc cụm từ/câu đặc biệt trong những câu sau:
- Câu 1
“Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hiền hậu
Ðã bật lên tiếng thét căm hờn”.
(“Đất nước” – Nguyễn Đình Thi)
- Câu 2
“Cho cuộc đời, cho Tổ quốc thương yêu
Ta đã làm gì? Và được bao nhiêu?”
(“Một khúc ca” – Tố Hữu)
- Câu 3
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
(“Thương vợ” – Trần Tế Xương)
Bài 2: Nhận biết và chỉnh sửa các lỗi về trật tự từ trong các câu sau:
- Vào tháng 12 hằng năm, khắp nơi mọi người đều mong chờ ngày lễ Giáng sinh ở Việt Nam.
- Không khí tấp nập, rộn ràng của ngày Tết Nguyên đán ở Hà Nội đã lan toả đi khắp muôn nơi.
- Mùa thu, những cơn gió len lỏi heo may vào từng ngõ phố.
2.3 Hướng dẫn giải bài tập tự luyện
Bài 1:
Các câu thơ trong đề bài đều có sử dụng biện pháp đảo ngữ (đảo ngược vị trí động từ hoặc trợ từ lên trước chủ ngữ nhằm vị trí nhấn mạnh).
- Câu thơ có sử dụng đảo ngữ: “Đã ngời lên nét mặt quê hương”, “Đã bật lên tiếng thét căm hờn”.
Trật tự đúng: “Nét mặt quê hương đã ngời lên”, “Tiếng hét căm hờn đã bật lên”.
- Câu thơ có sử dụng đảo ngữ: “Cho cuộc đời, cho Tổ quốc thương yêu/Ta đã làm gì? Và được bao nhiêu?”
Trật tự đúng: “Ta đã làm gì và được bao nhiêu cho cuộc đời, cho Tổ quốc thương yêu?”
- Câu thơ có sử dụng đảo ngữ: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”, “Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Trật tự đúng: “Thân cò lặn lội khi quãng vắng”, “Mặt nước eo sèo buổi đò đông”.
Bài 2: Nhận biết và chỉnh sửa các lỗi về trật tự từ trong các câu sau:
- Vào tháng 12 hằng năm, khắp nơi mọi người đều mong chờ ngày lễ Giáng sinh ở Việt Nam.
- Lỗi sai: Cụm từ “ở Việt Nam” được sắp xếp không đúng, gây hiểu nhầm rằng ngày lễ Giáng sinh được tổ chức ở riêng Việt Nam, không xuất hiện tại các quốc gia khác.
- Sửa lại: Ở Việt Nam, vào tháng 12 hằng năm, khắp nơi mọi người đều mong chờ ngày lễ Giáng sinh.
- Không khí tấp nập, rộn ràng của Tết Nguyên đán Hà Nội đã lan toả khắp mọi nơi.
Lỗi sai: Từ “ở Hà Nội” được sắp xếp không đúng, gây hiểu nhầm rằng Tết Nguyên đán là ngày lễ chỉ tổ chức tại Hà Nội hay toàn bộ cụm từ “Tết Nguyên đán Hà Nội” là tên gọi của lễ hội.
- Sửa lại: Tại Hà Nội, không khí tấp nập, rộn ràng của Tết Nguyên đán đã lan toả khắp mọi nơi.
- Mùa thu, những cơn gió len lỏi heo may vào từng ngõ phố.
- Lỗi sai: Từ “len lỏi” được sắp xếp không đúng, gây hiểu nhầm “len lỏi” là động từ chỉ hoạt động/ trạng thái của chủ thể “những cơn gió”. Bên cạnh đó, “gió heo may” là từ chỉ gió hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.
- Sửa lại: Mùa thu, những cơn gió heo may len lỏi vào từng ngõ phố.
3. Luyện tập
Câu 1. Ở đầu mỗi đoạn văn, hãy gạch chân vào từ ngữ phù hợp để điền vào chỗ trống:
- Khắc khổ/Khắc khoải/Khắc nghiệt
“Đôi lông mày rậm của hắn châu đầu lại với nhau và hơi xếch lên một chút. Đôi mắt sáng quắc có vẻ lồi ra. Cái trán rộng hơi nhắn. Đôi lưỡng quyền đứng sừng sững trên bờ hai cái hố sâu của má thì bóng nhẫy. Cả cái mũi cao và thẳng tắp cũng bóng lên như vậy. Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông ………. đến thành dữ tợn.”
(Nam Cao, “Đời thừa”, Sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao, Nhà xuất bản Giáo dục, 2015)
Năng lực/Năng suất/Kinh nghiệm
“Nếu bạn hoàn thành khối lượng công việc tương tự với thời gian ít hơn đồng nghiệp thì chưa phải là người có hiệu suất cao, mà là có ……. cao. Bạn không tạo ra bất cú thứ gì hơn một nhân viên bình thường […] Bạn còn phải làm nhiều hơn và tốt hơn người khác để trở thành người làm việc hiệu quả”.
(Marc Effron, “Bí quyết làm việc hiệu quả”, NXB Lao động, 2019)
Phù điêu/Phù hiệu
“Hiện nay, ………. được tạc, đúc trên nhiều chất liệu khác nhau và thường được sử dụng với mục đích trang trí. Đây là dòng tranh cách tân, kế thừa tinh hoa của nhiều dòng tranh đã đạt đỉnh cao trước đó. Nó đã biến điêu khắc nổi trở thành một xu hướng nghệ thuật độc đáo phù hợp với đại chúng.”
Hủ tục/Thủ tục
“Việt Nam là một Quốc gia đa dân tộc, trình độ phát triển chênh lệch, do vậy, nhiều tộc người còn bị chi phối sâu sắc bởi hệ thống tín ngưỡng, phong tục cổ truyền. Sự tồn tại của các …………… trong đời sống xã hội đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và đời sống tinh thần của những cư dân vùng cao.”
- Di chứng/Di sản/Sản vật
“Quán cà phê có vị trí nằm giữa hai ngôi biệt thự cổ. Việc tiếp cận dự án được định hướng nhằm đảm bảo không gian hiện đại của quán mới kết hợp hiệu quả với không gian biệt thự cổ. Đặc biệt, phần mái có hiệu ứng tương phản khoảng tối và sáng là điểm nhấn, tận dụng được nét đẹp sẵn có của ………. kiến trúc cổ hai bên.”
Hướng dẫn giải
- Tra cứu từ điển để xác định nghĩa của các từ được liệt kê trong đề bài:
– Khắc khoải: (tính từ) có tâm trạng bồn chồn lo lắng, day dứt kéo dài.
– Khắc nghiệt: (tính từ) khắt khe đến mức khó chịu đựng nổi.
– Khắc khổ: (tính từ) tỏ ra phải chịu nhiều hạn chế, khổ cực về nhu cầu.
Xét nghĩa của câu cần điền từ: “Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông ………. đến thành dữ tợn.”, từ cần điền được sử dụng để mô tả khuôn mặt của nhân vật, trạng thái được làm rõ hơn với tính từ “dữ tợn” (trông rất đáng sợ). Như vậy, từ thích hợp với nghĩa của câu là “khắc khổ”.
- Sử dụng phương pháp loại trừ. Căn cứ vào vế câu trước “hoàn thành khối lượng công việc tương tự với thời gian ít hơn”, loại bỏ đáp án “kinh nghiệm” và “năng lực” do không tương ứng về nghĩa. Trong đó, “kinh nghiệm” là sự hiểu biết do từng trải, “năng lực” là khả năng làm tốt công việc – đều không được đo lường bằng tính từ “cao” (thường được dùng để đo khoảng cách. Từ phù hợp để điền vào chỗ trống là “Năng suất”: Hiệu quả của lao động, được đo bằng khối lượng công việc làm ra được trong một đơn vị thời gian.
- Đọc văn bản, xác định những thông tin làm rõ cho đối tượng trong đoạn trích là: “sử dụng với mục đích trang trí”, “là dòng tranh cách tân”, “biến điêu khắc trở thành xu hướng”. Như vậy, từ đúng cần được thay thế vào đoạn trích là “phù điêu”: hình thức điêu khắc, được trình bày bằng những hình đắp cao hoặc chạm nổi trên nền phẳng.
- Đọc văn bản, căn cứ vào nội dung của câu cần điền, xác định đối tượng được nhắc đến “gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống tinh thần” (tác động tiêu cực). Tra cứu từ điển, giải nghĩa các từ được nhắc đến trong đề bài:
– Thủ tục: thứ tự và cách thức đã định để thực hiện một hoạt động.
– Hủ tục: thói quen có từ lâu đời, được mọi người công nhận và làm theo nhưng không còn phù hợp với đời sống xã hội mới.
– Văn hoá: những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.
– Truyền thống: thói quen hình thành từ lâu trong lối sống và cách nghĩa, được truyền qua nhiều thế hệ.
Từ phù hợp điền vào chỗ trống: “Hủ tục.”
- Đọc văn bản, nhận thấy cụm từ “biệt thự cổ” được lặp lại nhiều lần. Căn cứ vào thông tin trong đoạn, xác định mong muốn của người viết: “kết hợp với không gian biệt thự”, “tận dụng nét đẹp sẵn có”. Tra cứu từ điển để xác định nghĩa của các từ xuất hiện trong đề bài:
– Di chứng: Chứng tật còn lại lâu dài sau khi đã khỏi bệnh.
– Di sản: Tài sản tinh thần hoặc tài sản vật chất do lịch sử để lại hoặc do thiên nhiên tạo ra.
– Di vật: Đồ vật được giữ lại của một người thời xa xưa hoặc của người đã mất.
Từ phù hợp điền vào chỗ trống: “Di sản.”
Câu 2. Phân tích thành phần ngữ pháp của các câu sau:
- Những người sinh sống ở trung tâm thành phố thường thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của các mô hình kinh doanh.
- Dù đã kéo dài thời hạn, những người công nhân ấy vẫn không hoàn thành nhiệm vụ.
- Ở Sài Gòn, những khu mua sắm mới được xây dựng đều cao đến chọc trời.
Hướng dẫn giải
Cấu trúc của các câu trong đề bài được xác định như sau:
- Những người sinh sống ở trung tâm thành phố(CN)//thường thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của các mô hình kinh doanh (VN).
- Dù đã kéo dài thời hạn (TrN), những người công nhân ấy (CN)// vẫn không hoàn thành nhiệm vụ (VN).
- Ở Sài Gòn (TrN), những khu mua sắm mới được xây dựng (CN)// đều cao đến chọc trời (VN).
Câu 3. Viết đoạn văn (từ 10 – 12 câu) nêu suy nghĩ về việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của giới trẻ hiện nay. Trong đoạn sử dụng một phép liên kết về hình thức, một cụm từ và một câu ghép.
Hướng dẫn giải
-Hình thức: Đoạn văn
-Dung lượng: 10 – 12 câu
-Nội dung: Việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của giới trẻ hiện nay.
– Các yêu cầu về tiếng Việt:
+ Phép liên kết hình thức: Phép thế, phép nối, phép lặp,…
+ Cụm từ: cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ.
+ Câu ghép: câu được cấu tạo từ hai hoặc nhiều hơn cụm chủ – vị không bao chứa nhau.
-Triển khai bài viết cần đảm bảo các ý:
+ Giải thích: Ngôn ngữ: Hệ thống các tín hiệu dùng để giao tiếp và trao đổi thông tin
+ Phân tích, chứng minh
- Thực trạng: Phát triển nhanh theo hình thức lối nói chơi chữ, ít tính học thuật; Nhiều từ mới được kiến tạo do du nhập từ các ngôn ngữ nước ngoài (Anh, Hàn, Trung); Có sự lưu ý đối với các quy chuẩn về chính tả, nghĩa của từ
- Nguyên nhân: Sự phát triển của mạng xã hội và các cổng thông tin điện tử dẫn đến thông tin được lưu chuyển liên tục giữa các vùng cư dân trong nước và ngoài nước; Sự hình thành rõ nét ý thức về bản sắc văn hoá dân tộc và sự đa dạng của tiếng Việt.
=> Mở rộng
- Phản đề: Sự chêm xen ngôn ngữ tiếng Anh, sử dụng từ cẩu thả, dùng thành ngữ và tục ngữ sai về nghĩa
- Giải pháp và liên hệ
Xem thêm bài viết liên quan:
Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Ngữ văn lớp 10 – Kết nối tri thức
Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Ngữ văn lớp 10 – Chân trời sáng tạo
Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn Toán lớp 10 – Cánh Diều