Kỳ thi vào 10 hiện nay được đánh giá có tính khốc liệt, cam go không khác gì kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Để giúp các em học sinh có thể giảm bớt áp lực trong quá trình ôn thi, BUTBI sẽ chia sẻ những kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Toán và các chiến thuật làm bài điểm cao trong bài viết dưới đây.
Kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Toán
Khoanh vùng các kiến thức trọng tâm
Toán là môn học nếu chẳng may học sinh hổng kiến thức sẽ rất khó có thể làm được các bài toán nâng cao. Do đó, việc có nền tảng kiến thức vững chắc sẽ là yếu tố quan trọng giúp các em có thể bứt phá điểm số trong kỳ thi vào 10 thành công. Kiến thức môn Toán rất rộng, do đó, để có thể nắm chắc toàn bộ kiến thức này, các em học sinh 2k9 cần xác định được các phần trọng tâm và hệ thống chúng thành từng chuyên đề để có thể ôn luyện một cách khoa học hơn. Việc khoanh vùng kiến thức này có thể giúp các em tiết kiệm được rất nhiều thời gian học tập cũng như nâng cao hiệu suất việc ôn luyện này hiệu quả.Các em học sinh 2k9 có thể phân loại kiến thức Toán thành 2 phần riêng biệt là Đại số và Hình học để có thể hệ thống hóa kiến thức tốt hơn. Đối với phần toán Đại số, các em học sinh sinh năm 2009 nên tập trung vào các phần kiến thức như: Biến đổi đồng nhất; Biến đổi căn thức; Hàm số và đồ thị; Phương trình; Hệ phương trình; Giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình; Bất đẳng thức – Bất phương trình – Cực trị đại số. Về phần hình học, các mảng kiến thức về Tam giác đồng dạng – Định lý Talet; Hình học không gian; Đường tròn là những phần quan trọng thường hay xuất hiện trong đề thi vào lớp 10.
“Các em nên chia nhỏ các mảng kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề để có thể học dễ dàng hơn. Ngoài ra, các em cũng có thể áp dụng phương pháp học cuốn chiếu, có nghĩa là học xong chuyên đề nào thì cần đảm bảo nắm chắc kiến thức của chuyên đề ấy và có thể vận dụng nhuần nhuyễn các phần kiến thức này để giải bài tập.” Thầy Hồng Trí Quang – Giáo viên môn Toán thuộc Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ thêm.
Trang bị các phương pháp giải cho các dạng bài thường gặp trong đề thi
Sau khi đã có nền tảng kiến thức môn Toán vững chắc, các em học sinh nên bước sang giai đoạn luyện đề chuyên sâu. Điều này sẽ giúp 2k9 có thể nắm chắc được cấu trúc đề thi cũng như các dạng bài thường gặp. Hãy học cách nhận biết và nắm vững các dạng câu hỏi càng sớm, các em sẽ càng có nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm ra những phương pháp giải tối ưu nhất. Ngoài ra, việc luyện đề cũng giúp cho các em học sinh 2k9 có thể kiểm tra lại những phần kiến thức đã học, nếu có phần kiến thức nào chưa chắc, các em cũng có đủ thời gian để lấp đầy lại trước khi tham gia kỳ thi thật.
Ôn luyện với phương pháp tối ưu nhất
Việc ôn luyện cho kỳ thi vào 10 sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu như các em học sinh 2008 có một phương pháp học khoa học và thông minh. Chính vì vậy, việc lựa chọn một phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả với bản thân chính là điều 2k9 nên làm lúc này. Một phương pháp học tập thông minh và khoa học là phương pháp có thể giúp các em ôn luyện toàn diện các môn thi, bao gồm đầy đủ các giai đoạn từ xây dựng nền tảng kiến thức, hệ thống hóa kiến thức trọng tâm và luyện đề. Việc ôn tập với đầy đủ các bước theo trình tự sẽ giúp các em học sinh sinh năm 2009 có thể vừa nắm chắc kiến thức, vừa thành thạo được các kỹ năng làm bài cần thiết cũng như có thể đánh giá chính xác năng lực của bản thân ở từng thời điểm.
Các chiến thuật làm bài thi vào 10 đạt điểm cao
Chiến thuật “Dễ làm trước – Khó làm sau”
Đối với môn Toán, điều quan trọng nhất các em cần ghi nhớ trong quá trình làm bài chính là “Dễ trước – Khó sau” Khi nhận đề, đừng vội vàng bắt tay vào làm ngay mà các em nên đọc lướt đề một lượt trước, nếu có câu nào các em có thể giải ngay hoặc tìm ra cách giải, hãy ghi nháp ra bên cạnh bài đó. Tiếp theo, các em hãy lần lượt làm từ câu dễ đến câu khó, đừng sa đà ngay vào câu khó vì điều này sẽ ngốn của các em kha khá thời gian làm bài đấy
Hãy nhớ rằng, nếu các em sai câu khó, khả năng đỗ vẫn là có nhưng nếu sai những câu hỏi cơ bản, nguy cơ trượt sẽ tăng lên bội phần. Đối với 2 câu vận dụng cao, các em 2009 chỉ nên dành tối đa 10 phút để giải, thời gian còn lại hãy để dành cho việc kiểm tra các câu hỏi đã làm để bảo đảm giành được số điểm cao nhất có thể.
Cũng giống như văn có mở bài, thân bài và kết bài thì 3 bước giải 1 bài toán cũng sẽ bao gồm điều kiện, giải bài toán và kiểm tra.
Hãy trình bày đúng và đủ ý
Khi làm bài, “đúng” là điều quan trọng nhất và “đủ” là điều kiện nên có để các em không bị mất điểm ở những lỗi sai nhỏ, không nên có. Hãy lưu ý rằng, khi làm bài, hạn chế việc viết dài dòng bởi các em viết càng nhiều càng dễ bị sai. Ngoài ra, việc trình bày dài dòng cũng sẽ khiến các em mất nhiều thời gian hơn để kiểm tra và tìm ra lỗi sai.
Kiểm tra thật cẩn thận
2k9 hãy thử áp dụng phương pháp kiểm tra với 3 phương pháp sau đây để tránh tình trạng tìm sót lỗi sai, gây mất điểm đáng tiếc.
- Phương pháp 1- Kiểm tra xuôi: Làm đến đâu hãy kiểm tra đến đó. Khi thấy xuất hiện lỗi sai, các em nên sửa ngay lập tức, tránh tình trạng làm xong cả bài rồi mới phát hiện lỗi sai khiến cho việc sửa gặp khó khăn cũng như gây tốn không ít thời gian và ảnh hưởng đến tâm lý làm bài tiếp theo.
- Phương pháp 2- Kiểm tra ngược: Sau khi hoàn thành xong một câu hỏi, hay quay trở lại và kiểm tra lại thêm một lần nữa. Điều này có thể đảm bảo các em không bỏ sót lỗi ở đâu và có thể yên tâm để chuyển sang bài tiếp theo.
- Phương pháp 3- Kiểm tra chéo: Trước khi nộp bài, hãy kiểm tra lại toàn bộ bài làm thêm một lần nữa. Nhờ đó, các em có thể chắc chắn các câu hỏi trong đề thi đều làm đúng và đủ ý.
Tiết kiệm tối đa thời gian làm bài
4 năm cấp 2 được gói gọn trong 3 bài thi với rất ít thời gian để có thể thể hiện hết mình. Do đó, các em hãy áp dụng các phương pháp, mẹo giải bài thông minh để có thể tiết kiệm tối đa thời gian. Nhờ đó, các em có thể có thêm nhiều thời gian để kiểm tra lại cũng như suy nghĩ cách giải các câu khó để chinh phục điểm số cao hơn.
Đừng làm bài viết ra nháp rồi chép lại vào bài thi
Nếu như các em có ý tưởng rõ ràng, hãy viết ngay vào bài thi bởi lẽ lúc này, các em có sự tập trung cao độ nên thường sẽ ít gặp sai sót. Việc làm bài thi ra nháp rồi mới chép vào bài thi có thể khiến các em gặp sai sót bởi vì khi nháp, các em thường nháp nhanh, không cẩn thận. Ngoài ra, nhiều em gặp tâm lý nên có thể gặp sai sót trong quá trình chép lại bài giải vào bài thi chính thức, khiến cho các em không chỉ mất thời gian mà kết quả lại sai.
Trên đây là những kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Toán và chiến thuật làm bài điểm cao được BUTBI sưu tầm và tham khảo từ nhiều thầy cô giáo đã có nhiều năm luyện thi. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho các em học sinh sinh năm 2009 trên con đường chinh phục giấc mơ đỗ cấp 3 TOP. Các em cũng có thể tham khảo giải pháp luyện thi vào 10 toàn diện của HOCMAI TẠI ĐÂY.