Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống

0

Soạn bài Chữ người tử tù – trang 21 sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống  tập 1 bao gồm các phần chuẩn bị và trả lời các câu hỏi trong quá trình đọc và sau khi đọc hiểu. 

soan-bai-chu-nguoi-tu-tu-1

Bài viết tham khảo thêm:

I –  Chuẩn bị | Soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 1

1. Tóm tắt Chữ người tử tù

Huấn Cao bị kết án tử hình bởi ông là người cầm đầu trong cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Trước khi bị xử tử, ông đã bị giam tại một nhà tù. Khi trát được gửi đến nhà tù, viên quản ngục thấy trong danh sách có tên ông Huấn Cao, một người nổi tiếng với tài viết chữ đẹp nên đã sai người quét dọn phòng giam nơi Huấn Cao và những người tử tù sẽ ở. Những ngày Huấn Cao ở trong tù, viên quản ngục đã biệt đãi ông cùng các đồng chí của ông với sở nguyện là xin được chữ viết của Huấn Cao. Lúc đầu, ông Huấn Cao tỏ rõ sự khinh miệt tên quản ngục kia, tuy nhiên, sau khi hiểu được tấm lòng của hắn, ông đã quyết định tặng hắn chữ vào đúng cái đêm trước ngày bị xử chém. Ông Huấn Cao trong đêm cho chữ đã thể hiện tài năng của mình với tay viết như rồng bay phượng múa trên tấm lụa bạch với viên quản ngục và thầy thơ khúm núm đứng bên cạnh. Sau khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục nên về quê để giữ cho “thiên lương” của mình trong sáng và viên quản ngục đã nghe theo lời khuyên của ông.

2. Bố cục Chữ người tử tù

Văn bản được chia làm 3 phần:

Phần 1 (Từ đầu đến “để mai ta dò ý tứ hắn ra sao rồi sẽ liệu”): Cuộc trò chuyện về Huấn Cao giữa viên quản ngục và thầy thơ.

Phần 2 (tiếp đến “thiếu một chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”): Sự biệt đãi  và tấm lòng ngưỡng mộ tài năng viết chữ đẹp của viên quản ngục dành cho Huấn Cao .

Phần 3 (còn lại): Cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục.

3. Nội dung chính Chữ người tử tù

Câu chuyện “Chữ người tử tù” kể về tình huống cho chữ đầy éo le giữa 2 con người có sự tương phản, đối lập với nhau là Huấn Cao và viên quản ngục. Từ tình huống đó, tác giả đã đem đến một thông điệp đầy nhân văn, sâu sắc về cái đẹp.

4. Tác giả

4.1. Tiểu sử

– Nguyễn Tuân, sinh ngày 10/07/1910 ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông mất vào ngày 28/07/1987.

– Nguyễn Tuân được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.

– Nguyễn Tuân học tập đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay, tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định ngày nay) thì bị đuổi học vì ông tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt vào năm 1929.

– Sau đó ít lâu Nguyễn Tuân lại bị tù vì ông đi qua biên giới tới Thái Lan mà không có giấy phép.

– Sau khi ra tù, sự nghiệp viết lách của ông chính thức bắt đầu.

– Nguyễn Tuân bắt đầu sự nghiệp cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm thể loại tùy bút, bút ký có phong cách rất độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi…

– Năm 1941, ông lại bị bắt giam một lần nữa và lần này đã giúp ông có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị.

– Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một ngòi bút tiêu biểu của nền văn học mới.

– Từ 1948 đến 1957, Nguyễn Tuân giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.

– Năm 1996, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

4.2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân

a) Tác phẩm chính

Những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Tuân có thể kể đến như tác phẩm Vang bóng một thời được xuất bản năm 1940, Tùy bút sông Đà năm 1960, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi năm 1972,…

b) Phong cách nghệ thuật

– Các tác phẩm của Nguyễn Tuân đều được sử dụng phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.

– Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể được tóm gọn trong một chữ “ngông”:

+ Với phong cách “ngông” này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác của mình. Mọi sự vật, sự việc được miêu tả trong tác phẩm của ông dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện mang đậm tính văn hoá, mỹ thuật.

+ Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân luôn đi tìm tòi cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi chúng là Vang bóng một thời.

– Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân tìm thấy mối liên kết chặt chẽ giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, từ đó, giọng văn của ông trở nên tin yêu, đôn hậu hơn; Nguyễn Tuân có thể tìm thấy cái đẹp, chất tài hoa ở cả những con người lao động hết sức bình thường.

– Ông là tác giả đi theo chủ nghĩa xê dịch không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên ông luôn cố gắng đi suốt chiều dài đất nước để tìm những điều mới mẻ,độc đáo.

5. Tác phẩm

5.1. Xuất xứ

  • Truyện ngắn “Chữ người tử tù” lúc đầu được Nguyễn Tuân đặt tên là “Dòng chữ cuối cùng” và được in vào năm 1939 trên tạp chí Tao Đàn. Sau này, tác phẩm được in trong tập “Vang bóng một thời.”
  • Vang Bóng một thời được in lần đầu vào năm 1940 bao gồm 11 câu chuyện ngắn đều là sự kết tinh của tài năng và tâm huyết của Nguyễn Tuân. Đây là tác phẩm được đánh giá là đạt đến sự toàn thiện toàn mỹ.

5.2. Giá trị nội dung

Thông qua tác phẩm “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khắc họa rất thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao – Một con người đầy tài năng, có tâm trong sáng và khí phách luôn hiên ngang, bất khuất. Từ đó, tác giả đã thể hiện rõ nét quan niệm về cái đẹp, khẳng định về sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ đầy khéo léo, thầm kín tấm lòng yêu nước của mình.

5.3. Giá trị nghệ thuật

Tác phẩm “Chữ người tử tủ” đã thể hiện được sự tài năng, sáng tạo đầy tính độc đáo của Nguyễn Tuân trong việc dựng cảnh, khắc họa nhân vật và tạo ra không khí đầy cổ kính, trang trọng. Nguyễn Tuân cũng đã sử dụng thủ pháp đối lập cũng như ngôn ngữ mang đậm tính tạo hình trong bài để có thể thể hiện rõ được giá trị nội dung.

Nguyễn Tuân đã xây dựng các nhân vật đầy khéo léo thông qua các tình huống truyện kịch tính, éo le.

Ông đã khai thác triệt để bút pháp nghệ thuật lãng mạn, có tính tương phản cao để có thể lý tưởng hóa vẻ đẹp của nhân vật đến mức phi thường.

Tác phẩm sử dụng ngôn ngữ mang đậm tính tạo hình, gợi cảm nhưng vẫn mang sự cổ kính, trang trọng.

5.4 Sơ đồ tư duy

soan-bai-chu-nguoi-tu-tu
Soạn bài Chữ người tử tù

II – Trước khi đọc | Soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 1

Dựa vào nhan đề Chữ người tử tù, bạn thử suy đoán xem tác phẩm viết về câu chuyện gì?

Lời giải chi tiết:

– Truyện có thể viết về những dòng chữ của người tù mắc trọng tội.

III – Trong khi đọc | Soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 1

Câu 1 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật là viên quản ngục và thầy thơ lại.

Lời giải chi tiết:

 Cuộc trò chuyện của nhân vật viên quản ngục và thầy thơ lại xoay quanh nội dung trại giam sắp tiếp nhận sáu tên tù án tử hình, trong đó người đứng đầu là Huấn Cao. Quản ngục tỏ ý muốn biệt đãi Huấn Cao trong những ngày tháng cuối đời trong trại giam đầy tăm tối này.

Câu 2 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Chú ý các chi tiết miêu tả về ngoại hình, suy nghĩ, lời nói, sở thích, môi trường sống của viên quản ngục và những câu văn mang tính khái quát tính cách của nhân vật này.

Lời giải chi tiết:

Những chi tiết miêu tả về nhân vật viên quản ngục:

– Ngoại hình: Đầu của viên quản ngục đã điểm màu hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo trên bộ mặt tư lự, bây giờ cũng đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. 

– Tính cách: có tâm tốt và tính cách thẳng thắn, biết trân trọng người tài.

– Sở thích: Sưu tầm chữ đẹp để treo trong nhà 

→ Yêu cái đẹp.

– Môi trường sống: sống trong môi trường ngục tù đầy tăm tối.

Câu 3 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Theo bạn, quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao như thế nào? Chi tiết nào ở phần 1 khiến bạn suy đoán như vậy?

Lời giải chi tiết:

Học sinh hãy nêu lên quan điểm riêng của mình.

– Xét theo lẽ thường, viên quản ngục sẽ phải cho người trông coi tử tù Huấn Cao thật cẩn thận và nghiêm ngặt. Các hành động đối xử theo đúng tội của một tên tử tù.

– Tuy nhiên, thái độ của quản ngục này lại rất khác và có sự biệt đãi rõ ràng với Huấn Cao.

Câu 4 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Hình dung về hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và quản ngục.

Lời giải chi tiết:

    – Hoàn cảnh: Trong nơi ngục tù đầy tăm tối, hai nhân vật có sự khác biệt rõ ràng về địa vị xã hội → hoàn cảnh éo le.

Câu 5 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Huấn Cao đã chấp nhận sự “biệt đãi” của quản ngục thế nào?

Lời giải chi tiết:

Huấn Cao đã chấp nhận sự biệt đãi của viên quản ngục với hành động thản nhiên nhận lấy rượu thịt và coi đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”.

Câu 6 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Dự đoán xem Huấn Cao có bằng lòng cho quản ngục xin chữ không?

Lời giải chi tiết:

Xét trên các khía cạnh, quản ngục và tử tù Huấn Cao hiện đang ở hai vị trí hoàn toàn đối lập nhau. Vì vậy, chắn chắn Huấn Cao sẽ khó có thể bằng lòng cho chữ viên quản ngục. 

Câu 7 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Lưu ý các chi tiết được tác giả sử dụng để dựng lên bối cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. 

– Bối cảnh: về không gian và thời gian.

– Lời nói, cử chỉ, hành động của Huấn Cao và viên quản ngục

Lời giải chi tiết:

Cảnh cho chữ:

* Bối cảnh:

– Không gian: trong buồng giam đầy tăm tối.

– Thời gian: ban đêm trước ngày thi hành án.

* Hành động:

– Người nghệ sĩ tài hoa say mê múa tay như rồng bay phượng múa từng nét chữ là người sắp phải chịu án tử hình.

– Thầy thơ lại: “run run bưng chậu mực”

– Quản ngục: “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”.

→ Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn. 

Câu 8 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Nhân vật Huấn Cao đã khuyên nhủ quản ngục điều gì? Quản ngục có thái độ như thế nào khi lắng nghe lời khuyên đó?

Lời giải chi tiết:

* Lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục:

– Huấn Cao khuyên  viên quản ngục nên bỏ nghề trước rồi hẵng tính đến việc chơi chữ.

* Thái độ của quản ngục trước lời khuyên của tử tù: Cảm động.

Câu 9 (SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Nội dung câu chuyện được kể có giống với những gì mà bạn suy đoán lúc mới đọc nhan đề của tác phẩm hay không?

Lời giải chi tiết:

Học sinh tự nêu lên quan điểm cá nhân.

IV – Trả lời câu hỏi cuối bài | Soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống 

Câu 1 (trang 27, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Hãy xác định tình huống truyện trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”.

Lời giải chi tiết:

Tình huống truyện:      

Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, đầy tính éo le. Hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục hoàn toàn đối lập với nhau nhưng lại có cùng một điểm chung là tình yêu cái đẹp.

Tác giả đã đặt những nhân vật này trong một tình thế đối lập là tử tù và viên quản ngục. Chính tình huống độc đáo này đã giúp làm nổi bật được vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao. Hơn nữa, Nguyễn Tuân cũng đã làm sáng tỏ tấm lòng biệt đãi của viên quản ngục khi đứng trước người tài hoa, đồng thời cũng thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.

Câu 2 (trang 27, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Lời miêu tả nhân vật quản ngục (trong phần 1) là của ai? Nó tác động như thế nào đến cách nhìn của bạn về nhân vật này?

Lời giải chi tiết:

– Lời miêu tả về nhân vật viên quản ngục trong phần 1 chính là lời miêu tả của chính tác giả.

– Việc sử dụng ngôi kể thứ ba giúp cho cách kể chuyện trở nên linh hoạt, tự do hơn. Đồng thời, qua cách kể này, người đọc có thể hình dung được một cách khái quát và mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng về nhân vật quản ngục trong truyện.

Câu 3 (trang 27, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Sự kiện nào đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục? Sau sự kiện ấy, mối quan hệ của họ đã trở nên như thế nào?

Lời giải chi tiết:

– Ban đầu, Huấn Cao có thái độ khinh bạc viên quản ngục.

– Khi đã hiểu rõ con người và nhân cách của quản ngục,  Huấn Cao đã đồng ý cho ông chữ. Lúc này, mối quan hệ giữa họ không còn là mối quan hệ đơn thuần của quản ngục và tử tù nữa mà đã chuyển thành một mối quan hệ tri âm, tri kỉ.

Câu 4 (trang 27, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Nhân vật Huấn Cao đã được tác giả khắc họa thông qua những chi tiết tiêu biểu nào? Hãy dựa vào các chi tiết đó để có thể khái quát các đặc điểm tính cách của nhân vật Huấn Cao.

Lời giải chi tiết:

Vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao được thể hiện thông qua những phương diện sau:

* Tài hoa nghệ sĩ

– Huấn Cao là một người có tài viết chữ rất đẹp, “chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm. Có được chữ ông Huấn mà treo là giống như có được vật báu trên đời”.

* Khí phách hiên ngang

– Huấn Cao là một người anh hùng, dũng kiệt. Huấn Cao trở thành tử tù bởi ông dám khởi nghĩa để đấu tranh, chống lại triều đình. Khí phách hiên ngang của Huấn Cao được thể hiện rõ nét nhất trong khoảng thời gian ông ở trong phòng giam. Trước cửa ngục tù, Huấn Cao không những không tỏ ra run sợ, lo lắng, sợ hãi mà ngược lại, ông tỏ rõ khí phách của mình thông qua hành động “dỗ gông”

* Nhân cách trong sáng, cao cả:

– Huấn Cao không bao giờ cho chữ vì vàng bạc hay quyền lực. Ông cho chữ bởi sự cảm kích trước tấm lòng của viên quản ngục 

Câu 5 (trang 27, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Chỉ ra các yếu tố khiến cho phân cảnh cho chữ của Huấn Cao trở thành một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Hãy phân tích ý nghĩa của cảnh tượng kì lạ đó.

Lời giải chi tiết:

* Cảnh cho chữ tại nơi ngục tù tối tăm- cảnh tượng xưa nay chưa từng có:

– Về không gian: Trong nơi ngục tù tối tăm, ẩm mốc, bẩn thỉu.

– Về thời gian: Giữa đêm khuya thanh vắng và cũng là đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao phải thi hành án xử.

– Người cho chữ mặc dù bị cùm gông nhưng vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại, oai phong phóng bút với những nét bút đẹp tuyệt trần. Trong khi đó, viên quản ngục và thầy thơ lại “khúm núm” cúi đầu đón nhận như một đặc ân từ tử tù.

– Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo lộn hoàn toàn.

* Ý nghĩa:

Cảnh cho chữ làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác,…

Câu 6 (trang 27, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Theo bạn, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua tình huống xin chữ và cho chữ?

Lời giải chi tiết:

* Thông điệp của tác giả:

– Cái đẹp có thể sinh ra và tỏa sáng ở bất cứ đâu, thậm chí là giữa chốn ngục tù hôi hám, nhơ bẩn nhưng cái đẹp không thể chung sống cùng cái xấu, cái ác.

– Con người xứng đáng được thưởng thức cái đẹp chỉ khi giữ được cái tâm thiện lương.

– Cái đẹp có thể cảm hóa được con người.

Câu 7 (trang 20, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Nêu và nhận xét về một điểm chung giữa hai nhân vật Tử Văn (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ) và Huấn Cao (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân)

Lời giải chi tiết:

– Ngô Tử Văn và Huấn Cao đều là những vị anh hùng, mang những vẻ đẹp phẩm chất đáng ngợi ca, trân trọng:

  • Tử Văn dám châm lửa đốt đền của tên tướng giặc để có thể trừ hại cho dân.
  • Huấn Cao vì thấy dân chúng lầm than mà đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình.
  • Họ không bị quyền uy hay tiền bạc mua chuộc, đánh mất đi chính mình.

Trên đây là bài hướng dẫn chi tiết Soạn bài Chữ người tử tù trong chương trình Ngữ văn 10 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống. Các bạn hãy tham khảo thật kỹ và chuẩn bị bài soạn sắp tới thật tốt nhé!