Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

0

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện – Trang 29 sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống tập 1 bao gồm phần trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của đề bài.

soan-bai-viet-van-ban-nghi-luan-phan-tich-danh-gia-mot-tac-pham-truyen-kntt

TOPCLASS10  GIẢI PHÁP HỌC TẬP TOÀN DIỆN DÀNH CHO 2K8

✅ Chuyển cấp nhẹ nhàng, chinh phục mọi bộ SGK - Bứt phá điểm 9,10

✅ Mô hình học tập 4 bước toàn diện: HỌC - LUYỆN - HỎI - KIỂM TRA

✅ Đội ngũ giáo viên luyện thi hàng đầu 16+ năm kinh nghiệm

✅ Dịch vụ hỗ trợ học tập đồng hành xuyên suốt quá trình học tập

Tham khảo thêm bài viết:

I – Trả lời câu hỏi | Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

– Tóm tắt truyện ngắn “Quà giáng sinh” của tác giả O. Henry (Ngữ văn 10 Kết Nối Tri Thức kết nối với cuộc sống):

James Dillingham Young và vợ Della là một cặp vợ chồng trẻ, cư trú trong một căn hộ nhỏ, nghèo và đơn giản. Tuy nhiên, vào dịp lễ Giáng sinh, dù chỉ còn số tiền 1 đồng đô la 87 xu, Della quyết định mua cho James một sợi dây cho mặt đồng hồ bỏ túi quý giá của chồng (mặt đồng hồ gia truyền nhưng James chưa bao giờ có tiền để mua sợi dây đeo xứng đáng). Một sợi dây làm bằng bạch kim “thiết kế đơn giản không cầu kỳ” nhưng có giá 21 đô la. Để có đủ tiền, Della quyết định cắt đi mái tóc dài và đẹp của mình, thứ quý giá nhất cô có, để bán cho tiệm làm tóc giả. Trong khi đó, Jim quyết định bán đi mặt đồng hồ quý giá của mình để mua cho  vợ một bộ kẹp tóc có đính đá quý, mà cô vẫn thường thích để trang trí cho mái tóc tuyệt vời. Cả hai đều đã vui vẻ vì nghĩ rằng mình có thể làm cho người kia bất ngờ và ngạc nhiên về món quà độc đáo. Mặc dù thất vọng là cả hai không còn có thể sử dụng được những món quà, nhưng cả hai có thể cảm nhận được tình yêu của nhau bởi cả hai đã hy sinh cho nhau để mua món quà quý nhất mà người kia thích.

soan-bai-viet-van-ban-nghi-luan-phan-tich-danh-gia-mot-tac-pham-truyen-kntt-1
Truyện ngắn “Quà giáng sinh” của tác giả O. Henry (Ngữ văn 10 Kết Nối Tri Thức kết nối với cuộc sống)

– Phân tích bài viết tham khảo:

  • Nhan đề bài viết cho biết tên câu truyện, tên tác giả và hướng phân tích của người viết. 
  • Đoạn văn 1: Giới thiệu và cung cấp những thông tin khái quát về tác phẩm. 
  • Đoạn văn 2: Tóm tắt về nội dung chính của truyện ngắn. 
  • Đoạn văn 3: Phân tích về cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, lời thoại,… Phân tích lời kết của truyện ngắn dựa vào các dẫn chứng lấy từ văn bản truyện. 
  • Đoạn văn 4: Nêu lên tác dụng của việc kể chuyện từ ngôi thứ 3 và xác định được chủ đề của truyện. 
  • Đoạn văn 5: Nhấn mạnh và mở rộng thêm chủ đề của truyện. 
  • Đoạn văn 6: Phần kết luận tóm lược những ý kiến đánh giá đã trình bày trong bài viết. Khẳng định giá trị của truyện: Độ phổ biến, có giá trị lâu bền, khả năng tái sinh,… 

Câu 1 (Trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Vấn đề chính nào đã được bàn luận?

Lời giải chi tiết:

Vấn đề chính được bàn luận chính là sự vô giá của món quà tặng trong truyện ngắn Quà giáng sinh được sáng tác bởi O.Hen-ry.

Câu 2 (trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Bài nghị luận trên đã giúp người đọc hiểu biết thêm gì về truyện ngắn Quà Giáng sinh?

Lời giải chi tiết:

Bài văn nghị luận đã cung cấp nhiều thông tin giá trị xoay quanh truyện ngắn Quà Giáng sinh của tác giả O.Hen-ry: Nội dung chính của truyện, cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, lời thoại, ngôi kể,..

Câu 3 (trang 32, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)

Tác giả bài viết đã sắp xếp và triển khai các luận điểm trong bài theo trình tự nào?

Lời giải chi tiết:

Trong văn bản trên, người viết đã tập trung phân tích cũng như đánh giá các đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn trước, sau đó mới phân tích, đánh giá chủ đề.

II – Thực hành viết  – Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Phân tích cảnh cho chữ – cảnh tượng xưa nay chưa từng có xuất hiện trong tác phẩm Chữ người tử tù của tác giả Nguyễn Tuân

Lời giải chi tiết:

soan-bai-viet-van-ban-nghi-luan-phan-tich-danh-gia-mot-tac-pham-truyen-kntt-2

Trong nền văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân là cây bút được biết đến với quan niệm thẩm mỹ trân trọng, đề cao cái đẹp, khám phá những điều khác thường và xây dựng các hình tượng các nhân vật nghệ thuật mang đậm nét tài hoa nghệ sĩ. Phong cách nghệ thuật đầy độc đáo của Nguyễn Tuân đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm Chữ người tử tù. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” đã kết tinh được những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có” đã được diễn ra ở chốn ngục tù tăm tối. Đây là cảnh ẩn chứa những ý niệm sâu sắc của tác giả về chiến thắng của cái đẹp trước cái xấu, cái ác.

Trong “Chữ người tử tù, cảnh tượng cho chữ được tác giả đặt tại cuối tác phẩm và diễn ra trong hoàn cảnh trong đêm trước khi Huấn Cao bị dẫn ra pháp trường. Thông qua lời kể của thầy thơ lại, Huấn Cao cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của của viên quản ngục và đã đồng ý cho ông chữ, tạo ra một cảnh tượng độc đáo “xưa nay chưa từng có” diễn ra tại chốn ngục tù. Cản tượng diễn ra trong không gian đêm khuya vắng lặng, chỉ còn “văng vẳng tiếng mõ chòi canh”, dưới ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu tại nơi buồng giam chật hẹp và ẩm ướt, người tử tù Huấn Cao “cổ đeo gông, viên quản ngục ”khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”. Tác giả đã sử dụng thủ pháp đối lập để có thể tái hiện thành công cảnh cho chữ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Tại thời trung đại, chơi chữ là một thú vui đầy tao nhã, những nét chữ uốn lượn tung hoành có thể thể hiện rõ được phẩm chất, tài năng của bậc quân tử, đấng anh hùng. Bởi vậy, thú vui này thường được lồng ghép với khung cảnh thanh tao như chốn viện sảnh, thư phòng hay trà thất. Tuy nhiên, cảnh tượng cho chữ trong “Chữ người tử tù” lại được diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn đối lập. Đó là một buồng giam chật hẹp, tối tăm nơi tỉnh Sơn với “tường đầy mạng nhện”, “đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Thời gian diễn ra cảnh cho chữ cũng rất đặc biệt, trong đêm khuya trước khi Huấn Cao bị xử tử đã nhấn mạnh hơn nữa bối cảnh độc đáo của cảnh tượng này.

Không chỉ đặc biệt ở không gian và thời gian, cảnh cho chữ trong truyện ngắn còn là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” bởi sự đảo lộn vị thế giữa người cho chữ và người nhận chữ. Huấn Cao – người cho chữ vốn là kẻ tử tù “đường bệ ung dung” phác họa những nét chữ thể hiện hoài bão, lí tưởng, còn người nhận chữ là viên quản ngục – đại diện cho quyền lực lại “khúm núm sợ sệt”. Tại thời điểm đó, mối quan hệ xã hội giữa người tử tù và quản ngục, thơ lại đã không còn tồn tại mà chỉ còn người nghệ sĩ tài hoa đang tạo ra cái đẹp – những nét chữ uốn lượn trước đôi mắt và sự kính phục của những tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và yêu cái đẹp. Những dòng chữ uốn lượn trên tấm lụa trắng hòa cùng hương thơm của thoi mực đã chiến thắng, lấn át được sự lạnh lẽo, ẩm ướt chốn ngục tù tăm tối. Người tử tù vươn lên làm chủ, còn những người vốn có quyền uy tối cao tại buồng giam lại gọi Huấn Cao bằng danh xưng “Ngài”, “xin bãi lĩnh”, “xin lĩnh ý” với thái độ đầy tôn kính, nhún nhường, khép nép. Hơn nữa, viên quản ngục và thơ lại còn có hành động cúi đầu, vái lạy trước tù nhân. Với cảnh tượng cho chữ độc đáo như vậy, chốn ngục tù đã trở thành nơi tri ngộ, gặp gỡ của những con người có tình yêu và niềm say mê cái đẹp. Không chỉ dừng lại ở đó, cảnh tượng cho chữ còn thể hiện được những ý niệm sâu xa ẩn chứa trong lời khuyên mà Huấn Cao dành cho viên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả cuộc đời lương thiện đi”. Lời khuyên của Huấn Cao đã thể hiện được rõ quan điểm thẩm mỹ và thái độ của ông về nghệ thuật và cuộc sống con người.

Thông qua việc tái hiện lại cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”, tác giả Nguyễn Tuân đã gửi gắm những ý niệm ẩn dụ về tư tưởng và quan điểm về nghệ thuật đặc sắc. Trước hết, sự thay đổi vị thế giữa các nhân vật đã khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp trước những điều tầm thường, sự xấu xa, độc ác. Đồng thời, qua đó, vẻ đẹp của nhân vật đã được khắc họa rõ nét hơn. Nhân vật Huấn Cao đã được Nguyễn Tuân xây dựng rất  chân thực, sinh động với phẩm chất, tài năng, khí phách hiên ngang, phi thường; còn viên quản ngục nổi bật với hình ảnh “thanh âm trong trẻo chen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Đặc biệt, quản ngục càng được tô đậm hơn nữa ở tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và luôn hướng về cái đẹp. Đặc biệt, lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục còn thể hiện rất rõ nét quan điểm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân: “cái đẹp gắn liền với cái thiện”, sự thiên lương, trong sáng không thể tồn tại trong môi trường của cái xấu, cái ác. 

Như vậy, nhờ bút pháp lãng mạn, tác giả Nguyễn Tuân đã tái hiện thành công cảnh cho chữ diễn ra tại phòng giam tăm tối, từ đó, thể hiện được những giá trị tư tưởng sâu sắc. Đoạn văn còn thể hiện rõ nét tài năng của nhà văn trong việc vận dụng thủ pháp tương phản, đối lập kết hợp với ngôn ngữ giàu chất tạo hình, điêu luyện để tạo nên “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” về sự chiến thắng của cái đẹp.

Trên đây là bài viết hướng dẫn các bạn học sinh chuẩn bị Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện trong chương trình Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống BUTBI biên soạn. Theo dõi chúng tôi thường xuyên để tham khảo thêm những bài soạn mới nhất các bạn nhé!