Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện – trang 35 sách Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống tập 1 được BUTBI biên soạn bao gồm phần trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của đề bài.
Tham khảo thêm bài viết:
- Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện
- Soạn bài Củng cố mở rộng trang 37
- Soạn bài Thực hành đọc Tê – dê
I – Chuẩn bị nói | Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện
Đề tài: Đánh giá về mặt nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Lời giải chi tiết:
Dàn bài chi tiết:
1. Giới thiệu về truyện ngắn:
– Vợ chồng A Phủ là tác phẩm truyện ngắn đặc sắc và tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài viết về đời sống của người dân sinh sống miền núi phía Bắc
– Giá trị của truyện “Vợ chồng A Phủ” không chỉ nằm ở phần nội dung thể hiện được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi bị áp bức, vùng lên phản kháng mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được tác giả sử dụng.
2. Giá trị của truyện
a) Giá trị ở phần nội dung
* Giá trị hiện thực:
– Phản ánh được tính chân thực của số phận những người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến đầy tàn bạo.
– Thấy rõ được sự độc ác, tàn bạo của kẻ thù mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã ra sức bóc lột và hành hạ không chỉ thể xác mà còn cả tinh thần người dân lao động nghèo, miền núi.
– Thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, tác giả đã diễn tả một cách sinh động quá trình thức tỉnh vươn lên, quyết tâm đi tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc.
* Giá trị nhân đạo:
– Cảm thông sâu sắc với sự thống khổ của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ ở cả thể xác và tinh thần.
– Phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đầy đáng quý ở nhân vật Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp của sự khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng cũng như đầy mãnh liệt ở họ.
– Tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi đầy sự tàn bạo, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến tận xương tủy.
– Hướng người lao động nghèo khổ đến con đường mới đầy tươi sáng. Đây chính là con đường giúp họ có thể tự giải phóng mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.
b) Giá trị nghệ thuật
– Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của tác giả Tô Hoài rất đặc sắc với những nét chấm phá rất riêng (cảnh xử kiện, không khí của lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, phong tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề…)
– Nghệ thuật miêu tả khung cảnh thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh mang đầy chất thơ.
– Nghệ thuật kể chuyện rất tự nhiên, sinh động nhưng không kém phần hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục rất chặt chẽ và hợp lý; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách khéo léo, tạo ra sức lôi cuốn rất riêng.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng đã được tác giả thực hiện rất thành công. Mỗi nhân vật đều được miêu tả bằng cách sử dụng bút pháp khác nhau để khắc họa rõ nét phần tính cách khác biệt trong khi họ có số phận giống nhau. Tác giả miêu tả từ ngoại hình, tả tâm lý với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để có thể khắc họa rõ ràng nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để làm rõ được tính cách giản đơn.
– Ngôn ngữ tinh tế mang đậm màu sắc của vùng miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo nên chất trữ tình đặc trưng.
3. Kết luận
Có thể thấy truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã trở thành tác phẩm văn học tiêu biểu viết về người dân miền núi phía Bắc trong thời kỳ cách mạng của tác giả Tô Hoài. Truyện đã thể hiện được cuộc sống khổ cực, bị đẩy đến đường cùng của người dân và cho thấy sức phản kháng mãnh liệt của họ bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật thành công, ngôn ngữ sinh động mang đậm màu sắc miền núi, hình ảnh giàu chất thơ.
Bài nói chi tiết:
Chào cô và các bạn, mình là Minh Thư, hôm nay mình sẽ thuyết trình về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, mọi người hãy lắng nghe cùng mình nhé!
Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn được đánh giá là một trong những tác phẩm đặc sắc và tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đời sống của người dân miền núi phía Bắc. Giá trị của câu chuyện không chỉ nằm ở phần nội dung thể hiện được cảnh sống khốn cùng của người dân miền núi bị áp bức đã vùng lên phản kháng đầy mãnh liệt mà còn ở những yếu tố nghệ thuật được tác giả sử dụng một cách khéo léo trong văn bản.
Về phần nội dung, tác phẩm có hai khía cạnh chính cần chú ý là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Ở giá trị hiện thực, truyện ngắn đã phản ánh một cách chân thực số phận của những người dân nghèo miền Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến tàn bạo. Sự vạch trần của tác giả Tô Hoài giúp cho người đọc có thể thấy rõ sự tàn bạo, độc ác của bọn chúa đất áp bức mà tiêu biểu là cha con nhà thống lí Pá Tra. Chúng đã bóc lột, hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần của những người dân lao động nghèo sống ở miền núi. Bên cạnh đó, thông qua cuộc đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài cũng đã diễn tả được quá trình thức tỉnh vươn lên tìm ánh sáng cách mạng của người dân nghèo Tây Bắc đầy sinh động, chân thực.
Tác phẩm còn cho thấy được giá trị nhân đạo cũng như tấm lòng của nhà văn Tô Hoài thông qua cái nhìn đầy cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ cả về tinh thần lẫn thể xác của những người lao động nghèo khổ như Mị, A Phủ. Nhà văn phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp đáng quý ở nhân vật Mị, A Phủ. Đó là vẻ đẹp mang đầy tính khỏe khoắn, cần cù, yêu tự do và đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt bên trong họ. Tiếng nói tố cáo ách thống trị phong kiến miền núi bạo tàn, lạc hậu đã chà đạp và bóc lột con người đến tận xương tủy cũng được nêu cao, thể hiện mạnh mẽ trong văn bản. Nhà văn còn đưa ra lối thoát cho nhân vật bằng cách hướng những con người lao động nghèo khổ đang bị chà đạp, dồn nén đến với con đường đầy tươi sáng là tự giải phóng bản thân mình, tìm đến cách mạng và cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.
Bên cạnh những giá trị hiện thực và nhân đạo ấy, cách sử dụng nghệ thuật được trong văn bản cũng là một yếu tố đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét mang đậm chất riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề…). Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi được tác giả lồng ghép thông qua các những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ. Nghệ thuật kể chuyện đầy tự nhiên, sinh động và hấp dẫn. Truyện có kết cấu, bố cục rất hợp lý và chặt chẽ; dẫn dắt những tình tiết đan xen, kết hợp một cách đầy khéo léo, tạo nên sự lôi cuốn riêng biệt. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng được Tô Hoài thực hiện rất thành công, mỗi nhân vật được sử dụng một bút pháp nghệ thuật đặc tả riêng để có thể khắc họa tính dù họ đều có chung số phận và hoàn cảnh sống. Cách miêu tả ngoại hình, tâm lý cũng được thể hiện một cách đầy tinh tế, với những dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng. Từ đó, nỗi đau khổ và sức sống của Mị đã được khắc họa rõ nét, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẩu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn. Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản được Tô Hoài sử dụng rất tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.
Có thể thấy truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm tiêu biểu viết về người dân miền núi phía Bắc trong thời kỳ cách mạng của tác giả Tô Hoài. Truyện đã miêu tả chân thực được cuộc sống khổ cực, bị đẩy đến đường cùng của người dân và cho thấy sức phản kháng mãnh liệt của họ bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật rất thành công kết hợp với ngôn ngữ sinh động mang đậm màu sắc miền núi, hình ảnh giàu chất thơ.
Bài thuyết trình về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Mọi người hãy đưa ra những góp ý và nhận xét để bài thuyết trình của mình được hoàn thiện hơn nhé!
II – Chuẩn bị nghe | Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện
a) Chuẩn bị nghe
Người lắng nghe nên tìm hiểu trước về chủ đề mà người nói sẽ thuyết trình sắp tới
Khi người nói thuyết trình, hãy tập trung lắng nghe và nắm bắt các keyword, ý chính trong bài thuyết trình
Nhận xét đầy đủ về cả phần nội dung của bài nói cũng như phong cách thuyết trình của người nói (về giọng điệu, ngôn ngữ,…)
b) Thực hành nói và nghe
Học sinh có thể tự thực hành
c) Trao đổi, nhận xét
Học sinh tự thực hiện
Trên đây là bài hướng dẫn soạn bài Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện sách Ngữ văn 10 Kết nối với tri thức tập 1 do BUTBI tổng hợp và biên soạn gửi đến các bạn. Theo dõi BUTBI thường xuyên để cập nhật những bài viết mới nhất trong chuỗi bài Soạn văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống các bạn nhé!