Luyện đề số 2 – cô Trịnh Thu Tuyết

0

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục cùng cô Trịnh Thu Tuyết đi ôn luyện các đề văn tham khảo bám sát đề thi THPT Quốc gia.

A. Đề bài:

I. Đọc hiểu.

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“…Ba người bạn hẹn nhau, một người đến muộn.

– Cứ tưởng nó là người luôn giữ lời hứa và tôn trọng bạn bè, ai ngờ…!

– Chắc bạn ấy có lí do gì đó, bạn có bao giờ tới muộn đâu. Mà hay bạn gặp chuyện gì, để tôi gọi điện!…”

(St)

1, Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

2, Việc một người đến muộn trong cuộc hẹn đã được hai người bạn lí giải theo hai cách khác nhau như thế nào?

3, Hãy đánh giá từng cách nhìn ấy theo quan niệm riêng của anh /chị.

4, Theo trải nghiệm của anh/chị, hãy hình dung và đánh giá cuộc sống tinh thần của hai người bạn trong câu chuyện nhỏ trên.

II. Làm văn.

Câu 1: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bầy suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của cách nghĩ tích cực trong cuộc sống hằng ngày.

Câu 2: Cảm nhận về công lao của Nhân Dân với Đất Nước qua đoạn thơ sau của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

“…Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

(Đất Nước, Ngữ văn lớp 12, tập 1, Nxb Giáo dục, 2008)

B. Đáp án tham khảo:

I. Đọc hiểu.

1, Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự (0,5)

2, Việc một người đến muộn trong cuộc hẹn đã được hai người bạn lí giải theo hai cách trái ngược nhau…(0,5)

3, Cách nhìn của người bạn thứ nhất là ngay lập tức nghĩ xấu cho bạn mình, kết tội cho bạn một cách thiếu thiện chí, không cần bất kì phỏng đoán nào có thể thanh minh cho bạn.

Cách nhìn của người bạn thứ hai rất nhân hậu và thấu tình khi đặt sự việc lỡ hẹn của bạn trong cả quá trình chưa bao giờ lỡ hẹn để suy đoán đó là một sự việc bất khả kháng của bạn mà họ chưa biết lý do; hơn thế nữa, người bạn này còn lo lắng cho bạn mình khi sự việc bất khả kháng ấy có thể là điều gì đó không ổn cho bạn. Thay vì kết tội, người này lo lắng gọi điện hỏi thăm bạn mình. (1,0)

4, Có thể hình dung khá chính xác cuộc sống tinh thần của hai người bạn trong câu chuyện nhỏ trên.

Người thứ nhất luôn có cái nhìn khắt khe, nghiệt ngã khi phán xét những sơ xuất hoặc lỗi lầm của người khác, họ sẽ không thể có sự bao dung, nhân hậu, thấu hiểu cho những người xung quanh mình. Và kết quả là sự nghi ngờ, cái nhìn khó chịu, ác cảm sẽ khiến họ tự làm khổ mình vì những xúc cảm tiêu cực. Họ rất khó có những người bạn chân tình.

Người thứ hai luôn có cách sống, cách nghĩ thiện, luôn tìm cách lý giải cho những sơ xuất, lỗi lầm của người khác bằng sự bao dung, nhân hậu; họ không bao giờ phải khổ sở vì những xúc cảm tiêu cực của chính mình. Họ chân tình và vì vậy sẽ luôn có những người bạn chân tình. (1,0)

II. Làm văn.

Câu 1: Câu NLXH (2,0)

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức của đoạn văn:

  • Có thể chọn cấu trúc tổng phân hợp, diễn dịch hay quy nạp… nhưng phải đúng hình thức đoạn văn.
  • Đúng yêu cầu về dung lượng, khoảng 200 chữ, không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Đảm bảo yêu cầu về nội dung đoạn văn: chỉ nghị luận một khía cạnh của vấn đề: ý nghĩa của cách nghĩ tích cực trong cuộc sống hằng ngày.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

Có thể tham khảo hướng triển khai sau:

+ Cách nghĩ tích cực là cách nghĩ luôn xuất phát từ tâm thiện và hướng tới sự tốt đẹp của cuộc sống, con người.

+ Ý nghĩa của cách nghĩ tích cực:

  • Người có cách nghĩ tích cực sẽ luôn thanh thản với những suy nghĩ tốt đẹp dành cho người khác, không bị đầu độc bởi suy nghĩ, xúc cảm tiêu cực, không bao giờ hàm oan cho những người xung quanh.
  • Người có cách nghĩ tích cực cũng luôn sống lạc quan, luôn hi vọng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống của mình và mọi người.
  • Người có cách suy nghĩ tích cực sẽ không bao giờ bi quan, chán nản, họ luôn tràn đầy năng lượng để tìm thấy giải pháp tốt nhất thay đổi nghịch cảnh.
  • Người có cách nghĩ tích cực sẽ luôn lan tỏa những xúc cảm và năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh, họ luôn được có những mối quan hệ tốt đẹp chân tình.

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp. (0,25)

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.(0,25)

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

– Khái quát về tác giả, tác phẩm.

– Cảm nhận về công lao của Nhân Dân với Đất Nước:

+Khái quát hệ thống lập luận của đoạn trích:

  • Đất Nước làm nên cuộc sống Nhân dân, Đất Nước hòa quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của Nhân dân.
  • Nhân dân với những đóng góp hi sinh lớn lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua đã “làm nên Đất Nước muôn đời”.

+Những chất liệu văn hóa dân gian: Trí tuệ dân gian đã dùng hình thức hư cấu huyền ảo của nghệ thuật để lí giải những hình hài sông núi hiện hữu trong không gian địa lý của Đất Nước, qua đó phản ánh những nỗi đau, những vẻ đẹp, những khát vọng có thật trong cuộc sống Nhân dân, trong những tranh lịch sử hào hùng oanh liệt, bi thương của dân tộc. (1,25)

+Với cái nhìn mới mẻ, độc đáo của phương thức tư duy hiện đại, nhà thơ hiện đại không dừng lại lí giải núi sông như văn hóa dân gian mà còn đem đến một cách nhìn mới cho núi sông: cũng không dừng lại phản ánh những vẻ đẹp, nỗi đau của Nhân dân mà còn khẳng định sự đóng góp của Nhân dân đối với Đất Nước bằng chính những vẻ đẹp, nỗi đau ấy.(1,25)

+Tóm lại, đoạn thơ đã cảm nhận, phát hiện và ca ngợi công lao của Nhân dân với Đất Nước trong cái nhìn tổng hợp, toàn vẹn, nhiều chiều, nhiều phương diện mang đậm tư tưởng Nhân dân, đã sử dụng phong phú, sáng tạo các yếu tố của văn hóa, văn học dân gian, hòa nhập trong cách diễn đạt, suy tưởng đầy trí tuệ của tư duy hiện đại, đem đến màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, phù hợp với tư tưởng cốt lõi của tác phẩm, cũng là tư tưởng bao trùm trong văn học 45-47: tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. (0,25)

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.(0,25)

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.(0,5)

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn luyện môn ngữ văn lớp 12.