Luyện đề số 1 – cô Trịnh Thu Tuyết

0

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng cô Trịnh Thu Tuyết đi ôn luyện các đề văn tham khảo bám sát đề thi THPT Quốc gia.

A. Đề bài:

I. Đọc hiểu.

Đọc đoạn trích dưới đây:

“…Mới nửa thế kỷ trước những bức thư gửi từ Kiev đến Odessa phải mất ba bốn ngày, còn hôm nay bất kỳ thông tin nào cũng có thể bay đến trong chốc lát. Chiếc đầu này hơi nước đầu tiên chạy với tốc độ con voi, còn các đầu máy hiện đại chạy với tốc độ 400km/h.

Trước đây để biết tin tức thì phải mặc áo mưa, đi ủng, giương ô ra quầy báo gần nhất để mua tờ báo mới về đọc. Bây giờ tin tức sống trong các điện thoại của chúng ta và có dành cả đời cũng không đọc xuể chúng.

Vào những năm bảy mươi thế kỷ trước muốn gọi điện cho người thân ở xa thì phải ra trạm bưu điện, cô nhân viên vắt chiếc khăn lên vai, nhấc ông nghe bấm số trên điện thoại cũ kỹ rồi gọi “Moskva đã nối máy, mời vào phòng số năm liên lạc”. Giờ thì có ngồi trong bếp hay nhà vệ sinh ta vẫn có thể gọi đii khắp thế giới.

…Chỉ có điều chúng ta có nhanh đi bao nhiêu, có nghĩ ra bao nhiêu vi mạch và xe không người lái thì các quá trình tự nhiên toàn cầu vẫn diễn ra theo một khoảng thời gian không đổi.

Con ốc sên vẫn cứ bò với tốc độ 0,047km/h, tóc trên đầu người vẫn mọc thêm một centimet trong ba mươi ngày. Để có được học vấn phổ thông ta phải mất mười hai năm đi học và các bà mẹ vẫn phải mang thai chín tháng mười ngày. (…) Không một thư điện tử hay tin nhắn SMS nào có thể thay được bữa ăn sáng ở nhà với cha mẹ và câu chuyện thong thả nói về mùa thu hoạch khoai tây và cây tử dương mới ra hoa. Việc xem phim online không thù bằng ngày chủ nhật cả nhà kéo nhau ra rạp. Và một cái mặt cười tình tứ nhất cũng không thể nào sánh được với lời thì thầm bên tai: “Anh yêu em!”

(Status đăng ngày 12/8/2019 trên facebook của Irina Govorukha, nữ nhà văn Ucraina; Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga)

Thực hiện các yêu cầu:

1, Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn:”Mới nửa thế kỷ trước những bức thư gửi từ Kiev đến Odessa phải mất ba bốn ngày, còn hôm nay bất kỳ thông tin nào cũng có thể bay đến trong chốc lát.”

2, Đoạn trích đã liệt kê sự vận động theo chiều hướng nào của khoa học kĩ thuật?

3, Đoạn trích đã cho thấy sự khác nhau cơ bản giữa tiến bộ khoa học kĩ thuật với các quá trình tự nhiên của toàn cầu là gì?

4, Hãy tìm thông điệp được gửi gắm trong đoạn kết:”Không một thư điện tử hay tin nhắn SMS nào có thể thay được bữa ăn sáng ở nhà với cha mẹ và câu chuyện thong thả nói về mùa thu hoạch khoai tây và cây tử dương mới ra hoa. Việc xem phim online không thù bằng ngày chủ nhật cả nhà kéo nhau ra rạp. Và một cái mặt cười tình tứ nhất cũng không thể nào sánh được với lời thì thầm bên tai: “Anh yêu em!”.

Anh/chị có đồng ý với thông điệp trên hay không? Vì sao?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, chỉ ra giải pháp giúp con người có thể dành thời gian cho nhau ngay trong nhịp sống bận rộn, hối hả của xã hội thời hiện đại.

Câu 2 (5 điểm)

Cảm nhân về tình người trong đoạn thơ sau của Tố Hữu:

“Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

(Việt Bắc, Ngữ văn lớp 12, tập 1, tr.84, Nxb Giáo dục, 2008)

B. Đáp án tham khảo:

I. Đọc hiểu.

1, Câu văn sử dụng biện pháp so sánh tương phản làm nổi bật sự tiến bộ của tốc độ thông tin từ quá khứ tới hiện tại.

2, Sự vận động của khoa học kỹ thuật đã được đoạn trích liệt kê theo chiều hướng phát triển, tiến bộ. Cụ thể 50 năm trước, tốc độ thông tin liên lạc cũng như các đầu máy hơi nước chậm chạp, thô sơ, nhưng 50 sau, con người đã được hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại và tiên tiến nhất.

3, Sự khác nhau cơ bản là dù khoa học kĩ thuật có phát triển và tiến bộ tời mức nào, cuộc sống có vận hành với tốc độ nhanh tới đâu, nhưng “quá trình tự nhiên toàn cầu vẫn diễn ra theo một khoảng thời gian không đổi” (có thể nêu dẫn chứng: “Con ốc sên vẫn cứ bò với tốc độ 0,047km/h, tóc trên đầu người vẫn mọc thêm một centimet trong ba mươi ngày. Để có được học vấn phổ thông ta phải mất mười hai năm đi học và các bà mẹ vẫn phải mang thai chín tháng mười ngày.”)

4, Thông điệp của đoạn kết: không hình thức online nào có thể so sánh hoặc thay thế cho sự giao tiếp trực tiếp trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay tình yêu đôi lứa…

Thí sinh có thể đưa ra quan niệm riêng của mình để đồng ý hoặc không đồng ý với quân niệm trong văn bản đọc hiểu thông qua những lập luận chặt chẽ, những lí lẽ thuyết phục.

II. Làm văn

Câu 1:

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức của đoạn văn:

  • Có thể chọn cấu trúc tổng phân hợp, diễn dịch hay quy nạp… nhưng phải đúng hình thức đoạn văn.
  • Đúng yêu cầu về dung lượng, khoảng 200 chữ, không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Đảm bảo yêu cầu về nội dung đoạn văn: chỉ nghị luận một khía cạnh của vấn đề giải pháp giúp con người có thể dành thời gian cho nhau ngay trong nhịp sống bận rộn, hối hả của xã hội thời hiện đại.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

Có thể tham khảo hướng triển khai sau:

Nhận thức: Cuộc đời con người rất ngắn ngủi; cuộc sống luôn bất ưng; mọi hoạt động, phấn đấu của con người đều nhằm hướng tới sự tạo lập niểm vui, hạnh phúc cho bản thân và những người thân; trong khi đó, hầu hết vui buồn của con người đều liên quan nhiều nhất tới các mối quan hệ giữa họ với những người xung quanh (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu…); do vậy, một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là phải biết dành thời gian cho những người thân yêu, ruột thịt…

Hành động:

  • Phân loại những công việc trong cuộc sống hằng ngày theo các mục đích hướng tới; giàu sang/ thành đạt/hạnh phúc…đây là việc làm quan trọng giúp chúng ta luôn có thể dành được thời gian cho người thân ngay trong nhịp sống bận rộn, hối hả của xã hội thời hiện đại.
  • Cân đối những công việc đó theo quỹ đạo thời gian hợp lí; có thể tham khảo nguyên tắc sống “vàng” để cân bằng cuộc sống: 8 tiếng làm việc giúp bản thân trở nên hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội – 8 tiếng ngủ giúp bè năng lượng, duy trì sức khỏe –  8 tiếng dành cho bản thân, đó là thời gian quý giá giúp chúng ta có niềm vui, hạnh phúc khi nâng cao chất lượng cuộc sống cho mình bằng đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao, nấu ăn, đặc biệt dành thời gian bên người thân, chia sẻ và nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội…
  • Tự đặt cho mình những nguyên tắc giúp thời gian bên người thân được vui vẻ, trọn vẹn. Khi ở bên người thân, nếu không thật cần thiết, tuyệt đối không tiếp tục công việc; không dành thời gian cho mạng xã hội; không mang theo những xúc cảm tiêu cực…
  • Dù xa cách hay bận rộn tới đâu cũng luôn nhớ; cuộc đời luôn rất ngắn ngủi cho những lời yêu thương.

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhân về tình người trong 10 câu thơ thuộc phần đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, đoạn từ câu 33 tới câu 42.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Khái quát về tác giả Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc và đoạn trích theo yêu cầu của đề bài.
  • Cảm nhận về tình người, cụ thể là tình cảm giữa đồng bào Việt Bắc và bộ đội, cán bộ ở chiến khu Việt Bắc trong những năm tháng khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong 10 câu thơ, tình cảm sâu nặng đó được thể hiện qua nỗi nhớ của người về xuôi khi nhắc lại những kỉ niệm trong cuộc sống sinh hoạt thời kháng chiến.
  • Tình yêu thương đùm bọc, sự chia ngọt sẻ bùi của người dân Việt Bắc dành cho bộ đội, cán bộ kháng chiến.
  • Niểm thương cảm, lòng biết ơn của bộ đội, cán bộ với những người dân Việt Bắc trong cuộc sống lao động sản xuất gian truân, vất vả phục vụ kháng chiến.
  • Nỗi nhớ của người ra đi dành cho Việt Bắc, từ những kỉ niệm vui tươi, ngọt ngào của tình cảm quân dân gắn bó…tới nhịp sống bình dị, êm đềm, phảng phất chút hoang vắng đượm buồn nơi núi rừng.

Khái quát những nét đặc sắc trong giá trị nội dung vầ nghệ thauatj của đoạn thơ: Đoạn thơ mang đậm tính dân tộc trong cả nội dung (sống tình nghĩa chia ngọt sẻ bùi, đạo lí uống nước nhớ nguồn…) và hình thức (từ ngữ, hình ảnh biểu cảm, phép điệp, thể thơ…); thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu (chất trữ tình chính trị, giọng điệu tâm tình ngọt ngào)…

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn luyện môn ngữ văn lớp 12.