Ở bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục cùng cô Trịnh Thu Tuyết đi ôn luyện các đề văn tham khảo bám sát đề thi THPT Quốc gia.
A. Đề bài:
I. Đọc hiểu.
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
“Hoa Tigôn
Nhà văn xưa tôi yêu mến mê say
Nay già lão được chính quyền sủng ái
Lưng còng xuống quên cả lời mình nói
Phản bội những điều trong cuốn sách thiêng liêng
Bác tôi chỉ huy trinh sát trung đoàn
Người anh hùng tuổi thơ tôi thán phục
Nay thủ trưởng một văn phòng lớn
Suốt ngày lau xe đạp chữa đèn pin
Cô bé tôi yêu giờ đã lấy chồng
Béo tốt càu nhàu tẻ nhạt
Thằng bạn nhỏ cùng vui đùa thuở trước
Cụt hai chân từ mặt trận lê về
Chỉ lũ chim xưa vẫn đập cánh bên hè
Hoa tigôn đẫm nước
Hoa tigôn của .K.H.
Bài thơ thời đi học nhớ không em
Bài thơ đắng cay tuy điệu mà buồn
Nay đọc lại chẳng còn rơi nước mắt
Hoa tigôn như trái tim vỡ nát
Chết âm thầm dưới những bước chân quen.”
(Lưu Quang Vũ)
1, Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
2, Chỉ ra những nét chung của các nhân vật trong ba khổ thơ đầu?
3, Đặt trong sự so sánh với ba khổ thơ đầu, hình ảnh “lũ chim xưa vẫn đập cánh bên hè” trong khổ 4 có thể coi là biểu tượng cho điều gì trong cuộc sống?
4, Hãy chỉ ra thông điệp tác giả muốn gửi tới người đọc qua hai câu thơ cuối: “Hoa tigôn như trái tim vỡ nát/Chết âm thầm dưới những bước chân quen”?
II. Làm văn.
Câu 1: Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ luận về nguyên nhân những tháy đổi đánh buồn trong cuộc sống con người.
Câu 2: Cảm nhân của anh/chị về mối quan hệ giữa Đất Nước và Nhân dân trong đoạn thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết tròng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
(Đất Nước, Ngữ văn lớp 12, tập 1, Nxb Giáo dục, 2008)
B. Đáp án tham khảo:
I. Đọc hiểu.
1, Bài thơ được viết theo thể thơ: Tự do.
2, Những nét chung của các nhân vật trong ba khổ thơ đầu: Họ có những nét trong quá khứ trái ngược với cuộc sống hiện tại. Trong quá khứ họ là những người thông minh, giỏi giang, trẻ trung, được tác giả ngưỡng mộ,…còn trong hiện tại họ là những người sống một cuộc sống tầm thường tẻ nhạt, buồn chán, tác giả thể hiện niềm tiếc thương vô hạn,..
3, Đặt trong sự so sánh với ba khổ thơ đầu, hình ảnh “lũ chim xưa vẫn đập cánh bên hè” trong khổ 4 có thể coi là biểu tượng cho hình ảnh thiên nhiên cho sự bất biến, vĩnh hằng, không thay đổi của cuộc sống – những yếu tố chủ yếu có giá trị đối sánh đê con người nhận ra sự thay đổi vô thường của cuộc đời, nhận ra để xót xa nuối tiếc và níu giữ trong mức độ có thể.
4, Hai câu thơ cuối: “Hoa tigôn như trái tim vỡ nát/Chết âm thầm dưới những bước chân quen” có thể gợi ra thông điệp sâu sắc cho cuộc sống: sự nhàm chán, tẻ nhạt, sự thờ ơ, hờ hững, sự mãn nguyện, bằng lòng với thực tại…có thể hủy hoại cái đẹp và những giá trị thiêng liêng của con người.
II. Làm văn.
Câu 1: Câu NLXH (2,0)
a. Đảm bảo yêu cầu hình thức của đoạn văn:
- Có thể chọn cấu trúc tổng phân hợp, diễn dịch hay quy nạp… nhưng phải đúng hình thức đoạn văn.
- Đúng yêu cầu về dung lượng, khoảng 200 chữ, không quá dài hoặc quá ngắn.
b. Đảm bảo yêu cầu về nội dung đoạn văn: chỉ nghị luận một khía cạnh của vấn đề: nguyên nhân những thay đổi đáng buồn trong cuộc sống con người.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
Có thể tham khảo hướng triển khai sau:
– Cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ “không ai tắm hai lần trong một dòng sông” do đó, con người chấp nhân sự thay đổi như lẽ đương nhiên.
– Tuy nhiên, có những sự thay đổi khiến con người buồn bã hoặc đau khổ, đó là những thay đổi đáng buồn dẫn tới sự hủy hoại các giá trị, phẩm chất trong tâm hồn, tính cách con người hoặc những tráng thái tốt đẹp trong cuộc sống.
– Sự thất vọng, đau buồn khiến con người có nhu cầu tìm hiểu, khám phá nguyên nhân sự thay đổi: điều gì dẫn tới sự thay đổi đáng buồn của cuộc sống?
+ Những tác động, chi phối khắc nghiệt của hoàn cảnh: cuộc sống mưu sinh, chiến tranh, phông văn hóa xã hội, thể chế xã hội,…
+ Những sự tự tha hóa của bản thân:
- Mãn nguyện, chiều chuộng bản thân: Khi đạt được một thành công nào đó, sau những khó khăn, cuộc sống có sự thay đổi thuận lợi, con người hay có xu hướng mãn nguyện và chiều theo nhứng ham muốn của mình; lười biếng hơn, ích kỉ hơn, ham hưởng thụ,…
- Không biết tự yêu quý, trân trọng bản thân: Cuốn theo guồng quay của cuộc sống vật chất mưu sinh, phục vụ gia đình,… tiết kiệm với chính mình từ thời gian tới tiền bạc, từ một cuốn sách tới một buổi xem ca nhạc, một chuyến đi chơi hay những nhu cầu tối thiểu cho bản thân, buông tha nhếch nhác, lười biếng,…
+ Tác động của thời gian – sau những phấn đấu, nồng nhiệt, say đắm,.. thời gian trôi qua, con người dễ trở nên mệt mỏi, tẻ nhạt, nhàm chán, nguội lạnh… với đối tượng đã từng khao khát phấn đấu, từng yêu, hoặc với chính mình khi không còn ý thức tự nâng cao giá trị bản thân…Khi quen, con người dễ quên, từ sự nghiệp, đam mê, cho tới chính mình.
d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp. (0,25)
e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.(0,25)
Câu 2: NLVH
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:
– Khái quát về tác giả, tác phẩm.
Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, lắng đọng, thường thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước đối với vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, nhà thơ cũng thường thể hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân,, đất nước qua những trải nghiệm của chính bản thân mình.
Đoạn trích mang tên Đất Nước, thuộc phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” được tác giả viết ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu 1974.
13 câu đầu trong đoạn trích đã đưa ra những cảm nhân về Đất Nước trong mối quan hệ với cuộc sống Nhân dân.
– Triển khai hệ thống ý:
+ Khái niệm về Đất Nước trong văn học qua các thời kì.
+ Đất Nước trong đoạn thơ Nguyễn Khoa Điềm:
a, Đất Nước trong dòng thời gian lịch sử:
Ý 1 (Câu 1): Cảm giác ấm áp mến thương về quan hệ giữa Đất Nước và Nhân dân.
Ý 2 (Câu 2): Niềm tự hào về lịch sử lâu đời của Đất Nước.
Ý 3 (Câu 3): Những cụm từ liên tiếp lặp lại trong đoạn thơ: “Đất Nước đã có rồi…Đất Nước bắt đầu…Đất Nước lớn lên…Đất Nước có từ ngày đó” đã gợi ra chiều dài thăm thẳm của lịch sử phát triển Đất Nước trong quá trình hình thành và phát triển, khiến Đất Nước hiện hữu như một sinh thể sống trong cảm nhân tràn đầy thương mến, tự hào.
Ý 4: Câu thơ “Đất Nước có từ ngày đó…” đã giúp người đọc nhận ra “Đất Nước bắt đầu…Đất Nước lớn lên..” Đất Nước hình thành và phát triển chính từ những phòng tục tập quán, những truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Như vậy, nếu sự nối tiếp các triều đại, các chế đọ mới chỉ cho thấy bề mặt của lịch sử Đất Nước thì chính những phong tục tập quán trong cuộc sống hàng ngày của Nhân dân mới thực sự chỉ ra chiều sâu văn hóa – lịch sử, nền tảng vững chắc của Đất Nước.
b, Đất Nước gắn kết với cuộc sống Nhân dân trong không gian địa lí:
Ý 1: Đất Nước và các danh từ chỉ người thân yêu, danh từ chỉ sự vật thân thuộc -> Đất Nước thực sự trở thành một không gian ấm áp, yên bình của cuộc sống Nhân dân.
Ý 2: Đất Nước là những không gian chứa đựng bao tình cảm yêu thương, gắn bó, là sự hiện hữu cụ thể nhất, gần gũi nhất của những giá trị tinh thần, đạo lí thiêng liêng góp phần làm nên Đất Nước – những giá trị tinh thần đẹp đẽ của bao thế hệ đã qua trong quá khứ, bao thế hệ sắp tới trong tương lai.
Ý 3: Đất Nước còn hiện ra trong những không gian thân thuộc mà hào hùng của làng quê Việt Nam với dấu tích oanh liệt và đau thương của những cuộc chiến tranh; là không gian lao động với những cánh đồng mênh mông, nơi bao thế hệ người Việt “một nắng hai sương xay giã dần sàng” để làm ra hạt lúa, để xây dựng, duy trì và phát triển nền văn minh lúa nước.
-> Qua sự dẫn dắt của nhà thơ, người đọc nhận ra một điều giản dị và sâu sắc: Nhìn ở bình diện không gian, đặt trong mối quan hệ với cuộc sống Nhân dân, Đất Nước là nơi những thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên, yêu nhau và sinh con đẻ cái, lao động dựng xây và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.(0,25)
e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.(0,5)
Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn luyện môn ngữ văn lớp 12.