NGUYỄN – MỘT NHÀ VĂN HÀ NỘI

0
Tôi nhớ khi Nguyễn Tuân mất (tháng 7 năm 1987), Nguyễn Minh Châu trong bài báo Người cầm bút ấy… có viết rằng: “Đời người được cưng chiều. Thời nào ông cũng được người đời hết mực nâng niu chiều chuộng, vì lòng mến mộ một tài năng đích thực và đồng thời vì một khát vọng cháy bỏng của mọi con người: được sống giữa cõi đời này với tất cả các bản ngã đích thực của mình. Nhà thơ Chế Lan Viên một lần nói với tôi: Văn chương ta mà tất cả đều là Nguyễn Tuân thì mệt quá, nhưng thiếu đi một Nguyễn Tuân thì thiệt to quá, hổng lớn quá, thiếu đi nhiều quá!” Nhắc tới Nguyễn Tuân là nhớ đến mấy câu ngắn gọn nhưng thật đầy đủ về ông của nhà văn cùng thời Nguyễn Đình Thi: “Đây là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Là người sinh ra để tôn thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa.” Nhân tết đến xuân về xin kể cùng bạn đọc mấy mẩu chuyện về nhà văn lão thành người Hà Nội đặc sắc này.
1. Ôi Đại tướng ơi!
Mùa xuân năm 1948, cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, Nguyễn Tuân theo bộ đội lên Việt Bắc đánh giặc. Ông đi với Trung đoàn Thủ đô. Ông kể trong bài Buổi thi chính trị rằng, có một lần ông và nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ- tác giả bài thơ Màu thời gian và vở kịch Ngã ba xuất bản từ trước Cách mạng tháng Tám – được mời tham gia làm giám khảo một cuộc thi chính trị của bộ đội nhân kết thúc cuộc vận động “Luyện quân lập công”.
Ông viết về cảm nghĩ của mình lúc đó như sau: “Thật là một điều mới mẻ cho đời tôi! Một người vốn chỉ sống với hoa nở bên đường, trôi nổi bên dòng liễu nhân và thích những vùng mây xa quá tầm với của tay mình, một người nặng căn mộng tưởng như thế này mà nhất đám phải đứng trước chỗ ba quân, để đố thách những người quân nhân cách mạng! Mà lại đột ngột! Mà lại không được chuẩn bị từ trước! Ôi, Đại tướng ơi! Thật chỉ có Cách mạng thì mới có những việc như thế này!” Và ông đã chứng tỏ được “sự thân thiết giữa anh em cầm bút và anh em cầm súng”.
Ông hỏi năm mươi anh em trong Trung đoàn một câu. Mới đầu định hỏi “Tại sao về chính trị, Trung đoàn Thủ đô lại giỏi hơn các đơn vị khác?”, song nghĩ hỏi như vậy sẽ dễ gợi cái “ý đố kị sai lầm” không tốt, nên trước khi ngồi vào ghế giám khảo cuộc thi vấn đáp chính trị ông đã đổi lại câu hỏi thành “Tại sao anh em Trung đoàn Thủ đô lại không được phép thua những đơn vị khác về chính trị?” Chỉ đổi mấy từ “phải giỏi hơn” thành “không được phép”, câu hỏi thi của Nguyễn Tuân đã không chỉ “chính trị” hơn mà còn toát lên một tinh thần rất “quân sự” nữa. Mới hay với Nguyễn Tuân dù là khi nói hay lúc viết thì ngôn từ luôn luôn được ông tính toán đắn đo rất kĩ. Ông đúng là một nhà văn có “trình độ sử dụng tiếng Việt điêu luyện” và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn xuôi quốc ngữ Việt Nam hiện đại như nhận xét của người đời sau.
2. Để “tôi píp”
Năm 1950, ta mở chiến dịch lớn nhằm giải phóng biên giới, mở toang cánh cửa thông thương với Trung Quốc và các nước anh em. Trong chiến dịch này, Nguyễn Tuân được phái đi theo một đơn vị thiện chiến thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong. Trong một trận đánh, quân ta thắng lớn, chiếm được đồn của quân Pháp. Trong đồn có rất nhiều thuốc lá Cotab và rượu cognac – những thứ mà khi còn ở Hà Nội, nhà văn rất thích. Nhưng ở chiến trường, kỉ luật của quân đội rất nghiêm không thể uống hút say sưa được. Nguyễn bèn nghĩ ra một cách là đổ cognac vào mũ sắt, ngâm tẩu thuốc vào đó suốt hai mươi tư giờ. Nhà văn bảo ấy là để “tôi píp” (ướp tẩu). Với sáng kiến độc đáo này, trong thời gian tham gia chiến dịch lúc nào bên ông cũng có hơi rượu bởi chiếc píp là vật bất li thân của ông.
3. Đã ngửi thấy mùi Hà Nội
Trong đội ngũ nhà văn đi kháng chiến hưởng ứng phong trào “Văn nghệ sĩ đầu quân” những năm chống Pháp (1946-1954) có nhiều nhà văn tiền chiến, trong đó có nhà văn lão thành Nguyễn Tuân. Đi kháng chiến, theo bước chân bộ đội vào Tây Bắc, lên Việt Bắc, Nguyễn đã viết được nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó phải kể đến Tình chiến dịch. Ông là người rất được bộ đội yêu và cũng thích đi cùng bộ đội kể cả dự những chiến dịch. Trong chiến dịch Biên giới, đi cùng một đơn vị thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong (308), ông rất phấn khởi vì đây là trận đánh có ý nghĩa lớn: khai thông biên giới, chuẩn vị cho tổng phản công. Một đêm, khi cùng các chiến sĩ bò qua đường số 4 đánh sang Thất Khê, Nà Hang, ông đã tỏ ra… quyến luyến cái đường nhựa. Thấy vậy, người chỉ huy đã phải giục ông vượt nhanh lên kẻo nguy hiểm. Ông thì thầm, rằng ông rất xúc động khi thấy đường cái nhựa, rằng đã ra được đường cái nhựa tức là đã sắp đến ngày chiến thắng rồi và rằng thấy được đường nhựa, đường 4, tức là đã… ngửi thấy mùi Hà Nội. Quả nhiên, sau chiến thắng Biên giới, lực lượng kháng chiến liên tục giành thắng lợi và chưa đầy bốn năm sau nhà văn đã có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở lại tiếp quản Thủ đô giải phóng (10/1954).
4. Cà phê ngon…
Thời kì Mĩ ném bom miền Bắc, Nguyễn Tuân đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh. Tuy là ở cách Thủ đô hàng trăm cây số, lại dưới trời bom đạn nhưng tác giả Vang bóng một thời vẫn không bỏ được thói quen rất người Hà Nội của mình. Ông không xài nổi thứ cà phê mậu dịch hai hào thơm nức… mùi ngô rang. Một hôm ông bảo Hoàng Gia Điền, người cán bộ địa phương (sau đi bộ đội và làm việc ở Tổng cục Chính trị) có trách nhiệm dẫn đường cho các nhà văn:
– Cháu có biết chỗ nào có quán cà phê tư không?
– Dạ thưa có, nhưng cháu không biết phân biệt thế nào là cà phê ngon, thế nào là cà phê không ngon – Anh Điền trả lời khiêm tốn và thật thà.
– Cà phê ngon à… đơn giản thôi. Thế này nhé. Trừ cà phê mậu dịch quốc doanh, cứ cà phê tư là ngon, nhưng loại ngon nhất phải là đen, đen như quỷ sứ; nóng, nóng như địa ngục và uống vào phải say, say như đàn ông gặp đàn bà…
Nắm được “công thức” ấy, người giao liên trẻ đã dẫn nhà văn đi đến được các hang cùng ngõ hẻm của Quảng Yên, Hòn Gai, Uông Bí, Đông Triều – nơi có những quán cà phê danh tiếng của đất mỏ.
5. Không thèm ăn
Nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Tô Hoài là những người rất thuộc Hà Nội, biết rành rẽ nhiều lĩnh vực ở Thủ đô, từ chuyện cũ xưa như lời ăn tiếng nói, thói quen của người Tràng An đến phong cảnh, danh thắng. Trong lĩnh vực ẩm thực, hai ông cũng là những người sành điệu có tiếng, chẳng kém cạnh gì những Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Bằng… trước đây.
Tô Hoài kể, trong quyển hồi kí Chiều chiều, rằng sinh thời Nguyễn Tuân thường cùng ông tới các hiệu ăn, tiệm giải khát nổi tiếng của Thủ đô. Cũng chẳng ăn cao lương mĩ vị gì, có khi chỉ là uống một li bia hơi, thưởng thức một đĩa bánh cuốn, một tô phở. Một lần, vào lúc chập tối, Tô Hoài cùng Phạm Khoa Văn và Nguyễn Tuân rủ nhau đến nhà hàng Bôđêga – một nhà hàng cao lâu nổi tiếng thời Pháp thuộc nằm ở phố Tràng Tiền định thưởng thức một món gì đó. Nhưng vừa vào đến cửa đã thấy Nguyễn Tuân quay ra ngay. Ông bảo những người cùng đi: “Lên cà phê Nhân, uống một cái phin rồi về.” Tô Hoài cùng Phạm Khoa Văn không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao nữa, cứ phân vân. Sang đến bên kia bờ hồ Hoàn Kiếm rồi, Nguyễn Tuân mới nói: “Mặc quần áo ngủ đón khách vào ăn, bẩn quá không nuốt được.” Thì ra, khi cả ba văn nghệ sĩ bước vào, Nguyễn Tuân đã nhìn thấy cảnh ông trưởng cửa hàng cao lâu mặc pizama xanh ngồi ở ngoài hiên, đứng dậy chào. Thế là Nguyễn Tuân không thèm vào, không thèm ăn nữa.
6. Để tiếp tục tranh luận
Theo Thanh Tịnh, sinh thời Nguyễn Tuân rất nghiệt ngã với các nhà phê bình. Một lần có người đến thăm hỏi nhà văn làm việc vào lúc nào, ông trả lời: “Viết vào lúc nửa đêm.” Hỏi tại sao, nhà văn bảo: “Lúc ấy các ông phê bình ngủ cả rồi.” Và một lần khác khi đang ốm nặng, có người hỏi ông có di chúc gì không, nhà văn nói: “Tôi chết hãy chôn tôi cạnh ông phê bình.” Hỏi tại sao thì được trả lời: “Để tiếp tục tranh luận cùng họ!”
7. Thơ phải đủ sắc hương, mùi vị
Nguyễn Tuân là người rất yêu hoa. Giáp Tết năm ấy có người đem đến tặng nhà văn một chậu hoa lan hàm tiếu rất đẹp. Nguyễn hi vọng đúng khi hoa nở sẽ có bạn quý tới chơi để cùng thưởng thức. Một người bạn đến, hoa chưa nở. Ông cảm thấy buồn tiếc bởi bạn cũ lâu ngày mới gặp, chẳng được cùng nhau thưởng hoa. Sáng xuân sau, Nguyễn dậy sớm, ngồi độc ẩm. Lạ thay, đúng lúc các nhành lan đua nhau nở và đưa hương thoang thoảng. Tức cảnh, Nguyễn Tuân đọc liền câu thơ:
Bạn cũ về rồi hoa mới nở
Nổi tăm lòng rượu một hương ai
Ấy là lần đầu tiên trong đời tác giả Vang bóng một thời làm thơ, làm chỉ đúng hai câu mà có đủ cả hoa, rượu và hương thơm. Và nhớ ông, tôi lại nhớ đến bài của nhà văn Kim Lân viết hôm giã biệt bậc đàn anh: “Anh Nguyễn Tuân ơi! Anh vốn là người yêu hoa, quý hoa. Trong phòng viết của anh quanh năm không lúc nào vắng hoa. Hôm nay, hoa Hà Nội tề tựu cả ở đây, cùng chúng tôi, các bạn bè thân thiết của anh, các bạn đọc xa gần từ lâu vẫn ái mộ anh…, tất cả hoa, và chúng tôi cùng đưa tiễn anh về nơi yên nghỉ cuối cùng… Thế thì anh Tuân ạ, trước sau anh vẫn đúng là người sung sướng nhất đời đấy!”
Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Quê gốc của ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thân sinh của nhà văn là cụ Tú Hải Văn – một nhà nho tài hoa đậu khoa thi Hán học cuối cùng đồng thời là người ảnh hướng lớn nhất đến hồn văn của Nguyễn Tuân sau này. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng. Từ 1948 đến 1958, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông mất ngày 28 tháng 7 năm 1987 tại Hà Nội. Năm 1996 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Ngô Vĩnh Bình
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 20.02.2021.