Phân tích bài Tuyên ngôn độc lập | Ngữ văn 12

0

“Tuyên ngôn độc lập” không chỉ là một tác phẩm văn học mà nó còn là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa lớn lao do chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Cùng butbi.hocmai.vn phân tích tác phẩm xuất sắc này để thấy được những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật mà bản tuyên ngôn đem lại.

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

Tham khảo thêm:

1. Dàn ý phân tích bài Tuyên ngôn độc lập

a. Mở bài Tuyên ngôn độc lập

– Dẫn dắt, giới thiệu sơ lược về tác giả Hồ Chí Minh: về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp văn chương.

– Tóm tắt khái quát về hoàn cảnh sáng tác, nêu lên ý nghĩa lịch sử và giá trị văn học của bản Tuyên ngôn độc lập.

b. Thân bài Tuyên ngôn độc lập

– Trình bày tóm gọn về bố cục của bản Tuyên ngôn độc lập: gồm có 3 phần được sắp xếp chặt chẽ và logic như sau.

* Đầu tiên là cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn độc lập

– Bác đã trích dẫn lời của hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và Pháp để làm cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam:

  • “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ năm 1776: từ “Tất cả mọi người ” cho tới quyền “mưu cầu hạnh phúc”
  • “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp” viết năm 1791: từ “Người ta sinh ra tự do” cho tới “bình đẳng về quyền lợi.”

– Ý nghĩa của lời trích dẫn:

  • Hồ Chí Minh đã thể hiện sự tôn trọng đối với 2 bản tuyên ngôn bất hủ này
  • Khi sử dụng hai bản tuyên ngôn có giá trị và được cả thế giới công nhận làm cơ sở pháp lý thì không ai có thể chối cãi.
  • Dùng phương pháp nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” một cách khéo léo: lấy chính những lời tuyên ngôn của Pháp để phản bác, ngăn chặn âm mưu tái xâm lược nước ta của chúng.
  • Đặt ngang hàng cuộc cách mạng chính nghĩa của nhân dân với các cuộc xâm lược của Mỹ và Pháp, đặc biệt đưa giá trị bản tuyên ngôn của nước ta sánh ngang với 2 bản tuyên ngôn bất hủ ấy, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.
  • Lập luận khéo léo, chặt chẽ, sáng tạo: đưa từ quyền con người (tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc), “suy rộng ra” quyền tự do bình đẳng của cả mọi dân tộc trên thế giới.

* Tiếp đến là cơ sở thực tiễn của Tuyên ngôn độc lập

– Dẫn chứng về tội ác của thực dân Pháp

  • Đưa ra dẫn chứng để vạch trần bản chất thật công cuộc “khai hóa” của thực dân Pháp: thực chất là chúng đã thi hành các chính sách dã man về mọi mặt từ chính trị, văn hóa – xã hội – giáo dục đến kinh tế.
  • Những dẫn chứng vạch trần bản chất thật công cuộc “bảo hộ” của thực dân Pháp: chúng đã hai lần bán nước ta cho Nhật (lần 1 vào năm 1940, lần 2 vào năm 1945), điều đó đã khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”, …
  • Vạch trần bộ mặt gian xảo, luận điệu xảo trá, lên án tội ác tày trời của chúng: chúng là kẻ phản bội Đồng minh, không những không hợp tác với Việt Minh mà chúng còn thẳng tay khủng bố Việt Minh, …
  • Nghệ thuật: Biện pháp điệp cấu trúc “chúng + một loạt hành động”: nhằm nhấn mạnh tội ác của Pháp.

– Cuộc đấu tranh chính nghĩa của toàn thể nhân dân ta

  • Nhân dân ta đã đứng lên chống ách nô lệ hơn 80 năm, đứng về phía Đồng minh để chống phát xít, mấy lần kêu gọi Pháp cùng đứng lên chống Nhật, rồi lấy lại nước từ tay Nhật
  • Kết quả: cùng lúc nhân dân ta đã phá tan 3 xiềng xích đang trói buộc dân tộc ta ( khiến cho Pháp chạy, Nhật hàng và vua Bảo Đại thoái vị), thành lập lên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

– Lời tuyên bố, lời khẳng định độc lập và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc

  • Sử dụng những từ ngữ có ý nghĩa phủ định để tuyên bố thoát ly hoàn toàn với thực dân Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký kết và mọi đặc quyền của chúng tại Việt Nam.
  • Dựa vào những điều khoản đã được quy định về nguyên tắc dân tộc bình đẳng trong hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn để kêu gọi tòan thể cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam ta.
  • Lời tuyên bố chắc nịch với toàn thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng… ”. Thể hiện lòng quyết tâm đoàn kết giữ vững chủ quyền và nền độc lập, tự do của dân tộc.
  • Lời văn đanh thép, rõ ràng, mạch lạc như một lời thề cũng như là một lời khích lệ tinh thần yêu nước quyết tâm giữ vững chủ quyền của nhân dân cả nước.

c. Kết bài Tuyên ngôn độc lập

– Tóm gọn khái quát lại về giá trị nghệ thuật: đây là một áng văn chính luận mẫu mực cùng với lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng xác thực, ngôn ngữ đanh thép, hùng hồn, gần gũi và giàu tính biểu cảm.

– Đưa ra nhận xét về giá trị nội dung ( gồm giá trị văn học, giá trị lịch sử) của bản tuyên ngôn độc lập: nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống quân xâm lược, lòng tự hào dân tộc và đánh dấu mốc son trong lịch sử của dân tộc ta.

2. Sơ đồ tư duy bài Tuyên ngôn độc lập

Phân tích bài tuyên ngôn độc lập Ngữ văn 12 ( sơ đồ tư duy)
Phân tích bài tuyên ngôn độc lập Ngữ văn 12 ( sơ đồ tư duy)

3. Bài văn mẫu phân tích Tuyên ngôn độc lập

Trong những tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh, để nói tới kiệt tác có thể sánh ngang với các thiên cổ hùng văn của dân tộc thì chắc hẳn chúng ta phải nhắc đến  “Tuyên ngôn Độc lập” do Người soạn thảo ra. Với giọng văn hùng hồn đanh thép cùng những lí lẽ sắc bén, Tuyên ngôn độc lập có sức thuyết phục cao đối với cả người đọc và người nghe. Tác phẩm là kết quả của bao nhiêu con người đã hi sinh, bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu nước mắt đã tuôn, đó cũng là  kết quả của bao nhiêu niềm tin, hi vọng và là sự tin tưởng của hơn hai mươi triệu người dân Việt Nam

Ngay từ những lời mở đầu,Tuyên ngôn Độc lập đã đi thẳng vào vấn đề. Người đưa ra những căn cứ pháp lí mà không ai có thể chối cãi được. Đó là những lời tuyên bố nổi tiếng được Bác trích ra từ hai bản tuyên ngôn bất hủ của Pháp và Mĩ. Với bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ vào năm 1776, Người trích dẫn: “Tất cả mọi người đều sinh ra…quyền  mưu cầu hạnh phúc”. Không chỉ dừng lại ở đó, để làm nổi bật hơn về tính phổ biến của những lẽ phải, Người còn nêu lên những lời trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp được tuyên bố vào năm 1791, Người trích: “Người ta sinh ra… về quyền lợi”.

Đây là một cách nêu dẫn chứng khéo léo lại vừa kiên quyết. Khéo léo vì một mặt Người tỏ ra vô cùng tôn trọng chân lí chung, dù rằng đó là chân lí ấy của các nước đang là kẻ thù của mình đưa ra. Một mặt nó cũng hàm chứa một sự phê phán, mỉa mai. Thực dân Pháp và đế quốc Mĩ là những kẻ xâm lược tàn bạo, chúng đã chà đạp lên chân lí, chà đạp lên chính lương tâm và lý tưởng của cha ông chúng xưa kia. Khéo léo ở đây nữa là Người đã dùng lí lẽ của kẻ thù để chống lại kẻ thù, dùng phương pháp “gậy ông đập lưng ông”. Hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ chỉ dừng lại ở việc nhấn mạnh quyền con người, nhưng ở đây Người đã suy rộng thêm về quyền dân tộc. Câu nói của Người dường như đã tiếp sức và mở đầu cho trào lưu giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đồng thời, việc trích dẫn lời của hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ còn mang ý nghĩa sâu xa hơn đó là Người đã đặt Bản tuyên ngôn của nước ta ngang hàng với hai bản tuyên ngôn bất hủ ấy.

Những lời bất hủ trong hai bản tuyên ngôn đó đã trở thành cơ sở pháp lý để Người kết tội thực dân Pháp. Người viết: “Thế mà đã hơn 80 năm nay… nhân đạo và chính nghĩa”. Cụm từ “Thế mà” làm nhấn mạnh hơn về những việc sự trái ngược của thực dân Pháp với những lời tuyên ngôn của chúng.  Sau khi kết tội thực dân Pháp một cách khách quát, Người đã đưa ra một loạt những dẫn chứng cụ thể để vạch trần lớp mật nạ “khai hóa” và “bảo hộ” của chúng trước toàn thể nhân loại: “Về chính trị, chúng tuyệt đối … dân chủ nào”. Khi kể tội của chúng Người dùng giọng văn với một vẻ hùng hồn và đanh thép. Biện pháp điệp cấu trúc: “Chúng + hành động độc ác”, vừa  thể hiện tội ác chồng chất của thực dân Pháp vừa thể hiện sự căm phẫn uất ức của tác giả. Cách dùng câu nói giàu hình ảnh như “Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước… chúng tắm các cuộc… bể máu” của Người cũng làm nổi bật lên sự tàn bạo, dã man của thực dân Pháp.

Về kinh tế, Người  đã đưa ra những tội ác từ khái quát đến cụ thể “Chúng bóc lột dân ta … tiêu điều”. Người quan tâm và nhắc đến từ “dân cày và dân buôn trở nên bần cùng” còn các nhà tư sản thì chúng không cho họ ngóc đầu lên được. Đưa ra những lập luận như vậy là vì Người muốn tranh thủ sự ủng hộ của khối đại đoàn kết của toàn dân ta trong công cuộc bảo vệ nền Độc lập. Cả một đoạn văn dài, Người chỉ dùng một chủ ngữ “chúng” để chỉ thực dân Pháp, nhưng vị ngữ thì lại luôn thay đổi nào là: “thi hành”, “lập ra”, “thẳng tay chém giết” hay là “tắm”… chỉ với một kẻ thù là thực dân Pháp nhưng tội ác mà chúng gây lên trên đất nước, trên dân tộc ta vô cùng nhiều. Cách lập lụân đanh thép, chặt chẽ cùng với những dẫn chứng cụ thể khiến cho kẻ thù không còn đường lẩn tránh tội ác.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, tội ác lớn nhất mà thực dân Pháp gây ra cho đất nước ta đó là nạn đói khủng khiếp năm 1945: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căm cứ đánh đồng minh thì thực dân Pháp quì gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, nhân dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, nhân dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói”. Đặc biệt, Người đã vạch trần bản chất của công cuộc “bảo hộ” của chúng. Chúng luôn nói với thế giới rằng chúng “bảo hộ” Việt Nam nhưng trong 5 năm chúng đã bán nước ta 2 lần cho Nhật. Cnf chưa hết về tội ác, chúng còn thẳng tay khủng bố Việt Minh,  giết hết những từ binh của nước ta. Với một loạt những dẫn chứng xác thực như vậy, cùng giọng văn đanh thép, hùng hồn bản tuyên ngôn đã  phơi bày bản chất tàn bạo, dã man của thực dân Pháp, vạch trần bộ mặt giả tạo khi nói “khai hoá” và “bảo hộ” của chúng trước nhân dân toàn thế giới, đồng thời cũng khơi dậy lòng căm thù của nhân dân ta với thực dân Pháp.

Khi đã đưa ra những tội ác tày trời của thực dân Pháp, Người đã quay lại biếu dương sức mạnh tinh thần dân tộc ta trong cuộc chiến chống thực dân phong kiến và giành lại nền Độc lập khi  “Pháp chạy, Nhật hàng…chế độ dân chủ cộng hoà”. Đoạn văn này diễn tả mang đầy hào khí. Chỉ vỏn vẹn 9 chữ “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, Người đã dựng lại cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động những cũng cực kì oanh liệt của dân tộc ta. Biểu dương tinh thần bất khuất của dân tộc, kích thích tinh thần tự hào dân tộc, kích thích ý chí, lòng quyết tâm chiến đấu để bảo vệ và chống lại âm mưu của thực dân Pháp. Tiếp theo, Người đưa ra cơ sở chính nghĩa của việc thành lập ra nước Việt Nam mới. Việt Minh là một tổ chức cách mạng chính nghĩa của toàn bộ dân tộc Việt Nam. Việt minh đã đứng về phía đồng minh, chống lại thực dân Pháp, phát xít Nhật và đã chiến thắng giành lại chính quyền từ tay Nhật. Người đã nhấn mạnh nền Độc lập của đất nước bằng những câu văn điệp ngữ mạnh mẽ: “Sự thật là…”, lặp đi lặp lại 2 lần.

Cuối cùng trên cơ sở ấy, Người đã trịnh trọng tuyên bố thành lập lên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tuyên bố thoát li hoàn toàn quan hệ với thực dân Pháp, xoá bỏ mọi hiệp ước trên đất nước Việt Nam. Cuối cùng thay mặt cho toàn thể nhân dân, thay mặt cho cả một dân tộc vừa giành được tự do độc lập, Người đã nêu lên lời tuyên bố, lời thề cùng với lòng yêu nước, sự quyết tâm chiến đấu để bảo vệ, giữ vững sự tự do độc lập ấy.  “Tuyên ngôn Độc lập” là một kiệt tác văn học của Hồ Chí Minh. Bằng tất cả tâm huyết và sự tài hoa, Người đã thể hiện được khí phách anh hùng của một dân tộc đang vùng dậy lại một chống đế quốc to lớn, một thực dân phong kiến tàn bạo, để giành lại Độc lập tự do cho nước nhà. Với “Tuyên ngôn Độc lập”, lần đầu tiên Việt Nam được hiện diện trên trường quốc tế với tư cách là một nước có chủ quyền có tự do và Độc lập. Qua đó nhân dân thế giới cũng thấy được tinh thần yêu nước, một lòng quyết tâm bảo vệ nền Độc lập của nhân dân Việt Nam.

“Tuyên ngôn Độc lập” trước hết là một văn kiện lịch sử quan trọng. Nó cũng chính là bản văn quan trọng bậc nhất của đất nước ta. Để có được “Tuyên ngôn Độc lập” như vậy, biết bao đồng bào, đồng chí đã phải hy sinh trong suốt 80 năm chống thực dân Pháp. “Tuyên ngôn Độc lập” cũng chính là một cột mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn mất nước, giai đoạn nhân dân ta phải sống kiếp trâu ngựa, nô lệ, nó còn mở đầu cho một kỉ nguyên mới:một  kỉ nguyên Độc lập tự do.

Với hệ thống lập luận rõ ràng chặt chẽ, lí lẽ sắc bén cùng giọng văn hùng hồn, thống thiết, bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh thật xứng đáng sánh ngang với các bản tuyên ngôn đình đám trên thế giới cũng như các thiên cổ hùng văn của các dân tộc khác như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn hay “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.

Như vậy, butbi.hocmai.vn đã phân tích bài Tuyên ngôn độc lập một cách chi tiết, đầy đủ nhất. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn trong quá trình ôn luyện cũng như học tập Văn học 12.