Soạn bài Một người Hà Nội Nguyễn Khải (bài đọc thêm) | Ngữ văn 12

0

Soạn bài Một người Hà Nội Nguyễn KhảiSGK Ngữ văn 12 tập 2 hay nhất. Bài soạn dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh cảm nhận được vẻ đẹp và chiều sâu của văn hóa Hà Nội được thể hiện qua nhân vật bà Hiền – một “hạt bụi vàng” đất kinh kỳ. Chúc các bạn có bước soạn bài thật tốt để thuận tiện hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng trên lớp hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

1. Soạn bài Một người Hà Nội tác giả Nguyễn Khải

– Nguyễn Khải (1930 – 2008), tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, sinh tại Hà Nội nhưng đã từng sống ở rất nhiều nơi.

– Vào năm 1947, ông gia nhập vào đội tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó ông vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo.

– Vào năm 1951, ông đã làm công tác tuyên huấn ở Phòng chính trị Quân khu III.

– Năm 1952, ông làm Thư ký cho tòa soạn báo Chiến sĩ Quân khu III.

– Từ năm 1956, ông đã công tác ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

– Sau năm 1975, ông chuyển vào sinh sống và công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

– Nguyễn Khải đã bắt đầu viết văn từ năm 1950.

– Năm 1951, ông được trao tặng giải khuyến khích về văn xuôi trong cuộc thi văn nghệ năm 1951 – 1952.

– Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Mùa lạc (tập truyện ngắn, năm 1960), Một chặng đường (truyện dài,năm 1962), Họ sống và chiến đấu (ký sự, năm 1966), Hòa vang (bút ký, năm 1967), Đường trong mây (tiểu thuyết,năm 1970)…

2. Soạn bài Một người Hà nội nội dung tác phẩm

2.1. Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Một người Hà Nội

Truyện ngắn Một người Hà Nội được sáng tác vào năm 1990. Truyện đã phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu của tâm hồn và tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước.

2.2. Bố cục của bài Một người Hà Nội

*Gồm 5 phần:

+ Phần 1. Từ đầu cho đến “dính líu nhiều có ngày lại rắc rối”: Nội dung đoạn này là giới thiệu về cô Hiền.

+ Phần 2. Tiếp theo cho đến “rút lui ngay”: Nội dung nói về cô Hiền trong thời kì hòa bình lặp lại.

+ Phần 3. Tiếp theo cho đến “đại khái là như thế”: Cô Hiền trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

+ Phần 4. Tiếp theo cho  đến “từ mấy tháng nay rồi”: Cô Hiền sau chiến thắng mùa xuân năm 1975.

+ Phần 5. Phần còn lại: Cô hiền trong những năm thời kỳ đổi mới.

2.3. Tóm tắt nội dung bài Một người Hà Nội Nguyễn Khải

Cô Hiền là một người con của Hà Nội, một “hạt bụi vàng” của thủ đô nghìn năm văn hiến. Cô vốn rất xinh đẹp, thông minh, lại được sinh ra trong một gia đình giàu có lương thiện. Khi còn trẻ, cô từng mở một salon về  văn học và giao lưu với khách văn chương trí thức. Đến khi lập gia đình, cô lại lấy một ông giáo Tiểu học làm chồng trong sự ngỡ ngàng của biết bao nhiêu người. Suốt thời kháng chiến chống Pháp, vợ chồng cô vẫn luôn sống ở Hà Nội một cách nền nếp, lễ nghi. Khi người con trai cả xin cô vào chiến trường, cô không ngăn cản. Cậu thứ hai thi được điểm cao nên nhà trường giữ lại. Năm 1975, con cả của cô trở về và đã là một thượng úy. Cô Hiền tổ chức bữa ăn bạn bè như mấy chục năm nay cô vẫn thường làm mỗi tháng. Nhân vật tôi đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống nhưng cứ ra Hà Nội lại ghé vào thăm cô Hiền. Tôi tỏ ý buồn phiền về lối ứng xử xuống cấp của những người Hà Nội thời nay. Cô Hiền kể cho anh nghe chuyện cây si bị bật gốc vì bão ở đền Ngọc Sơn.

3. Hướng dẫn đọc thêm: 

Trả lời câu 1 – trang 98 – sgk – ngữ văn 12 – tập 2:

*Nhân vật cô Hiền

– Tính cách, phẩm chất của cô:

Nhân vật trung tâm của truyện ngắn chính là cô Hiền. Cũng như bao người Hà Nội khác, cô đã cùng Hà Nội, cùng đất nước trải qua rất nhiều những biến động thăng trầm nhưng vẫn giữ được cốt cách của một người Hà Nội. Cô sống rất thẳng thắn, chân thành, không giấu giếm quan điểm và thái độ của mình với mọi hiện tượng xung quanh.

Suy nghĩ và cách ứng xử của cô trong trong từng giai đoạn của đất nước:

  • Hoà bình lập lại ở miền Bắc, cô Hiền nói về những niềm vui và cả những cái có phần máy móc, những điều cực đoan của cuộc sống xung quanh: “vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều”, theo cô “chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá”… Cô luôn tính toán mọi việc trước sau rất khôn khéo và “đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những điều đàm tiếu của thiên hạ”…
  • Miền Bắc bước vào thời kỳ đương đầu với chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Cô Hiền đã dạy con cách sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”, biết sống đúng với bản chất của người Hà Nội. Đó cũng là lý do vì sao cô sẵn sàng cho con trai mình ra trận: “tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn sống bám vào sự hy sinh của bạn. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”…
  • Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, giữa không khí xô bồ của nền kinh tế thị trường, cô Hiền vẫn là “một người Hà Nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Từ chuyện cây si cổ thụ bị bật gốc ở đền Ngọc Sơn, cô Hiền nói về niềm tin vào cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

– Cô Hiền “một hạt bụi vàng” của thủ đô Hà Nội

  • Nói đến hạt bụi, người ta luôn nghĩ đến những vật nhỏ bé, tầm thường. Có điều là hạt bụi vàng thì dù nhỏ bé nhưng có những giá trị quý báu.
  • Cô Hiền là một người Hà Nội bình thường nhưng cô thấm sâu vào những cái tinh hoa trong bản chất của người Hà Nội. Bao nhiêu hạt bụi vàng, bao nhiêu người được như cô Hiền sẽ hợp lại thành những “ánh vàng” chói sáng. Ánh vàng ấy là phẩm giá của những người Hà Nội, là cái truyền thống cốt cách của người Hà Nội.

Trả lời câu 2 – trang 98 – sgk – ngữ văn 12 – tập 2:

*Các nhân vật khác trong truyện

– Nhân vật “tôi”: Thấp thoáng sau những dòng chữ chính là nhân vật “tôi” đó là một người đã từng chứng kiến và tham gia vào nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc ta. Trên những chặng đường ấy, nhân vật “tôi” đã có những quan sát hết sức tinh tế, những cảm nhận nhạy bén, sắc sảo và đặc biệt là về nhân vật cô Hiền, về Hà Nội và về người Hà Nội. Ẩn sâu trong giọng điệu vừa vui đùa, khôi hài, lại vừa khôn ngoan, trải đời là hình ảnh một người gắn bó thiết tha với vận mệnh của đất nước, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc. Nhân vật “tôi” mang hình bóng của Nguyễn Khải, là người kể chuyện, một sáng tạo nghệ thuật sắc nét đem đến cho tác phẩm một điểm nhìn trần thuật chân thật, khách quan và đúng đắn, sâu sắc nhất.

– Nhân vật Dũng: con trai đầu người con mà cô Hiền rất mực yêu quý. Anh đã sống đúng với những lời mà mẹ dạy về cách sống của người Hà Nội, cùng với 600 thanh niên ưu tú của Hà Nội lên đường hiến dâng cả tuổi xuân của mình cho đất nước. Dũng, Tuất và tất cả những chàng trai Hà Nội ấy đã góp phần để tô thắm thêm cốt cách tinh thần của người dân Hà Nội, phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam.

– Bên cạnh sự thật về những người Hà Nội có những phẩm cách cao đẹp, còn có những người tạo nên “nhận xét không mấy vui vẻ” của nhân vật “tôi” khi về Hà Nội. Đó là một “ông bạn trẻ đạp xe như gió” đã làm xe của người ta suýt đổ lại còn phóng xe vượt qua rồi quay mặt lại chửi “tiên sư cái anh già”…, là những người mà nhân vật “tôi” quên đường nên phải hỏi thăm… Đó là những “hạt sạn của Hà Nội”, làm mờ đi nét đẹp tế nhị, thanh lịch của những người Tràng An. Cuộc sống của người Hà Nội ngày nay cần phải làm rất nhiều điểm để có thể giữ gìn và phát huy cái đẹp trong tính cách người Hà Nội.

Trả lời câu 3 – trang 98 – sgk – ngữ văn 12 – tập 2:

*Ý nghĩa của câu chuyện “cây si cổ thụ”

– Hình ảnh cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn khi bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh trở lại đã nói lên quy luật bất diệt của sự sống. Quy luật này được khẳng định bằng niềm tin của những con người thành phố đã kiên trì cứu sống được cây si.

– Cây si cũng là một biểu tượng nghệ thuật và một hình ảnh ẩn dụ về vẻ đẹp của Hà Nội: dù có thể bị tàn phá, bị nhiễm bệnh nhưng sau cùng vẫn là một người Hà Nội với truyền thống văn hoá đã được nuôi dưỡng suốt trường kì lịch sử, là cốt cách, là  những  tinh hoa, linh hồn của đất nước.

Trả lời câu 4 – trang 98 – sgk – ngữ văn 12 – tập 2:

*Giọng điệu trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Khải:

– Giọng điệu trần thuật: một giọng điệu rất trải đời, vừa tự nhiên, dân dã vừa trĩu nặng những suy tư, vừa giàu chất khái quát và triết lý. Vừa đậm tính đa thanh. Cái tự nhiên, dân dã tạo nên những phong vị hài hước rất có duyên trong giọng kể của nhân vật “tôi”; tính chất đa thanh được thể hiện trong lời kể: nhiều giọng (giọng điệu tự tin xen lẫn hoài nghi, tự hào xen lẫn tự trào…). Giọng điệu trần thuật đã làm cho truyện ngắn thêm đậm đặc chất tự sự rất đời thường mà hiện đại.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện:

  • Tạo tình huống gặp gỡ giữa nhân vật “tôi” và các nhân vật khác.
  • Ngôn ngữ nhân vật đã góp phần khắc họa tính cách (ngôn ngữ nhân vật “tôi” đậm vẻ suy tư, chiêm nhiệm, lại pha chút hài hước, tự hào; ngôn ngữ của cô Hiền vừa ngắn gọn vừa rõ ràng, dứt khoát…).

Ngoài ra, BUTBI đã tổng hợp một vài tài liệu, văn mẫu, đề bài tập học tốt môn Văn THPT, các bạn tải về miễn phí TẠI ĐÂY. BUTBI chúc các bạn học tốt nhé!