Trong chương trình Ngữ văn, chúng ta đã làm quen và tiếp xúc với rất nhiều văn bản văn học khác nhau. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Phạm Hữu Cường (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) tìm hiểu về “Nội dung và hình thức của văn bản văn học”.
I. Các khái niệm của nội dung và hình thức trong văn bản văn học.
1. Các khái niệm thuộc về mặt nội dung của văn bản văn học:
a. Đề tài:
-Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.
-Đặc điểm:
- Có bao nhiêu hiện tượng đời sống thì có bấy nhiêu đề tài
- Việc lựa chọn đề tài đã bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của nhà văn.
b. Chủ đề
-Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Những vấn đề chủ yếu, bức xúc nhất nổi lên từ đề tài buộc tác giả phải thể hiện bày tỏ thái độ, đánh giá.
-Nhận xét
- Tầm quan trọng của chủ đề không phụ thuộc vào văn bản
- Mỗi văn bản có một hoặc nhiều chủ đề.
c. Tư tưởng
Tư tưởng là ý kiến của tác giả trước chủ đề, nghĩa là sự lí giải, nhận thức, tâm sự của tác giả với người đọc về chủ đề trong tác phẩm.
d. Cảm hứng nghệ thuật
Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản (trạng thái, tâm hồn, cảm xúc thể hiện đậm đà nhuần nhuyễn trong văn bản).
Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng của văn bản văn học: Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc có thể cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả gửi gắm vào bên trong tác phẩm.
2. Các khái niệm thuộc về mặt hình thức của văn bản văn học:
a. Ngôn từ
- Ngôn từ là yếu tố đầu tiên của văn bản, là căn cứ cụ thể để tìm hiểu và thưởng thức văn học.
- Bất cứ ngôn từ nào cũng ít nhiều mang dấu ấn của tác giả.
b. Kết cấu
- Kết cấu là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh có ý nghĩa.
- Bố cục là biểu hiện bên ngoài của kết cấu (chương, đoạn, hồi, cảnh…)
- Có nhiều kiểu kết cấu: thời gian, không gian, đầu cuối tương ứng, hoành tráng, bất ngờ.
c. Thể loại
- Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức văn bản thích hợp nội dung văn bản.
- Thể loại cũng có sự cải biến, đổi mới theo thời đại và mang sắc thái riêng của tác giả.
II. Ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức của văn bản văn học
Văn bản văn học có những chức năng chủ yếu: Chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ, chức năng giao tiếp nhằm nâng cao phẩm chất, hoàn thiện con người. Những nội dung tư tưởng cao đẹp ấy cần thống nhất với hình thức nghệ thuật hoàn mĩ.
Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học là mối quan hệ mật thiết không thể tách rời nhau. Nội dung phải được thực hiện hóa bằng một hình thức cụ thể và hình thức phải gắn với nội dung nhất định.
Văn bản văn học cần có sự thống nhất giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ => Đây là ý nghĩa quan trọng và cũng là tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm.
Trong quá trình phân tích, phải chú ý cả nội dung và hình thức, phải kết hợp cả hai yếu tố.
Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn văn lớp 10.