Soạn bài “Quy tắc viết hoa trong tiếng Việt” – Môn Ngữ văn – Lớp 12

0

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Đặng Ngọc Khương (giáo viên môn Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đi soạn bài “Quy tắc viết hoa trong tiếng Việt“.

I. Cách viết tên riêng Việt Nam.

1. Tên người: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

VD: Đinh Tiên Hoàng.

*Chú ý: Tên danh nhân, nhân vật lích sử được cấu tạo bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung với bộ phận tên gọi cụ thể cũng được coi là tên riêng và viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người.

VD: Ông Gióng, Bà Trưng.

2. Tên địa lý: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

VD: Thái Bình.

Chú ý: Tên địa lý được cấu tạo bới danh từ chỉ hướng hoặc bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung, danh từ chỉ hướng với bộ phận tên gọi cụ thể cũng được coi là danh từ riêng chỉ tên địa lý và viết hoa theo quy tắc viết hoa tên địa lý.

VD: Bắc Bộ, Nam Bộ,…

3. Tên dân tộc: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

VD: Kinh, Tày,…

4. Tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết đầu của các bộ phận tạo thành tên riêng.

VD: Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

5. Từ và cụm từ chỉ các con vật, đồ vật, sự vật được dùng làm tên riêng của nhân vật: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên riêng.

VD: chú Chuột, cô Chào Mào,…

II. Cách viết tên riêng người nước ngoài.

1. Tên người, tên địa lý:

a. Trường hợp phiên âm qua âm Hán – Việt.

Viết theo quy tắc tên người, tên địa lý Việt Nam.

VD: Mao Trạch Đông.

b. Trường hợp phiên âm không qua âm Hán – Việt (phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc): Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết.

VD: Ăng-ghen, Lê-nin.

2. Tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể nước ngoài:

a. Trường hợp dịch nghĩa: Viết theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể Việt Nam.

VD: Viện Khoa học Giáo dục Bắc Kinh.

b. Trường hợp viết tắt: Viết nguyên dạng viết tắt. Tùy từng trường hợp, có thể ghi thêm tên dịch nghĩa hoặc ghi thêm tên nguyên không viết tắt.

VD: WB (Ngân hàng Thế giới)

III. Viết hoa các trường hợp khác.

1. Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành tố tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ hạng.

VD: Huân chương Độc lập hạng Nhất.

2. Tên chức vụ, học vị, danh hiệu: Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể.

VD: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Pu-tin.

3. Danh từ chung đã riêng hóa: Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng.

VD: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh).

4. Tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm.

VD: ngày Quốc khánh 2-9.

5. Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại.

Tên các sự kiện lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì phải ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó.

VD: Phong trào Cần vương.

6. Tên các loại văn bản: Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên riêng của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể.

VD: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

7. Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo.

VD: từ điển Bách khoa toàn thư.

8. Tên các năm âm lịch, ngày tiết, ngày tết, ngày và tháng trong năm.

a. Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi.

VD: Kỷ Tỵ.

b. Tên các ngày tiết và ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.

VD: tiết Lập xuân, tết Đoan ngọ.

c. Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số.

VD: thứ Hai, thứ Tư.

9. Tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo.

a. Tên gọi các tôn giáo, giáo phái: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên gọi.

VD: đạo Cơ Đốc, đạo Tin Lành.

b. Tên gọi ngày lễ tôn giáo: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.

VD: lễ Phục sinh.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn Ngữ văn lớp 12.