Nghị luận xã hội là một trong những phần không thể thiếu trong đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi THPT Quốc gia. Vì đây không phải là phần chiếm số điểm nhiều nhất nên nhiều bạn học sinh không thường xuyên luyện tập cách viết bài văn nghị luận xã hội và chủ quan với dạng đề này. Dưới đây là những lưu ý giúp các bạn teen 2002 làm tốt bài thi dù gặp bất kỳ đề nghị luận xã hội nào
1. Phân loại dạng đề
Nghị luận xã hội gồm 2 dạng đề: nghị luận về một tự tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng xã hội.
Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường là nêu quan điểm về một câu tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn hoặc câu nói của một người nổi tiếng. Ví dụ: quan điểm của anh/ chị về câu nói: “Một quyển sách tốt là một người bạn hiền”, quan điểm của anh/chị về câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”,…
Nghị luận về một hiện tượng xã hội thường là những vấn đề nóng, thu hút và ảnh hưởng tới dư luận xã hội như: bạo lực học đường, tình yêu biển đảo, ô nhiễm môi trường,…
Mỗi đề lại có cách viết bài văn nghị luận xã hội khác nhau, quan trọng là teen đọc thật kỹ yêu cầu của đề, tránh lạc đề và tập trung vào giải quyết đề.
2. Cách làm với mỗi dạng đề
Dù là nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lý hay là về một hiện tượng xã hội thì bài viết luôn cũng cần đáp ứng bố cục rõ ràng 3 phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài.
Cách viết bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lý:
Đối với dạng này, phần Mở bài có nhiệm vụ nêu vấn đề, trình bày tư tưởng, đạo lý được đề cập ở đề bài. Sau đó các bạn sẽ triển khai phần Thân bài. Phần thân cài cần: Giải thích những từ quan trọng, từ khóa trong đề bài từ đó, giải thích tư tưởng, đạo lý và khẳng định tư tưởng đạo lý đó là đúng hay sai? Lý lẽ, dẫn chứng chứng minh nó đúng hay sai? Bên cạnh đó, phần Thân bài cũng cần nêu được quan điểm, nhận định của cá nhân về tư tưởng, đạo lý đó. Để đạt điểm cao, bạn cần có các ví dụ, dẫn chứng chứng minh và liên hệ bản thân, thực tiễn. Cuối cùng của phần Thân bài là rút ra những bài học kinh nghiệm. Phần Kết bài cần tổng kết được các nội dung chính của Thân bài và phát triển, mở rộng vấn đề.
Hay về một hiện tượng xã hội:
Đối với dạng này, phần Mở bài cần nêu được vấn đề, hiện tượng xã hội được đề cập đến trong đề bài. Thân bài triển khai các ý theo logic từ thực trạng, tiến trình của hiện tượng xã hội đến nguyên nhân của hiện tượng xã hội đó và cuối cùng là hệ quả/tác động của hiện tượng xã hội đó. Sau đó, bạn cần lấy được các ví dụ để chứng minh hiện tượng đó là tích cực hay tiêu cực và liên hệ bản thân, thực tế. Cuối cùng của phần Thân bài là rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra các lời khuyên. Phần Kết bài cần khái quát hiện tượng và khẳng định rõ quan điểm, thông điệp cá nhân về hiện tượng xã hội đó.
3. Những lưu ý để đạt điểm tối đa
Mở bài không cần quá dài dòng, tránh lạc đề. Mở bài phải nêu được chủ đề mà đề bài đề cập tới và gợi mở những vấn đề được đặt ra từ chủ đề đó. Các ví dụ trong thân bài cần chính xác, cập nhật, chứng minh cho những luận điểm nêu ra trong bài. Đối với cách viết bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng xã hội, ví dụ nên là các sự kiện nóng hiện nay, có tính thời sự,… Bài viết phải thể hiện rõ ý kiến, quan điểm của bản thân về tư tưởng, đạo lý, hiện tượng xã hội đang bàn luận.
Hãy ghi lại những lưu ý trên để có thể làm nghị luận xã hội thật tốt nhé! Hãy luyện tập thường xuyên bằng các giàn ý và teen 2002 sẽ thành công!