THẠCH LAM VÀ NHỮNG LỜI BÌNH

0
1. Lời bình của Nguyễn Tuân: Thạch Lam và truyện ngắn Thạch Lam
– Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Dưới cái hình thức không những thoát khỏi khuôn sáo cũ của cách hành văn đương thời mà lại có rất nhiều đức tính sáng tạo ấy, văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày.
– “Xúc cảm của Thạch lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch lam, vẫn thấy đầy đủ cáo dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học.”
– Có những truyện ngắn Thạch Lam, ở cái thời bấy giờ, đọc xong thấy nó đọng lại trong người ta như một câu hỏi bức thiết của tác giả, như là một lời trách móc kín đáo của nhân vật truyện.
– Truyện Hai đứa trẻ có một hương vị thật man mác. Nó gợi lên một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng gióng lên một cái gì ở trong tương lai.
– Nơi cái thế giới quan của đôi trẻ ở một phố quê, hình ảnh đoàn tàu và cái tiếng còi tàu đã thành một thói quen của cảm xúc và của ước vọng.

2. Lời bình của Tân Chi: Chủ nghĩa hiện thực trong tác phẩm của Thạch Lam.
– Thạch Lam mô tả những nét hiện thực của cuộc đời lại xuất phát từ lòng thương xót con người nghèo khổ hơn là từ lòng căm ghét bọn thống trị.
– Nét hiện thực rõ nhất trong tác phẩm Thạch Lam là đời sống của những người dân nghèo thành thị và nông thôn, là những dằn vặt đấu tranh và đời sống tình cảm rất phong phú nhưng cũng vô cùng phức tạp của những con người tiểu tư sản.
– Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Thạch Lam là biểu hiện tấm lòng nhân đạo trước những mảnh đời đau xót.
– Cái nhìn hiện thực qua “ lăng kính Thạch Lam”.

3. Lời bình của Lê Quang Hưng: Thế giới nhân vật trong sáng tác Thạch Lam.
– Thế giới nhân vật của Thạch Lam phần lớn là những con người ở địa vị thấp bé, có cuộc sống nghèo khổ, vất vả, thường ở trong nhịp sống đơn điệu, nhàm tẻ.
– Đặc điểm của nhân vật được biểu hiện ở:
+ Vẻ đẹp của lòng thương yêu, đức hy sinh: bao giờ họ cũng sống, cũng nghĩ vì người khác, cho người khác. Có lúc ngậm ngùi tủi phân, có lúc chán chường nhưng rồi họ lại lặng lẽ tiếp tục cái đời hi sinh, tần tảo của mình.
+ Vẻ đẹp của sự đùm bọc, chia sẻ: Hai đứa trẻ vừa gợi trong ta nỗi cảm thương đối với những kiếp người nhỏ bé bị vây bọc trong môi trường sống tù đọng, vừa gieo vào ta niềm tin yêu trước tấm lòng gắn bó yêu thương nhau của họ.
+ Vẻ đẹp của lòng thủy chung, của tình nghĩa.
+ Vẻ đẹp của sự ăn năn, ý thức làm người và khao khát hoàn lương: Khác với nhân vật của Nam Cao, thường ở trong hoàn cánh nghiệt ngã, tình huống gay cấn đe dọa hủy hoại, tha hóa nhân cách, nhân vật của Thạch Lam hầu như chỉ gặp những thử thách thông thường, vừa tầm.
– Phải có tấm lòng yêu thương, trân trọng con người đến mức nào, phải là nhà văn tinh tế, biết sống với tâm trạng, cảm giác nhân vật sâu sắc chừng nào mới viết được những trang văn như thế.

4. Lời bình của Hà Văn Đức: Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Thạch Lam.
– Trái tim Thạch Lam đã không biết bao lần đã thổn thức trước những thân phận nhỏ bé, khổ
đau ở cõi đời này.
– Xuất hiện trên văn đàn cùng thời với rất nhiều nhà văn khác, Thạch Lam mang một dấu ấn rất riêng. Không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, không hài hước như Nguyễn Công Hoan, không triết lý như Nam Cao. Thạch Lam nhẹ nhàng và tinh tế.
– Mỗi truyện ngắn của ông như một bài thơ về những cuộc đời, những thân phận nhỏ bé, côi cút và bất hạnh, gợi sự thương cảm, xót xa sâu sắc của tình người.
– Giản dị mà sâu sắc chứa chan tình nhân ái, Thạch Lam hướng người đọc tới sự thanh cao của cái đẹp, cái thiện. Ông luôn đi sâu vào khám phá đời sống tâm linh của nhân vật bằng một ngòi bút rất tinh tế, rất hiểu sự đời – đó là những vẻ đẹp lẩn khuất bên trong tâm hồn con người: tình thương, sự cảm thông, lòng vị tha giữa người với người, giữa người với vật..
– Truyện ngắn Thạch Lam với những lời văn nhẹ nhàng và kín đáo, như những khúc tâm tình giúp người ta sáng suốt để lựa chọng cho mình lối đi đẹp nhất cho cuộc đời.
– Thuở sinh thời, Thạch Lam luôn tâm niệm: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên…, văn chương là một thứ khí lớn thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.”
– Văn Thạch Lam nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng có sức ám ảnh lớn. Là lối truyện tâm tình, không có cốt truyện, toàn truyện không hề có hành động phát triển xung đột mà chỉ toát lên một tâm trạng, một không khí nhưng lại rất thực, rất đời.
– Thạch Lam là vậy đó, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu lòng mình để hiểu về người khác. Ông đã đặt mình vào vị trí nhân vật để nói lên cảm nghĩ về số phận những kiếp người nhỏ bé trong xã hội và để từ đó toát lên sự cảm thông sâu sắc với những cảnh đời nghiệt ngã, khổ đau.
– Thạch Lam đã từng nói: “ Nhà văn cốt nhất định phải đi sâu vào tâm hồn mình, tìm thấy những tính tình và cảm giác thành thực; tức tìm thấy tâm hồn của mọi người qua tâm hồn của chính mình, đi đến chỗ bất tử mà không tự biết và qua tâm hồn ta, chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng thái tâm lý người ngoài.”
– Song trong cái lãng mạn của Thạch Lam có vẻ tươi sáng của ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay, nó thức tỉnh sâu trong sâu thẳm con người một chút mơ mộng, một niềm vui sống.
– Giọng văn Thạch Lam có sức sôi cuốn kỳ diệu là vì vậy. Càng đọc lại càng say, càng đọc càng bị cuốn hút. Nó kiểu “ lạt mềm buộc chặt”, càng đi sâu vào người đọc càng không thể dứt ra.
– Bằng giọng văn nhẹ nhàng, thủ chỉ, Thạch Lam đã đánh thức miền ký ức của mỗi người, đánh thức những xúc cảm thầm kín nhất, sâu xa nhất về những kỷ niệm yêu dấu đã qua trong tâm hồn mỗi người.
– Thạch Lam lặng lẽ âm thầm phản ánh đời sống hết sức khốn khó của con người đối với cái nhìn đôn hậu và đầy thương cảm.
– Ông đã tạo ra những trang văn đẹp, giản dị nhưng vô cùng nhân đạo. Những con người dù bị chà đạp vẫn cố gắng vươn tới vẻ đẹp thanh cao, những con người dù khốn khó vẫn tự đấu tranh để vươn tới cái đẹp trong cuộc sống.
– Và giọng điệu buồn trầm gợi niềm xót xa thương vảm về số phận bấp bênh của con người dưới xã hội cũ là nét đặc trưng của phong cách truyện ngắn Thạch Lam. Một nỗi buồn man mác nhè nhẹ phủ lên và thấm vào đời sống của các nhân vật, nỗi buồn xa xôi, nỗi buồn mơ hồ
– Thạch Lam đã từng quan niệm: “Cái thực tài của nhà văn, nguồn gốc chính là ở tâm hồn nhà văn, một nghệ sĩ phải có một tâm hồn phong phú, những tình cảm dồi dào. Nếu không, nghệ sĩ đó chỉ là thợ văn khéo thôi.”
– Thế Lữ đã rất xúc động khi nhớ về Thạch Lam diễn trong văn chương phức tạp nhiều hình, hình vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, thân mật, cũng thân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương.”

5. Lời bình của Nguyễn Phượng: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.
– Ông hướng ngòi bút về phía những người lao động bần cùng sống trong những làng quê bùn lầy nước đọng, những người dân nghèo thành thị lay lắt chốn phồn hoa, những kiếp người kiếm sống bằng những nghề vất vả, tủi cực trong những khu hành lạc lắm bùn nhơ hay khu ngoại ô nghèo khổ, buồn và vắng.
– Sáng tác của Thạch Lam không tập trung vào việc tạo dựng cốt truyện do đó thường ít sự kiện, biến cố và hành động nhưng vẫn đầy hấp dẫn bởi thiên hướng đi vào thế giới nội tâm nhân vật qua việc ghi lại những cảm giác mơ hồ, mong manh và thể hiện bằng một lối viết nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị.
– Thạch Lam từng khao khát dùng văn chương như một vũ khí thanh cao và đắc lực nhằm làm thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác.
– Thạch Lam không kêu gọi cải cách cũng không chủ trương chỉ trích hay giáo huấn, đối với ông, cõi đời dẫu phong phú và phức tạp, thiện ác chen nhau, nhưng con người sinh ra không ai vốn thiện sẵn hay vốn ác sẵn. Con người rất có thể sa ngã, sai lầm, thậm chí gây nên tội ác vì ranh giới giữa cái thiện và ác thực chất chỉ cách nhau một sợi tóc…
– Liên ngắm cảnh phố huyện vào đêm như thể trong vô thức cô muốn xoa đi cái tâm trạng buồn xâm chiếm tâm hồn mình lúc hoàng hôn về.

6. Lời bình của Phan Cự Đệ: Hai đứa trẻ.
– Thời gian như một cái bình lọc kỳ diệu, nó chỉ để lại trong tâm hồn đa cảm và tinh tế của Thạch Lam những chi tiết điển hình, những cảm giác sâu lắng, những ấn tượng không thể phai mờ.
– Câu chuyện của Thạch Lam để lại trong tâm hồn ta những dư vị đằm thắm của quê hương và một sự cảm thương man mác những cuộc đời thầm lặng như những chấm sáng lù mù bị nhòe đi trong bóng tối dầy đặc của một vùng quê tù đọng.
– Mạch văn, ý văn, hơi văn Thạch Lam là một minh chứng cho nguyện ý cầm bút của ông: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.” ( Thạch Lam)
7. Lời bình của Lê Tâm Chính: Thế giới trẻ thơ qua đôi mắt Thạch Lam.
– Các nhân vật trẻ thơ của Thạch Lam có những khuôn mặt riêng: đẹp nhưng buồn.
– Biệt tài của Thạch Lam là ở đó – dựng truyện từ những chi tiết tưởng như khó thành truyện.
– Thì ra, cái gánh nặng về cơm áo đâu chỉ đè nặng lên vai người lớn, nó còn len vào tuổi thơ của những đứa trẻ vốn sinh ra không được biết đến tuổi thơ.
– Nhưng người đọc nhận thấy: đã có biết bao buổi chiều như thế! Sự gặm nhấm của nhịp điệu này đã nhấn chìm biết bao ước vọng của con người.
– Thiết nghĩ sự xót xa thực sự của thiên truyện này là ở chỗ: những đứa trẻ ngây thơ kia, làm sao lại phải quen và chịu đựng nỗi buồn sớm đến thế? Nỗi buồn chán ở người lớn khiến ta động lòng trắc ẩn. Vậy nên, với trẻ thơ khi những gánh nặng buồn chán dồn lên vai chúng quá sớm, ai lại chẳng nhói lòng?
– Nếu nói truyện của Thạch Lam là thứ truyện giàu chất thơ, thì chi tiết đợi tàu của hai đứa trẻ chính là điểm đỉnh của chất thơ ấy trong hồn người.
– Nhưng dư âm của khát vọng thì còn vang vọng mãi bởi nó là yếu tố cơ bản để “ Gióng lên cái gì đó còn ở trong tương lai” như Nguyễn Tuân nhận xét. Trong bóng tối này, có một thứ ánh sáng lạ. Đó không phải là ánh sáng của đoàn tàu mà chính là ánh sáng được đốt lên từ khát vọng da diết của những đứa trẻ.
– Cố nhiên, để có những trang văn xúc động đến thế, Thạch Lam phải tạo được một lối đi riêng. Không nghiêng về những sự kiện, biến cố hay những tình tiết ly kỳ, Thạch Lam chủ trương “Không bắt chước Tàu, không bắt chước Tây… Cứ việc diễn tả tâm hồn An Nam của chúng ta!”
– Văn Thạch Lam rõ ràng là thứ văn của sự quan sát bên trong: nhìn thấy bản chất của sự vật và miêu tả nó trong chiều sâu tâm lý.
– Văn Thạch Lam giản dị, tự nhiên, nhưng rất giàu sức gợi.
– Nhưng chắc chắn Thạch Lam đã thành công trong “ hành trình phát hiện những bí mật của tâm hồn thơ trẻ”, trong việc khắc chạm vẻ đẹp và thân phận của chúng.
Nguồn: Thả mình vào văn học