Tìm hiểu về “Kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học” – cô Trịnh Thu Tuyết

0

Trong chương trình học môn Ngữ văn, ngoài việc các em phải nắm chắc kĩ năng làm văn nghị luận xã hội thì các em còn phải thành thạo các kĩ năng viết văn nghị luận văn học.

Vì vậy, ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng cô Trịnh Thu Tuyết đi tìm hiểu về “Kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học”.

1. Phân tích đề văn.

Từ năm 2017, đề thi văn thay đổi cấu trúc và quỹ thời gian, sự thay đổi đó chi phối yêu cầu câu Nghị lận văn học không hướng tời phân tích/cảm nhận một đơn vị kiến thức lớn mà thi hẹp hơn phạm vị vấn đề và giới hạn ngữ liệu nghị luận.

Ngữ liệu văn học (có thể là đoạn trích văn xuôi hoặc thơ) hoặc có thể chỉ nêu phạm vi ngữ liệu.

Câu lệnh có thể nêu yêu cầu mang tính khái quát, có thể yêu cầu mang tính cụ thể. Phần lệnh có thể có hai nội dung: nội dung chính là phân tích/ cảm nhận về một nội dung nào đó trong tác phẩm và nội dung  phụ là phần “từ đó bình luận/liên hệ/nhận xét…” về một nét đặc sắc trong giá trị nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm, về quan niệm nghệ thuật/tư tưởng/cách nhìn hiện thực…của tác giả.

2. Những lưu ý về phương pháp, kĩ năng.

a. Cấu trúc bài.

Mở bài: giới thiệu khái quát về tác giả (vị trí, phong cách nghệ thuật điển hình); tác phẩm (vị trí, giá trị, xuất xứ); vấn đề khái quát nghị luận theo yêu cầu của đề.

Thân bài:

  • Khái lược những yếu tố chi phối nội dung nghị luận. Phần này sẽ giúp xác định vị trí của nội dung cần nghị luận trong tổng thể chung của tác phẩm, của nhân vật, cũng góp phần khái quát lên giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm: tư tưởng, phong cách của nhà văn trong phần kết luận.
  • Triển khai hệ thống luận điểm thực hiện yêu cầu nghị luận của đề để được thể hiện trong câu luận.

Kết luận: Tổng hợp lại những giá trị cơ bản của nội dung nghị luận, nâng lên sự thống nhất với các giá trị nội dung, nghệ thuật chính của tác phẩm.

b. Những điều lưu ý trong bài nghị luận văn học:

  • Cần lưu ý sự câm đối và mối quan hệ hữu cơ giữa các luận điểm, chú ý sử dụng các phép liên kết để kết nối chặt chẽ các luận điểm theo quan hệ song hành hoặc nhân quả,…
  • Cần lưu ý nguyên tắc “từ văn ra ý” nếu là thơ, phải xuất phát từ việc phân tích các yếu tố hình thức để từ đó phát hiện ra nội dung cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình; nếu là văn xuôi tự sự, cần xuất phát từ việc phân tích các chi tiết miêu tả nhân vật để từ đó phát hiện những phẩm chất hay thân phận nhân vật. Không tách rời việc phân tích nội dung và nghệ thuật.
  • Phân biệt phần giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận trong mở bài với tổng hợp vấn đề trong phần kết luận.
  • Phần mở bài không cần chép lại đoạn trích theo yêu cầu nghị luận của đề, chỉ rõ vị trí đoạn trích trong tổng thể tác phẩm.
  • Ngôn ngữ nghị luận: xưng hô, phân tích, cảm nhận,…

3. Các đề văn nghị luận tham khảo.

  • Đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2019: “Trong những dòng sông đẹp … hang đá d­ưới chân núi Kim Phụng.”(Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198). Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.”
  • Đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2018: “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ – Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.”
  • Đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2017: “Đất là nơi anh đến trường…Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” (Trích Đất nước, trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.118-119). Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn Ngữ văn, đặc biệt là kĩ năng làm văn nghị luận văn học.