VẤN ĐỀ THI PHÁP TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU NĂM 1975.

0
1. Đặc trưng thể loại và cảm hứng sáng tác
Giá trị của một truyện ngắn chính là sức dung chứa những ý tưởng lớn trong một “kích cỡ nhỏ” của tác phẩm. Một trong những tiền đề quan trọng làm nên thành tựu của văn học Việt Nam đó là hiện thực cách mạng khơi nguồn cho sự sáng tạo và là cảm hứng chủ đạo của nhiều tác phẩm văn chương. Truyện ngắn từ sau năm 1975 đã phản ánh rất rõ sự thay đổi của hiện thực cuộc sống, rõ nét nhất trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… Nhận thức được điều này, khi tìm hiểu, tiếp cận truyện ngắn Việt Nam từ sau năm 1975, cần chú ý đến cảm hứng sáng tác của từng tác giả nói riêng và cảm hứng của thời đại nói chung. Khơi nguồn cảm hứng từ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là hiện thực cuộc sống được phản ánh qua cái nhìn của người nghệ sĩ. Đằng sau cái bức tranh bình minh trên biển đẹp tuyệt đích, hoàn mĩ ấy là sự thật tồi tệ, phũ phàng – cuộc sống của gia đình hàng chài: một người đàn bà bị chồng hành hạ vô lí nhưng không bao giờ muốn từ bỏ kẻ độc ác ấy; những chiến sĩ nhiệt thành từng chiến đấu giải phóng miền Nam nhưng lại không thể nào giải thoát cho một người đàn bà bất hạnh. Còn trong truyện ngắn Một người Hà Nội, điều cơ bản mà nhà văn hướng đến là hiện thực cuộc sống thông qua nhân vật cô Hiền. Hình tượng ấy được xây dựng lên như để chứng minh có một tinh thần Hà Nội, một linh hồn Hà Nội thực sự đã và đang tồn tại, để lại dấu ấn đậm nét trong những người con của nó. Do vậy, cảm hứng chính của nhà văn trong tác phẩm này là khám phá bản sắc văn hoá Hà Nội – cái quyết định vận mệnh và vị thế của Hà Nội trong lịch sử, cũng là cái làm nền tảng cho bước phát triển mới của nó trong tương lai, như tác giả đã khẳng định: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng”.
2. Về không gian, thời gian nghệ thuật
* Không gian nghệ thuật
Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, văn xuôi thường viết về vấn đề đời tư, thế sự; không gian ở đó là không gian sinh hoạt đời thường. Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 cũng nằm trong dòng chảy chung của văn học nước nhà, thể hiện rõ nét trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải. Họ viết về cuộc sống thành thị, nông thôn, về số phận con người trong thời đại mới. Vì thế ta thường thấy xuất hiện những không gian trong sinh hoạt đời thường. Đó là nơi để nhân vật hoạt động và tự thể hiện mình trong cuộc sống thường ngày. Cái không gian chật chội của một gia đình có năm đứa con trên một con thuyền lênh đênh trên biển những lúc sóng to gió lớn; cũng có lúc khổ đau đến tận cùng vì người chồng vũ phu “cứ ba ngày một trận nặng, năm ngày một trận nhẹ”. Thế nhưng người vợ ấy vẫn không chịu bỏ chồng theo đề nghị của người làm công lí vì nhiều lí do mà bà đưa ra hết sức thuyết phục. Nhưng xét đến cùng, trong không gian ấy con người bộc lộ đến cùng bản chất nhiều mặt: tốt – xấu, thiện – ác, cao cả – thấp hèn, cách đối nhân xử thế của mình. Qua đó tác giả thể hiện cái nhìn về những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh.
* Thời gian nghệ thuật
Đọc truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, chúng ta dễ dàng nhận ra thời gian nghệ thuật ở trong tác phẩm là thời gian của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó đan quyện vào nhau, gắn kết với nhau để con người thể hiện mình, từ đó làm nên giá trị, ý nghĩa của tác phẩm. Điều đó thể hiện rõ nét qua hình ảnh cô Hiền – một người Hà Nội (trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải) luôn lặng lẽ giữ lấy nét hào hoa, thanh lịch của văn hoá Hà Nội lại được đặt giữa bối cảnh đã có sự đối lập giữa lối sống của người Hà Nội xưa với người Hà Nội hôm nay. Có thể nói rằng, các tác giả truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 đã rất thành công trong việc sử dụng thời gian như một phương tiện hữu hiệu để tạo nên hiệu quả nghệ thuật nhất định. Do vậy, tìm hiểu yếu tố thời gian nghệ thuật trong tác phẩm không những là để khám phá tác phẩm mà còn giúp học sinh thấy rõ được tài nghệ của nhà văn; có nhận thức được sự sâu sắc, tinh tế về nội dung của tác phẩm, thì việc tiếp nhận tác phẩm mới trở nên toàn vẹn hơn.
3. Ngôn ngữ, giọng điệu
* Ngôn ngữ
Ngôn ngữ truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 thể hiện hết sức phong phú, đa dạng vừa gần gũi, bình dị như cuộc sống hàng ngày lại vừa đầy suy tư, sâu lắng. Truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải và Chiếc thuyền ngoài xa của nguyễn Minh Châu là minh chứng hùng hồn cho đặc điểm đó. Sự lí giải của người đàn bà hàng chài trước tòa án huyện: “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi cho con đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!… vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”. Phải nói rằng, cái ngôn ngữ mà người đàn bà hàng chài đưa ra để giải thích lí do đối với chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng; dù không hoa mĩ, cầu kì, sắc sảo nhưng nó chứa đầy sức thuyết phục. Vì đó là ngôn ngữ của người đàn bà hàng chài, nó bình dị gần với cuộc sống đời thường nhưng mang đậm triết lí sâu sắc. Bởi đó là thực tế cuộc sống mà chỉ có họ mới là người nếm trải, lại thấm thía và thấu hiểu mà không ai có thể làm thay được.
* Giọng điệu
Sau năm 1975, khi chiến tranh đi qua, nhịp sống đời thường trở lại với tất cả những biểu hiện phong phú của đời sống: ích kỉ, vị tha, cao thượng, thấp hèn, phàm tục…Văn xuôi từ chỗ “phản ánh hiện thực” đến chỗ “nghiền ngẫm hiện thực”, đi vào tìm hiểu “toàn bộ chiều sâu của tâm hồn con người”.Vì thế văn chương không thể chỉ có cảm xúc ngợi ca mà còn có đối thoại, đó chính là biểu hiện của mối quan hệ bình đẳng giữa nhà văn và độc giả. Thời kì này, nhà văn nhìn cuộc sống qua lăng kính đời tư, thế sự, quan tâm đến con người ở tư cách cá nhân. Từ giọng điệu trang trọng sử thi, sắc bén họ chuyển dần sang giọng điệu tâm tình, gần gũi, giản dị của đời thường. Con người không chỉ là đối tượng để ngợi ca mà còn là tiêu điểm để nhà văn khai thác bề sâu tâm hồn. Nếu như trước 1975, nhà văn ngợi ca những con người, những sự kiện mang tầm vóc sử thi thì sau 1975, tác phẩm truyện ngắn tập trung ngợi ca những con người bình dị, hồn nhiên thể hiện niềm tin của tác giả vào con người và cuộc đời. Việc ngợi ca đức hi sinh cao cả của người phụ nữ làm nghề chài lưới trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đã cho thấy thái độ trân trọng, thấu hiểu và cảm thông của nhà văn đối với nhân vật mình. Hay trong truyện ngắn Một người Hà Nội, Nguyễn Khải đã cho thấy: trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhân vật cô Hiền vẫn mãi là “hạt bụi vàng” giữa đất kinh kì “chói sáng những ánh vàng”.
4. Cốt truyện, kết cấu của tác phẩm
* Cốt truyện
Khi tìm hiểu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, để giúp HS nắm được sự phát triển của cốt truyện, GV có thể yêu cầu HS kể lại tác phẩm sau khi đã đọc. Khi kể, các em có thể trình bày một cách chi tiết hoặc sơ lược, nhưng miễn là giới thiệu được câu chuyện xoay quanh phát hiện của nghệ sĩ Phùng và cuộc sống của gia đình hàng chài. Qua đó, nhà văn gửi gắm quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Nắm được cốt truyện tức là giúp HS củng cố được tri thức văn học đồng thời trau dồi năng lực tư duy, ngôn ngữ, phát triển năng khiếu thẩm mĩ cho HS. Điều quan trọng để nắm vững cốt truyện trong tác phẩm là phân tích các chặng đường phát triển chủ yếu của nó.Từ đó sẽ tạo ở các em một ấn tượng hoàn chỉnh về hình tượng tự sự ở trong tác phẩm. Nắm vững cốt truyện là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hướng dẫn HS tìm hiểu những yếu tố về nghệ thuật của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 ở trường phổ thông.
* Kết cấu
Truyện ngắn từ sau năm 1975 đã không chịu đầu hàng trước hiện thực phức tạp, đa chiều của cuộc sống; đã đem lại nhiều kiểu kết cấu hết sức đa dạng, phong phú và linh hoạt. Đó là kiểu kết cấu tâm lí, giúp nhà văn có điều kiện thâm nhập vào thế giới bên trong của tâm hồn con người mà không cần nhiều lời. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh cuộc sống của gia đình người đàn bà hàng chài (trong Chiếc thuyền ngoài xa) và những sinh hoạt quen thuộc dường như đã trở thành “nếp” trong gia đình cô Hiền (trong Một người Hà Nội); tưởng chừng như rất đơn giản nhưng trong đó chất chứa bao nỗi niềm trăn trở của nhà văn về con người và cuộc sống. Dường như tác giả muốn trao quyền kết luận cho người đọc qua việc sử dụng lối kết cấu độc đáo này. Hay ở phần kết tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, hình ảnh người đàn bà “bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”. Hình ảnh ấy gợi cho người đọc cảm nhận được rằng: “người đàn bà” hòa lẫn trong đám đông ấy phải chăng còn bao số phận khác như người đàn bà hàng chài này chăng? Cuộc đời họ rồi sẽ đi về đâu… Kết cấu đó cũng gợi mở nhiều vấn đề, tạo ra nhiều khoảng trống để người đọc cảm nhận và giải mã khoảng trống đó.
5. Nhân vật trung tâm
Khi tìm hiểu nhân vật trung tâm trong truyện ngắn, cần dựa vào các yếu tố: lai lịch, ngoại hình, gốc gác, ngôn ngữ, nội tâm, cách ứng xử, cử chỉ, hành động của nhân vật. Phân tích, tìm hiểu nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội đã cho thấy: Điều mà tác giả quan tâm và tập trung thể hiện ở nhân vật cô Hiền chính là vẻ đẹp của một lối sống, nhân cách người Hà Nội, “một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn”, như chính lời của người kể chuyện nói về nhân vật. Truyện đưa ra nhiều chi tiết sự việc về nhân vật cô Hiền, nhưng chung quy lại vẫn là ở hai mối quan hệ chính: gia đình và xã hội, với cách mạng. Với tư cách là người mẹ, người chủ gia đình, hay một công dân, ở nhân vật cô Hiền đều toát lên một vẻ đẹp của nhân cách, của lối sống văn hoá, của một bản lĩnh. Đó là con người luôn giữ vững những quan niệm và cách sống của mình, không bị biến suy theo những đổi thay của thời cuộc, lại tỉnh táo sáng suốt, không xu thời nhưng cũng không để bị rơi vào tình thế của kẻ lạc thời. Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, giàu có; thời trẻ cô Hiền được cha mẹ cho phép mở một xa lông văn chương, nơi gặp gỡ của nhiều văn nhân nghệ sĩ có tiếng của đất Hà thành. Như thế, cô thuộc thế hệ tân tiến trong lớp thanh niên thành thị thời trước cách mạng. Nhưng việc cô lấy chồng lại chọn “một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Điều đó thể hiện rõ sự lựa chọn tỉnh táo và những quan niệm nghiêm túc của cô về hôn nhân và gia đình. Nhưng việc dạy dỗ con cái của cô là nhằm hướng tới cái quan trọng nhất trong nhân cách một con người…
6. Tình huống truyện
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa thuộc loại tình huống cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật. Điều đó thể hiện rõ nét thông qua quá trình nhận thức khá quanh co và được “vỡ ra” từ hiện thực cuộc sống của nhiếp ảnh Phùng và chánh án Đẩu. Để có được một tấm lịch nghệ thuật thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, nhiếp ảnh Phùng tới một vùng biển vốn là chiến trường cũ của anh. Và mất mấy ngày “săn tìm”, anh mới “chộp” được một tấm hình như ý. Đó là một sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ không phải khi nào cũng có được. Nó giống như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Phùng trở nên bối rối và “trong tim như có cái gì bóp thắt vào”. Anh cảm thấy mình vừa “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng bước ra từ chiếc thuyền là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi; một gã đàn ông to lớn dữ dằn; một cảnh tượng tàn nhẫn: gã chồng đánh đập vợ một cách thô bạo; đứa con thương mẹ đã đánh lại cha. Phùng kinh ngạc đến thẫn thờ, như “chết lặng”, không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt. Tuy nhiên, đó mới là phần khởi đầu của truyện cũng như của tình huống. Cuộc tiếp xúc giữa chánh án Đẩu và người đàn bà hàng chài đẩy tình huống truyện lên tầm cao của giá trị nhận thức. Theo lời mời của chánh án Đẩu – người có ý định khuyên bảo, thậm chí đề nghị người đàn bà ấy từ bỏ lão chồng vũ phu. Nhưng trước toà án, chị ta đã từ chối quyết liệt với những lí do không khỏi Phùng và Đẩu “đau đầu” suy nghĩ: Đó là vì gã chồng ấy là chỗ dựa quan trọng của những đàn bà hàng chài như chị, nhất là khi biển động, phong ba. Hơn thế nữa, chị còn có những đứa con, chị phải sống vì chúng nhiều hơn là cho bản thân chị. Và quan trọng hơn là trên thuyền cũng có những lúc vợ chồng, con cái sống hoà thuận, vui vẻ…
Như vậy, tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa giống như một vòng tròn đồng tâm mà người nhiếp ảnh Phùng cũng như chánh án Đẩu đều phải trải qua một quá trình nhận thức để đạt đến trạng thái “đốn ngộ” cho tâm hồn.
Nguồn: Dẫn theo bài viết HƯỚNG DẪN HỌC SINH VẬN DỤNG THI PHÁP HỌC VÀO DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU NĂM 1975 của Th.S Chu Đình Kiên, Th.S Trần Thị Hương