Bộ Giáo dục điều chỉnh chương trình giáo dục THPT

0

Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh hoạt động giáo dục bắt buộc và các môn lựa chọn ở cấp THPT sau khi Lịch sử thành môn bắt buộc.

Ngày 3/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 13 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có những điều chỉnh liên quan đến chương trình tổng thể và môn Lịch sử bậc THPT nhằm bảo đảm yêu cầu của Quốc hội về việc “thiết kế môn Lịch sử THPT có cả phần bắt buộc và lựa chọn”.

So với chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018 và triển khai với cấp THPT bắt đầu từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thay vì là môn lựa chọn trong nhóm Khoa học xã hội. Như vậy, chương trình cấp THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp) có tám môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (tăng một so với ban đầu) gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Số môn lựa chọn từ 10 còn chín gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Thay vì chia thành ba nhóm môn gồm Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Nghệ thuật như trước, chín môn lựa chọn không chia thành nhóm nữa. Điều này đồng nghĩa học sinh được chọn bốn môn lựa chọn bất kỳ để học thay vì chọn tối thiểu mỗi nhóm một môn như quy định trước đây. Đồng thời, các trường THPT phải xem xét lại các tổ hợp môn lựa chọn đã xây dựng khi thông báo tuyển sinh đầu vào.

Số tiết học mỗi năm cấp THPT trước và sau khi Lịch sử thành môn bắt buộc.

Môn Lịch sử cấp THPT sẽ có thời lượng 52 tiết mỗi năm lớp 10, 11, 12 (được điều chỉnh từ 70 tiết mỗi năm khi còn được coi là môn lựa chọn). Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết mỗi năm như cũ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc điều chỉnh môn Lịch sử theo nguyên tắc không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành. Các chủ đề, nội dung lựa chọn để dạy trong môn Lịch sử phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, coi trọng kiến thức Lịch sử dân tộc nhằm giáo dục lòng yêu nước.

Phần Lịch sử bắt buộc cũng sẽ đảm bảo tính khả thi, sự phù hợp, vừa sức với tất cả học sinh. Phần này cũng sẽ hướng tới sự hài hòa, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc điều chỉnh chương trình đảm bảo sử dụng được sách giáo khoa lớp 10 đã biên soạn. Nói về giáo viên, Bộ cho biết giáo viên đã được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết Lịch sử mỗi năm nên đủ năng lực để dạy 52 trong số 70 tiết đó. Bộ sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà.

Chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản nhưng là môn lựa chọn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn Lịch sử ở chương trình giáo dục cấp THPT theo hướng bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn.