Kết bài Sóng | TOP các mẫu kết bài hay cho bài thơ Sóng

0

Trong một bài văn nói chung, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của phần kết bài. Cùng Bubi tìm hiểu các mẫu Kết bài bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh đã được chọn lọc và tổng hợp ngay dưới bài viết này để biết cách viết kết bài hay, thuyết phục người đọc nhất.

Kết bài Sóng | TOP các mẫu kết bài hay cho bài thơ Sóng
Kết bài Sóng | TOP các mẫu kết bài hay cho bài thơ Sóng

Tham khảo thêm:

Kết bài Sóng số 1

Như vậy, với đầy đủ sắc thái tâm trạng, cảm xúc của người đang yêu đó là nỗi khát khao, niềm đam mê bất tận có được hạnh phúc và  nỗi nhớ nhung, suy tư lắng đọng, Xuân Quỳnh đã bộc lộ một cách thật tinh tế và tài hoa trong bài thơ “Sóng”. Sau này, ta sẽ còn bắt gặt một Xuân Quỳnh với giọng thơ tha thiết, nồng nàn, hay một Xuân Quỳnh với tấm lòng nhân hậu trong nhiều bài thơ tình khác nữa, nhưng rõ ràng, ở “Sóng”, nhà thơ đã thể hiện khá đầy đủ phong cách thơ ca của mình. Giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt đầy máu lửa, thơ tình Xuân Quỳnh đã làm cho người ta có thêm niềm tin vào sự sống, vào con người hơn nữa. Sóng đã mang lại khoảng bình yên cho tâm hồn độc giả, mang lại tình yêu cho đôi lứa đang yêu.

Kết bài hay cho bài thơ Sóng số 2

Sóng là một bài thơ về tình yêu tiêu biểu nhất cho tư tưởng cũng như phong cách sáng tác của Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng, đằm thắm vừa mãnh liệt, sôi nổi, vừa hồn nhiên, trong sáng, lại vừa ý nhị sâu xa. Sau này khi đã trải qua nhiều cay đắng trong tình yêu, thì giọng thơ của nhà thơ đã không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng về tình yêu vẫn tồn tại vĩnh hằng trong trái tim tràn ngập yêu thương của nhà thơ.

Mẫu kết bài cảm nhận bài thơ Sóng số 1

Tình yêu dù có mãnh liệt, dữ dội đến bao nhiêu cũng không thể vượt qua  được quy luật khắc nghiệt của cuộc đời, cũng có lúc sẽ gặp phải những trắc trở, thâm chí là chia ly, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng không vì thế mà nó lại mất đi vẻ đẹp vĩnh hằng muôn thuở hay sớm bị lãng quên; mà qua năm tháng, càng nhiều khó khăn thử thách thì tình yêu ấy lại càng lớn lên, thắm thiết, sâu sắc và bền vững hơn. Dù có thể là tình yêu ấy, như những con sóng ngoài khơi xa kia không thể đến được bến bờ của hôn nhân,  của hạnh phúc nhưng đó cũng sẽ là mộtkỷ niệm đẹp, một kỷ niệm đáng nhớ trong đời của mỗi con người, nếu chúng ta biết nâng niu, biết trân trọng và gìn giữ nó như một món quà quý giá mà cuộc sống đã ban tặng cho ta!

Mẫu kết bài cảm nhận bài thơ Sóng số 2

Như vậy, với kết cấu song hành của hai hình tượng “sóng” và “em” vừa hòa quyện, vừa tách biệt, nhà thơ Xuân Quỳnh đã diễn tả về một tình yêu vừa mang vẻ đẹp hiện đại mới mẻ, nhưng cũng đậm chất truyền thống qua lăng kính độc đáo của người phụ nữ đang say đắm trong tình yêu. Bằng thể thơ năm chữ quen thuộc cùng cách ngắt nhịp linh hoạt, nữ thi sĩ đã tạo lên một khúc tình ca bất hủ về tình yêu gắn với niềm thương, nỗi nhớ và hạnh phúc giản dị đời thường.

Mẫu kết bài hình tượng sóng và em trong Sóng – Xuân Quỳnh 

Hình tượng “sóng” được Xuân Quỳnh khám phá dựa trên sự tương đồng, sự hòa hợp với “em”. Hình tượng “em” vừa mang nét truyền thống đậm đà lại vừa mang nét hiện đại, người con gái ấy chủ động đi tìm tình yêu, táo bạo, thẳng thắn thể hiện nỗi nhớ, niềm lo âu. Bằng ngôn ngữ thơ trong sáng và bình dị, đơn sơ nhà thơ đã xây dựng thành công hình tượng “sóng” và “em”, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Mẫu kết bài phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh số 1

Và dẫu dòng thời gian mãi trôi vô định không bao giờ quay trở lại thì sóng vẫn cứ mãi hát lên khúc ca của đại dương bao la bất diệt, vẫn cứ là mình, vẫn “dữ dội, dịu êm, vẫn “ồn ào, lặng lẽ”. Cũng giống như tình yêu vậy, những khát khao về tình yêu luôn là những hoài bão đang đập nhộn nhịp trong trái tim của những người trẻ. Câu chuyện tình yêu tươi đẹp ấy là câu chuyện của tôi, của bạn và của chúng ta, nó ở trong quá khứ, hiện tại và đến muôn đời sau vẫn sẽ còn nhắc mãi, nhắc hoài. Còn đại dương là còn sóng, trái tim còn đang đập trong lồng ngực là còn tình yêu.

Mẫu kết bài phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh số 2

Với một trái tim yêu thương chân thành, nồng nàn cùng lý trí sắc sảo và một tâm hồn mộng mơ, Xuân Quỳnh đã phát hiện và khái quát nên quy luật bất diệt của tình yêu qua hình tượng sóng. Nét đặc sắc trong cả nội dung và nghệ thuật ở hai khổ thơ này đã góp phần nào đó tạo lên sự thành công của tác phẩm cũng như khẳng định tài năng vượt bậc của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Mẫu kết bài phân tích khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh số 1

Chỉ với hai khổ thơ ngắn gọn, nhưng cách diễn đạt nhỏ nhẹ truyền cảm cùng với những câu hỏi vừa như nghi vấn, vừa như giãi bày tâm tư đã phần nào lột tả được nét nữ tính, mềm mại trong hồn thơ của Xuân Quỳnh. Đồng thời trong hai khổ thơ này, người đọc cũng thấy thêm một nét mới mẻ, độc đáo nữa của những trái tim đang yêu trong hành trình kiếm tìm, chinh phục và lí giải cội nguồn của tình yêu

Mẫu kết bài phân tích khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh số 2

Người thiếu nữ trong khổ thơ thứ 3 và 4 này đã “tự hát” về nỗi khao khát được yêu thương, được một lòng thủy chung son sắt trong tình yêu hạnh phúc. Hình tượng sóng gợi lên những rung động nồng nàn, thắm thiết, còn “em” hiện lên với vẻ say mê bởi lẽ với em, tình yêu là một nỗi khát vọng dường như kéo dài vô bờ vô tận.

Mẫu kết bài phân tích khổ thơ 5 và 6 bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

Như vậy, hai khổ thơ trên là những chiêm nghiệm, khám phá và sự đúc kết của nhà thơ về tình yêu rằng: yêu là nhớ, yêu là thủy chung. Những người đang yêu có lẽ sẽ thấy chính mình cũng là “em”, cũng bồi hồi, bồn chồn khi nhớ người yêu và một lòng mong ước gắn bó bền chặt. Những người chưa yêu có lẽ thấy khát khao có được tình yêu, mong muốn cũng được trải qua những sắc thái mà chẳng gì có thể mang lại được ấy. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung như khơi dậy sắc thái của tình yêu trong lòng người đọc như thế đấy.

Chắc chắn với những mẫu Kết bài Sóng của Xuân Quỳnh được chia sẻ trên đây sẽ hỗ trợ các bạn phần nào để dễ dàng hơn trong việc hoàn thiện yêu cầu cơ bản của một bài văn.