Nhân dịp ra mắt Tuyển thơ Lưu Quang Vũ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (17/5/2010) đã có một cuộc Toạ đàm tại Hà Nội, do Công ty Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace tổ chức.
Qua đó, nhiều bạn bè văn thơ, và các nhà nghiên cứu, hầu như đã đánh giá sự nghiệp thơ Lưu Quang Vũ khá thoả đáng. Tuy thơ được xếp sau đỉnh cao là kịch, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn thực sự đam mê và say đắm với thơ ca.
Thơ là tiếng lòng chân thật, là tiếng nói trước hết với chính mình của Lưu Quang Vũ. Và cũng là lời tâm tình với bè bạn thân yêu và nhân quần xã hội với những cảm xúc nhiều cung bậc chân thành, vả cả những khát vọng nhân văn cao cả.
*
I/ NHÌN LẠI ĐƯỜNG THƠ LƯU QUANG VŨ
Lưu Quang Vũ đến với thơ một cách hồn nhiên, như một nhu cầu tự thân.
Cũng có thể là những hứng thú từ văn hoá nhà trường, trong đó có không ít thơ ca truyền thống và hiện đại Lại như, sâu xa hơn một chút, là sự gieo mầm thi hứng từ người cha – thi sĩ Lưu Quang Thuận.
Một sự thực hiển nhiên là, Vũ làm thơ từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường cấp 3 – tức là thơ sớm nở rộ ở độ tuổi vị thành niên.
Sau khi đi bộ đội, anh tiếp tục làm thơ, và có thơ in năm 1968 – Hương cây và Bếp lửa – tập thơ in chung với Bằng Việt.
Tác nhân quan trọng nhất chính là lý tưởng và hiện thực cách mạng vào tuổi đầu đời.
Qua những dòng Nhật ký (trong Di cảo Lưu Quang Vũ được công bố năm 2018), ta đọc được tâm hồn sôi nổi và nhiệt hứng anh hùng cách mạng của chàng trai mới 17 tuổi.
Sau đây là đôi dòng trích về nhật ký những ngày lên đường nhập ngũ.
“Thứ năm 3/6. Ngày nhập ngũ.
… Mẹ ngồi vào một góc, quay mặt vào trong và khóc.
17 năm. 17 năm ta đã sống và lớn lên. Tâm hồn và ý chí đã trở thành một con người xứng đáng. Ta sớm bước vào đời, lại là đời chiến sĩ, 17 tuổi. Ôi hạnh phúc nào vui hơn hạnh phúc 17 tuổi đời cầm súng giữ quê hương.
Ta ra đi, không có gì ngoài tấm lòng bát ngát yêu thương, ngoài một trái tim dào dạt ước mơ và dũng cảm.. 17 năm bao ơn huệ với cuộc đời, nay đã đến giờ đền đáp. Đã đến lúc ta đem tất cả sức lực của ta hiến dâng đời, hiến dâng đất nước khổ đau và dũng khí sáng ngời, hiến dâng cho nhân dân rộng lớn, cần cù, bình dị và tuyệt vời anh hùng –“ chung mình phải rời tổ vì chúng mình đã lớn”.
Có nghe chăng? Lòng ta ơi. Đất nước đã gọi ta lên đường! Và ước mơ của ta nữa, lao vào cuộc sống, ngoài trách nhiệm cầm súng, ta còn duyên nợ với cuộc đời nữa là cầm bút…”.
Vậy là, Lưu Quang Vũ lên đường cầm súng với ý thức công dân cháy bỏng, và một tâm hồn thi sĩ đầy khát vọng. Anh gửi tặng mẹ mấy dòng thơ hồn nhiên như tâm hồn đang phơi phới bay bổng: “Từ giã những tà áo tuổi thơ, từ giã mẹ/ Con khoác trên mình áo bộ đội xanh/ Màu xứ sở ru con từ thuở nhỏ/ Nay cùng con đi giữ đất quê mình”.
Đó cũng là tâm trạng của một thế hệ trẻ hào hùng với lời hát: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật).
Một nhân tố đặc biệt quan trọng, làm nên tài năng văn chương của Lưu Quang Vũ là cảm hứng nghệ thuật và tình yêu tiếng mẹ đẻ như máu thịt tâm hồn.
Cậu bé Vũ đã được học vẽ với các bậc hoạ sĩ tài danh từ hồi còn nhỏ ở nơi sơ tán , hồi kháng chiến. Lớn lên, anh vẽ tranh như một nghề tay trái, nhưng đã để lại dấu ấn hội hoạ qua hình ảnh, màu sắc trong văn thơ, và cả cấu trúc, trang trí kịch trường.
Sau này, trong phòng làm việc ở nhà, luôn có thơ, văn, và cả tranh vẽ như những sản phẩm của một tâm hồn nghệ sĩ.
Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ là một người một đời chủ yếu làm “phu chữ”, và chính chữ nghĩa đã tôn vinh nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch tài danh.
Tiếng Việt có thể coi là một tuyên ngôn không chỉ về ngôn ngữ của Lưu Quang Vũ.
Xưa kia, nhà thơ lớn Huy Cận đã để lại những vần thơ về tiếng Việt nổi tiếng với nỗi lòng: “Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời”. Lưu Quang Vũ đã nâng cao ý tưởng ấy, tâm hồn ấy với nhiều phát hiện phong phú và sâu sắc. Qua đó, ngoài sự tôn vinh tiếng nói dân tộc, còn là tình cảm, ý thức với tiếng Việt trên những phương diện chủ yếu nhất.
Qua tiếng Việt, ta thấy rõ cả tiếng nói đời sống và tâm hồn, là tâm tuệ con người, là hồn thiêng đất nước, là nỗi lòng với niềm tự hào của mỗi con dân đất Việt, kể cả người xa xứ: ‘Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya”.
Nhà thơ ca ngợi cái diệu kỳ của âm và thanh tiếng Việt, và cao hơn, cái trầm tích văn hoá qua ngôn ngữ. Tuy nhiên, có một ý tưởng đột xuất tổng hoà được loé lên ở đoạn kết:
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
……………………………………………
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình
Thì ra, ai cũng vậy, nhưng riêng nhà văn – nghệ sĩ thì làm văn nghệ là để trả nghĩa ân tình ngôn ngữ, cũng là để làm đẹp thêm chữ nghĩa văn hoá dân tộc.
Nhà văn, nhà thơ, hơn ai hết, phải thấu hiểu một cách đầy đủ nhất, tường tận và sâu xa nhất về cái đẹp, cái hay của tiếng Việt như nguyên liệu chủ yếu của sáng tạo văn bản:
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Người Pháp tự hào về tính chính xác, minh bạch của ngôn ngữ. Người Việt có thể kiêu hãnh về sự tế nhị của tiếng nói qua văn cảnh, qua biểu cảm. Và cũng vì thế, không hẳn là thiếu minh triết.
Cũng là từ chỉ ngôi thứ, ta hãy thử phân tích đôi tựa đề của Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi (thơ), Tôi và chúng ta (kịch), Ông không phải là bố tôi (kịch). Tôi chỉ là ngôi thứ nhất, nhưng mang sắc thái khác nhau. Lại như Ông không phải là bố tôi, và Ông vua hoá hổ. Ở đây, rõ ràng hai từ ông không cùng một loại từ.
Vậy là, nhà văn rõ ràng không chỉ thấu hiểu cái đẹp, mà còn phải làm giàu, làm đẹp thêm chữ nghĩa dân tộc. Làm việc này vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm – vì chính là sự thể hiện trực tiếp của niềm tự tôn và tự hào dân tộc.
Lưu Quang Vũ đã tâm niệm như vậy khi cầm bút làm thơ, và coi văn chương là sự nghiệp cao đẹp của đời mình.
*
Thực ra, tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ là một sự chắt lọc tâm hồn.
Có bài thơ đã được in ra khi còn hiện diện trên đời. Lại có cả thơ làm mà chưa được in ( hay khó in ?) như di cảo. Có tập được in sau khi nhà thơ mất.
Chính thức xuất hiện trên thi đàn là 3 tập:
– Hương cây (1968, in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây – Bếp lửa).
– Mây trắng của đời tôi (1989).
– Bầy ong trong đêm sâu (1993).
Ngoài ra là một số bài chưa in thành tập.
Sau này, Lưu Quang Vũ vừa viết kịch vừa làm thơ, ngay cả khi đã nổi tiếng trên kịch trường vẫn tiếp tục làm thơ. Thơ vẫn là một nỗi niềm sâu thẳm trong tâm hồn thi sĩ.
Năm 1987, Vũ viết thư gửi Xuân Quỳnh ở Liên Xô vẫn là sự giao lưu của hai tâm hồn thơ, giữa lúc đơn đặt hàng kịch tới tấp gửi đến: “Anh cũng muốn làm cho xong mọi “com măng” để thư thả mà làm thơ. Anh muốn viết khác đi, hay hơn và chắc rằng sẽ viết được”.
Có thể thấy rõ hai chặng đường thơ lớn của Lưu Quang Vũ: trước và sau 1975, chính xác hơn là từ sau 1970 đã có khuynh hướng đổi khác.
Thời Hương cây còn nhiều dấu ấn lãng mạn, và theo khuynh hướng chung là sử thi hào hùng.
Dần dần, nhà thơ chú trọng vào bút pháp hiện thực, và chuyển dần sang khuynh hướng thế sự , chính xác là thời sự – thế sự.
Thực ra, đó cũng là xu thế chung của hai thời đoạn lớn – chiến tranh và hoà bình.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh phải va chạm và lăn lộn với thực tế nhiều gian nan, vất vả với nhửng cảnh ngộ riêng (có không ít lo toan, khốn khó, dằn vặt, trắc trở), thơ Lưu Quang Vũ sớm có những thức tỉnh và suy nghiệm riêng về nhân tình – thế thái. Đó có thể gọi là loại thơ thời sự – thế sự. Chủ yếu đó là xu thế nhận thức lại, và khát vọng đổi mới thơ từ một quan niệm thơ, quan niệm nghệ thuật đã có phần thay đổi.
Hai chặng đường thơ lịch sử vẫn của một con người, nhưng đã có nhiều đổi khác trong cảm thức.
Bạn đọc cảm thông, bao dung vẫn chấp nhận những giá trị khác nhau, mang những màu sắc không đồng nhất trong thơ Lưu Quang Vũ.
Thời Hương cây có những câu thơ in hằn sâu vào tâm trí cả một thế hệ yêu thơ, yêu nước:
Ta đi giữ nước yêu thương lắm
Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình
Những tình cảm hồn nhiên với cái đẹp trên đời sẽ còn mãi trong tâm trí:
Có lẽ nào có thể quên được nhỉ
Cuộc đời mình có có cả tóc tiên
Và lòng yêu đời như xúc động thiêng liêng, bền bỉ mãi: “Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi/ Về cuộc đời ghê gớm ta yêu”.
Thơ tình Lưu Quang Vũ, trước sau, đều mê đắm những vần thơ đẹp của tình yêu hạnh phúc.Đây là một mảng thơ rất phong phú giàu sắc thái.
Tuy nhiên, thơ tâm sự của Lưu Quang Vũ một thời từ những năm 70 (là thời đoạn hào hùng mà cay đắng của nhà thơ) cũng có những nét đáng cảm thông và trân trọng. Qua đó, không chỉ là cái riêng, mà còn có cả cái chung.
Thời đoạn này trong thơ Vũ có gì đó đau đớn, cay cực, nhưng vẫn yêu đời và níu bám chặt chẽ cuộc đời. Nhà thơ không giấu giếm những trăn trở, bức xúc và đôi khi cả hoài nghi từ bản thân mình, từ “Tuổi hai mươi khốn khổ của tôi ơi/ Tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài” cùng với những tiêu cực xã hội còn rơi rớt phơi bày.
Ngoài ra, như Vương Trí Nhàn trong một tiểu luận, đã kêu gọi sự độ lượng, cảm thông của bạn đọc, và nên đánh giá đúng mực và công bằng cả đời thơ Lưu Quang Vũ – một nhà thơ xuất hiện như một hiện tượng lạ trên thi đàn, và còn để lại sự lan toả một ánh sáng riêng.
II/ SỰ TOẢ SÁNG ÁNH LỬA MỘT HỒN THƠ TƯƠI ĐẸP
Thơ Lê Quang Vũ, từ khi xuất hiện, đã nhận được sự chú ý lớn của dư luận.
Trước hết, nhà thơ trẻ lọt ngay vào “con mắt xanh” của nhà phê bình hàng đầu nổi tiếng là Hoài Thanh. Qua bài Một cây bút trẻ nhiều triển vọng, Hoài Thanh đã chỉ ra tâm hồn của một thi sĩ tài hoa, và nhìn thấy chiều hướng phát triển cảu Lưu Quang Vũ. Nhà phê bình tài ba Lê Đình Kỵ cũng rất tâm đắc về tình yêu thiên nhiên sâu sắc, được nâng lên thành tình yêu quê hương đất nước qua bài viết Hương cây – Bếp lửa, đất nước và đời ta.
Vương Trí Nhàn – nhà nghiên cứu và phê bình văn học sắc sảo, người viết lời bạt cho tập thơ xuất hiện sau này – Bầy ong trong đêm sâu đã nhận ra sự chuyển tiếp, đổi khác một chặng đường thơ của một Lưu Quang Vũ khác. Đó là Vũ của dằn vặt, đau xót, lỡ lầm, cô đơn; mà cũng là Vũ muốn vươn lên mệt mỏi, hoài nghi để sống, để tồn tại.
Vậy là, có sự đánh giá đầy đủ hơn, và chính xác, khách quan hơn về đường thơ và đời thơ Lưu Quang Vũ.
Đã có những công trình đánh giá kỹ lưỡng trên tinh thần khoa học về cái được, cũng như những bất cập còn tồn tại trong thơ Lưu Quang Vũ.
Ở các trường đại học cũng đã có những công trình khoa học, những luận văn công phu tìm hiểu giá trị thơ Lưu Quang Vũ. Bên cạnh đó, là những hội thảo khoa học với những đánh giá ở nhiều góc độ, và những tiếp nhận phong phú, đa chiều.
Có những xác định về giá trị thơ Lưu Quang Vũ của những nhà thơ uy tín, và các nhà khoa học có tên tuổi. Như những người cùng trang lứa – Anh Ngọc, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương,… hay những giảng viên cao cấp, có học hàm, học vị – Phong Lê, Bích Thu, Huỳnh Như Phương,…
Hầu như những người viết đều sẻ chia và cảm thông sâu sắc với đời thơ và người thơ Lưu Quang Vũ. Họ thấy rõ qua thơ anh một thời hào hùng bi tráng của lịch sử. Đồng thời, thấy rõ những nỗi niềm của một thế hệ thông qua tâm hồn nhà thơ – trải nghiệm một thân phận – cũng có chất hào hùng và cay đắng.
Mặt khác, tất cả đều tôn vinh một tài năng xuất sắc, một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa với cá tính sáng tạo và độc đáo qua thơ.
Có thể thấy, sự đánh giá đạt được nhất trí về giá trị thơ trên những phương diện chủ yếu nhất:
– Là con người đa cảm, đa đoan, Lưu Quang Vũ thể hiện một hồn thơ tinh nhạy, giàu cảm xúc. Diện mạo tâm hồn nhà thơ được biểu hiện với nhiều sắc thái chân thực, biến hoá.
– Lưu Quang Vũ chủ trương một quan niệm thơ có nhiều khía cạnh, ý tưởng mới lạ, giàu ý nghĩa sáng tạo.
– Với tài năng xuất sắc, Lưu Quang Vũ đã tạo ra thế giới nghệ thuật thơ phong phú, đa dạng với những phương tiện thể hiện đặc sắc – từ hình ảnh, hình tượng đến giọng điệu và ngôn ngữ thơ ca.
– Tài hoa của nhà thơ thiên bẩm Lưu Quang Vũ chưa được phát lộ hết, nhưng đã thể hiện một cá tính sáng tạo độc đáo, có giá trị đóng góp cho thi đàn hiện đại, và có sức toả sáng lâu bền với thời gian.
***
Với những gì đã công bố, kể cả di cảo thơ, đời thơ Lưu Quang Vũ đã khép lại. Tuy nhiên, đời và thơ của thi sĩ tài hoa vẫn là đề tài mở cho mọi khám phá và phát hiện của những tâm hồn yêu thơ và đồng điệu thơ ca.
Nguồn : Khoa Văn Học