Luyện đề số 5 – cô Trịnh Thu Tuyết

0

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục cùng cô Trịnh Thu Tuyết đi ôn luyện các đề văn tham khảo bám sát đề thi THPT Quốc gia.

A. Đề bài:

I. Đọc hiểu.

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
“Mùa đông đang đến gần,
Các loài chim bắt đầu thấy lạnh,
Rủ nhau bay về nam lẩn tránh,
Dù suốt mùa hè ca ngợi quê hương.

Chỉ đại bàng vẫn ngồi im,
Lặng lẽ nhìn những vườn cây trụi lá.
Khi quê hương gặp những ngày băng giá,
Đại bàng không bỏ bay đi.”

( Thơ tám câu – Raxun Gamzatop – Thái Bá Tân dịch)
1. Cách sống của các loài chim trong khổ trên và đại bàng trong khổ dưới có sự khác nhau như thế nào? (0,5)
2. Trong bài thơ của Raxun Gamzatop, mùa đông băng giá được hiểu theo tầng nghĩa nào? (0,75)
3. Hình ảnh các loài chim mùa đông “Rủ nhau bay về nam lẩn tránh/ Dù suốt mùa hè ca ngợi quê hương” có gợi cho anh/ chị liên tưởng tới hiện tượng thường gặp nào trong cuộc sống con người? (1,0)
4. Theo anh/ chị, Raxun Gamzatop có thể gửi gắm những thông điệp tư tưởng nào trong bài thơ? (0,75)

II. Làm văn
Câu 1: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về những biểu hiện chân thành của lòng yêu nước trong xã hội thời hiện đại.
Câu 2: Cảm nhận của anh / chị về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua đoạn thơ sau:

“… Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương…”

( Sóng, Ngữ văn 12, tập 1, Nxb Giáo dục)

B. Đáp án tham khảo:

I. Đọc hiểu.

1, Cách sống của các loài chim trong khổ trên và đại bàng trong khổ dưới có sự khác nhau: Mùa đông băng giá, các loài chim rời bỏ quê hương đi tránh rét vùng đất ấm áp, đại bàng không bỏ quê hương.

2, Trong bài thơ của Raxun Gamzatop, mùa đông băng giá được hiểu theo tầng nghĩa: Mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt ẩn dụ cho cuộc sống khó khăn gian khổ.

3, Hình ảnh các loài chim mùa đông “Rủ nhau bay về nam lẩn tránh/ Dù suốt mùa hè ca ngợi quê hương” có gợi liên tưởng tới hiện tượng không đẹp vẫn thường gặp trong cuộc sống con người: Khi hoàn cảnh yên bình, thuận lợi, ca ngợi quê hương đất nước, nhưng khi đất nước khó khăn, bỏ đi tìm cuộc sống sung sướng, giàu sang.

4, Raxun Gamzatop gửi gắm những thông điệp tư tưởng: Hãy sống thủy chung, tình nghĩa, có trách nhiệm với quê hương…

II. Làm văn.

Câu 1: Câu NLXH

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức của đoạn văn:

  • Có thể chọn cấu trúc tổng phân hợp, diễn dịch hay quy nạp… nhưng phải đúng hình thức đoạn văn.
  • Đúng yêu cầu về dung lượng, khoảng 200 chữ, không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Đảm bảo yêu cầu về nội dung đoạn văn: chỉ nghị luận một khía cạnh của vấn đề – biểu hiện chân thành của lòng yêu nước trong xã hội thời hiện đại.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

Có thể tham khảo hướng triển khai sau:

+ Góp phần làm giàu cho Đất nước bằng trí tuệ, nhiệt tình, sức lực của mình thay vì làm giàu cho mình bằng cách hủy hoại những giá trị vật chất, tinh thần Đất nước.

+ Góp phần làm đẹp cho Đất nước từ những giá trị vật chất như các cảnh quan thiên nhiên, những công trình được xây dựng trên mọi miền Đất nước cho đến những giá trị văn hóa Việt trong cái nhìn của bạn bè quốc tế, không kiếm lợi từ việc làm xấu xí cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của Đất nước.

+ Góp phần làm sạch cho Đất nước từ những không gian vật chất đến không gian văn hóa, dũng cảm và trách nhiệm đấu tranh với cái xấu xa, tiêu cực làm ô nhiễm Đất nước theo tất cả các nét nghĩa.

+ Ý thực sâu sắc về tình yêu nước, yêu thương không cho phép thái độ sống thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm nhưng yêu thương cũng không đồng nghĩa với ca ngợi một chiều, càng yêu thương, càng cần thái độ phản biện nghiêm túc với những tiêu cực có thể hủy hoại giá trị vật chất, văn hóa, tinh thần của Đất nước, khi đã coi Đất nước là ngôi nhà thân yêu của mình, không nhất thiết phải ngồi nhà để yêu thương, dù bất kỳ ở đâu, chỉ cần luôn trân trọng, luôn có ý thưc trách nhiệm góp phần bảo vệ, giữ gìn, xây đắp cho ngôi nhà sạch đẹp, khang trang, đó sẽ là nơi ta luôn hướng về tìm kiếm sự bình yên, ấm áp, yêu thương,…

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2: NLVH

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

– Khái quát về tác giả, tác phẩm.

Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kì kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh thể hiện một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Trong thơ Xuân Quỳnh, khát vọng sống, khát vọng chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm lo âu.

Bài thơ “Sóng” là một trong những bài thơ thành công nhất về đề tài tình yêu, cũng là một trong số những bài thơ thể hiện chân thực, tinh tế vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ luôn khát khao được yêu thương gắn bó, một trái tim luôn trăn trở lo âu, luôn mong được hi sinh, dâng hiến cho tình yêu. Bài thơ được viết năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968).

Trong hai khổ thơ 5, 6 của bài thơ, nhân vật trữ tình thông quan sóng để tự biểu hiện những nỗi niềm, cảm xúc, qua đó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

– Kết cấu hình tượng: Sóng – em.

  • Em: cái Tôi của người phụ nữ đang yêu.
  • Sóng: Hình tượng ẩn dụ cho “em”.

=> Hai hình tượng song hành trong suốt bài thơ: khi đối lập, khi hòa nhâp.

– Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu:

Khổ 5:

+ Hình ảnh sóng trong 4 câu đầu và nỗi nhớ (nhân hóa – sóng nhớ bờ ẩn dụ cho am nhớ anh)

+ Hai câu sau: nỗi nhớ và dự cảm lo âu.

Khổ 6:

+ Hai câu đầu: Khó khăn, xa cách, trắc trở, éo le nhưng người phụ nữ vẫn một lòng thể hiện cho sự nghị lực kiên cường người phụ nữ trong tình yêu.

+ Hai câu sau: Lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ trong tình yêu.

=> Thông qua những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, những phép điệp tạo sự xao xuyến cho âm hưởng thơ, đoạn thơ đã thể hiện chân thực những trạng thái tâm lí với những nét riêng đầy nữ tính, khắc họa sâu đậm vẻ đẹp vừa truyền thống, vừa hiện đại của người phụ nữ trong tình yêu.

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn luyện môn ngữ văn lớp 12.