Luyện đề số 4 – cô Trịnh Thu Tuyết

0

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục cùng cô Trịnh Thu Tuyết đi ôn luyện các đề văn tham khảo bám sát đề thi THPT Quốc gia.

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

A. Đề bài:

I. Đọc hiểu.

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kì cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát. Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông chợt thấy một căn lều rách nát. Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở một góc tối, có một cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có một giọt nước nào chảy ra cả. Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy một cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nuớc trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào chiếc bình này”.
Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào một tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất – rất nhiều nước.
Ông cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không…Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước vào cái máy bơm.
Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần … chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa …
Dòng nước mát trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.
Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đường như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm một câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể
nhận.”
(Theo báo Thiếu niên tiền phong, ngày 12/6/2016)
1. Tìm câu văn thể hiện thông điệp tư tưởng của đoạn trích?
2. Người đàn ông trong truyện đã bị đặt vào tình huống như thế nào trên sa mạc?
3. Câu chuyện cho thấy cuộc sống luôn dành cho chúng ta ít nhất hai sự lựa chọn.
Theo anh/ chị, đó là điều thuận lợi hay khó khăn cho mỗi chúng ta?
4. Nếu ở vào hoàn cảnh của người đàn ông trong truyện, anh/ chị sẽ quyết định như thế nào? Lý giải sự lựa chọn quyết định ấy của anh/ chị.
II. Làm văn
Câu 1: Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về
nguyên nhân của quan niệm: “Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận.”
Câu 2: Cảm nhận về tình cảm của người ra đi và người ở lại trong đoạn thơ sau của
Việt Bắc ( Tố Hữu):
“… Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?
– Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…”

B. Đáp án tham khảo:

I. Đọc hiểu.

1, Câu văn thể hiện thông điệp tư tưởng của đoạn trích: “Bạn phải cho trước khi bạn có thể
nhận.”

2, Nhân vật bị đặt vào một tình huống với hai sự lựa chọn khắc nghiệt: “ nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn” – tình huống lựa chọn sẽ cho thấy rõ nhất nhân cách và trí tuệ của con người (trung thực, tự trọng hay ích kỉ, vô ơn, khả năng suy luận sắc sảo hay nông cạn…)

3, Câu chuyện cho thấy cuộc sống luôn dành cho chúng ta ít nhất hai sự lựa chọn. Tùy chọn phương án phù hợp, có thể là cả hai (thuận lợi cho ta thêm cơ hội, hoặc khó khăn vì buộc chúng ta phải suy tình, chọn lựa, cũng là đánh đổi, trả giá)

4, Câu này tự chia sẻ trung thực sự lựa chọn của mình – lý giải thuyết phục.

II. Làm văn.

Câu 1: Câu NLXH

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức của đoạn văn:

  • Có thể chọn cấu trúc tổng phân hợp, diễn dịch hay quy nạp… nhưng phải đúng hình thức đoạn văn.
  • Đúng yêu cầu về dung lượng, khoảng 200 chữ, không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Đảm bảo yêu cầu về nội dung đoạn văn: chỉ nghị luận một khía cạnh của vấn đề – nguyên nhân của quan niệm “Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận”

c. Triển khai vấn đề nghị luận: chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

Có thể tham khảo hướng triển khai sau:

+ Giải thích sơ lược khái niệm “cho và nhận”: Cho là trao đi một giá trị vật chất hoặc tinh thần cho người khác; nhận là sự được đáp lại những giá trị vật chất hoặc tinh thần từ một ai đó xung quanh mình – cả sự trao đi và được đáp lại ấy đều là những việc làm hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tình yêu thương, ý thức chia sẻ.

+ Lý giải nguyên nhân của quan niệm: “Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận”.

Khi cho đi một cách vô tư, chân thành, con người luôn có được niềm vui của người làm việc thiện, có được niềm hạnh phúc bởi cảm nhân cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Dù việc cho đi chỉ có ý nghĩa khi người cho vô tư, không đợi sự đáp lại, nhưng theo luật nhân quả kì diệu của cuộc sống, người cho luôn được nhận lại, đầu tiên là niềm vui từ việc làm của mình, là sự giàu có dần của trái tim nhân hậu, sự mở rộng sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội… sau đó, sự nhận lại những ân thưởng của cuộc đời có thể sẽ đến theo một cách bất ngờ nào đó từ những người chúng ra không ngờ tới.

Phải cho đi trước khi nhận lại là cách để con người sống tự trọng, vô tư, không vụ lợi, ích kỉ.

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2: NLVH

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

– Khái quát về tác giả, tác phẩm.

– Khái lược về cấu tứ bài thơ Việt Bắc và hai nhân vật trữ tình.

– Cảm nhận về tình cảm của người ra đi và người ở lại trong hai đoạn thơ của Việt Bắc:

+ Đoạn thơ thứ nhất – câu hỏi, nỗi nhớ thương, niềm trăn trở của người ở lại dành cho người ra đi.

“… Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”

  • Câu hỏi thứ nhất gợi nhắc những năm tháng quá khứ, cùng nhau ghi những trang sử oanh liệt, hào hùng.
  • Câu hỏi thứ hai gợi nhắc đồng thời những địa danh gắn với những sự kiện lích sử, những tình cảm ân tình sâu nặng, lời nhắc thủy chung thiết tha và nghiêm nghị.

+ Đoạn thơ thứ hai – lời đáp, nỗi nhớ thương và lòng thủy chung son sắt của người ra đi.

“- Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…”

  • Cấu trúc ngôn từ gắn kêt yêu thương.
  • Khẳng định và lý giải sự thủy chung.
  • Thầm trả lời những trăn trở của Việt Bắc: nhớ thương, tình nghĩa.

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn luyện môn ngữ văn lớp 12.