Luyện đề số 6 – cô Trịnh Thu Tuyết

0

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục cùng cô Trịnh Thu Tuyết đi ôn luyện các đề văn tham khảo bám sát đề thi THPT Quốc gia.

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

A. Đề bài:

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau đây:

Cháo rìu

Một anh thợ rừng lỡ bữa, vào nhà bà cụ xin ăn. Bà cụ bảo nhà chẳng còn chút gì
ăn được, anh ngồi tiu nghỉu.
– Cụ cho con mượn cái xoong, con nấu cháo cái rìu của con vậy.
Anh lấy rìu rửa sạch cho vào xoong, đổ nước rồi bắc lên bếp. Một lát, nước sôi, anh
nếm thử:
– Chà, cháo hơi loãng, giá cho thêm ít bột mì thì ngon hơn.
Bà cụ lấy bột cho anh. Một lát, anh lại nếm:
– Được rồi! Giá mà có thêm miếng thịt cừu thì ngon phải biết.
Bà cụ lấy thịt cừu cho anh. Một lát, anh lại nếm:
– Tuyệt lắm, chỉ tội hơi nhạt và chưa được thơm.
Lần này bà cụ lấy cho anh cả muối và hành.
Cháo chín, thơm lừng cả nhà. Anh múc một bát mời bà cụ. Bà húp cháo, tấm tắc khen:
– Chà, cháo rìu sao mà ngon thế!

(Truyện cổ tích Nga – St)

Thực hiện các yêu cầu:
1/ Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
2/ Nồi cháo rìu của anh thợ rừng bao gồm những nguyên liệu gì? Của ai?
3/ Theo anh/chị, có nghịch lý gì trong tên gọi “cháo rìu” hay không? Vì sao?
4/ Bản chất của hiện tượng “nấu cháo bằng rìu” là gì? Anh/chị đánh giá như
thế nào về những người sống theo cách đó?
II. LÀM VĂN ( 7 điểm)
Câu 1 ( 2 điểm)
Từ nội dung câu chuyện trong phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn
văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Tại sao hiện tượng “nấu cháo bằng rìu” có
thể tồn tại trong cuộc sống con người?

Câu 2 ( 5 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp dòng sông Đà trong đoạn văn sau:
“…Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã
có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhận. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi
lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp
đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con
nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một
màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông
Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con
sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt
quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như
gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh mà chứng, chốc
dịu dàng đấy, rồi lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.
Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời
Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một
nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ
gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh
đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như
một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi
xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu.
Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ
trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chóp mắt mà như hỏi tôi bằng
cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng
vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông
bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến.
Thuyền tôi trôi trên “Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu
tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này
lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây
Bắc”.

(Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn lớp 12, tập 1, Nxb Giáo dục, 2008)

B. Đáp án tham khảo:

I. Đọc hiểu.

1, Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự.

2, Nồi cháo rìu của anh thợ rừng bao gồm toàn bộ những nguyên liệu của bà cụ chủ nhà: nước, bột, thịt cừu, muối, hành.

3, Nghịch lý đã xuất hiện ngay trong tên gọi nồi cháo anh thợ rừng nấu là “cháo rìu” bởi chiếc rìu không thể nấu thành cháo, thực chất nồi cháo vẫn được nấu bằng toàn bộ những nguyên liệu thông thường như bột, thịt, muối,…

Gọi là “cháo rìu” chỉ do sự khôn ranh, láu cá của anh thợ rừng đánh lừa bà cụ chủ nhà tốt bụng, tin người tới khờ khạo.

4, Học sinh tự do trình bày quan điểm riêng của mình, nhưng phải lập luận thuyết phục, có lý, có tình. Có thể tham khảo hai ý sau đây:

Bản chất của hiện tượng nấu “cháo rìu” là biến không thành có, chiếm đoạt những giá trị tinh thần hoặc vật chất của người khác, đánh tráo thành sản phẩm thuộc sở hữu của mình.

Những người sống theo cách này thường khôn khéo, láu cá, biết lợi dụng sự cả tin của người khác để trục lợi, và thực chất, đó là những con người không có lòng tự trọng.

I. Làm văn.

Câu 1: Câu NLXH

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức của đoạn văn:

  • Có thể chọn cấu trúc tổng phân hợp, diễn dịch hay quy nạp… nhưng phải đúng hình thức đoạn văn.
  • Đúng yêu cầu về dung lượng, khoảng 200 chữ, không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Đảm bảo yêu cầu về nội dung đoạn văn: chỉ nghị luận một khía cạnh của vấn đề – tại sao hiện tượng nấu “cháo rìu” vẫn có thể tồn tại trong cuộc sống con người?

c. Triển khai vấn đề nghị luận: chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

Có thể tham khảo hướng triển khai sau:

+ “Nấu cháo bằng rìu” là một thành ngữ xuất phát từ câu chuyện cổ của Nga, đề cập tới cách sống của những người biến không thành có, chiếm đoạt những giá trị tinh thần hoặc vật chất của người khác, đánh tráo thành sản phẩm thuộc sở hữu của mình. Cách sống đó đã trở thành hiện trạng khá phổ biến trong cuộc sống của con người từ xưa tới nay, ví dụ hiện tượng đạo văn, đạo nhạc, đạo sách đạo ý tưởng của người khác trong học tập, làm việc, sáng tạo hoặc hiện tượng chiếm dụng vốn của người khác nhằm trục lợi cho bản thân.

+ Nguyên nhân khiến hiện tượng “nấu cháo bằng rìu” vẫn có thể tồn tại trong cuộc sống con người.

  • Bản thân những con người sống theo cách ấy rất khôn khéo tinh ranh đồng thời lại kém cỏi về nhân cách, họ tham lam và không có lòng tự trọng.
  • Cuộc sống lại luôn có những đối tượng tin người tới khờ khạo, không có sự suy xét tỉnh táo của lý trí.
  •  Cộng đồng xã hội chưa có thái độ quyết liệt, nhất là chưa có chế tài nghiêm khắc với sự gian dối.

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2: NLVH

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vẻ đẹp dòng sông Đà.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

– Khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Cảm nhận về vẻ đẹp trữ tình của sông Đà phía hạ nguồn.

  • Vẻ đẹp gợi cảm của dòng sông: từ tình huống tạo thương nhớ, mong ngóng gặp gỡ khi “ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng”, tác giả đã sử dụng một loạt những ẩn dụ, những so sánh, những từ ngữ, hình ảnh đặc biệt gợi cảm; cấu trúc câu tạo cảm giác vồ vập, nồng nàn “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà”; những liên tưởng tới thiên nhiên “cổ lệ cú” trong Đường thi…khiến dòng sông Đà đã hiện ra với vẻ đẹp gợi cảm của nỗi niềm gần yêu, xa nhớ.
  • Vẻ đẹp lặng tờ hoang dại của dòng sông đã được nhà văn tài hoa làm hiện lên bằng nhiều cách: từ câu văn mở đầu “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà” êm đềm  trong các thanh bằng tới lời khẳng định sự lặng tờ như tự “đời Trần đời Lê”, từ những so sánh đặc sắc về sự hoang dại hồn nhiên của dòng sông “như một bờ tiền sử…như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa” tời việc dùng những hình ảnh gợi sư êm đềm, hoang sơ như dòng sông hoang dại, lặng tờ, như tồn tại bên ngoài mọi sự vận động của cuộc sống thời hiện đại.

+ Qua việc khắc họa vẻ đẹp trữ tình của dòng sông Đà nơi hạ nguồn, khẳng định phong cách nghệ thuật của một nhà văn tài hoa, uyên bác, từ đó thấy được cả tình yêu tha thiết với cái đẹp cùng tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của nhà văn.

d. Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp.

e. Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, cách diễn đạt mới mẻ.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn luyện môn ngữ văn lớp 12.