Là một cô giáo có những triết lý giáo dục đi gần với sự tân tiến của thời đại, trong đó lấy trọng tâm là sự phát triển nhân cách, kỹ năng và bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai có những chia sẻ khiến nhiều bố mẹ phải tâm phục khẩu phục về việc tại sao trẻ không chịu tự giác học bài.
“Cô ơi, câu này làm thế nào?
Cô ơi, con làm đúng không?
Cô ơi, có phải câu này làm như thế này không?
Cô ơi, con có làm sai câu nào không?
Nếu phụ huynh là giáo viên của một lớp 30 bạn nhỏ 6 tuổi và bạn nào cũng hỏi như vậy, các vị giải quyết sao ạ?
Rất áp lực luôn các bạn ạ.
Tôi dạy một nhóm chỉ 6 -10 bé nhưng có 3 bé hỏi liên tục như vậy thì đã cảm thấy rất áp lực và đầu muốn nổ tung rồi.
Sau những câu hỏi mà cô chưa kịp trả lời, các con sẽ ngồi yên…. và chờ đợi.
Khi cô lại gần hướng dẫn các con làm bài, các con sẽ nhìn… trộm cô, dò xét ánh mắt, nét mặt và thái độ của cô. Xem mặt mũi cô như thế nào mới làm bài tiếp.
Ôi chao….
Vậy tại sao các con không tự giác học bài? Nguyên nhân phần lớn đến từ phía phụ huynh và quá trình dạy con ở nhà.
Để tôi kể câu chuyện của đứa em tôi ở Cát Bi, Hải Phòng.
Nó bằng tuổi tôi, cầm tinh con mèo, mệnh Hỏa. Con trai nó tuổi rồng, năm nay 5 tuổi mệnh Thủy. Và chính cái mệnh Hỏa, mệnh Thủy đó đã làm cho nó có cái khái niệm rất lạ kỳ là em với con như lửa với nước không thể dung hòa được.
Con ngồi học, mẹ lởn vởn xung quanh.
Thấy thằng bé vừa đọc sai, nó đã quát: Sai rồi, nhìn lại xem nào, dễ thế mà cũng sai à?
Thằng bé tô chữ xấu một tí, nó ầm cả nhà lên: Trời ơi, con viết cái gì thế này, tẩy ngay đi viết lại cho mẹ. Chữ mẹ đẹp thế, sao chữ con xấu vậy hả trời?
Thằng bé tô màu nguệch ngoạc ra khỏi hình vẽ nó lại rít lên: Con tô cái kiểu gì thế hả? Có tô thôi mà cũng xiên xẹo hết ra ngoài thế này thì làm sao mà vẽ được, làm sao mà viết được.
1+3 = mấy? 3 ạ. Cái gì? Con vừa nói cái gì?…….
Con….. dạ ….. con không biết ạ.
Không làm ăn được cái gì cả. Con đọc sai, viết sai, tô sai, vẽ sai. Làm cái gì cũng sai à.
Sang năm đi học lớp 1 á thì cô giáo đánh chết.
Bla… bla….
Sau rất nhiều lần nghe được những thông điệp như thế từ mẹ, thằng bé trở lên nhút nhát trong việc học. Nó chơi gì cũng tự tin xông pha, hoạt bát nhưng hễ nói đến học là tiu nghỉu ngay và rất sợ sang năm phải học lớp 1.
Tôi hỏi thằng bé bất cứ điều gì liên quan đến học tập là nó trả lời ngay: Con không biết.
Đơn giản vì nó sợ sai chứ không phải không biết.
Viết sai 1 tí là nó tẩy đi ngay, viết lại. Vừa tẩy vừa nhìn xem người lớn có phát hiện ra mình sai hay không?
Làm toán thì không bao giờ dám viết kết quả xuống trước khi chưa hỏi tôi.
Nó đưa tay ra cộng mà mắt không nhìn vào tay, cứ nhìn xem mặt tôi đang biến sắc như thế nào?
Nó mất tự tin hoàn toàn vào chính bản thân mình trong việc học.
Nó không dám suy nghĩ vì sợ rằng cái suy nghĩ của mình là sai.
Nó không bao giờ tự giác học bài cho tới khi người lớn quát thật to.
Dường như với nó học là một việc rất khổ ải, sợ hãi, không có gì vui thích và mình không có khả năng học bài.
Tiếng quát tháo của người lớn giống như nút start thì nó mới bắt đầu khởi động được việc học.
Vậy lỗi có phải tại bố mẹ?
Tôi luôn khuyên tất cả các vị phụ huynh nên dành thời gian thực sự cho con, quan tâm, hướng dẫn con học bài nhưng không phải giống như cô em tôi.
Quan tâm một cách thái quá nó trở thành giám sát.
Hãy giao bài tập cho con và trao phần thưởng.
Hãy để con làm hết bài tập sau đó mới chỉ cho con lỗi sai, chỗ viết chưa đúng, chỗ tô chưa đẹp.
Hãy để con làm hết các phép tính dù mẹ biết thừa con làm sai hết.
Nhưng không sao, chính quá trình con tự làm đó sẽ giúp con thêm tự tin hơn, giúp con biết tìm cách giải quyết vấn đề, giúp con xây dựng dần dần được tinh thần tự giác học bài.
Sau đó, bố mẹ nên động viên con sửa lại những lỗi sai và giải thích cho con hiểu làm sai không phải là điều gì đó quá to tát, sợ hãi hay khủng khiếp.
Đơn giản vì ai cũng sai. Và có thể kể những câu chuyện ngày xưa, bố mẹ đã sai như thế nào? Bố mẹ đã học ra làm sao?
Với tôi thì tôi luôn kể câu chuyện điểm đầu tiên trong cuộc đời học sinh tôi nhận được là điểm 4.
Nếu bạn có cho con đi học nhóm ở nhà cô giáo nào đó thì nên trao đổi trực tiếp với cô về vấn đề này, sự kết hợp của cả mẹ và cô sẽ giúp con tự tin hơn rất nhiều, có ý thức tự giác học bài.
Giải quyết vấn đề này thế nào bây giờ?
Khi 5 tuổi bố mẹ nên bắt đầu cho con làm quen với việc học bài buổi tối. Nhưng chỉ 5p mỗi tối.
Lúc đầu khi bé mới làm quen với việc học, phụ huynh có thể ngồi cạnh con, hướng dẫn cho con khoảng 5 phút. Sau đó hãy tách dần khỏi bé, vẫn ở trong tầm nhìn của bé nhưng mẹ có thể làm việc nhà, đọc sách, cộng sổ sách hàng hóa, tuyệt đối đừng nghịch điện thoại, chơi máy tính vì con cũng thích được chơi mà.
Khi con bắt đầu những câu hỏi, hãy động viên bé và trả lời nhất quán như một: con hãy làm đi, con làm được mà, sai không sao đâu, lát mẹ kiểm tra giúp con. Bây giờ mẹ đang làm việc một chút nhé. Con cứ làm đi nha. Cố gắng lên con yêu.
Nếu như bé liên tục hỏi, không ngừng lại thì bố mẹ hãy lại gần hướng dẫn thêm cho bé 1 lần nữa và tuyệt đối không được chê, trách, mắng, quát bé nếu bé làm sai hết.
Hãy động viên bé, để bé tự làm. Và dù chỉ viết đẹp 1 chữ, tô đẹp 1 chi tiết, hay làm đúng 1 phép tính thì mẹ cũng nên chỉ cho bé những chỗ con đã làm tốt, khen con vì những thành quả to lớn mà con đã đạt được.
Nếu bé đã vào lớp một thì bố mẹ cần phải dứt khoát trong vấn đề tách ra khỏi con để con tự giác học bài.
Đến lúc này rồi thì chỉ có bài động viên và trao phần thưởng sẽ là giải pháp tốt nhất thôi.
Càng quát thì bé càng sợ.
Càng sợ thì bé càng mất tự tin, bé càng sợ sai.
Chính vì vậy, một lần nữa, tôi xin quý phụ huynh hãy quan tâm, tạo cho con mình thói quen tự giác học bài khi còn 5 tuổi và đừng mắng con, đừng chê con, đừng gieo vào đầu con suy nghĩ: con làm gì cũng sai, không làm ăn nên trò chống gì.
Hôm qua, tôi mới đi học về. Thầy tôi bảo, sự thành công của mỗi người chỉ có 10% là học tập, 45% là làm chủ bản thân và 45% là làm chủ cộng đồng.
Vậy học có phải là tất cả. Ồ không….
Học không phải là tất cả, hạnh phúc mới quan trọng.
Hãy cho con được HỌC VÀ CHƠI các vị ạ.
Nguồn: Giadinh.net