Tại sao con cái không thích tâm sự với cha mẹ?

0

Các bậc cha mẹ thường khó hiểu tại sao sinh con ra nhưng nó chẳng bao giờ tâm sự hay chia sẻ gì với mình rồi lại trách bố mẹ chẳng bao giờ chịu hiểu cho con. Có những chuyện đã xảy ra với chúng nhưng cha mẹ hoàn toàn không biết, có khi con chỉ nói những điều đó với một người xa lạ, một đứa bạn thân, một cô hàng xóm hay ai đó mà không phải là mình…. Vậy lí do là gì? Tại sao con cái không thích tâm sự với cha mẹ?

  1. Cha mẹ thường không phải là người hiểu con nhất!

Cha mẹ luôn cho rằng, con mình còn bé và chưa hiểu chuyện, do đó, con thường không bao giờ dám nói ra những suy nghĩ của mình chứ chưa nói đến việc tâm sự. Theo đó, mỗi khi con có chuyện muốn hỏi, cha mẹ thường gạt đi không nghe. Cha mẹ không quan tâm con làm đúng hay sai mà chỉ quan tâm việc đó đã làm hài lòng họ chưa. Từ đó, đối với những đứa trẻ, việc nói gì đó cha mẹ trở thành nỗi sợ hãi và chúng không thân thiết, thậm chí xa lánh bố mẹ. Cũng bởi vậy mà con cái không thích tâm sự với cha mẹ cũng là điều dễ hiểu.

Để mẹ – con, bố – con trở nên gần gũi thì việc yêu thương con đúng cách, học cách lắng nghe như một người bạn là cách cha mẹ nên làm để nơi con trút bầu tâm sự sẽ là gia đình chứ không phải một ai khác.

2. Cha mẹ luôn có sự thiên vị

Việc san sẻ tình yêu thương nhiều khi cũng khiến bé bị tổn thương tâm lý. Bởi nếu trước đó, đứa con cả đang được bố mẹ dành trọn tình yêu thường thì khi có em, đứa trẻ đó sẽ có cảm giác bị “ra dìa”, từ đó nảy sinh sự ghen tỵ và không hài lòng giữa các con trong gia đình. Nhiều khi chỉ đơn giản là một điều gì đó bố mẹ dành cho đứa con này nhưng lại không dành cho đứa con kia…

Chính vì vậy, các bé sẽ cảm thấy sao bố mẹ vô lý thế, bố mẹ thiên vị, không thương mình… Thực ra, bố mẹ không nên trách chúng là những đứa trẻ “xấu tính” hay “không hiểu chuyện” vì chúng còn quá nhỏ và thái độ cũng như hành động của chúng hoàn toàn là do bản năng.

3. Cha mẹ hay áp đặt con theo suy nghĩ của mình

Người lớn thường không cho con cái quyết định theo cái mà mình thích mà luôn đưa ra những quan điểm để áp đặt cho con cái. Con “phải” làm những gì cha mẹ muốn dù con có thích hay không.

Các bậc phụ huynh đã bao giờ hỏi con muốn gì chưa? Đã bao giờ cha mẹ cho con quyết định những điều mình muốn. Chính những việc cha mẹ đang làm nhiều khi đã vô tình tạo nên những áp lực cho tương lai của con. Khi cha mẹ không thấu hiểu và tôn trọng suy nghĩ, sở thích của con thì chúng đương nhiên không muốn chia sẻ hay tâm sự với họ nữa.

4. Trước mặt cha mẹ, con không dám sống thật với bản thân mình

Có những điều con muốn nói ra, có những điều con muốn làm nhưng đứng trước ba mẹ, con không thể nói nên lời. Hay đơn giản, con muốn nghịch ngợm quậy phá như các bạn nhưng khi ở nhà với cha mẹ, con luôn cố gắng để làm hài lòng cha mẹ bằng cách trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn.

Khi sống trong một gia đình với những người không thực sự gần gũi, không thể chia sẻ những tâm tư, nỗi niềm thì cả con và cha mẹ cũng không thực sự hạnh phúc. Những đứa con nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả, muốn chạy khỏi thế giới, chạy khỏi gia đình và con phải tìm đến những người hiểu mình, cảm thông với mình và sống với một “thế giới riêng”.

Đó là những nguyên nhân tại sao con cái không thích tâm sự với cha mẹ. Cha mẹ có thấy đồng cảm với thực tế này không?