Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi

0

Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ đa tài của nền văn học dân tộc, ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật và có những đóng góp to lớn. Thơ ông mang bản sắc và giọng điệu riêng, có nhiều tìm tòi theo xu hướng sáng tạo, cảm xúc đậm nét nhất là những tác phẩm viết về đất nước. Bài thơ “Đất nước” ra đời năm 1955 và được in trong tập “Người chiến sĩ” là cảm nghĩ của tác giả về hai mùa thu khác nhau ở Hà Nội và chiến khu Việt Bắc. Đồng thời bài thơ còn ca ngợi nhân dân, đất nước anh hùng bất khuất. Mời các bạn tham khảo bài phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (ngữ văn 12) mà Butbi tổng hợp trong bài viết dưới đây để thấy rõ hơn về nội dung của tác phẩm này nhé.

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi
Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi

Tham khảo thêm:

A. Dàn ý phân tích Đất nước Nguyễn Đình Thi

1. Mở bài 

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Đình Thi  và bài thơ Đất nước :

  • Nguyễn Đình Thi – một nghệ sĩ đa tài của văn học Việt Nam, có nhiều đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực như, làm thơ, viết tiểu thuyết, sáng tác nhạc , kịch, tiểu luận phê bình.
  • Bài thơ Đất Nước là một trong những bài thơ đỉnh cao làm lên tên tuổi của Nguyễn Đình Thi viết về đề tài đất nước.

2. Thân bài 

Luận điểm 1: Mùa thu đất nước trong hoài niệm của tác giả.

* Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ (đoạn từ đầu đến “… lá rơi đầy”):

– “Sáng mát ” và gió thổi mang theo hương cốm mới : đây là những nét đặc trưng vô cùng quen thuộc của mùa thu Bắc Bộ nói chung và mùa thu Hà Nội nói riêng .

Dấu hiệu gợi nhắc về mùa thu Hà Nội.

– Mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của tác giả với những buổi sáng mát trong, với gió thổi mang theo hương cốm, cái se se lạnh cùng hơi may xao xác… Tất cả gợi lên một bức tranh mùa thu chân thực, thi vị, mang đậm đặc trưng mùa thu Hà Nội nhưng mang nét thoáng buồn.

– Bức tranh mùa thu ấy dường như có hình khối, đường nét, màu sắc rõ ràng nhưng chứa đầy tâm trạng của người ra đi: 

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Hình ảnh người ra đi buồn bã, quyến luyến, bịn rịn nhưng cũng đầy cương quyết:

Mùa thu Hà Nội đẹp đấy nhưng cũng thật buồn bởi nhân vật trữ tình – người chiến sĩ phải rời Hà Nội để đi tìm con đường thoát vòng nô lệ đau thương, tủi nhục.

* Mùa thu cách mạng, mùa thu của độc lập hân hoan, vui tươi, phấn chấn:

– Tiếng reo vui hân hoan trước mùa thu cách mạng, mùa thu độc lập, hạnh phúc.

– Mùa thu cách mạng thật tươi đẹp, sôi nổi:

  • Không gian nghệ thuật như dịch chuyển từ những phố dài xao xác buồn bã ở trời thu Hà Nội sang không gian núi rừng tươi mới, tràn đầy sức sống với những âm thanh ngân nga, vang vọng của mùa thu cách mạng.
  • Cảm xúc của nhân vật trữ tình cũng chuyển sang vui vẻ, hạnh phúc hòa trong sự phấn chấn của tạo vật (phấp phới, thiết tha).

– “Trời xanh đây là của chúng ta…”  Mùa thu của độc lập, tự chủ

– “Nước chúng … vọng nói về”  Những suy tư về hồn thiêng của đất nước.

Niềm vui, niềm tự hào về đất nước được thể hiện qua những hình ảnh thơ giàu sức gợi, câu thơ giàu tính nhạc, vận dụng hiệu quả nghệ thuật điệp từ, giọng thơ phấn chấn sôi nổi vui tươi, cảm xúc mãnh liệt…

Đoạn thơ thể hiện tình yêu tha thiết cùng niềm tự hào về quê hương khi có được độc lập, tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất.

Luận điểm 2: Hình ảnh đất nước trong chiến đấu đầy đau thương mà anh hùng tình nghĩa.

* Hình ảnh đất nước đầy đau thương trong chiến tranh được thể hiện qua”

  • Những cánh đồng quê chảy máu”
  • “Dây thép gai đâm nát trời chiều”
  • “Bát cơm chan đầy nước mắt…”
  • “Đứa đè cổ đứa lột da…”

Đất nước như chìm trong máu và nước mắt. Chính vì điều đó mà đất nước bật lên nỗi căm hờn.

* Đất nước kiên cường vùng lên giành lấy chiến thắng vinh quang, vẻ vang chói lọi:

– Vượt lên những đau thương mất mát để lao động và chiến đấu, chống lại kẻ thù xâm lược:

  • Những đêm dài hành quân nung nấu”
  • “Xiềng xích chúng bay không khóa được…”
  • “Lòng dân ta yêu nước thương nhà.”

– Hình ảnh đất nước rộng lớn, kì vĩ, chói lọi, quật khởi bừng dậy giữa hiện thực làm rung trời chuyển đất:

“Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng,

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.”

Những câu thơ sáng tạo đầy sức gợi hình gợi cảm, thủ pháp nghệ thuật đối lập, sự kết hợp tinh tế giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đậm nét.  Từ những chất liệu hiện thực bức tranh đất nước đã được tạo lên.

Hình tượng mang tính sử thi, là cao trào của cảm xúc, thâu tóm được tư tưởng của toàn bài.

3. Kết bài phân tích bài Đất Nước

Khái quát lại toàn bộ nội dung tác phẩm, đưa ra những giá trị nghệ thuật, từ đó nêu lên cảm nhận về tác phẩm.

B. Sơ đồ tư duy phân tích Đất nước Nguyễn Đình Thi

Sơ đồ tư duy phân tích Đất nước Nguyễn Đình Thi
Sơ đồ tư duy phân tích Đất nước Nguyễn Đình Thi

C. Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi chọn lọc hay nhất

Có lẽ sẽ chẳng có một nhà thơ chân chính nào trên thế gian này lại không có một vần thơ, một bài thơ viết về đất nước, về tình yêu quê hương. Bởi vì đây đề tài này là nguồn cảm hứng vô tận đối với thi sĩ muôn đời. Nhưng tình cảm đất nước ở mỗi người nghệ sĩ lại hình thành theo một con đường riêng, mang nội dung màu sắc riêng và dựa trên những cảm nhận riêng của mỗi người.

Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ có rất nhiều tác phẩm viết về đất nước. Nhưng có lẽ chưa ở đâu, chưa ở tác phẩm nào của ông lại có cảm hứng về đất nước nổi bật, tập trung đặc sắc như ở bài thơ Đất nước.

Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi được ấp ủ và viết lên từ năm 1948 và mãi đến năm 1955 mới hoàn thành, so với những tác phẩm khác như “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, thì “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi ngắn hơn, thế mà Hoàng Cầm chỉ sáng tác trong vòng một đêm, còn Nguyễn Đình Thi đã dành bảy tám năm ròng rã mới hoàn thành được một tác phẩm. So sánh như vậy là để cho ta thấy cảm hứng về đất nước của hai nhà thơ ngay ở mặt này đã có những cái rất khác nhau.

Với “Bên kia sông Đuống” là cảm hứng tuôn tràn, bộc phát, còn với Đất nước là tình cảm nung nấu, ấp ủ: “Những đêm dài hành quân nung nấu”, lần giở lại “tiền sử” của bài thơ và đọc kĩ lại phần thứ nhất của Đất nước, ta càng thấy rõ đó là một tình cảm nung nấu, nung nấu nỗi nhớ, nung nấu niềm vui và niềm tin yêu của người làm chủ.

Là một thanh niên sống và hoạt động ở thủ đô Hà Nội, Nguyễn Đình Thi khi viết về đất nước, trước hết là viết về Hà Nội – thủ đô của đất nước, với hương sắc làm rung động lòng người, long lanh trong nắng gió mùa thu:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi,
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha…”

Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi nói đến đất nước nhà thơ lại nói đến Hà Nội và khi nói đến Hà Nội ông lại nói đến mùa thu. Đất nước ta tuy tươi đẹp trong cả bốn mùa nhưng đẹp nhất vẫn là mùa thu và làm gì có mùa thu ở đâu lại đẹp, lại “mát trong” hơn mùa thu Hà Nội? Nhất là mùa thu nơi đây đánh dấu cái mốc vàng son lịch sử – “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình” giữa “Tháng Tám mùa thu xanh thẳm” (Trích trong bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu). Cho nên, ngay từ những dòng đầu của bài thơ đã có cái gì đó xôn xao, xào xạc trong tâm hồn:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa”

Đất nước gắn với nỗi nhớ, nỗi nhớ lại khởi nguồn từ mùa thu, mùa thu “đã xa” nay được gợi lại từ “mùa thu nay”. Rõ ràng là có hai mùa thu như đang soi chiếu, đang làm nổi bật cho nhau, làm cho mọi phía đều long lanh lấp lánh hơn trong tâm hồn thi sĩ. Cái cảm giác “mát trong” là cảm giác chung, là cảm giác muôn thuở đối với mọi mùa thu Việt Nam, mùa thu Hà Nội.

Trong những ngày thu Hà Nội đã xa “mát trong” vẫn “mát trong” vẫn đẹp và vẫn thơ mộng. Nhưng cái đẹp đó lại mang một vẻ thoáng buồn. Phố xá vắng vẻ, xao xác, sân thềm đầy nắng, lá vàng rơi. Gió heo may mang theo cái se lạnh đầu mùa thổi dài theo những dãy phố cổ vắng người. Có một cái gì đó man mác buồn, nhưng cũng thật trang trọng trong thời khắc chuyển mùa, thời khắc chia xa.

Mùa thu nay vẫn “mát trong” như  cái “sáng năm xưa” ấy nhưng cũng “đã khác rồi”. Khác bởi cái “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” , khác của “những ngày thu đã xa”, giờ đây đã “đứng giữa núi đồi”, đứng nhìn từ một tầm cao nơi chiến khu Việt Bắc để mà “nhớ’ mà “nghe”. Lòng người, cảm xúc đã đổi nên ngọn gió, âm thanh, sắc hương cũng đổi theo:

Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.”

Đó là cơn gió thổi mang sắc áo mới, mang tiếng nói cười giữa một cuộc hồi sinh. Có một thay đổi nhỏ trong cách xưng hô ở trên đó là  cụm từ “tôi nhớ”, “tôi đứng vui nghe”. Đến đoạn thơ tiếp theo, khi đất trời mùa thu lại vang vọng lên tiếng “nói cười thiết tha” thì tôi đã thành “chúng ta”.

“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Nước chúng ta…”

Mấy cụm từ “chúng ta” ấy vang lên thật rắn rỏi, kiêu hãnh và đầy  tin yêu, “chúng ta” tự hào về “nước chúng ta” đã có chủ quyền, tự hào vì “nước chúng ta” đã giàu đẹp rộng lớn.

Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa…”

Tự hào vì truyền thống “không bao giờ khuất” từ ngàn đời của cha ông chúng ta:

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ở câu thơ trên, ta nghe thấy một “tiếng nói cười thiết tha” vọng lên đâu đó giữa tầng trời “trong biếc”, nhưng ở những câu thơ khép lại phần thứ nhất bài thơ này, ta lại nghe thấy tiếng nói vọng lên từ lòng đất thiêng mà nhà thơ gọi đó là “tiếng đất”. Như vậy, cảm hứng về đất nước của Nguyễn Đình Thi trong phần thứ nhất này là niềm vui của người làm chủ – làm chủ đất nước, làm chủ dân tộc.

Như ban đầu đã nói, bài thơ “Đất nước” được Nguyễn Đình Thi nung nấu từ năm 1948 tới năm 1955 mới hoàn thành. Phần thứ nhất được hoàn thành vào năm 1948 và phần thứ hai được viết tiếp từ 1949 đến 1955.

Có thể nói rằng Nguyễn Đình Thi hình như đang chờ cho dân tộc ta viết xong thiên sử thi vàng, rồi mới theo đó mà viết nốt phần thứ hai này. Có lẽ cũng chính vì vậy mà dù thiên về xây dựng những hình ảnh mang tính biểu tượng khái quát, nhưng lời thơ vẫn âm vang những tiếng vọng của cuộc sống hào hùng, của một đất nước anh dũng chiến đấu và giành chiến thắng, ở đó có âm vang của phong trào phát động quần chúng nhân dân trong cải cách ruộng đất:

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn

 “Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng”

Nhưng nếu như những biểu tượng khái quát trong những câu thơ trên chỉ được xây dựng bằng cảm quan bằng những sự kiện lịch sử, thì Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã không làm xôn xao lòng người đến thế. Rất nhiều những biểu tượng đã được kết tinh từ những kỷ niệm riêng, từ chính những quan sát, trải nghiệm thực tế của một nghệ sĩ đã từng sống lăn lộn trong kháng chiến. Cho nên, Đất nước của Nguyễn Đình Thi có nhiều dòng, nhiều khổ nó lấp lánh như cái chất sống của nhà thơ và của nhân dân.

Khi ông viết:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

Thì ta hiểu đó là nỗi đau chung ấy hòa quyện vào những nỗi đau riêng, và nỗi đau ấy như càng nung nấu thêm vì một nỗi nhớ xao xuyến trong lòng. Trong đó có kỉ niệm hành quân ở Bắc Giang trong một buổi chiều: dây thép gai đồn giặc hằn lên như “đâm nát trời chiều”.

Những hình ảnh đau thương đến quặn lòng ấy sẽ còn “nung nấu” những “đêm dài hành quân” nhưng ở giữa miền đau thương sâu thẳm ấy, lại mọc lên những ngôi sao thương nhớ lấp lánh, thao thức. Đó như là ánh mắt  của”người yêu” là nỗi nhớ bồn chồn và cũng chính là sự thôi thúc, là niềm tin, hi vọng.

Bài thơ đã khép lại bằng một cảnh tượng vô cùng hào hùng, tráng lệ:

“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Cảnh tượng vĩ đại này cũng là một biểu tượng khái quát về sức mạnh quật cường bất khuất của đất nước đứng lên từ trong đau thương gian khổ. Đó là một bức tranh vô cùng sống động. Cảm hứng hiện thực ấy được lấy từ chiến thắng Điện Biên Phủ: với hình ảnh đoàn quân “áo vải”, “đứng lên thành những anh hùng” phất cao ngọn cờ chiến thắng trên nóc hầm viên tướng bại trận Đờ Caxtơri vào chiều ngày 7 tháng 5 lịch sử.

Cảnh tượng hào hùng đó đã được nhiều nhà quay phim, chụp ảnh ghi lại, nhưng hiếm có ở đâu gợi lại cho ta nhiều ấn tượng sâu sắc như ở đây, có cái gì đó rung chuyển như một cơn trở dạ vĩ đại của trời đất, của lịch sử dân tộc. Trước mắt ta lồng lộng, chói lóa một “Nước Việt Nam từ máu lửa” mà “Rũ bùn đứng dậy…” Đó  chính là cái “rũ bùn đứng dậy” của Phù Đổng Thiên Vương thời kỳ đánh Pháp.

Đất nước của Nguyễn Đình Thi quả là một bài thơ đặc sắc về đề tài muôn thuở này. Điều đặc sắc nhất là ở cảm hứng rất riêng về đất nước của nhà thơ: Một đất nước gắn liền với mùa thu, gắn liền với niềm vui hân hoan của con người khi làm chủ, một đất nước thật tươi đẹp ngay trong cảnh gian khổ đầy đau thương. Chính Nguyễn Đình Thi đã từng viết:

“Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần”

(trích – Nhớ)

Có lẽ chính vì vậy mà giữa hàng trăm bài thơ hay về đất nước của biết bao nhiêu thi sĩ, người đọc vẫn không thể nào quên được những câu thơ tuyệt tác của Nguyễn Đình Thi  về mùa thu Hà Nội, về những đau thương của đất nước “Những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đâm nát trời chiều” và về sự hào hùng vẻ vang của dân tộc khi “Nước Việt Nam từ máu lửa – Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Mong rằng, với sự với bài phân tích Đất nước trong bài viết trên mà Butbi đã chia sẻ sẽ giúp các bạn học sinh có một bài học hay và cảm nhận tốt hơn về tác phẩm này.