Phân tích Ông già và biển cả – Hê minh uê hay, chi tiết. Truyện ngắn Ông già và biển cả không đơn thuần chỉ là câu chuyện của sự mưu sinh nữa mà nó còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của ước mơ, hoài bão và biểu tượng cho hành trình đầy gian khổ của con người để biến ước mơ thành hiện thực.
Tham khảo:
I, Dàn ý chi tiết tác phẩm Ông già và biển cả.
1, Mở bài
– Giới thiệu sơ qua về nhà văn Hê minh uê: là nhà văn lỗi lạc nổi tiếng của Mĩ và cả thế giới, ông được xem là một trong những người khai sinh ra nền văn học Mĩ và cũng là người đề xướng sáng tác văn chương theo nguyên lí “tảng băng trôi” (một phần nổi, bảy phần chìm).
– Giới thiệu tác phẩm “Ông già và biển cả”: đây là một trong những sáng tác hay nhất của nhà văn Hê minh uê, và là tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện rõ nguyên lí “tảng băng trôi”.
2, Thân bài
2.1, Vẻ đẹp, hình tượng con cá kiếm
– Đó là một con cá Kiếm vô cùng lớn và rất đẹp được miêu tả qua hình ảnh: “cái đuôi lớn hơn cả chiếc hái lớn màu tím hồng dựng lên trên mặt đại dương xanh thẫm”, rồi thấy “một cái bóng đen vượt qua dưới con thuyền”, với bộ vây to sụ nặng hơn mười tấn.
– Nó có một sức mạnh ghê gớm, được tác giả thể hiện khi miêu tả bằng những vòng bơi lớn, sức mạnh khi nó giật sợi dây của ông lão.
– Dù cận kề cái chết nhưng nó vẫn luôn kiên cường, khi đã kiệt sức nó vẫn cố phóng lên khỏi mặt nước để phô tầm vóc khổng lồ và sức mạnh của mình.
– Nhận xét: Tầm vóc va sức mạnh to lớn của con cá càng khiến cho chiến thắng của ông lão trở nên vinh quang hơn.
- Con cá là hình tượng đại diện cho sức mạnh và vẻ đẹp của thiên nhiên.
- Đại diện cho những khó khăn, thử thách, gian lao trong cuộc sống mà con người phải vượt qua.
- Đó còn là cái đẹp, là ước mơ, là sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
1.2, Hình tượng, phẩm chất của ông lão đánh cá
– Sau 84 ngày đêm thất bại, ông lão không những không bỏ cuộc mà ông vẫn cố gắng tìm kiếm và đáp lại những cố gắng ấy cuối cùng ông đã tìm được con cá kiếm lớn, điều này thể hiện:
- Xan-ti-a-go là một lão ngư kiên trì.
- Ông lão còn là biểu tượng cho người nghệ sĩ luôn không ngừng sáng tạo, tìm tòi, khám phá cái mới trong nghệ thuật.
– Khi chiến đấu với con cá Kiếm khổng lồ, ông đã chiến thắng nó, qua những hành động khi chính phục con cá ta thấy ông là một lão đánh ca lành nghề:
- Chỉ cần nhìn độ nghiêng, độ chếch của sợi dây ông cũng có thể biết được động tác bơi của con cá: nó đang bơi vòng tròn hay liên tục ngoi lên trong lúc bơi.
- Dựa trên sự căng chùng của sợi dây mà phán đoán được con cá đang làm gì.
- Thể hiện sự điêu luyện trong hành động phóng lao trúng tim con cá.
– Ông có sức mạnh và ý chí phi thường, điều đó giúp ông chiến thắng con cá kiếm:
- Luôn tự đông viên và tin tưởng vào khả năng của bản thân mình: “tao sẽ tóm được mày ở đường lượn, ta sẽ di chuyển được nó”.
- Dù đã rất mệt mỏi sau chuỗi ngày dài lênh đênh trên biển nhưng ông vẫn cố gắng chiến đấu hết sức với con cá kiếm khổng lồ.
⇒ Nhận xét: Sau cuộc chiến đấu đầy gian lao, ông đã chiến thắng con cá Kiếm khổng lồ, điều này khẳng định:
- Khát vọng chinh phục con các của ông lão cũng chính là khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên của con người.
- Khả năng và sức mạnh phi thường của con người không hề giới hạn.
- Người nghệ sĩ sau quá trình lao động, tìm kiếm, sáng tạo nghệ thuật đã đạt được thành quả mình mong muốn.
3, Kết bài
– Khái quát lại giá trị nghệ thuật của tác phẩm: xây dựng hình tượng nhân vật bằng bút pháp miêu tả sinh động, chuyển hóa bức tranh với những đường nét chân thực, trần trụi sang một lớp nghĩa hàm ẩn, rộng lớn.
– Khái quát nội dung tác phẩm: truyện đã phản ánh hành trình khám phá, chinh phục thiên nhiên và nghệ thuật của con người. Con đường dẫn đến thành công ắt hẳn phải trải qua bao khó khăn và cần phải có sự kiên trì.
II, Sơ đồ tư duy phân tích Ông già và biển cả
1. Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật trong bài Ông già và biển cả
2. Dàn ý phân tích tổng quát bài Ông già và biển cả
III, Bài văn mẫu phân tích Ông già và biển cả hay nhất được chọn lọc
Nhắc đến nguyên lý sáng tác nghệ thuật nổi tiếng “Tảng băng trôi” nổi tiếng thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ nhớ ngay đến nhà văn Hê minh uê. Có thể nói ông là một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mỹ trong thế kỉ XX. Ông để lại nhiều tác phẩm hay có giá trị về cuộc sống trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Ông già và biển cả”, đây là tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ nét nhất nguyên lý “Tảng băng trôi”. Và cũng chính tiểu thuyết này đã làm lên tên tuổi của Hê minh uê.
Trước hết ta phải hiểu thế nào là nguyên lí tảng băng trôi? Nguyên lý tảng băng trôi do chính Hê minh uê đề xướng là lối viết kiệm lời nhưng lại giàu ý nghĩa. Theo ông một tác phẩm được viết theo nguyên lí tảng băng trôi thì chỉ có ba phần nổi bảy phần chìm, như vậy đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ chiêm nghiệm mới có thể thấy hết cái hay, cái đẹp của nó. Nhà văn không trực tiếp nói ra những ý tưởng của mình mà phải xây dựng những hình tượng mang nhiều sức gợi. Có những câu văn để trống để cho người đọc sẽ tự suy nghĩ và tìm hiểu, qua đó tự rút ra phần ẩn ý của tác phẩm.
Về tác phẩm “Ông già và biển cả” thì nhân vật chính là ông già Xantiago – một ông lão đánh cá người Cu ba. Năm nay ông lão đã 74 tuổi và trong suốt 84 ngày liền lão đã không câu được bất cứ một con cá nào dù to hay nhỏ to. Chính vì thế mà đến cả cậu bé Ma nô lin – người hay đến câu cùng ông cũng bị bố mẹ cấm không cho đi câu chung với lão nữa. Người dân xung quanh còn cho rằng có thể ông gặp vận xui rồi. Một hôm với ý chí không chịu khuất phục hiện thực của mình, Xantiago đã quyết định một mình ra khơi xa đánh cá. Thế rồi câu chuyện bắt đầu từ đây và những hình tượng ý nghĩa cũng bắt đầu được nhà văn thể hiện.
Sau một thời gian chẳng câu được gì, ông lão không hề nản chí mà vẫn tiếp tục thả cần câu xuống. Qủa không uổng công chờ đợi, cuối cùng một con cá kiếm đã cắn câu. Đó là một con cá lớn làm cho ông lão cảm thấy phấn khích, ông rất tự hào với tài nghệ của mình. Chính vì thế mà ông quyết định phải bắt bằng được con cá ấy vào bờ cho người ta không còn nói được gì ông nữa. Ban đầu, con cá hiện lên với những ấn tượng vô cùng đẹp. Tuy nó không xuất hiện trực tiếp, mà chỉ được ông lão miêu tả qua những vòng lượn tròn rất lớn, thấy một cái bóng đen vượt dài qua dưới thuyền. Chỉ như thế cũng đủ thấy con các có tầm vóc to lớn thế nào, khiến cho ông lão không thể tin vào độ dài của nó. Con cá còn được miêu tả qua hình ảnh “Cái đuôi lớn hơn cả một chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẳm”. “Thân hình đồ sộ và những dọc dài màu tía” và “bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng”. Nhà văn đã dùng những từ ngữ hay và gọn nhất để có thể miêu tả bao quát về hình ảnh của con cá kiếm ấy. Con cá ấy hiện lên thật sự rất lớn, lớn hơn cả cái thuyền của ông lão, làm cho ông cảm thấy như đang buộc con thuyền của mình vào một con thuyền khác lớn hơn. Ngay khi đó, con cá với sức mạnh khủng khiếp đã ròng rã kéo ông lão ra khơi xa trong suốt hai ngày đêm. Một ông già cô độc, ra khơi chỉ với một chai nước và một quyết tâm không gì lay chuyển về việc bắt được con cá lớn để thật xứng đáng với tài nghệ của mình, lúc này đã được đặt vào một thử thách mang tính quyết định. Liệu ông lão có chinh phục được con cá kiếm khổng lồ ấy không?
Và cuộc chiến kịch tính giữa ông già và con cá bắt đầu từ đó, một cuộc chiến không hề cân sức.
Về phía con cá nó cũng tỏ ra vô cùng khôn ngoan. Khi bị mắc câu thì con cá lượn vòng một cách chậm rãi đến bên thuyền sau đó nó lại đột ngột tấn công ông lão. Khi thấm mệt thì nó lại bơi chậm rãi, khiến cho ông lão tưởng rằng đã bắt được nó nhưng nó lại bơi ra xa. Với những vòng lượn lớn, con cá khiến ông lão chóng mặt hoa mắt choáng váng. Những vòng lượn ấy như thể hiện sự vùng vẫy, cố gắng của con cá mong muốn thoát khỏi sự bủa vây của người ngư phủ. Rồi cuối cùng ông lão cũng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con cá một cách trực tiếp khi nó “phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực. Nó dường như treo lơ lửng trên không trung… rơi sầm xuống nước bắn tung trùm lên cả ông lão và chiếc thuyền”
Qua đây ta mới thấy được ý đồ nghệ thuật sâu sắc mà nhà văn gửi gắm qua hình tượng con cá kiếm. Con cá kiếm ấy là hình tượng văn học mang tính người, nó toát lên sự kiêu dũng, oai hùng cũng như bất khuất vượt lên mọi khó khăn, thách thức của cuộc sống, không những thế con cá còn là biểu tượng của thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ và to lớn. Sức mạnh, vẻ đẹp của thiên nhiên được thể hiện qua hình tượng đặc điểm của con cá kiếm khổng lồ ấy. Đồng thời nó còn biểu tượng cho ước mơ, hoài bão và những khát vọng của con người.
Còn về phía ông lão, ông đã tỏ ra vui mừng, phấn khích khi thấy con cá vừa đẹp đẽ vừa to lớn như vậy, ông cũng quyết tâm phải chiến đấu, phải chinh phục được nó. Đây là một cuộc chiến đấu không hề cân sức một chút nào giữa một bên là con cá khổng lồ với sức mạnh to lớn còn một bên là một ông lão đã gần 80 tuổi. Thế nhưng ông không hề tỏ ra đuối chí, không chịu khuất phục mà kiên quyết bắt con cá đó về bằng được.
Ông lão cũng là một lão ngư dày dặn kinh nghiệm. Chỉ cần nhìn những vòng lượn của con cá mà ông biết được tình trạng nó đang như thế nào và chỉ qua cảm nhận về sự căng chùng của sợi dây mà ông biết được con cá đang làm gì. Phải là một người lão luyện lắm mới có thể cảm nhận được chính xác như thế. Ông vô cùng khéo léo khi biết lúc nào nên kéo lúc nào nên nới lỏng sợi dây để con cá không bị đau mà giật đứt dây câu. Và đặc biệt là hành động nhanh chóng và đầy dứt khoát khi ông phóng lao trúng tim con cá càng thể hiện được tài năng của ông lão. Cuộc chiến không cân sức như thế nhưng ông lão với sự kiên cường, với ý chí và với sức mạnh phi thường của mình cuối cùng ông đã thu phục được nó.
Qua đây ta thấy được, qua hình tượng ông lão đánh cá này nhà văn đã ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh phi thường của con người trong hành trình chinh phục thiên nhiên.
Thế nhưng kết cục câu chuyện lại quá thương tâm, bởi vì khi ông lão đã giành hết sức lực của mình để bắt được con cá ấy nhưng cuối cùng lại bị đàn cá mập đến rỉa sạch, đến khi cho nó vào bờ chỉ còn lại bộ xương mà thôi. Nhưng điều đó không còn quá quan trọng nữa mà điều quan trọng là ông lão đã chiến thắng trong trận đấu kịch tính không cân sức đó. Đó mới là điều mà nhà văn muốn gửi gắm những ý nghĩa biểu tượng.
Qua những phân tích trên chắc hẳn ta cũng thấy được phần nổi và phần chìm của tác phẩm. Phần nổi chính là hành trình chinh phục con cá kiếm khổng lồ của ông lão đánh cá Xantiago cô độc. Còn phần chìm chính là những hình ảnh mang tính biểu tượng. Đó là ông lão biểu tượng cho sức mạnh phi thường và trí tuệ của những người dân lao động. Đó là con cá kiếm biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp của thiên nhiên. Biển cả bao la, rộng lớn, kì vĩ đã là môi trường hoạt động sáng tạo của con người. Còn cuộc đi ra khơi xa để câu cá của ông lão chính là hành trình đi tìm cái đẹp và chinh phục thiên nhiên. Nó còn là hành trình theo đuổi, chinh phục ước mơ và biến ước mơ ấy thành hiện thực, là hành trình để vượt qua những khó khăn thử thách để tới thành công. Nó cũng là hành trình đi tìm kiếm, sáng tạo nghệ thuật của những người nghệ sĩ, hình tượng ông lão chiến thắng con cá cũng giống như người nghệ sĩ sau những lao động vất vả cũng đã nhận được những thành công, những quả ngọt cho riêng mình.
Tác phẩm Ông già và biển cả cũng thể hiện tình cảm yêu mến, sự khâm phục, ngưỡng mộ của nhà văn đối với những con người lao động nghèo khổ. Từ đó, tác giả muốn gửi đến người đọc một thông điệp quan trọng rằng: Trong cuộc đấu tranh vật lộn để mưu sinh hay để lập chiến công, con người ta có thể chấp nhận cái chết, nhưng không bao giờ được bỏ cuộc, không chấp nhận lùi bước. Câu chuyện về ông lão đánh cá già nua, đơn độc nhưng lại vô cùng dũng cảm ấy đã cổ vũ biết bao con người trên thế giới dám dấn thân mình vào sự nghiệp đấu tranh vì hạnh phúc của nhân loại.
Mong rằng bài phân tích Ông già và biển cả trên đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn, giúp các bạn có thêm những ý tưởng mới cho bài viết của mình thêm phong phú hơn.