Phân tích truyện ngắn Thuốc – Lỗ Tấn đầy đủ, chi tiết

0

Lỗ Tấn là nhà văn hiện thực nổi tiếng của văn học Trung Hoa, những tác phẩm của ông đều hướng đến những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, nhức nhối của xã hội Trung Hoa đương thời. “Thuốc” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nổi tiếng nhất của ông. Qua bài văn phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn dưới đây các bạn sẽ thấy được hiện thực đen tối, u ám của xã hội Trung Quốc, khi nhân dân chìm đắm trong u mê, lạc hậu, còn những người làm cách mạng thì xa rời quần chúng.

Phân tích truyện ngắn Thuốc – Lỗ Tấn đầy đủ, chi tiết
Phân tích truyện ngắn Thuốc – Lỗ Tấn đầy đủ, chi tiết

Tham khảo thêm:

KHÓA ÔN CHUYÊN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT

NHANH CHÓNG LẤP LỖ HỔNG KIẾN THỨC - TỰ TIN NHẬP CUỘC ĐƯỜNG ĐUA ĐẠI HỌC

✅ Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm theo từng chuyên đề thi tốt nghiệp THPT

✅ Cung cấp các phương pháp làm bài hiệu quả theo từng chuyên đề THPT

✅ Lưu ý các lỗi sai thường gặp và tips, mẹo gia tăng tốc độ làm bài

✅ Đầy đủ các môn Toán - Lí - Hóa - Anh - Văn - Sinh - Sử - Địa - GDCD

✅ Học phí chỉ 50K/chuyên đề

I, Dàn ý chi tiết phân tích truyện ngắn Thuốc

1, Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả Lỗ Tấn: ông là một nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc trong đầu thế kỉ XX. Ông là một người vô cùng tâm huyết, luôn chỉ ra cái “bệnh quốc dân” của nhân dân Trung Quốc để tìm ra phương thuốc chữa trị. Lỗ Tấn được tôn vinh là “linh hồn dân tộc”.

– Giới thiệu vài ý chính của truyện ngắn Thuốc: Truyện là hồi chuông cảnh báo căn bệnh ngu muội, lạc hậu của người dân Trung Hoa đầu thế kỉ XX.

2, Thân bài:

2.1, Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Thuốc” và hình tượng bánh bao tẩm máu người.

– “Thuốc” là chiếc bánh bao tẩm máu người mà người cha – lão Hoa đã mua về cho đứa con trai bị bệnh ăn:

  • Hiểu theo nghĩa thực: đó là chiếc bánh bao có tẩm máu người được cho là phương thuốc “thần” có thể chữa khỏi bệnh lao. Đây là một phương thuốc không có bất cứ một cơ sở khoa học nào, thậm chí lạc hậu, viển vông.
  • Thuốc ở đây còn được hiểu theo nghĩa biểu tượng, là phương thuốc điều trị sự u mê, ngu muội, mê tín, lạc hậu về mặt khoa học của nhân dân Trung Quốc thời bấy giờ. Nó còn là phương thuốc để chữa căn bệnh lạc hậu, ngu dốt về mặt chính trị của người dân và sự xa rời quần chúng của những người làm cách mạng.

– Như vậy, chiếc bánh bao tẩm máu không những không phải là thuốc chữa bệnh mà nó là thuốc độc khiến cho căn bệnh của người dân cũng như những người làm cách mạng trở nên trầm trọng hơn.

– Ngay từ nhan đề tác phẩm và hình tượng “bánh bao tẩm máu người” đã lên án xã hội lúc bấy giờ và thể hiện nỗi đau của tác giả trước nỗi đau của cả dân tộc.

2.2, Cái chết của “người tử tù” Hạ Du và thái độ của quần chúng.

a) Cái chết của Hạ Du

– Nhân vật Hạ Du không xuất hiện trực tiếp mà chỉ được giới thiệu thông qua lời của các nhân vật khác:

+ Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng đã tiên phong và xả thân vì nhân dân, vì nghĩa lớn.

+ Nhưng không một ai hiểu những việc anh làm, không ai đứng về phía anh, kể cả bà Tứ – mẹ của Hạ Du. Anh đơn độc đổ máu, hy sinh vì quần chúng nhưng đổi lại, quần chúng lại lấy chính máu của anh để chữa bệnh lao.

– Nhận xét: Hạ Du là chiến sĩ cách mạng gan dạ, anh dũng nhưng lại cô đơn. Anh là biểu tượng của cuộc cách mạng Tân Hợi (năm 1911), cuộc cách mạng góp phần đánh đổ chế độ phong kiến thực dân nhưng đã thất bại do cách mạng đã xa rời quần chúng nhân dân.

b) Thái độ của đám đông quần chúng trước cái chết của Hạ Du

– Đám đông chen lấn nhau, háo hức để xem màn hành hình người chiến sĩ cách mạng Hạ Du.

– Khi trời sáng hẳn, mọi người tập trung ở quán trà của lão Hoa để bàn tán về cái chết của Tử Du với thái độ khinh bỉ, miệt thị.

– Nhận xét: Họ là đám đông quần chúng mê muội, ngu dốt, không hiểu biết về những vấn đề cấp thiết của đất nước, họ đã “ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”, chính vì vậy mà Lỗ Tấn nhận thấy chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần.

2.3, Cảnh hai bà mẹ đi thăm mộ con

– Sự thay đổi của thời gian nghệ thuật trong tác phẩm: cả Hạ Du và Thuyên đều mất vào mùa thu và đến mùa xuân năm sau, trong tiết thanh minh bà Hoa và bà Tứ đã đến thăm mộ con trai. Cái chết của họ như những chiếc lá mùa thu vàng úa rời cành để tích nhựa hi vọng. Thể hiện sự lạc quan của tác giả vào một tương lai cách mạng và sự thức tỉnh của quần chúng nhân dân.

– Hình ảnh con đường mòn phân chia hai bên nghĩa địa thể hiện sự lạc hậu ngay trong tập quán, suy nghĩ của người dân. Hai bà mẹ cùng bước trên con đường ấy thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm vì tình thương con.

– Hình ảnh vòng hoa trên mộ của Hạ Du: cho thấy đã có người đồng cảm, thấu hiểu với sự hy sinh của Hạ Du, nghĩa là cuộc cách mạng vẫn còn hy vọng cứu vãn. Vòng hoa cũng là sự tiếc thương, đồng cảm, sự trân trọng của Lỗ Tấn đối với người chiến sĩ cách mạng kiên cường.

3,  Kết bài:

– Khái quát nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm cách viết cô đọng, súc tích, câu văn giàu hình ảnh mang tính biểu tượng.

– Khái quát giá trị nội dung của tác phẩm: qua truyện ngắn này nhà văn đã chỉ ra căn bệnh ngu dốt, mê muội của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ, nhưng ông vẫn đặt niềm tin vào tương lai: một ngày nào đó nhân dân sẽ thức tỉnh, hiểu và đi theo cách mạng nhờ phương thuốc điều trị tâm hồn.

II, Sơ đồ tư duy phân tích truyện ngắn Thuốc

1. Sơ đồ tư duy tổng quát bài Thuốc

Sơ đồ tư duy tổng quát bài Thuốc
Sơ đồ tư duy tổng quát bài Thuốc

2. Sơ đồ tư duy phân tích nội dung bài Thuốc

Sơ đồ tư duy phân tích nội dung bài Thuốc
Sơ đồ tư duy phân tích nội dung bài Thuốc

III, Bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Thuốc – Lỗ Tấn hay nhất được chọn lọc

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Trung Quốc dưới ách thống trị ngột ngạt, tù túng của triều đại Mãn Thanh, cùng với sự can thiệp thô bạo, sự giằng xé gay gắt của các nước đế quốc, đất nước và người dân Trung Hoa rơi vào cảnh khủng hoảng, suy thoái hết sức trầm trọng. Bầu trời chính trị tối tăm, u ám, rối ren đã gieo rắc những nỗi bất an, lo sợ vào tâm trí của mỗi người dân khi ấy, khiến họ chìm sâu vào u mê, ngu muội, lạc hậu, họ “ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Trong tình cảnh đó, nhà văn Lỗ Tấn – một nhà văn lỗi lạc của văn học Trung Hoa đã viết lên tác phẩm “Thuốc”, truyện ngắn là một bức tranh hiện thực đầy chân thực về số phận của những người cách mạng và vạch trần “căn bệnh tinh thần” của quần chúng, nhân dân.

Lỗ Tấn là nhà văn cách mạng lỗi lạc được sinh ra ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Thuở nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh người cha lâm bệnh, vì không có thuốc mà chết, vì vậy lớn lên ông ôm ước mơ trở thành thầy thuốc. Khi trưởng thành ông bắt đầu theo con đường lương y, nhưng trong một lần xem một bộ phim về người Nhật đang đưa một người Trung Quốc ra xử trảm trước sự chứng kiến của những con người Trung Quốc khỏe mạnh, ông đã đột ngột rẽ hướng chuyển sang làm một nhà văn bởi ông cho rằng “chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần”. Trong các sáng tác của mình ông không ngại phanh phui thẳng thắn những thói hư, tật xấu, những ngu dốt mê muội của quần chúng, để tìm ra “phương thuốc chạy chữa” căn bệnh đó, để tự mình vươn lên, để làm nên một dân tộc tự do, tự lực, tự cường. Trong toàn bộ những sáng tác của mình, ngòi bút của Lỗ Tấn thường tập trung khai phá những căn bệnh tinh thần khiến cho quần chúng nhân dân mê muội, tự thỏa mãn và dần tha hóa biến chất, ngòi bút sắc sảo cùng với thái độ tự phê phán nghiêm khắc của mình nhà văn đã tạo lên những tác phẩm có ý nghĩa lớn lao với những giá trị nhân văn sâu sắc. Truyện ngắn “Thuốc” được viết vào năm 1919 đúng vào thời điểm phong trào chống đế quốc phong kiến, đòi tự do dân chủ của học sinh, sinh viên Bắc Kinh diễn ra bùng nổ. Truyện nói về căn bệnh “đớn hèn” của quần chúng và lối đi sai lầm của những người cách mạng. Tác phẩm như hồi chuông cảnh tỉnh rằng: “Người Trung Quốc cần suy nghĩ nghiêm túc về một phương thuốc để cứu lấy dân tộc”.

Chưa cần đọc tác phẩm, Lỗ Tấn đã làm cho người đọc phải ấn tượng với tên của nhan đề: “Thuốc” – một cái tên hết sức ngắn gọn và súc tích. Chẳng cần những từ ngữ hoa mỹ hay cầu kỳ, nhan đề tác phẩm đã đã nói lên được giá trị cốt lõi của toàn tác phẩm với nhiều tầng nghĩa khác nhau. “Thuốc” ở đây là một “chiếc bánh bao có tẩm máu người”. Đầu tiên có thể hiểu “Thuốc” theo nghĩa thực trần trụi của nó đó là một vị thuốc để chữa bệnh, mà trong tác phẩm nó được dùng  để chữa bệnh ho lao. Máu người có thể chữa được bệnh lao ư? Sao lại có một lối suy nghĩ vừa quái gở, dị hợm, lạc hậu, ngu dốt lại vừa phản khoa học đến vậy! Cũng từ điều đó mà nhà văn liên tưởng đến cái chết của bố mình, cũng chỉ vì ngu muội, lạc hậu làm theo lời của một ông thầy lang rằng dùng rễ cây mía đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ con đực, con cái để chữa bệnh phù thũng và cuối cùng nó dẫn đến cái chết của ông cụ. Cách chữa bệnh bằng những bài thuốc truyền miệng bởi sự mê tín của người dân, đã phần nào khắc hoạ được cho người đọc thấy tình hình của xã hội Trung Quốc u mê, dốt nát lúc bấy giờ.

Nhan đề “Thuốc” của tác phẩm không chỉ dừng lại ở nghĩa tường minh đó mà nó còn mang nghĩa biểu tượng, ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc mà  tác giả khéo léo gửi gắm vào đó. “Thuốc” còn là phương thuốc dùng để chữa căn bệnh tinh thần: Căn bệnh gia trưởng, căn bệnh mê tín, lạc hậu, ngu dốt về mặt khoa học của người dân Trung Quốc. Vợ chồng lão Hoa vì thiếu hiểu biết và gia trưởng nên đã tự mình áp đặt cho đứa con trai của mình một phương thuốc thật kinh dị, quái gở là “chiếc bánh bao tẩm máu người”. Khi cái chết đang trực chờ, họ lại đặt cược mạng sống của con mình vào một chiếc bánh bao nhuốm máu, vô tình đẩy con mình vào ngõ cụt. Có lẽ thằng Thuyên – con trai của họ đã sống sót nếu như được chữa trị đúng cách bởi vì lao là một căn bệnh không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Điều đáng buồn là không chỉ vợ chồng lão Hoa mà tất cả mọi người trong quán trà đều tin tưởng vào điều vô cùng phi lý ấy. Bánh bao tẩm máu người kia không những không phải thần dược như những kẻ ngu muội kia đang đặt hy vọng, mà nó còn thứ thuốc “độc” giết chết đi một mạng người, giết chết đi tư tưởng của cả một xã hội.

Đất nước Trung Hoa đang rơi vào cảnh nguy khó hơn bao giờ hết, điều đó bắt nguồn ngay từ trong chính quần chúng nhân dân, họ đang mắc phải một căn bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa, đó là căn bệnh “u mê, lạc hậu về chính trị”. Người dân nô nức dẫn nhau đi xem một chiến sĩ cách mạng bị xử tử hình, họ còn cho rằng đó là giặc, là kẻ điên và sẵn sàng mua máu của anh về làm thuốc. Người anh hùng dám xả thân vào sự nghiệp bảo vệ đất nước, anh sẵn sàng hy sinh chẳng tiếc đời mình để cho người dân được hưởng tự do, độc lập. Ấy vậy mà khi anh nằm xuống, những con người ngu muội kia chẳng những không xót thương, đau lòng mà họ còn miệt thị, khinh bỉ, coi cái chết của anh là đáng đời. Lỗ Tấn đã chỉ ra căn bệnh của quần chúng nhân dân và đi sai lầm  của người làm cách mạng, họ đã xa rời nhân dân, không lấy nhân dân làm gốc, cũng chính bởi lẽ đó đã làm cho đất nước ngày càng lún sâu vào bế tắc, người dân thì ngày càng u mê trong lối suy nghĩ tầm thường, lạc hậu. Có thể nói chỉ với nhan đề của tác phẩm mà tác giả đã gói trọn hết hiện thực xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ, đó cũng là chủ đề tư tưởng bao trùm cả tác phẩm, nói lên nỗi trăn trở, xót xa của tác giả trước tình cảnh đất nước đang lâm nguy: Nhân dân không gắn bó với cách mạng, còn những người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.

Mở đầu tác phẩm, Lỗ Tấn đã dẫn dắt người đọc đến với câu chuyện vào “một đêm mùa thu”  khi trời mới nhá nhem sáng, ngoài đường tối om, khung cảnh lúc này thật vắng lặng, ảm đạm không có lấy một bóng người “ngoài những giống đi ăn đêm, còn thì ngủ cả”. Lão Hoa đã dậy từ rất sớm, rời khỏi nhà từ lúc mặt trời còn chưa mọc để đến pháp trường với hy vọng tìm được thứ thuốc “thần” để cứu đứa con lão từ cõi chết trở về. Lão bước đi đều đều trên con đường lạnh lẽo tối om, lòng sảng khoái lạ lùng, lão cảm thấy mình như trẻ lại. Chẳng phải tự nhiên mà lão Hoa lại vui mừng, phấn khởi đến thế, bởi lão nghĩ tới thằng Thuyên – con trai lão ở nhà sắp được cứu sống, đó là đứa con trai duy nhất “mười đời độc đinh” đang mắc phải căn bệnh ho lao. Tới pháp trường, khi được tận mắt trông thấy thứ thuốc mà ông cho là “thần dược” ấy lão lại thấy sợ hãi không dám đưa tay ra cầm lấy, thần dược kia chính là “chiếc bánh bao nhuốm máu đỏ tươi”  của người vừa bị xử tử.

Thật đáng sợ biết bao, một chiếc bánh nhuốm máu của người chết chém làm sao lại có thể trở thành thuốc chữa bệnh?  Một người chiến sĩ cách mạng bị xử tử, chẳng một ai xót thương, họ còn nhẫn tâm dùng máu của anh để bán chác, họ coi anh như kẻ tội đồ nên mới dửng dưng trước cái chết đầy oan ức của người làm cách mạng – Hạ Du. Lão Hoa cầm và nâng niu gói bánh như “đứa con của gia đình”, để cả tinh thần mình vào đó, lúc này tai lão chẳng nghe được gì nữa, chỉ nghe thấy duy nhất tiếng đứa con trai đang chờ lão quay về. Cái bánh bao loang lổ máu đỏ được bà Hoa gói vào trong một lá sen và đem đi nướng trong bếp lửa thành một thứ “tròn tròn, đen đen”, họ vẫn một mực tin tưởng vào sự thần kỳ của vị thuốc thần quái dị kia mà nói “Ăn đi con! Sẽ khỏi ngay”. Họ tin tưởng không một chút hoài nghi, chỉ cần ngủ một giấc dậy đứa con họ sẽ lại khoẻ mạnh như xưa. Tình yêu sâu sắc đối với đứa con duy nhất này đã làm cho đôi vợ chồng già trở nên mù quáng, mê muội, họ vừa đáng thương cũng vừa đáng trách. Mà cũng chẳng riêng gì vợ chồng lão Hoa, tất cả mọi người đều tin vào vị thuốc phản khoa học ấy, bác Cả Khang còn khẳng định chắc nịch “cam đoan thế nào cũng khỏi”, những vị khách trong quán trà cũng phụ hoạ theo “thứ thuốc này đặc biệt lắm”, “nhất định sẽ khỏi thôi mà”,… Những lời nói đó của mọi người lại càng gieo thêm sự tin tưởng cho gia đình người chủ quán, không ai bàn tán gì thêm về vấn đề này bởi họ nghĩ thằng Thuyên chắc chắn sẽ khỏi bệnh không thể nào khác đi được. Dù đã ăn chiếc bánh bao kia, nhưng cuối cùng Thuyên cũng chết, cái chết đầy xót xa, đáng thương bởi nó đã giao hết sự sống của mình cho cha mẹ định đoạt, nó chẳng hay hề biết được rằng chính “chiếc bánh bao tẩm máu người” kia đã gián tiếp cướp đi mạng sống của nó. Nhà văn Lỗ Tấn đã vạch trần hiện thực trần trụi của đất nước Trung Quốc dưới sự thống trị nhà Thanh đã đẩy người dân vào cuộc sống bế tắc, cùng cực, chìm sâu vào những u mê, lạc hậu, ngu muội. Bệnh tật phải được chữa bằng một phương thuốc đặc hiệu, đúng đắn chứ không thể chữa được bằng phương pháp mê tín, dị đoan.

Không cần dùng quá nhiều câu văn để miêu tả, Lỗ Tấn đã khéo léo lồng ghép, đan xen vào cuộc nói chuyện của những vị khách trong quán trà, người tử tù cũng chính là một người chiến sĩ cách mạng anh dũng tên Hạ Du. Anh là một trong số những người dân sớm giác ngộ tư tưởng cách mạng, anh chọn cho mình lối đi hướng tới cách mạng, dám xả thân, hy sinh thân mình cho đất nước, cho dân tộc. Thế nhưng trong mắt quần chúng nhân dân anh lại chỉ là: “nhãi con”, “thằng quỷ sứ”, “khốn nạn”, “điên”… Ngay cả người chú ruột cũng không nghĩ tới tình thân mà đứng ra tố cáo cháu mình để đổi lấy hai mươi lạng bạc, bọn họ còn tiếc cái áo hơn cả mạng sống con người, thậm chí lúc anh nằm xuống nơi pháp trường thì máu của anh cũng dùng để làm thứ trao đổi mua bán. Tình cảnh bi hài, trớ trêu làm sao, khi người chiến sĩ cách mạng bị gọi là giặc trong chính đất nước mà anh ra sức bảo vệ. Tình cảnh xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ như một kẻ bệnh tật đang đứng bên bờ cõi của cái chết, cần một liều thuốc đặc trị mới có thể thoát khỏi nạn vong quốc. Hình tượng người tử tù, chiến sĩ Hạ Du đã lên án, tố cáo gay gắt tình trạng suy thoái của đất nước trước sự u mê, ngu muội của quần chúng về chính trị và sự xa lánh thoát ly ra khỏi quần chúng nhân dân của người làm cách mạng.

Không gian truyện được bao trùm bởi sự bế tắc, ảm đạm, lạnh lẽo nhưng thời gian của truyện được Lỗ Tấn miêu tả có sự chuyển biến tích cực từ mùa thu “trảm quyết”, “chết chóc” đến mùa xuân “Tiết thanh minh” năm ấy. Điểm nhìn của tác giả xuôi theo mạch cảm xúc, suy tư lạc quan, niềm hy vọng về tương lai tươi đẹp của đất nước. Con đường mòn nhỏ hẹp, quanh co mà người đi mãi cũng thành đường, từ lâu đã trở thành cái “ranh giới tự nhiên” giữa mộ của những người chết chém, chết tù với mộ của những người nghèo. Cái ranh giới từ lâu đã hằn sâu trong tư tưởng của nhân dân, là sự phân biệt giữa những cuộc đời có sự khác nhau trong lối suy nghĩ. Ngay cả mẹ Hạ Du cũng chẳng hiểu được con mình, khi có người bắt gặp bà ở nghĩa trang, bà chững lại không dám bước tới mộ con, sắc mặt bà “đỏ lên vì xấu hổ”. Nhưng con đường mòn kia dường như chẳng còn tồn tại khi bà Hoa chủ động đi tới bên kia phía trái con đường để an ủi, động viên và chia sẻ với nỗi đau mất con của mẹ Hạ Du. Một vòng hoa nhỏ xuất hiện trên mộ Hạ Du, đây có thể là do một người dân để lại để tưởng nhớ đến công lao, biết ơn, thấu hiểu sự hy sinh của người chiến sĩ, đồng thời cũng là tấm lòng thương xót, biết ơn, sự trân trọng của nhà văn dành tặng với một niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Hình ảnh vòng hoa cũng nhen nhóm một tia hy vọng nhỏ nhoi khi có người đã hiểu được ý nghĩa của sự hy sinh cao cả của người anh hùng cách mạng Hạ Du. Có lẽ không còn lâu nữa, đất nước Trung Quốc sẽ tươi đẹp hơn.

Với ngòi bút cô đọng, súc tích, cùng lối viết giàu hình ảnh sinh động và chân thực Lỗ Tấn đã gợi lên trong lòng mỗi người đọc những suy nghĩ băn khoăn, những thắc mắc về tình cảnh đất nước Trung Hoa thuở bấy giờ. Lỗ Tấn – một nhà văn lỗi lạc, là “linh hồn của dân tộc”, ông đã khóc trước “nỗi đau của cả dân tộc” trong từng tác phẩm của mình, với Thuốc mang hình thức là một truyện ngắn nhưng lại có kích thước của một truyện dài, để lại giá trị lịch sử ý nghĩa vô cùng to lớn cho đất nước.

Truyện ngắn Thuốc là một tác phẩm giàu giá trị của nhà văn Lỗ Tấn, truyện không chỉ phản ánh hiện thực xã hội Trung Quốc mà còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, mong rằng qua bài phân tích này các bạn có thể hiểu và cảm nhận được những giá trị lớn lao mà tác giả gửi gắm.

Ngoài ra, chúng tôi đã tổng hợp một số tài liệu, văn mẫu, đề bài tập học tốt môn Văn THPT, các bạn có thể tải về miễn phí TẠI ĐÂY nhé!