Hơn ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày người nghệ sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ tạm biệt nhân gian để trở thành “người trong cõi nhớ” của những người ở lại. Lịch sử sân khấu và lịch sử văn học nước nhà đã dành những tôn vinh xứng đáng cho tài năng cùng những trước tác nghệ thuật của ông. Và hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu văn học, sân khấu vẫn cố gắng cắt nghĩa, lí giải tính thời sự nóng hổi cùng sức sống lâu dài của kịch Lưu Quang Vũ đối với công chúng. Có nhiều yếu tố tạo nên sức hấp dẫn lâu bền của kịch Lưu Quang Vũ, nhưng trong những nỗ lực lí giải thành công của hiện tượng này, chúng tôi đề cao năng lực lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ nơi ông, cụ thể là việc trao quyền phát ngôn cho các vai chức năng trong kịch.
Nhiều người cho rằng yếu tố thời đại đã chắp cánh cho những thành công của kịch Lưu Quang Vũ, nhưng những tác giả cùng thời thậm chí còn giàu kinh nghiệm hơn kịch gia họ Lưu khi ấy không hề ít trên kịch trường. Trước Lưu Quang Vũ, khán giả sân khấu kịch cả nước đã quen thuộc với những cái tên như Nguyễn Đình Thi, Học Phi, Xuân Trình, Đào Hồng Cẩm… Sau khi Lưu Quang Vũ xuất hiện, những tác giả gạo cội ấy vẫn tiếp tục mạch sáng tác và có được các vở diễn để đời: Nguyễn Đình Thi có Người đàn bà hóa đá, Tiếng sóng, Cái bóng trên tường, Trương Chi; Xuân Trình có Mùa hè ở biển; Đào Hồng Cẩm có Tiếng hát; Doãn Hoàng Giang có Hà My của tôi, Nhân danh công lí… Kịch của các tác giả kể trên cũng mang những phẩm chất mà trước nay người ta hay dùng để ca ngợi kịch Lưu Quang Vũ như tính dự báo, tính thời sự, sự đa dạng chủ đề và phạm vi phản ánh… Do đó, ngoài năng lực viết nhanh, viết khỏe ít người theo kịp, theo chúng tôi, Lưu Quang Vũ còn có một ưu thế vượt trội so với đa số nhà viết kịch cùng thời, đó là năng lực sử dụng ngôn ngữ tạo ra những câu thoại vừa dí dỏm vừa sâu sắc. Để rồi sau khi đèn tắt, vở khép, điều còn đọng lại trong độc giả, khán giả thường là dư vị mặn đắng, chát chúa của những câu thoại “đắt giá”, buộc họ phải điều chỉnh suy nghĩ và hành vi. Chính khi ấy và bằng cách ấy, kịch của Lưu Quang Vũ đạt được tính chất dụ ngôn sâu sắc.
Phát ngôn trong kịch đã quan trọng, phân vai phát ngôn trong kịch dụ ngôn còn quan trọng và phức tạp hơn rất nhiều. Trên sân khấu của những trò diễn, các nhân vật trong kịch đối thoại, “đấu khẩu” với nhau, nhân vật nào cũng nói, nhưng lời nói của các nhân vật không phải bao giờ cũng có giá trị như nhau. Các tác giả kịch luôn có ý thức để nhân vật này được quyền nói buộc người ta phải nghe, và ngược lại, có những nhân vật khác nói chẳng ai nghe hoặc là cơ sở để người ta lên án, chê trách.
Trong kịch Lưu Quang Vũ, các nhân vật được đặt giữa vô số các mối quan hệ, tuy nhiên có thể lược quy vào ba kiểu quan hệ dựa trên các nền tảng giá trị và vị thế khác nhau gồm: quan hệ bề bậc (bố – con, anh – em, thầy – trò…); quan hệ đạo đức, tư tưởng (thiện – ác, trung – gian, tiến bộ-bảo thủ…); quan hệ giai cấp – xã hội (cán bộ – nhân dân, lãnh đạo – nhân viên, giàu – nghèo…). Trong quá trình can dự vào sự vận động của cốt truyện kịch, các nhân vật đều có lời nói, giọng điệu riêng, nhưng theo chúng tôi chủ thể phát ngôn giữ vị thế thượng tôn trong hầu hết các kịch bản của Lưu Quang Vũ là những nhân vật mang bài học, những chủ thể sở đắc chân lí gồm người già, phụ nữ và người trẻ.
20190905 LQV
Một cảnh trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Ảnh: ST
Là một nghệ sĩ và một nhà văn hóa, trong quá trình xây dựng kịch bản, Lưu Quang Vũ luôn chú trọng đến phát biểu của những nhân vật cao niên và những phát biểu ấy, trong đa số trường hợp đều thể hiện sự minh triết. Đó có thể chỉ là những người lao động bình thường như ông Trương Ba (Hồn Trương Ba, da hàng thịt), bà mẹ Xuyên (Lời thề thứ chín), ông Quých, bà Bộng (Tôi và chúng ta), cụ Gồi (Những ngày đang sống)…, đôi khi là những người lớn tuổi giữ địa vị cao trong xã hội, có tư tưởng tiến bộ như Bí thư Thành ủy Lê Duy (Nếu anh không đốt lửa), vị Bộ trưởng (Tôi và chúng ta)… Xuyên suốt kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt, độc giả chứng kiến nhiều phát biểu tinh tế, ý vị và sắc sảo của Trương Ba những khi nhân vật này suy tưởng, hoài niệm hay trước những lựa chọn khó khăn vào những thời khắc bản lề của cuộc đời. Hãy nghe đoạn ông phản biện lại Tiên cờ Đế Thích khi bị dụ dỗ nhập vào xác chú bé Tỵ:
“Đế Thích: – Trong thân một đứa bé, ông sẽ có cả một cuộc đời trước mặt.
Trương Ba: – Để rồi, chẳng bao lâu nữa, bà nhà tôi, bạn bè cùng lứa với tôi như bác Trưởng Hoạt lần lượt nằm xuống, mình tôi vẫn phải sống suốt bao năm tháng dằng dặc. Mình tôi giữa đám người hậu sinh. Những gì chúng thích thì tôi ghét, những gì tôi thích chúng chẳng ưa. Tôi sẽ như ông khách ngồi dai ở nhà người ta, mọi khách khác đã về cả rồi, mình vẫn dầm dề nán lại”(1).
Trong khi với nhiều người, để giữ lại mạng sống, họ sẵn sàng bán rẻ linh hồn, sẵn sàng chà đạp lên người khác thì phát ngôn trên của ông Trương Ba như lời răn dạy của một bậc hiền triết, logic sắc sảo nhưng cũng rất đỗi dung dị. Nó đồng thời khẳng định vị thế phát ngôn mang tính quan niệm của chủ thể lời nói. Cũng như ông Trương Ba, bà Xuyên trong Lời thề thứ chín tuy chỉ là một nông dân nghèo nhưng lại rất hiểu chuyện, và dường như trong mọi tình huống, bà luôn giữ được sự tỉnh táo để phân tích tình hình và đưa ra những nhận định hợp lí, thuyết phục được mọi người xung quanh. Trước sự xốc nổi, bồng bột của bốn anh lính trẻ trong đó có con trai mình, bà đã bình tĩnh phân tích cho họ thấy cái sai trong hành động bỏ đơn vị về địa phương cứu bố Xuyên đang chịu hàm oan:
“Bà Xuyên: – Yên vui, công bằng không thể đến bằng cách này. Phải do mọi người, rồi phải do Đảng, do chính quyền, nhìn ra mà có cách cho dân khỏi khổ”(2).
Lối suy nghĩ của bà không hề viển vông mà là sự trù tính xa xôi và toàn cục. Ở một diễn biến khác, trước sự mất niềm tin của con trai với những nỗ lực kêu oan dường như vô vọng của mẹ, bà vẫn không bị lung lạc, vẫn suy nghĩ tích cực và lạc quan:
“Bà Xuyên: – Dù có khản tiếng, kiệt sức mẹ vẫn phải đi. Mà đâu chỉ có mình mẹ, còn bà con, còn những người tốt biết phân biệt phải trái… Nhất định có ngày nỗi oan được cởi, trắng đen được sáng tỏ rạch ròi. Lẽ trời, lẽ người là như vậy”(3).
Trong kịch Lưu Quang Vũ, người đàn ông thường xuất hiện như những nhân vật trung tâm, nhưng chính người phụ nữ mới là những nhân vật mà lời nói có “trọng lượng” nhất. Trong những giờ phút quan trọng, những phát ngôn của họ tựa như chứa đựng một thứ “quyền lực mềm” giúp điều tiết, hóa giải xung đột và phát đi những bài học nhân sinh sâu sắc. Ta bắt gặp những phát ngôn như thế đến từ mẹ Xuyên (Lời thề thứ chín), bà vợ, chị con dâu (Hồn Trương Ba, da hàng thịt), Thảo (Ông vua hóa hổ), Thanh (Tôi và chúng ta), Nhâm (Điều không thể mất)…
Theo dõi bi kịch hồn – xác trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, chúng ta hẳn không quên tình thế dồn nén đưa ông Trương Ba đến quyết định “chết hẳn”. Trong rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa đến quyết định cuối cùng ấy của ông, đáng chú ý nhất và dường như đóng vai trò then chốt nhất là lời của chị con dâu. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng khi bà vợ đòi bỏ đi, cái Gái bực tức ném vào ông những lời mắng nhiếc, xua đuổi, Trương Ba chỉ còn một niềm an ủi duy nhất là tình thương, sự cảm thông của cô con dâu mà mình xem như con đẻ. Thế nhưng sự bấu víu cuối cùng ấy cũng tuột mất:
“Chị con dâu: – … Thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa… Con càng thương thầy, nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?”(4).
Lời tâm sự đầy chua xót ấy của chị con dâu chính là giọt nước tràn li để ông Trương Ba đưa ra quyết định về sự sống chết của mình.
Dẫu không phải là nhân vật trung tâm nhưng những ý kiến của Thanh luôn có tính tác động trực tiếp đến mọi quyết định của Hoàng Việt (Tôi và chúng ta). Lời lẽ của người phụ nữ nhỏ bé ấy luôn toát lên vẻ sáng suốt, tỉnh táo và sự điềm tĩnh của một người sẵn sàng đối mặt với cái chết khi mang trong mình di chứng chiến tranh.
“Thanh: – … Tôi không biết lắm về những lí lẽ. Đi từ thế giới của cái “tôi” sang thế giới của “chúng ta”. Nhưng cái chúng ta ấy phải được làm bằng mỗi cái tôi cụ thể, bằng sự tôn trọng, hạnh phúc và phẩm cách của từng người. Nếu không anh sẽ không làm gì được đâu, cái thế giới chúng ta chung chung của anh, sẽ không ai thiết đâu, đồng chí giám đốc ạ!”(5).
Cũng như Thanh, mặc dù nhân vật chính của tấn bi kịch tù oan là Luân (Trái tim trong trắng) nhưng người giữ vai trò kiếm tìm công lí và phát ngôn chân lí lại thuộc về Phương – người yêu của Luân:
“Phương: – Nếu người chết có linh hồn, sẽ nghĩ gì, nói gì? Có nằm yên dưới mộ được không nếu biết vì cái chết của mình mà bao người đau khổ? Nơi kết thúc của mọi đời người đây (nghĩa trang). Mọi thù oán, yêu thương, nghi ngờ, đau khổ… Nhưng phải có gì còn lại? Lẽ phải, tình yêu, công lí…”(6).
Trong hầu hết các vở kịch của mình, Lưu Quang Vũ dành một vị trí trang trọng cho người phụ nữ. Họ có thể không phải là nhân vật trung tâm nhưng phát ngôn của họ là những chân lí không thể chối cãi, và vì lời nói của phụ nữ – với tất cả thiên chức và tính nữ của mình – bao giờ cũng là những lời dịu dàng, mềm mại, dễ lọt tai nhất.
Ngoài nhân vật người già và phụ nữ, Lưu Quang Vũ còn dành một niềm ưu ái đặc biệt với những người trẻ tuổi. Những người trẻ có được thẩm quyền phát ngôn trong kịch Lưu Quang Vũ là những người đại diện cho lực lượng dựng xây hiện tại và kiến tạo tương lai, họ là những người dám thể nghiệm và dám thất bại. Ở những người ấy có sự nông nổi, bồng bột nhưng cũng đầy trách nhiệm và tình yêu cùng niềm lạc quan mãnh liệt.
Điểm hạn chế thường thấy của những người trẻ tuổi là dễ mắc sai lầm. Những nhân vật trẻ tuổi trong kịch Lưu Quang Vũ cũng không ở ngoài xu hướng khách quan đó. Quan trọng hơn, sau những vấp ngã và trả giá họ đúc kết ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân và cho cả những người xung quanh. Khi ấy, thái độ phát ngôn của họ trở nên trầm tĩnh, từ tốn hơn.
Những lời của Hưng (Bệnh sĩ) về quyết tâm vạch trần sự giả dối sau những vỏ bọc hư danh cũng phần nào giống với suy nghĩ của Cuội khi vở Lời nói dối cuối cùng khép lại:
“Hưng: – Vì chính ở cái xã quê mình và quê Nhàn này, mình được chứng kiến bao cái dở, bao sự lăng nhăng vớ vẩn không ra sao do bệnh sĩ, bệnh sính hư danh đâm ra giả dối bốc phét, để cho những kẻ không ra gì nó thừa cơ đục nước béo cò. Dân khổ bởi phải hứng chịu toàn những thứ dởm. Mình không muốn đóng góp thêm một thứ đồ dởm nữa là chính bản thân mình”(7).
Người tốt nhà số 5 không hấp dẫn độc giả ở cốt truyện mà ở những triết lí trong các câu thoại khi các nhân vật của khu nhà nhận xét về Hiệp và lòng tốt của anh. Những câu thoại mà ngay khi vừa cất lên đã khiến độc giả và khán giả ngậm ngùi: Liệu có phải cứ sống tốt là sẽ có ích cho người khác? Làm sao để làm người tốt?
“Khôi: – Anh cố chấp quá! Cố chấp như thế chỉ thiệt anh mà cũng chẳng có lợi cho ai! Chỉ nên làm người tốt khi nào làm người tốt không bị thiệt. Một xã hội để cho người tốt bị thiệt thì ta cũng chẳng nên tôn trọng những quy tắc của xã hội ấy”(.
Chắc hẳn sẽ có nhiều người đồng ý với lí giải này của Khôi về lòng tốt và điều kiện thực hành lòng tốt. Người ta chẳng thể trách được lối suy nghĩ ấy của Khôi, bởi anh còn phải lăn lộn mưu sinh để nuôi mẹ. Dù còn trẻ và vì còn trẻ nên anh cũng như nhiều người khác đã nhìn ra những khó khăn của thời bao cấp và đã rất nhanh để thích ứng với nó. Để cho chính những người trẻ nhìn nhận về sai lầm của bản thân từ đó phản tỉnh xã hội, Lưu Quang Vũ đã làm sâu sắc thêm tính luận đề cho các vở kịch của mình.
Ý thức sâu sắc rằng ngôn ngữ kịch không chỉ là công cụ biểu đạt mà còn là phương tiện tác động của kịch, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được rất nhiều điển hình nghệ thuật, cùng với đó, những phát ngôn chuyên chở nhiều thông điệp mang chiều sâu tư tưởng kia đã làm nên linh hồn, tạo thành sức sống bền bỉ cho mỗi vở diễn của ông. Với những kiến giải này, chúng tôi muốn khẳng định rằng: cùng với hành động kịch, ngôn ngữ là phương diện góp phần khắc họa tính cách nhân vật; quan trọng hơn, qua việc trao quyền phát ngôn cho các nhân vật một cách đầy dụng ý, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm nhiều bài học dụ ngôn sâu sắc
B.H.Y
——–
1,4, 5: Lưu Quang Vũ (2013), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (tuyển kịch), Nxb Hội Nhà văn, tr.71, 68, 250.
2,3: Lưu Quang Vũ (2003), Tôi và chúng ta, Lời thề thứ chín, Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh), Nxb Sân khấu, tr.278, 279.
6,7, 8: Lưu Quang Vũ, Trái tim trong trắng, Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Lời thề thứ chín… (Tài liệu viết tay do gia đình cố nghệ sĩ cung cấp).
Nguồn: Văn nghệ Quân đội, ngày 28.8.2019.