Soạn bài “Khái quát chung về câu trong tiếng Việt” – Môn Ngữ văn – Lớp 12

0

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Đặng Ngọc Khương (giáo viên môn Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đi soạn bài “Khái quát chung về câu trong tiếng Việt“.

I, Khái niệm.

Câu là một tập hợp từ, ngữ kết hợp với nhau theo những quan hệ cú pháp xác định, được tạo ra trong quá trình tư duy, giao tiếp, có giá trị thông báo, gắn liền với mục đích giao tiếp nhất định.

II. Các thành phần câu.

1.  Các thành phần chính của câu.

a. Chủ ngữ.

  • Là thành phần chính của câu nêu tên sự vật hiện tượng có hành động, đặc điểm, trạng thái,.., được miêu tả ở vị ngữ. Chủ ngữ thường trả lời cho các câu hỏi ai/con gì/cái gì.
  • Chủ ngữ thường là danh từ, đại từ, hoặc cụm danh từ. Đôi khi cả tính từ, động từ, cụm động từ cũng có khả năng làm chủ ngữ.

VD: Lão nhà giàu ngu ngốc ngồi khóc.

Chủ ngữ là “Lão nhà giàu” –  Cụm danh từ.

b. Vị ngữ.

  • Là thành phần chính của câu có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ quan hệ thời gian và trả lời cho các câu hỏi làm gì/như thế nào/là gì?.
  • Vị ngữ thường là động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ, danh từ hoặc cụm danh từ.

VD: Một buổi chiều, tôi ra đứng đầu làng xem hoàng hôn xuống.

Vị ngữ là “ra đứng đầu làng xem hoàng hôn xuống.”

2. Các thành phần phụ trong câu.

  • Trạng ngữ.
  • Định ngữ.
  • Bổ ngữ.
  • Khởi ngữ.

3. Các thành phần biệt lập trong câu.

a. Thành phần tình thái.

VD: Có lẽ,vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.

b. Thành phần cảm thán.

VD: Trời ơi, chỉ còn có năm phút!

c. Thành phần gọi đáp.

VD: Này tên kia, đứng lại ngay cho ta!

d. Thành phần phụ chú.

VD: Việt Nam – một đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên.

II. Phân loại câu.

1. Câu phân loại theo cấu tại ngữ pháp.

a. Câu đơn: 

  • Khái niệm: Câu đơn là câu gồm hai thành phần chính bao gồm chủ ngữ và vị ngữ. Hai thành phần này tạo nên cụm chủ vị làm nòng cốt câu.
  • Chủ ngữ nêu đối tượng được nói đến trong câu, thường do danh từ, đại từ đảm nhiệm. Cũng có khi động từ, tính từ giữ vai trò làm chủ ngữ.
  • Vị ngữ nêu đặc điểm, hoạt động, trạng thái của đối tượng được nhắc đến ở chủ ngữ, thường do động từ, tính từ đảm nhiệm. Có khi danh từ, số từ giữ vai trò làm vị ngữ.

b. Câu rút gọn.

Là câu đơn có một trong hai hoặc cả hai thành phần chính được lược bỏ đi nhưng dựa vào ngữ cảnh, người nghe vẫn có thể hiểu được.

c. Câu đặc biệt.

Là câu do một từ, một cụm từ chính phụ hay đẳng lập tạo nên, không phân chia thành phần câu. Câu vẫn thực hiện chức năng thông báo tương đối độc lập.

Câu đặc biệt gồm hai loại:

  • Câu đặc biệt danh từ: do danh từ, cụm danh từ cấu tạo nên.
  • Câu đặc biệt vị từ: do động từ, cụm động từ hoặc tính từ, cụm tính từ cấu tạo nên.

d. Câu phức.

Câu phức là câu có từ 2 cụm chủ vị trở lên, trong đó có một cụm chủ vị làm nòng cốt, các cụm chủ vị còn lại đóng vai trò làm thành phần trong câu.

Phân loại câu phức:

  • Câu phức thành phần chủ ngữ: có chủ ngữ là một cụm chủ vị.
  • Câu phức thành phần vị ngữ: có vị ngữ là một cụm chủ vị.
  • Câu phức thành phần trạng ngữ: có trạng ngữ là một cụm chủ vị.
  • Câu phức thành phần định ngữ: có định ngữ là một cụm chủ vị.
  • Câu phức thành phần bổ ngữ: có bổ ngữ là một cụm chủ vị.

e. Câu ghép.

Câu ghép là câu có từ hai cucmj chủ vị trở lên, đồng thời các cụm chủ vị có tính độc lập tương đối với nhau: không cụm chủ vị nào bao hàm cụm chủ vị nào.

Phân loại:

  • Câu ghép có quan hệ đẳng lập.
  • Câu ghép có quan hệ chính phụ.

2. Câu phân loại theo mục đích nói.

a. Câu nghi vấn.

  • Dùng để hỏi.
  • Câu nghi vấn thường chứa các từ nghi vấn như: ai, bao giờ, bằng cách nào, để làm gì,…

b. Câu trần thuật.

Dùng để giới thiệu, tả hoặc kể về một sự vật, sự việc.

3. Câu cầu khiến.

  • Dùng để đề nghị, yêu cầu,… người nghe thực hiện hành động được nói đến trong câu.
  • Câu cầu khiến thường chứa các từ có ý nghĩa cầu khiến: hãy, đừng, chớ, nên,..

d. Câu cảm thán.

  • Dùng để bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp.
  • Câu cảm thán thường chứa các từ bộc lộ cảm xúc cao: ôi, trời ơi, eo ơi,…

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn Ngữ văn lớp 12.