Ngữ văn 12 Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống aids

0

Soạn văn bài: Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS ngữ văn 12 này sẽ hướng dẫn các bạn trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa-ngữ văn 12-tập 1, nhằm giúp các bạn có thể chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách hiệu quả.

Ngữ văn 12 Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống aids
Ngữ văn 12 Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống aids

Tham khảo thêm: 

A. Tìm hiểu tác giả

– Cô-phi An-nan sinh ngày 8 – 4 – 1938 tại Gan na là một nước cộng hoà thuộc châu Phi.

– Ông đã bắt đầu làm việc tại tổ chức Liên hợp quốc từ năm 1962 và đã trải qua nhiều cương vị và các chức vụ khác nhau:

Vào năm 1996, ông được đề cử giữ chức Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách giữ gìn hòa bình.

Từ ngày 1 – 1 – 1997, ông đã trở thành người thứ bảy và là người châu Phi da đen đầu tiên được bầu cử làm Tổng thư ký Liên hợp quốc. Với vai trò này, ông đã ra “Lời kêu gọi hành động” gồm 5 điều về đấu tranh chống đại dịch HIV/AIDS và ra sức kêu gọi thành lập Quỹ sức khỏe và AIDS toàn cầu vào tháng 4 – 2001.

– Vào năm 2001, tổ chức Liên hợp quốc và cá nhân ông đã được trao tặng giải thưởng Nô-ben Hòa bình.

B. Tác phẩm

1. Xuất xứ

Văn bản “Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, 1 – 12 – 2003” là thông điệp mà Cô-phi An-nan muốn gửi đến nhân dân thế giới Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 – 12 – 2003”.

2. Bố cục

Gồm 3 phần:

– Phần 1. Từ đầu đến “ứng phó với dịch bệnh này” :nội dung đoạn này nói về vai trò của việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS.

– Phần 2: Tiếp theo đến “im lặng đồng nghĩa với cái chết”: nói về thực trạng phòng chống HIV/AIDS.

– Phần 3: Đoạn còn lại: là lời kêu gọi phòng chống HIV/AIDS.

C. Đọc – hiểu văn bản

1. Những vai trò của việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS

– Đầu tiên, tác giả đã nhắc lại: Cách đây hai năm trước, các quốc gia đã nhất trí thông qua Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS.

– Ý nghĩa:

+ Đề cao được  sự chủ động trong việc phòng chống HIV/AIDS.

+ Qua đó, nó sẽ có tác động đến ý thức trách nhiệm của mỗi quốc gia.

⇒ Cách nêu vấn đề ngắn gọn nhưng khéo léo và tinh tế.

2. Thực trạng của việc phòng chống HIV/AIDS

– Những việc đã làm được:

+ Ngân sách dành cho việc phòng chống HIV/AIDS đã tăng lên một cách đáng kể.

+ Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS, lao, sốt rét đều đã được thông qua.

+ Hầu hết các quốc gia đã xây dựng chiến lược phòng chống HIV/AIDS.

+ Ngày càng nhiều các công ty áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại chính nơi làm việc.

+ Các nhóm từ thiện,thiện nguyện trong cộng đồng luôn đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS và các hoạt động tích cực, phối hợp với chính phủ và các tổ chức khác.

⇒ Ý nghĩa:

  • Ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng to lớn mà các chính phủ, tổ chức xã hội và nhân dân toàn thế giới. Điều đó cho thấy nhận thức và hành động của nhân loại về đại dịch HIV/AIDS đã được quán triệt rất sâu sắc và đã được nâng cao hơn một bước.
  • Có thể động viên, cổ vũ tinh thần cho các quốc gia bước tiếp trên những chặng đường mới.

– Những mặt chưa làm được:

+ Dịch HIV/AIDS vẫn đang hoành hành dẫn đến tỷ lệ tử vong trên thế giới rất cao và chưa có dấu hiệu suy giảm.

+ Tốc độ gia tăng: mỗi một phút có đến 10 người nhiễm HIV.

+ Tuổi thọ của người dân bị giảm sút một cách nghiêm trọng.

+ HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ đáng báo động nhất là ở phụ nữ.

+ Không có khu vực nào là an toàn đối với HIV/AIDS.

+ Chúng ta đã không đạt được mục tiêu đề ra, chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch.

⇒ Ý nghĩa: Nhấn mạnh mặt chưa làm được để từ đó gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ của đại dịch AIDS có thể lây lan trong xã hội là rất lớn.

– Những việc cần nỗ lực làm trong những giai đoạn tiếp theo:

+ Cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết bằng những nguồn lực và hành động cần thiết và thiết thực nhất.

+Trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mình hãy đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu.

+ Công khai lên tiếng nhiều hơn về AIDS.

+ Mọi người không được kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người không may mắc phải HIV/AIDS.

+ Đừng để một ai có suy nghĩ rằng tự bản thân có thể bảo vệ được chính mình bằng cách tự dựng lên các bức tường rào ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ”.

+ Trong thế giới AIDS khốc liệt này không tồn tại khái niệm “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới đó, im lặng là đồng nghĩa với cái chết. Có nghĩa là phải hành động mới có thể chống lại đại dịch AIDS đang đe dọa tới sinh mạng của mọi người trên hành tinh này, không loại trừ một ai.

⇒ Nhấn mạnh những nhiệm vụ cấp bách cần thiết phải làm trong giai đoạn sắp tới.

3. Lời kêu gọi cho việc phòng chống HIV/AIDS

– Các bạn hãy cùng với tôi lên tiếng và hãy dõng dạc về việc phòng chống HIV/AIDS để trong xã hội tương lai không còn sự tồn tại của HIV/AIDS.

– Hãy cùng tôi đạp đổ tất cả các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này.

– Chúng ta hãy sát cánh cùng nhau, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn.

⇒ Lời kêu gọi mang tính thuyết phục rất cao và có sức lay động lớn đến mọi người.

4. Giải đáp các câu hỏi trong SGK

Trả lời bài 1 – trang 82 – sgk – ngữ văn 12 – tập 1.

Bản thông điệp đã nêu lên vấn đề gì? Tại sao lại cho rằng đó là một vấn đề rất cần phải đặt lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mỗi quốc gia và của mỗi cá nhân?

*Gợi ý:

a, Bản thông điệp đã nêu lên vấn đề phòng chống AIDS.

b, Trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân vấn đề này cần phải đặt lên “vị trí hàng đầu “ vì: 

  • HIV/AIDS là vấn đề nóng, cấp thiết của toàn nhân loại và đang đe dọa nghiêm trọng tới con người. AIDS vẫn đang hoành hành, lây lan với tốc độ đáng báo động, nhất là ở những người phụ nữ và có rất ít dấu hiệu suy giảm.
  • HIV/AIDS có thể làm giảm tuổi thọ của người dân một cách nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong ngày càng cao.

Trả lời bài 2 – trang 82 – sgk – ngữ văn 12 – tập 1.

Tìm hiểu một số cách mà tác giả dùng để điểm lại tình hình đã qua. Vị Tổng thư ký Liên hợp quốc đã làm cách nào để cho việc tổng kết tình hình thực tế không chỉ trung thực đáng tin cậy mà nó còn là cơ sở để dẫn tới những kiến nghị mà ông sẽ nêu bên dưới?

*Gợi ý:

a, Cách mà tác giả điểm lại tình hình đã qua

– Ngay từ đầu tác giả đã nhấn mạnh phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS các quốc gia đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS đặt ra các mục tiêu, cam kết, nguồn lực và hành động.

– Tác giả đưa ra một số kết quả đã đạt được như:

  • Ngân sách dành cho việc phòng chống HIV/AIDS đã tăng lên một cách đáng kể.
  • Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS, lao, sốt rét tất cả đều đã được thông qua.
  • Hầu hết các quốc gia đã xây dựng chiến lược phòng chống HIV/AIDS.
  • Ngày càng nhiều các công ty áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại chính nơi làm việc.
  • Các nhóm từ thiện, thanh niên tình nguyện cộng đồng luôn đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS. Tuy nhiên với những kết quả đó thì đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và hiện tại vẫn hoành hành tràn lan dẫn đến tỷ lệ tử vong ngày càng cao, lây lan với tốc độ đáng báo động.

– Tiếp đó, tác giả đưa ra: “Chúng ta đã không hoàn thành tốt được một số các mục tiêu đã đề ra  theo Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS. Cứ với tiến độ như thế này thì vào năm 2005 sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào. Tác giả đã điểm lại tình hình đã qua một cách rất trung thực đáng để tin cậy.

b, Cô-phi An-nan đã đưa ra một số biểu hiện và số liệu cụ thể nhằm thuyết phục người đọc. Đó là:

– Trong những năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi qua có khoảng trên dưới 10 người bị nhiễm HIV.

– Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thì tuổi thọ của người dân bị giảm sút một cách nghiêm trọng.

– HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động nhất là  ở phụ nữ. Giờ đây số phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS đã chiếm tới một nửa trong tổng số người nhiễm trên toàn thế giới.

– Dịch bệnh lan nhanh nhất lại chính ở những khu vực mà trước kia hầu như vẫn còn an toàn, đặc biệt là Đông Âu, toàn bộ Châu Á từ dãy núi A-ran đến Thái Bình Dương.

– Ngoài ra tác giả còn sử dụng từ “ lẽ ra” cho câu mở đầu để làm cơ sở đưa ra kiến nghị ở phía sau của mình.

– Lẽ ra chúng ta phải giảm được ¼  tổng số thanh niên bị nhiễm HIV ở các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

– Lẽ ra chúng ta các chương trình chăm sóc toàn diện phải được triển khai trên khắp mọi nơi.

⇒ Nhận xét: Nghệ thuật lập luận chặt chẽ có sức thuyết phục cao.

Hướng dẫn trả lời bài 3 – trang 83 – sgk – ngữ văn 12 – tập 1.

Trong lời kêu gọi mọi người phải cùng nhau nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn nữa, tác giả đã nhấn mạnh đặc biệt đến điều gì? Từ đấy các bạn cảm nhận được điều gì về con người tác giả, về đặc sắc của bài văn?

*Gợi ý:

– Tác giả đã đặc biệt nhấn mạnh: Thậm chí chúng ta sẽ còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn ra.

– Từ đây có thể thấy: Tác giả là một con người có trái tim nhân hậu, chan chứa tình yêu thương, một tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Ông có cái nhìn sâu rộng đối với sự vận động không ngừng của sự sống toàn nhân loại, ông luôn quan tâm đến vận mệnh của loài người hơn bao giờ hết. Là một con người sống hết mình vì công việc, vì sự ổn định tốt đẹp của toàn nhân loại.

– Bài văn có sức thuyết phục rất lớn.

  • Bài văn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố chính luận với giọng văn trữ tình thấm đượm tình cảm, cảm xúc của tác giả.
  • Với cách lập luận chặt chẽ, đáng tin cậy khi tác giả lần lượt điểm lại tất cả tình hình đã qua, thực trạng của HIV/AIDS và cuối cùng hướng tới kêu gọi mọi người hãy sát cánh cùng nhau để chống HIV/AIDS bởi Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn. Bởi vậy mà bài văn có sức lôi cuốn rất cao.

Hướng dẫn trả lời bài 4 – trang 83 – sgk – ngữ văn 12 tập 1.

Trong bản thông điệp này, những nội dung và câu văn nào đã làm cho bạn thấy xúc động nhất? Vì sao? Qua đó bạn rút ra được bài học nào cho việc làm văn nghị luận của bản thân mình?

*Gợi ý:

a, Các câu văn cảm động

– Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng tự bản thân có thể bảo vệ được chính mình bằng cách tự dựng lên các bức rào ngăn cách giữa chúng ta và họ. Trong thế giới khốc liệt AIDS này không tồn tại khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng là đồng nghĩa với cái chết.

– Hãy cùng tôi đánh đổ các thành lũy của sự im lặng đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử bao vây quanh bệnh dịch này.

b, Bởi vì:

– Đó là những câu văn giản dị, chân thành nhưng lại thiết tha thể hiện tâm huyết của người viết.

– Trong cuộc sống chỉ có tình yêu thương chân thành mới có thể níu giữ con người ta khỏi rơi vào cái xấu, cái ác, chỉ có tình thương mới nâng đỡ con người ta khi lầm lỗi, tiếp sức cho họ vững bước, tự tin trên đường đời. Đối với những người bị bệnh HIV càng cần có tình thương, sự quan tâm động viên, an ủi của mọi người xung quanh. Chỉ khi tất cả mọi người cùng lên tiếng để chống lại HIV/AIDS, mọi người biết thông cảm, biết sẻ chia với những người bất hạnh, lúc ấy cuộc sống mới thật sự dễ chịu, có ý nghĩa thay vì sự dè dặt im lặng vô ích.

c, Bài học rút ra được khi việc làm văn nghị luận

  • Cách lập luận của bài văn chặt chẽ và logic.
  • Với những dẫn chứng hết sức thuyết phục, sát thực.
  • Bài viết thể hiện những tư tưởng, tình cảm, quan điểm của mình một cách rõ ràng. 
  • Lời văn trong sáng, logic, sức thuyết phục cao.

D. Luyện tập ôn luyện kiến thức

Hãy viết một bản báo cáo về tình hình phòng chống HIV-AIDS ở phương em.

*Gợi ý:

a, Mở bài: Giới thiệu về vấn đề tệ nạn xã hội HIV/AIDS ở địa phương.

Ví dụ: Hiện nay HIV/AIDS đang là một căn bệnh thế kỷ, làm cho các nhà chức trách và các chính trị gia phải đau đầu và là mối quan tâm lo lắng của toàn nhân loại. Căn bệnh ấy không trừ bất cứ nơi đâu, không loại trừ ai, mà vấn đề là ở đó ít hay nhiều mà thôi. Trước vấn đề cấp thiết đó ở địa phương, tôi cũng muốn góp tiếng nói của mình để đẩy lùi, phòng chống nó.

b, Thân bài:

– Trong những năm gần đây địa phương tôi cũng không ngừng đưa ra các biện pháp để phòng chống HIV/AIDS.

  • Mở các lớp học tuyên truyền về cách phòng chống HIV/AIDS, nêu lên tác hại to lớn mà HIV/AIDS gây ra cho con người.
  • Tích cực vận động nhân dân không được xa lánh với người bệnh.
  • Đẩy mạnh việc tuyên truyền về nếp sống văn hóa lành mạnh, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật.
  • Tổ chức các hội thi…

– Tuy nhiên HIV/AIDS là một căn bệnh cũng rất khó đẩy lùi ở địa phương. Nguyên nhân:

  • Do một số thanh thiếu niên ngày nay ăn chơi, đua đòi..
  • Hiệu quả của việc tuyên truyền không mang lại kết quả như mong đợi.
  • Việc quản lý nhập cư từ nơi này sang nơi khác làm chưa tốt có khi người đến đem theo HIV/AIDS vào địa phương.
  • Phòng tránh HIV/AIDS không đúng cách.

– Khẳng định chỉ có con đường phòng chống HIV/AIDS, đẩy nó ra khỏi cuộc sống mới làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Vì vậy mỗi người chúng ta phải ra sức đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.

Kết bài: Tình hình phòng chống HIV/AIDS luôn là vấn đề rất nan giải của địa phương, nhưng không vì thế mà địa phương tôi bỏ cuộc , địa phương tôi đang luôn cố gắng nỗ lực để tiêu diệt căn bệnh này.