Top các mẫu mở bài Đò Lèn – Nguyễn Duy siêu hay

0

Bài viết dưới đây Butbi chia sẻ cho các bạn một số mẫu mở bài Đò lèn của Nguyễn Duy trực tiếp, gián tiếp và các mở bài nâng cao dành cho HSG để giúp các bạn có thêm những ý tưởng mới cho lối dẫn dắt người đọc vào bài phân tích của mình, hãy cùng tham khảo nhé.

Top các mẫu mở bài Đò Lèn – Nguyễn Duy siêu hay
Top các mẫu mở bài Đò Lèn – Nguyễn Duy siêu hay

Tham khảo thêm:

1. Các mẫu mở bài Đò Lèn trực tiếp

Mở bài đò lèn trực tiếp mẫu số 1

Bài thơ “Đò Lèn” được Nguyễn Duy viết vào tháng 9 năm 1983, sau đó in trong tập thơ “Ánh trăng” và xuất bản năm 1984. Bài thơ là những dòng thơ nối tiếp nhau như giọng kể tâm tình, thiết tha nói về những kỷ niệm thời thơ ấu hồn nhiên, vui tươi nghịch ngợm của tác giả bên người bà kính yêu, nói về nỗi cực nhọc, vất vả, sự hi sinh, tần tảo và tình yêu thương vô bờ của người bà dành cho đứa cháu bé bỏng cùng nỗi trăn trở, sự ân hận muộn màng của người cháu đã vô lo vô nghĩ, không quan tâm đến bà, khi nhận ra được điều đó thì bà đã đi xa. Tất cả những điều đó được Nguyễn Duy gói gọn trong  35 dòng thơ ngắn ngủi đầy ý nghĩa.

Mở bài phân tích đò lèn trực tiếp mẫu số 2

Bên cạnh sự thành công vang dội của các tác phẩm như: “Ánh trăng”, “Cát trắng”, hay “Đãi cát tìm vàng”,… thì bài thơ “Đò Lèn” của Nguyễn Duy cũng là một tác phẩm đặc sắc, để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng sâu sắc. Bài thơ này được ông viết năm 1983, nhân dịp trở về quê hương, nơi ông sinh ra, nơi ghi lại những kỷ niệm tươi đẹp thời thơ ấu, gợi lại những hồi ức đan xen nhiều buồn vui bên người bà kính yêu.

Mở bài phân tích bài thơ đò lèn mẫu số 3

“Đò Lèn” bài thơ dạt dào cảm xúc chan chứa tình yêu thương của tình bà cháu và những triết lý nhân sinh sâu sắc được gửi gắm qua những câu thơ của Nguyễn Duy. Bản thân Nguyễn Duy là một người sớm mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã sống với bà ngoại, nên cảm xúc của ông về tuổi thơ của mình rất chân thật, gần gũi và nó gắn bó trong suốt quãng đời của ông, chính vì những cảm xúc đó đã tạo ra nguồn cảm hứng bất tận để ông viết lên bài Đò Lèn.

Trong một lần trở về thăm lại quê hương, nhìn lại cảnh vật xung quanh khiến những những kỷ niệm xưa bên bếp lửa và những hình ảnh thân thương khác khi sống bên người bà của mình lại ùa về trong ký ức của tác giả. Những ký ức đó có vui có buồn đan xen và tạo lên những cung bậc cảm xúc lúc thì vui vẻ lúc thì lại trầm buồn sâu lắng.

Các mẫu mở bài Đò lèn gián tiếp

Mở bài đò lèn gián tiếp mẫu số 1

Nguyễn Duy là một trong những cây bút trẻ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Ngay từ khi còn là học sinh phổ thông ông đã bắt đầu viết thơ và đã giành giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Điều độc đáo trong thơ của Nguyễn Duy đó là có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình cùng với chất thế sự đậm đà, nhiều sáng tác là tiếng nói khảng khái, bộc trực đầy ngang tàn mà trầm tĩnh, giàu tính chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc.

Ông là một trong số ít nhà thơ hiện nay góp phần làm mới thể thơ lục bát bằng những khám phá, tìm tòi theo hướng hiện đại, tạo lên nét độc đáo hấp dẫn cho tác phẩm văn học. Viết về quê hương và tuổi thơ, viết về tình cảm bà cháu thiêng liêng Nguyễn Duy đã có một tác phẩm đem lại rất nhiều cảm xúc và sự chiêm nghiệm cho người đọc đó là bài thơ Đò Lèn.

Mở bài phân tích đò lèn mẫu số 2

Những kí ức về tuổi thơ đẹp đẽ, hồn nhiên, vô tư và tình cảm gia đình sâu đậm luôn là những dòng cảm xúc dạt dào chan chứa trong tâm hồn Nguyễn Duy, những xúc cảm này cũng được nhà thơ đưa vào những sáng tác của mình một cách tự nhiên, sâu lắng, điều đó đã để lại những ấn tượng khó quên khi đọc những tác phẩm của ông. “Đò lèn” là một tác phẩm tiêu biểu cho lối cảm xúc này, và đây cũng là bài thơ đặc sắc nhất trong sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Duy. Bài thơ nói về những kí ức vui tươi, tràn đầy niềm hạnh phúc bên người bà hiền từ, giàu tình yêu thương và sự thức tỉnh, hối tiếc, nỗi ân hận muộn màng của người cháu khi xưa đã vô tâm, không quan tâm ,không thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của người bà.

Nguyễn Duy đã mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã sống với bà nên những ký ức thời thơ ấu của ông gắn liền với hình ảnh người bà, những miền kí ức ấy luôn da diết, khắc khoải trong tâm hồn ông. Bài thơ Đò Lèn chính là lời tâm sự, lời trải lòng về tình cảm chân thực nhất mà nhà thơ muốn gửi gắm đến người bà đã mất của mình.

Mở bài phân tích bài thơ đò lèn mẫu số 3

Nguyễn Duy là một cây bút tài hoa, đã từng để lại cho kho tàng văn học Việt Nam rất nhiều tác phẩm đặc sắc như “Tre Việt Nam”; “Ánh trăng”… Mặc dù đến nay nhà thơ đã tuyên bố “Gác bút” nhưng những gì ông để lại cho Văn học Việt Nam, cho những người yêu thơ vẫn rất mới và ấn tượng. Bài thơ “Đò Lèn” của ông là một trong số những tác phẩm đó. Với hơi thơ mộc mạc, xen lẫn chất dân gian truyền cảm, màn độc thoại hoài niệm của nhà thơ về những ký ức đã mê hoặc những ai đọc nó.

Viết về người bà thân yêu cùng những kí ức tuổi thơ, gắn liền với địa danh quen thuộc của quê hương, trong niềm thương tiếc, xót xa, hối hận muộn màng của người cháu nay đã trưởng thành. Bài thơ không chỉ thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu những người thân mà đặc biệt còn để lại những triết lý nhân sinh sau xa mang lại giá trị thức tỉnh rất nhân bản.

Mở bài phân tích tác phẩm đò lèn mẫu số 4

Trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ tuổi thơ chính là quãng thời gian tươi đẹp, trong sáng nhất. Có những tuổi thơ êm đềm, nhẹ nhàng cũng có những tuổi thơ dữ dội, sóng gió nhưng dù thế nào, khi không thể trở lại, mỗi chúng ta vẫn có những phút giây hoài niệm về nó đầy tiếc nuối. Xuân Quỳnh thì thương ổ trứng gà của bà, Tế Hanh lại nhớ con sông quê hương, Bằng Việt thì trở về bên bếp lửa yêu thương… còn Nguyễn Duy thì lại mải miết tìm về một “Đò Lèn” thuở nghe cổ tích.

Cùng với Tre Việt Nam, Ánh trăngm Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, … Đò Lèn là bài thơ được rất nhiều độc giả quan tâm và yêu thích bởi những xúc cảm yêu thương chân thành, gần gũi mà người viết đã phổ một cách tự nhiên trong đó. Cả bài gồm sáu khổ thơ, hai khổ thơ đầu là những kí ức về tuổi thơ vui tươi, hồn nhiên với những trò chơi ngày nhỏ. Hai khổ tiếp theo là nhận thức và cảm xúc của người cháu về những hi sinh thầm lặng của người bà và hai khổ thơ cuối là sự trăn trở, nuối tiếc muộn màng khi không nhận ra sự vất vả, lam lũ và sự hi sinh cao cả mà thầm lặng của người bà.

Các mẫu mở bài Đò lèn nâng cao dành cho HSG

Mở bài đò lèn nâng cao mẫu số 1

Trong đời sống văn học, có những lời văn, câu thơ, khi ta mới đọc một lần chưa thể thuộc được, nhưng lại có cái gì đó ám ảnh ta như một “ma lực” đầy hấp dẫn, tâm trí ta không thể nguôi ngoai khi nghĩ về nó. Bởi lẽ những lời văn, câu thơ ấy đã chạm vào ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn ta, làm rung lên cái phần tiềm thức của tình cảm ấp ủ trong ta lâu nay. Cuộc sống bộn bề, chật vật với những toan tính mưu sinh nhiều khi chẳng còn thời gian để ta tĩnh lặng, sống lại những kí ức đẹp đẽ, vui tươi, những hoài niệm về tuổi thơ khó phai…

Thơ ca của Nguyễn Duy đã làm thức tỉnh tất cả nét đẹp nhân bản ấy trong tâm hồn ta. Nguyễn Duy có cả một mảng thơ dành riêng cho việc thể hiện tâm trạng của mình về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Và Đò Lèn là một bài thơ tiêu biểu cho mảng thơ đó viết về kí ức về bà ngoại trong những năm tháng đầy vất vả, cực nhọc nhưng chan chứa tình yêu thương với đứa cháu nhỏ  khiến ông vô cùng xúc động và khâm phục.

Mở bài nâng cao đò lèn mẫu số 2

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nhận xét rằng: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó“. Có thể nói thơ ca Nguyễn Duy rất độc đáo khi trong những vần thơ ngang tàn, phóng khoáng và hồn nhiên tưởng chừng như không chút gì suy nghĩ, nhưng tận sâu bên trong những vần thơ ấy lại là những ẩn ý chiêm nghiệm, những triết lý sâu sắc về cuộc đời, rất trầm tĩnh và lặng lẽ thấm dần vào tâm hồn người đọc, rồi đột nhiên vỡ ra khiến cho người ta bỗng phải giật mình suy ngẫm lại về những chặng đường, về tình cảm của bản thân trong suốt những năm tháng đã trôi qua. Tiêu biểu nhất cho cái lối viết ấy đó là tác phẩm “Ánh trăng”, chiêm nghiệm, suy ngẫm về sự đổi thay dễ dàng của con người, xấu hổ trước sự thủy chung son sắt của ánh trăng trên cao. Và rồi đến “Đò Lèn” người ta lại càng thấy thấm thía hơn trong nỗi suy tư đầy triết lý với cái vất vả, lam lũ của người bà trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc, cùng với tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ chưa biết nghĩ của người cháu. Để rồi khi lớn lên, đã trưởng thành, đã chinh chiến nhiều nơi, khi đất nước đã độc lập thì bà cũng chẳng còn nữa, người cháu nuối tiếc cũng đã muộn màng.

Mở bài phân tích tác phẩm đò lèn nâng cao mẫu số 3

Cuộc sống có những điều được gọi là hoài niệm, cứ xa xôi vô hình, trừu tượng ; có những hình ảnh được gọi là hồi ức mãi miên man, dằng dặc ; và có những tình cảm lớn lao được gọi là yêu thương luôn ấm nồng sâu sắc thân thương mà thường đi xa rồi người ta mới biết cách gọi tên chúng. Ta gọi chúng như là kỷ niệm, là nỗi nhớ, yêu thương, là hoài niệm,  …

Cuộc đời người ta ngắn ngủi như chiếc lá trên cây, thoáng chốc thôi cũng đủ để cho mầm non chuyển sắc vàng. Người ta lớn lên, bon chen, toan tính với nhau mà sống để rồi biết bao lần tìm lại về tuổi thơ trong những nỗi nhớ xa xăm như thế. Với nhà thơ Nguyễn Duy đó lại là cả một thế giới của “Đò Lèn” – là nơi lắng kết, in dấu những giá trị vĩnh hằng – là bài thơ mà nghe cái tên thôi đã gợi lên trong lòng nhiều suy nghĩ.

Trên đây là tuyển tập những mẫu mở bài Đò lèn – Nguyễn Duy hay, ấn tượng nhất, hi vọng qua đó các bạn sẽ tìm được cho mình một cách mở bài thật đặc sắc cho bài văn của mình.