VẺ NỮ TÍNH VÀ KHÁT VỌNG HẠNH PHÚC ĐỜI THƯỜNG QUA SÓNG – XUÂN QUỲNH

0
Tình yêu – liệu có tiếng gọi nào dễ chạm lay động tới trái tim ta hơn thế. Và đặc biệt khi tình yêu trở thành nguồn cảm hứng muôn thuở trong văn học, thứ tình cảm ấy lại càng dễ khơi lên trong ta những rung động hơn bất cứ điều gì. Từ thuở kinh thi, ta chứng kiến một tình yêu vĩ đại làm nên thế giới loài người giữa Adam và Eva.Hay truyền thuyết phương đông thổn thức bao nước mắt ngáy thất tịch với mối tình bi thương mà đẹp đẽ của Ngưu Lang – Chức Nữ. Cho đến nền văn học Việt Nam, tình yêu vẫn tiếp tục nhịp chảy mạnh mẽ và quẫy đạp trong trang thơ của nữ sĩ họ Hồ, mãnh liệt cuộn trào cùng tâm hồn khát yêu thèm sống của Xuân Diệu…Nhưng khi dạt xa những vĩ đại, bi thương hay cuộn trào, ta còn thấy một tình yêu hiện lên với vẻ đẹp bình dị, đời thường và vô cùng nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Tựa như một lời nhận định: “Thơ XQ in đậm vẻ đẹp nữ tính…Và luôn luôn da diết một khao khát hạnh phúc đời thường”. Và có lẽ “Sóng” chính là lời “tự hát” thể hiện rõ nhất đặc điểm đó trong thơ bà.
Xuân Quỳnh sinh năm 1942 mất năm 1988 – người phụ nữ với tâm hồn mong manh cùng nhiều tổn thương để lại trong kí ức tuổi thơ. Chính bởi điều đó, Xuân Quỳnh luôn mang trong mình một khao khát được yêu thương, được sẻ chia, được hạnh phúc. Đường đời ngắn mà quá đỗi truân chuyên với người phụ nữ vẹn sắc lẫn tài, nhưng những tác phẩm bà để lại đều để lại ấn tượng sâu sắc khó phai trong lòng người đọc. Một trong số đó, “Sóng”-ra đời năm 1967 chính là bức chân dung rõ nét nhất của Xuân Quỳnh mà bà đã giữ trọn hình ảnh của mình trong tâm trí ta cho đến ngày hôm nay.
Cảm nhận từng vần thơ của “Sóng” ta mới thấy được ý kiến trên là vô cùng đúng đắn và sâu sắc. “Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính”, thể hiện rõ ràng và đậm nét vẻ đẹp của một người phụ nữ, một tâm hồn mang đặc trưng vốn có của một người con gái khi yêu. Hơn thế thơ bà còn “luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường” tức là trong bà luôn day dứt, luôn đau đáu về một tình yêu bình dị, thân thuộc mà đẹp đẽ, bền vững trong suốt cả cuộc đời. Ý kiến đã cho nhận những đặc điểm đã trở thành nét riêng độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh để dù “Sóng” có được đặt giữa muôn cây bút khác, ta vẫn có thể nhận ra Xuân Quỳnh từ hơi thở mỗi câu thơ.
Trước hết, bài thơ “Sóng” đã thể hiện toàn bộ vẻ đẹp nữ tính của một người con gái khi yêu trong tâm hồn nhà thơ. Đó là hình ảnh người con gái với đầy đủ cung bậc cảm xúc, đầy đủ tâm trạng thậm chí là những trạng thái đối lập nhau khi sống trong tình yêu của mình:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”.
Những cặp từ đối lập giữa về nghĩa, và câu thơ đối lập nhau về thanh điệu (TTBTB/BBBTT) gợi ra thuộc tính vốn có của những con sóng nhưng khi cảm nhận sâu cảm nhận kĩ ta lại nhận ra hình ảnh của một cô gái trẻ trong đó. Trong lồng ngực cô phập phồng một trái tim yêu khi thì dồn dập những nhịp đập mạnh mẽ, táo bạo, chủ động nhưng lại cũng có khi quá đỗi dịu dàng, ý nhị và e ấp. Khi ta đau, nỗi bi thương sẽ bao phủ, khi ta vui niềm hạnh phúc sẽ đong đầy, nhưng chỉ có khi ta yêu cảm xúc và tâm trạng của ta mới có sự biến đổi phong phú đến vậy. Dẫu là cảm xúc đó có reo vui, thắm thiết hay có khi trót ảm đạm, âu sầu nhưng tất thảy những cảm xúc đó đều vô cùng đẹp đẽ, bởi đó là gia vị không thể thiếu của tình yêu, là món quà đặc biệt đầy vẻ đẹp nữ tính của người con gái khi dám sống hết mình, cháy hết mình vì tình yêu cô có được. Bởi người con gái khi yêu bao giờ cũng mang nhiều suy tư hơn, mang nhiều tâm trạng hơn, vậy nên khi nhìn vào những trạng thái cảm xúc phong phú đó, ta thấy hiện lên một vẻ đẹp nữ tính thuần tuý của bất cứ người phụ nữ nào. Tựa như hình ảnh của muôn cung bậc tình tình yêu của người con gái cũng đã từng được Xuân Quỳnh vẽ nên trong bài thơ: “Thuyền và biển”: “Những đêm trăng…Có bao giờ đứng yên”. Không chỉ là cô gái chất chứa bao cung bậc cảm xúc, vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh còn toát lên khi người con gái đó có phần nũng nịu, đáng yêu. Đó là khi nhân vật trữ tình em khao khát đi tìm hiểu, lí giải về nguồn gốc của sóng hay chính là nguồn cội của tình yêu. Cô gái nhỏ bắt đầu với một tâm thế sôi nổi hào hứng, với sự tự tin của trái tim yêu cháy bỏng. Em muốn đi đến tận cùng chân lí của tình yêu em đang hết lòng nâng niu, muốn tìm về chân trời bắt nguồn của tình yêu giữa anh và em để càng thấu hiểu, càng trân trọng mối tình tốt đẹp ấy. Nhưng chao ôi, tình yêu bao đời nay luôn là hằng số bí ấn chẳng thể nào định nghĩa, chẳng thể nào đóng đếm hay lí giải : “Nhưng em ơi trái tim anh là tình yêu/ Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó/Em là nữ hoàng của vương quốc đó/ Mà em có hay gì về biên giới của nó đâu”. Chính bởi vậy sau khi lí giải được nguồn gốc của sóng là: “Sóng bắt đầu từ gió”, em đã tự thựa nhận một cách vô cùng chân thành và có phần nũng nịu: “Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Đó là đặc quyền mà chỉ có người con gái trong tình yêu mới có được, thừa nhận cái sai đấy nhưng lại trở nên vô cùng đáng yêu, có chút ngang ngược đấy mà lại vô cùng hồn nhiên, dễ mến. Hình ảnh cô gái nhỏ sao có thể hiện lên rõ nét và dễ mến đến thế nếu trang thơ Xuân Quỳnh không “in đậm một vẻ đẹp nữ tính” qua mỗi vần mỗi điệu.
Không chỉ dừng lại ở những cung bậc xúc cảm của người con gái hay sự thú nhận hết sức đáng yêu, vẻ đẹp nữ tính còn toát ra từ cách em thể hiện nỗi nhớ dành cho người yêu mình: “Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu xuôi về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”. Đó là nỗi nhớ được thể hiện một cách gián tiếp, đầy tinh tế và ý nhị. Sự đảo chiều tư duy thông thường để tấm bản đồ địa lí xuôi Nam, ngược Bắc nay đã biến thành tấm bản đồ tình yêu “Xuôi Bắc, ngược Nam”. Qua đó nỗi nhớ của em đã được gửi gắm vô cùng kín đáo rằng dẫu thế giới có xoay vần, đổi thay, có đảo lộn và xô lệch thì nỗi nhớ của em dành cho anh vẫn sẽ luôn vẹn nguyên, luôn đong đầy và không bao giờ thay đổi. Dẫu em có là cô gái yêu mềm và mong manh, nhưng vẫn có thể chống lại sự xoay chuyển của thế giới mà gìn giữ nỗi nhớ anh không bao giờ thay đổi. Tuy không nói trực tiếp là nhớ mà ý nhị bằng từ “nghĩ” nhưng chỉ một từ ấy thôi mà bao tâm tư đã cuộn sóng, bởi nỗi nhớ lúc này lớn đến nỗi không chỉ còn là công việc của riêng trái tim mà tràn đầy lên cả suy nghĩ, tâm tưởng trong mỗi phút, mỗi giây. Như Nguyễn Bính cũng đã từng diễn tả một nỗi “tương tư” trải dài cùng sự biến đổi của thiên nhiên một cách tinh tế qua hai câu lục bát tài hoa bậc nhất văn học Việt Nam: “Ngày qua ngày lại qua ngày/ Là xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Và không còn đơn thuần là nhịp đập của nỗi nhớ, nhận vật em còn hiện lên với nét đẹp nữ tính của người phụ nữ truyền thống Việt Nam cùng lời khẳng định cho sự thuỷ chung, son sắt của mình: “Hướng về anh một phương”. Trời đất dẫu tồn tại 4 phương, 8 hướng liệu còn quá quan trọng không khi la bàn của trái tim chỉ luôn hướng về một phương anh, chỉ luôn dành trọn tâm tư cho anh, luôn đặt anh như một bến bờ mà em sẽ hướng về và mãi hướng về? Thế mới thấy, thơ Xuân Quỳnh hay đặc biệt là “Sóng” chính mà bức tranh được vẽ nên từ màu mực của vẻ đẹp nữ tính, là vườn hoa tâm hồn được ướp hương thơm nồng từ chất nữ tính trong trái tim yêu của tác giả.
Có yêu rồi âu sẽ có sẽ có khát khao được hạnh phúc, yêu thương vì đâu có ai muốn cho đi tình yêu mà không nhận lại tình yêu. Nhưng khao khát hạnh phúc của Xuân Quỳnh còn riêng biệt hơn thế khi hạnh phúc bà mong muốn chỉ là một hạnh phúc đời thường. Để giữ trọn được khao khát ấy, Xuân Quỳnh đã đặt trọn niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, để tình yêu trở thành lẽ sống trong cuộc đời mình. Nhân vật trữ tình em luôn tin rằng: “Ở ngoài kia đại dương/ trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở”, rằng hai người vốn sinh ra để dành cho nhau, sinh ra để kết đôi thành một tình yêu trọn vẹn thì dù bao phong ba cách trở cũng tìm về với nhau nhờ vào sức mạnh của tình yêu, của khát vọng lứa đôi. Và “sóng” và “bờ” không chỉ biểu tượng cho anh và em mà khi hiểu theo nghĩa khác sóng lại tượng trưng cho tình yêu và bờ là bến đỗ hạnh phúc thì ta còn thấy niềm tin ở Xuân Quỳnh còn lớn hơn thế khi bà tâm niệm rằng nếu tình yêu đủ lớn, đủ bao dung và mãnh liệt dù đi qua bao sương gió, đi qua bao nỗi khó khăn, khổ đau vẫn sẽ trở nên viên mãn, hạnh phúc tự thuở ban đầu đơm hoa. Xuân Quỳnh yêu hết mình và cũng luôn tin tưởng bằng cả tâm trí, chỉ có như vậy tình yêu mới luôn bền chặt, sự nghi ngờ hay đố kị chỉ là thứ sâu mọt ăn mòn tình yêu của mỗi người. Thế mới thấy được khao khát hạnh phúc đời thường của Xuân Quỳnh lớn đến nhường nào, để có được hạnh phúc từ tình yêu mình đang có, bà chấp nhận dành trọn mọi niềm tin yêu cùng sự tin tưởng. Nhưng rồi, người phụ nữ bao giờ cũng lắm ưu tư, bao giờ cũng chất chứa những nỗi niềm, hơn nữa là khi đã đặt niềm tin quá nhiều, ắt hẳn sẽ xuất hiện nỗi lo âu. Vậy nên, khao khát hạnh phúc đời thường của nhà thơ còn có cả nỗi âu lo góp vào chút gia vị: “Cuộc đời tuy dài thế/ năm tháng vẫn đi qua/Như biển kia dẫu rộng mây vẫn bay về xa”. Đọc ý thơ lên ta bỗng nghe lòng mình nặng trĩu, dường như có cái gì đó trùng xuống trong tâm trạng nhân vật trữ tình em. Nỗi lo của em không phải sự tầm thường là mối nghi kị giữa hai người mà là nỗi âu lo cho sự hữu hạn của cuộc đời con người. 100 năm tuổi có là gì đâu so với nỗi khát khao hạnh phúc mãnh liệt của thi sĩ, cuộc đời con người đâu thể bao la bát ngát tựa trời xanh, cũng đâu thể rộng lớn mênh mông như biển cả, đến một lúc nào đó cuộc đời sẽ đi đến điểm dừng, và đến khi đó có một điều đau đớn hơn cả là tình yêu cũng sẽ kết thúc, sẽ hoá tro tàn. Chẳng phải thi sĩ của nỗi khát yêu thèm sống – Xuân Diệu cũng đã từng có nỗi lo âu tương tự: “Mau lên chứ vội vàng lên với chứ/ Em Em ơi tình non sắp già rồi” hay ông còn mạnh mẽ khẳng định: “Kẻ đa tình không cần đủ thịt da/ Khi chết rồi tôi sẽ yêu ma” đó hay sao?. Nỗi lo của nhân vật trữ tình em càng lớn bao nhiêu thì ta thấy khát khao hạnh phúc đời thường của Xuân Quỳnh càng lớn bấy nhiêu, nó cứ cồn cào và “bồi hồi trong ngực trẻ” có lẽ chẳng khi nào ngơi nghỉ. Đi từ niềm tin đến sự lo âu, trăn trở, nỗi khát khao hạnh phúc đời thường trong bà lúc này còn trở nên lớn hơn bao giờ hết, trở thành nỗi khát khao vượt xa cả tầm với của một người phụ nữ bình thường đó chính là khát vọng bất tử hoá tình yêu. Câu hỏi: “Làm sao được tan ra?” vừa thổn thức vừa day dứt trong lòng người đọc bao suy tư. Bà luôn muốn được “tan ra”, được hoà mình vào biển lớn của tình yêu muôn thuở để giữ trọn tình yêu của nhà thơ sẽ không bao giờ phôi phai, nhạt nhoà theo dòng chảy thời gian. Vì cách duy nhất để giữ nguyên vẹn một giọt nước chính là thả giọt nước ấy vào đại dương xanh. Chỉ khi tình yêu nơi Xuân Quỳnh được bất tử hoá thì hạnh phúc đời thường bà mong ước mới có thể ở mãi bên cạnh bà, trường tồn và lan toả cho dù cuộc đời tuy chẳng vô hạn và tháng năm dẫu có đổi thay. Có lẽ không chỉ là ước muốn “Để ngàn năm còn vỗ” mà còn là hàng triệu năm sau hay rất nhiều năm sau đó, sóng vẫn ào ạt xô bờ và khao khát hạnh phúc đời thường của Xuân Quỳnh vẫn sẽ tồn tại mãi mãi như một minh chứng sống của tình yêu mãnh liệt đến thế hệ sau này.
“Vẻ đẹp nữ tính in đậm” và niềm khao khát hạnh phúc đời thường trong bài thơ đã chạm tới những cõi miền sâu thẳm nhất trong lòng người đọc và kí gửi vào đó những dấu ấn khó phai. Nhưng nếu nội dung đẹp đẽ mà thiếu đi đôi cánh của nghệ thuật thì cũng thật khó để mang một sức sống lâu bền. Sở dĩ, qua bao năm “Sóng” vẫn ào ạt trong tâm hồn người là bởi cách vận dụng nghệ thuật trong thơ của Xuân Quỳnh. Bà đã tạo nên cho bài thơ một cấu tứ độc đáo khi lấy những đặc điểm, chi tiết của sóng để tạo nên một trường liên tưởng với tình cảm cảm xúc của một người con gái say đắm trong tình yêu. Sóng và em khi thì tồn tại song song, khi thì đan cài hoà quyện tạo nên sự nhịp nhàng, uyển chuyển cho bài thơ. Cùng với đó trong bài thơ sử dụng nhuần nhuỵ những biện pháp tu từ ẩn dụ và nhân hoá khiến cho em và sóng tưởng chừng vốn không có điều gì kết nối đến nhau lại hoà hợp, gắn kết đến lạ kì. Tất thảy những nét nghệ thuật tuy chẳng cầu kì, hoa mĩ mà vô cùng mộc mạc, giản dị ấy đã tạo nên một “Sóng” rất riêng để cho dù đặt cạnh những bài thơ cùng đề tài như “Biển” của Xuân Diệu hay “Chút thơ tình ng lính biển” của Hữu Thỉnh thì vẻ đẹp nữ tính và nỗi khát khao hạnh phúc của Xuân Quỳnh vẫn hiện lên nổi bật và không trộn lẫn.
Khi trang sách đóng lại sự sống mới thực sự bắt đầu. Và có lẽ sự sống của “Sóng” hay Xuân Quỳnh ta cảm nhận được sau khi đọc tác phẩm chính là những gì được viết trong nhận định: “Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính…và luôn luôn da diết trong khát khao về hạnh phúc đời thường.”