Tuyển sinh vào 10 bằng bài thi tổ hợp: Bậc phụ huynh nghĩ gì?

0

Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định sẽ áp dụng hình thức thi tuyển sinh lớp 10 bằng bài thi tổ hợp vì học sinh sẽ được học và thi đều tất cả các môn. Teen 2k3 cùng xem các bậc “phụ mẫu” của mình nghĩ gì về điều này nhé!

Giúp học sinh học “toàn diện”

Theo thông tin mà Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố, từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học). Tổ hợp thi sẽ do Sở GD-ĐT Hà Nội chọn và công bố vào cuối tháng 3 hàng năm.

Trước thông tin này nhiều phụ huynh tỏ ra đồng tình với quyết định mới của Sở GD-ĐT, đặc biệt đối với những phụ huynh sắp có con nhỏ một vài năm nữa bước vào kì thi THPT.

Học sinh trường trung học Phổ Thông Nguyễn Tất Thành trao đổi bài tập trước lúc vào lớp. Nguồn: dantri

TOPCLASS10  GIẢI PHÁP HỌC TẬP TOÀN DIỆN DÀNH CHO 2K8

✅ Chuyển cấp nhẹ nhàng, chinh phục mọi bộ SGK - Bứt phá điểm 9,10

✅ Mô hình học tập 4 bước toàn diện: HỌC - LUYỆN - HỎI - KIỂM TRA

✅ Đội ngũ giáo viên luyện thi hàng đầu 16+ năm kinh nghiệm

✅ Dịch vụ hỗ trợ học tập đồng hành xuyên suốt quá trình học tập

Theo chị Lê Thị Ngọc (quận Đống Đa, Hà Nội): “Tôi thấy quyết định của Sở GD-ĐT Hà Nội là thi 2 môn bắt buộc và thi các môn tổ hợp rất hợp lí nhưng phải có lộ trình để có thời gian chuẩn bị đầy đủ.

Tôi nghĩ nên thi như thế để học sinh học được đầy đủ kiến thức không thể chỉ có toán, văn không thôi là đủ, khi hỏi lịch sử, địa lý không biết. Các em phải hiểu hết kiến thức xã hội rồi mới đi sâu một môn cụ thể.

Nếu học như hiện tại, các em chỉ biết một vấn đề mình nghiên cứu, còn vấn đề về xã hội cũng không biết. Ngày xưa thế hệ chúng tôi cũng học tất cả các môn như thế không hề có vấn đề gì áp lực về thi cử cả”.

Chị Ngọc chia sẻ thêm, việc học và thi như thế không gì là áp lực đối với các con cả, vì thời gian của các con ngày nay phần lớn dành cho mạng xã hội, việc thi nhiều môn sẽ giúp các con tạo áp lực cho mình và dành nhiều thời gian tìm hiểu về các môn tổ hợp để biết nhiều hơn về tự nhiên và xã hội.

Ngoài giờ vào lớp các bạn giúp đỡ nhau ôn bài tập để chuẩn bị cho kì thi tới. Nguồn: Dantri

Cũng tỏ ra đồng tình về quyết định mới của Sở GD-ĐT, chị Nguyễn Thanh Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vui vẻ cho hay: “Ngoài các môn thi bắt buộc phải thi các môn tổ hợp như thế thực ra các con học nặng hơn nhưng chứng tỏ thực chất các con có học đều các môn hay không. Thi tổ hợp như thế giúp học sinh học đều hơn, tuy nhiên cho các con vừa học, vừa chơi sẽ tốt hơn. Theo tôi, học gì thi đấy cũng rất tốt”.

Tỏ ra tin tưởng với quyết định mới của Sở GD-ĐT Hà Nội, chị Hoa hy vọng sẽ có một cuộc đột phá hơn trong mỗi kì thi cho các con, để giảm phần áp lực mà các con vẫn có tinh thần học đều không chểnh mảng hay phân biệt các môn chính – phụ.

Với cơ chế học tủ học lệch như hiện nay thì phụ huynh vẫn hy vọng để biết thêm kiến thức xã hội và tự nhiên học sinh rất cần có những bài thi tổ hợp toàn diện để tránh học lệch và kiểm tra được kiến thức tất cả các môn của học sinh.

Chị Phùng Thị Nga (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) là tiểu thương nhỏ buôn bán tại Hà Nội. Hiện chị đang có con gái đang học lớp 8 ở quê và dự tính sẽ đưa con lên Hà Nội học lớp 9 để sang năm dự tuyển thi lên lớp 10.

Chị Nga cho biết, con sẽ được học sâu hơn nhiều môn nếu thi tổ hợp: “Nhiều lần về nghe con gái kể ở trường có nhiều hôm những môn phụ như Giáo dục công dân hay Địa lí các thầy cô thường cho tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài trời chứ không giảng dạy vì cho đó là môn không thi tuyển không cần học gì nhiều”.

Lo lắng áp lực học và thi quá tải

Trái với ý kiến của nhiều phụ huynh muốn học sinh được học đều tất cả các môn, nhiều bố mẹ tỏ ra “không mấy hài lòng” vì sợ áp lực học và thi quá tải cho học sinh nếu theo cơ chế thi mới này.

Không ít phụ huynh cho rằng, việc phải thi thêm các môn tổ hợp trên cùng bài thi liệu có đánh giá đúng được năng lực thực sự cho học sinh vào chọn khối trong trường cấp 3 được không.

Thắc mắc trước quyết định mới này, anh Nguyễn Viết Quân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Theo như quyết định của sở, các con sẽ phải chịu áp lực thi cử rất nhiều môn nữa ngoài môn thi tự luận chung. Gia đình tôi hiện đang có con nhỏ học lớp 8, thấy việc học thêm Tiếng Anh, học Võ, học bơi rồi học thêm rất nhiều lớp ngoại khóa…, về kĩ năng như thế là quá ổn, kiến thức bị nhồi nhét vào thi cử quá cũng không hề có chất lượng”.

Cùng quan điểm và lo lắng, chị Nguyễn Thị Hồng Mến (cũng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con sắp thi vào lớp 10 chia sẻ: “May mắn con mình năm nay thi lên cấp 3. Theo tôi, việc vào lớp 10 là nền tảng để học sinh chọn khối thi vào đại học.

Hiện con tôi vào cấp 3 sẽ học khối tự nhiên và học thêm tiếng Anh, các môn như Địa lí, Giáo dục công dân… Tôi nghĩ chỉ cần học chứ không cần thi. Thời gian ngày càng hạn hẹp, sao bắt các con phải áp lực thi cử quá nhiều?”.

“Thi thêm các môn tổ hợp đồng nghĩa với việc con tôi phải cần thêm gia sư ở tất cả các môn vì từ trước nay con quen với việc học luôn có gia sư kèm, vậy gia đình tôi sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí học cho con, tiền học ôn ở trường, tiền gia sư như thế rất tốn kém lắm!” – chị Nguyễn Hồng Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) không giấu nỗi những trăn trở của mình khi năm tới chi phí học tập cho con sẽ tăng cao.

Nguồn: Dantri