3 kinh nghiệm ‘xương máu’ từ các anh chị trượt đại học teen 2k1 phải biết

0

Khi học hỏi kinh nghiệm ôn thi THPTQG, hầu hết teen thường tìm đến các “cao thủ” như thủ khoa, á khoa. Thế nhưng, kinh nghiệm rút ra từ những anh chị thi trượt rồi thi lại mà thành công mới thực sự là “xương máu”, bởi nó phải đánh đổi bằng cả nước mắt và thời gian…

1. Kinh nghiệm thứ nhất: Học quá nhiều -> Trượt

Tâm lý sợ trượt, sợ điểm thấp không đỗ được trường đại học trong mơ khiến teen 2k1 có xu hướng phải học sao cho thật nhiều thì mới an tâm. Thế nhưng, có một nghịch lý là: Cố gắng học quá nhiều thì trượt.

Bạn Đỗ Tuấn Anh (Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội) chia sẻ: “Năm thi đầu mình đã trượt đại học vì thấp điểm môn Hóa. Trước đây, mình luôn bị môn học này làm khó dễ nên trước kỳ thi đã đăng ký học thêm đến 2 lớp với hy vọng bổ sung kiến thức càng nhiều càng tốt. Không ngờ việc học nhồi nhét như thế khiến mình lờ đờ với các công thức, bối rối trong cách giải và bị stress trong ngày thi chính thức. Rút kinh nghiệm khi thi lại, mình cứ học từ từ nhưng học đến đâu chắc đến đấy, và mình đã đỗ”.

Kiến thức không phải mớ rau để bạn thích là có thể mua nhiều hay ít, muốn tích lũy kiến thức để xây nền tảng vững chắc thì phải học chậm, học chắc. Bạn càng tham lam, càng muốn ôm đồm nhiều kiến thức thì càng vô dụng, chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”.

Trượt đại học
Nguồn: www.upressonline.com

2. Kinh nghiệm thứ hai: Học quá khuya -> Trượt

Khi biết đề thi THPTQG 2019 có nội dung kiến thức của cả lớp 10, lớp 11lớp 12 thì bạn có nghĩ ngay đến việc thức khuya như “cú đêm” để luyện thi không? Nếu có thì phải “khai tử” ngay tư tưởng đó đi nhé.

Hãy lắng nghe chia sẻ từ bạn Nguyễn Hiền (Đại học Luật Hà Nội): “Mình là thí sinh theo khối C nên phải đạt điểm đầu vào thật cao mới có thể dành suất vào đại học. Vì thế, mình thường cố thức khuya để học, nhiều khi ngồi đến 1-2 giờ sáng rồi chợp mắt đến 6 giờ lại tới lớp. Năm đó, đến ngày thi sức khỏe mình suy kiệt, mình muốn hét lên vì vào phòng thi mà đầu óc cứ mơ hồ, quên hết những gì đã học. Dĩ nhiên, mình tạch, nhưng đã có kinh nghiệm nên khi ôn lại mình giải quyết hết mọi việc trong ngày và không thức khuya nữa nên đã đỗ ngay vào năm sau đó”.

Bạn đã thấy sự lợi bất cập hại của việc thức khuya chưa nào?

Để không phải thức khuya “cày bài” thì khi học đến đâu hãy hệ thống hóa kiến thức đến đó. Bạn phải luôn duy trì việc học đều đặn, học đến đâu chắc đến đó chứ không được để sát ngày thi mới thức đêm mò hôm để học.

Bằng cách này bạn sẽ có thể sắp xếp việc học tập và nghỉ ngơi thật điều độ mà vẫn trang bị đầy đủ kiến thức cho kì thi THPTQG 2019.

Kinh nghiệm của anh chị trượt đại học
Nguồn: adayroi.com

3. Kinh nghiệm thứ 3: Coi thường sách giáo khoa -> Trượt

Không phải ngẫu nhiên mà các thủ khoa thường nói: “Em thường học trong sách giáo khoa”. Sách giáo khoa là tài liệu quen thuộc nhất với học sinh, là nơi chứa kiến thức cơ bản chuẩn nhất và trọng tâm nhất. Mọi kiến thức nâng cao trong sách tham khảo đều có tiền đề là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Do đó, đừng vội học nâng cao khi chưa hiểu hết sách giáo khoa.

Bạn Hồ Kim Liên (Đại học Hà Nội) tâm sự: “Hồi đó, ôn thi lần đầu mình mua đủ loại sách nâng cao về học mà ngó lơ sách giáo khoa. Hổng kiến thức căn bản nên mình đã trượt. Sang năm sau mình cố gắng nắm vững kiến thức từ các bài giảng trong sách rồi mới bắt tay vào làm các dạng bài điển hình, ở mức độ cơ bản trước nhằm ghi nhớ những kiến thức, cấu trúc căn bản nhất để tạo bước đệm cho việc học những phần phức tạp hơn”.

Teen 2k1 hãy “ghi lòng tạc dạ” những kinh nghiệm ôn thi xương máu trên để xây dựng kế hoạch học chậm, học chắc nhằm chinh phục kỳ thi THPTQG 2019 nhé!

Học từ những thất bại của người khác bạn sẽ hạn chế tối đa những bước đi sai lầm cho bản thân.

Chúc bạn học tập hiệu quả!