Dân gian xưa có câu: Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Cùng điểm qua 4 tác phẩm kinh điển của văn học 10 cần đặc biệt chú ý trong kỳ 2 này để “thi đâu thắng đấy” nhé teen 2k2.
1. Phú sông Bạch Đằng – Trương Hán Siêu
Tác phẩm kinh điển đầu tiên mà các bạn được học trong chương trình văn học 10 kỳ 2 này sẽ mở ra cho bạn một chân trời tri thức mới. Để “ngấm” được tác phẩm này bạn phải có những hiểu biết cơ bản về tác giả Trương Hán Siêu, thể loại phú, nội dung và nghệ thuật của bài phú.
Về tác giả, Trương Hán Siêu là một môn khách học vấn uyên bác của Trần Hưng Đạo và rất được các vua Trần trọng dụng. Thể phú là một thể loại văn học du nhập vào nước ta trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt – Trung thời kỳ trung đại. Bạn có thể hiểu nôm na phú là việc sử dụng văn vần để tả cảnh ngụ tình.
Phú sông Bạch Đằng là dòng hoài niệm và suy ngẫm về chiến công lịch sử oanh liệt của ông cha xưa và gửi gắm tình nồng nàn yêu nước của tác giả. Trương Hán Siêu đã tái hiện không khí chiến thắng oai hùng và tinh thần bất khuất trong các trận đánh này thông qua nghệ thuật sử dụng thủ pháp liên ngâm kết hợp trữ tình hoài cổ, tự sự tráng ca và các điển tích, điển cố.
2. Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi
Để hiểu tất – tần – tật tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với lòng yêu nước, yêu độc lập và niềm tự hào dân tộc thì teen 2k2 phải nắm chắc về tác giả, tác phẩm, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Đại cáo Bình Ngô” trong văn học 10.
Về tác giả, Nguyễn Trãi là một nhân tài kiệt xuất của dân tộc, không những phò tá Lê Lợi đánh thắng giặc ngoại xâm và lên ngôi vua mà còn sáng tác một kho tàng văn thơ đồ sộ để thế hệ mai sau thừa kế. Thế nhưng lúc cuối đời gia tộc của ông lại bị hàm oan trong vụ án Lệ Chi Viên và bị tru di tam tộc.
Giống như thể phú, thể cáo là một loại hình văn học phổ biến trong thời kỳ trung đại. Hiểu một cách đơn giản hơn thể cáo là văn nghị luận cổ đại mà thường được các bậc vua chúa, thủ lĩnh dùng để tuyên bố một việc gì đó trước toàn dân thiên hạ.
“Bình Ngô đại cáo” là bản anh hùng ca tổng kết toàn bộ cuộc kháng chiến từ việc vạch tội quân Minh đến khi dấy binh khởi nghĩa và giành thắng lợi; từng được xưng tụng là bản tuyên ngôn độc lập sáng ngời tư tưởng yêu nước, nhân nghĩa và khát vọng hoà bình. Nguyễn Trãi đã sử dụng nghệ thuật cáo trạng với những câu văn đầy cảm xúc, giàu hình tượng kết hợp với sự linh hoạt trong nhịp điệu để gợi tả sự căm phẫn tội ác tày trời của quân Minh và tinh thần bất khuất sẵn sàng hi sinh vì non sông gấm vóc của nghĩa quân Lam Sơn.
3. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Nguyễn Dữ
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên trong văn học 10 được trích từ tuyển tập “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ.
Tác phẩm này kể về nhân vật Ngô Tử Văn – một người khảng khái, chính trực, trong mắt trong dung được thứ gian tà. Nhân vật này là đại diện cho tinh thần chống giặc ngoại xâm dân tộc ta vì đã dám quật mộ tên tướng giặc đã hiếp đáp vị Thổ thần nước Việt. Sau mấy hồi kiện cáo thì Ngô Tử Văn đã vạch trần được tên xảo trá kia trước Diêm Vương và bảo vệ lẽ phải và được làm phán sự đền Tản Viên.
4. Các đoạn trích của Truyện Kiều – Nguyễn Du
“Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là Truyện kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã sớm đi vào tiềm thức của người Việt với những câu thơ lục bát khắc họa cuộc đời đầy phong ba của nàng Kiều xinh đẹp.
Những đoạn trích của truyện Kiều trong văn học 10 là các đoạn khá tiêu biểu nên bạn cần chú ý vì rất dễ xuất hiện trong các đề thi, kiểm tra. Bạn hiểu nỗi buồn, sự khó xử của nàng Kiều trong đoạn “Trao Duyên” hay nỗi bi thương trong suốt đoạn “Nỗi thương mình”. Bạn còn được hòa vào không khí lãng mạn và cảm nhận một chút vui vẻ hiếm hoi trong cuộc đời Thúy Kiều ở đoạn “Thề Nguyền”. Chưa hết, bạn còn được gặp Từ Hải và hiểu những tư tưởng của người hảo hán trong đoạn “Chí khí anh hùng”.
Trên đây là sơ lược về cách học các tác phẩm trọng tâm của Ngữ Văn 10 học kỳ 2. Chúc teen 2k2 có một học kỳ thành công rực rỡ với môn học này.
Nếu bạn gặp khó khăn với Ngữ Văn 10 học kỳ 2 thì có thể tìm “phao cứu sinh” trong khóa HỌC TỐT 10 của các thầy cô HOCMAI nhé. Chi tiết teen 2k2 hãy xem Ở ĐÂY. |